12 novembre 2018

HAI NGỘ NHẬN VỀ NHẬT BẢN.

Phạm Nguyên Trường

Nhật Bản và Việt Nam tuy cùng ở châu Á, có thời cùng học và cùng dùng chữ Hán để ghi chép; nhưng đây là hai dân tộc khác hẳn nhau.



Ngộ nhận 1: Cho rằng Nhật Bản và Việt Nam là những nước đồng văn.

Đúng là trong một thời gian dài người Việt Nam và người Nhật Bản đều học Hán văn và dùng chữ Hán để ghi chép.


NHƯNG:

Fujiwara Masahico, trong tác phẩm Phẩm cách quốc gia, viết: “Chỉ cần nhìn vào văn học, nơi thể hiện mức độ trưởng thành của văn hóa cũng không đếm hết được các tác phẩm như Vạn diệp tập, Cổ kim tập, Makura no Soshi, Câu chuyện Genji, Tân cổ kim tập, Phương trượng kí, Tsurezuregua… Tôi nghĩ rằng nếu so sánh các tác phẩm văn học ra đời trong 10 thế kỉ này thì số lượng và chất lượng của các tác phẩm văn học do một nước Nhật sản sinh ra còn có ưu thế về số lượng và chất lượng hơn cả các tác phẩm do toàn bộ châu Âu cộng lại”( trang 16-17). Số tác phẩm do người Việt Nam làm ra ít đến nỗi chẳng muốn thống kê.

Trong khi người người Việt và người Nhật đều theo đạo Khổng mạnh, nhưng, như Phan Khôi từng viết: người Nhật “không theo cái học khoa cử, không bắt chước làm những kinh nghĩa, thi, phú là thứ văn chương vô dụng. Sĩ phu của họ không bị cái bả vinh hoa của cử nhân tiến sĩ làm cho mê muội… Lại thêm, người Nhật theo văn hóa Tàu mà những cái dở cái mê muội của người Tàu họ không chịu theo. Tức là người Nhật không tin địa lý, cũng không tin quỷ thần, đốt vàng mã. Nhờ đó, trong tư tưởng của họ không vướng víu những cái tối tăm dơ bẩn cần phải mất thời giờ để gột sạch đi rồi mới hấp thụ được cái hay cái tốt” (Nhật Bản duy tân 30 năm, trang 9).

CHO NÊN, trong tác phẩm Sự va chạm giữa các nền văn minh, Sumuel Huntington (1927-2008), một trong những nhà chính trị học hàng đầu trên thế giới, đã đưa Nhật Bản thành một trong 8 nền văn minh, bên cạnh nền văn minh Khổng giáo Trung Quốc.



TỨC LÀ VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN KHÁC NHAU RẤT XA, ĐỒNG VĂN CHỈ LÀ HÌNH THỨC BÊN NGOÀI MÀ THÔI.

Ngộ nhận 2: Nguyễn Trường Tộ có thể làm như Fukuzawa Yukichi.

Nguyễn Trường Tộ (1830-1871). Tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ bao quát trên mọi lĩnh vực, nó được chứng minh qua 58 bản điều trần mà ông gửi lên triều đình nhà Nguyễn trong vòng 8 năm, từ 1863 cho đến khi ông qua đời vào năm 1871.

Trí tuệ của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỉ XIX ở Việt Nam. Vua Tự Đức tuy đã có lúc triệu ông “vào kinh để hỏi việc lớn” và phái ông sang Pháp thuê thẩy thợ, mua sách vở, máy móc, định du nhập kỹ thuật (năm 1866 – 1867), nhưng nói chung, triều đình nhà Nguyễn cũng như các nho sĩ, văn thân thời ấy chưa hiểu nổi luồng tư tưởng của ông, nên chưa coi trọng đúng mức những kiến nghị cách tân của ông.

Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Với kinh nghiệm học được từ người phương Tây qua sách vở và những chuyến thị sát, ông đã nhiệt huyết truyền bá những tư tưởng tiến bộ bằng mọi phương tiện: dịch sách, viết báo, giảng dạy. Ông đã tách mình ra khỏi biến động chính trị cuối thời Mạc phủ Edo, chú tâm vào việc giáo dục, phổ biến những giá trị Thái Tây. Tài năng văn chương trác việt khi diễn đạt tầm nhìn sâu rộng và nhận xét sắc bén của ông đã lôi cuốn sự chú ý của giới trí thức lẫn bình dân. Bản thân ông đã tiên phong nêu gương đề cao tinh thần độc lập, thực học, và bình đẳng.

Ông đã để lại trước tác với số lượng lên tới hàng vạn trang, trong đó tiêu biểu phải kể đến là Gakumon no susume (Khuyến học), Bunmeiron no gairyaku (Bàn về văn minh), Seiyō jijō (Tây Dương sự tình), Fukuō Jiden (Phúc ông tự truyện) v.v.

Như vậy là, Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi là những người cùng thời với nhau. Nhưng trong khi Nguyễn Trường Tộ chỉ làm “công tác vận động triều đình", thì Fukuzawa Yukichi lại chuyên tâm vào “công tác vận động quần chúng”.

Có người cho rằng đấy là nguyên nhân thất bại của Nguyễn Trường Tộ.

Nói thế chẳng những là sai, mà còn chứng tỏ người nói không hiểu hoàn cảnh của hai nước.

NHẬT BẢN: 
Fujiwara Masahico, trong tác phẩm Phẩm cách quốc gia, viết: “Ngay cả khi suy nghĩ về thời Edo (1603-1868, PNT) thì cũng thấy tỉ lệ người biết chữ ở Nhật cũng đứng đầu thế giới. Người ta nói rằng tỉ lệ người biết chữ vào cuối thời Edo là khoảng 50%... Trong khi đó, ở London, hiện đại hơn, chỉ có 20% dân số biết chữ”( trang 232). Ở một chỗ khác ông còn viết: “Khi tới Nhật bản, cho dù là Anh hay Mĩ, nếu như thật sự muốn biến Nhật Bản thành thuộc địa thì chắc chắn họ sẽ làm được. Tuy nhiên khi người Anh tới Edo (khu vực, PNT) nhìn thấy thị dân đứng đọc sách chỗ này chỗ kia, họ đã từ bỏ ý định đó với ý nghĩ “không thể biến nước này thành thuộc địa" (trang 236).

VIỆT NAM:
Tài liệu chính thức thường nói: “Sau ngày 2/9/1945, chính quyền nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đối mặt với nhiều khó khăn, nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm bủa vây tứ phía. Đặc biệt, có đến 95% dân số không biết chữ” (chữ quốc ngữ - PNT). Có người cho rằng 95% dân không biết chữ là cố ý thổi phồng, nhằm làm mất uy tín chế độ thuộc địa. Có thể như thế. Nhưng cách đó 100 năm, tức là giai đoạn Nguyễn Trường Tộ dâng các bản điều trần lên vua Tự Đức, chữ quốc ngữ chưa phổ biến và có nhiều khả năng là hơn 95% người dân không thể đọc và không thể hiểu được những điều Nguyễn Trường Tộ trình bày, bằng chữ Hán.

KẾT LUẬN: Nguyễn Trường Tộ không thể làm “công tác vận động quần chúng”như Fukuzawa Yukichi vì dân trí quá thấp.

Người ta nói rằng tác phẩm Bàn về tự do của John Stuart Mill, xuất bản ở Anh năm 1859 thì chỉ 5 năm sau đã được dịch sang tiếng Nhật và chỉ mấy năm đã bán được tới 2 triệu bản. 2 triệu bản có thể là nói quá, nhưng 200 ngàn bản cũng là con số khủng khiếp rồi. Vì, 150 năm sau tác phẩm này mới được dịch sang tiếng Việt và với dân số hơn 90 triệu người, gần 20 ngàn nhà báo, hàng triệu người đang học và đã tốt nghiệp đại học mà trong hơn một chục năm qua có lẽ chưa bán được 20 ngàn bản.

Đấy là con số rất đáng lo.

Như vậy là, Nhật Bản và Việt Nam tuy cùng ở châu Á, có thời cùng học và cùng dùng chữ Hán để ghi chép; nhưng đây là hai dân tộc khác hẳn nhau. Chớ có ngộ nhận.