03 novembre 2018

Trung Quốc toan tính gì sau tuyên bố khai trương vài trạm khí tượng ở Trường Sa?


Tiến sỹ Trần Công Trục
 

(GDVN) - Đây là một hoạt động phi pháp, phía Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Taiwannews.com.tw, ngày 01/11/2018 đưa tin: Hiệp hội khí tượng Trung Quốc (CMA) đã công bố, ngày 1 tháng 11 chính thức khai trương một số trạm thời tiết được xây dựng rải rác khắp quần đảo Trường Sa. 

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cũng thông báo rằng việc xây dựng đài quan sát khí quyển Trung tâm Nam Sa (Nam Sa là tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã hoàn thành, bao gồm 15 chỉ số riêng biệt về các hiện tượng khí tượng khác nhau, cung cấp một cơ sở quan trọng để cải thiện quan sát khí tượng biển trong khu vực. 

Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, Biển Đông, nơi Trung Quốc đặt trạm khí tượng thủy văn (Ảnh vệ tinh do CISIS công bố ngày 29/06/2017).



Dữ liệu thu được từ các cơ sở có thể cung cấp thông tin quan sát hiện tại và cảnh báo sớm cho những sự kiện thời tiết khắc nghiệt...

Các trạm thời tiết này sẽ cung cấp thông tin kịp thời và đáng tin cậy về chất lượng không khí xung quanh vì lợi ích của các quốc gia giáp Biển Đông, phát hiện khí nhà kính và các thành phần không khí độc hại khác…


Câu hỏi đặt ra là liệu việc phía Trung Quốc công bố chính thức khai trương các trạm khí tượng đặt ở quần đảo Trường Sa vào lúc này có phải chỉ nhằm mục đích bảo vệ môi trường, phục vụ cảnh báo những thảm họa xuất phát từ biển và đại dương hay còn nhằm phục vụ cho những toan tính khác?

Chúng tôi xin được nêu lên một số ý kiến nhận xét sau đây:

Về lĩnh vực khoa học khí tượng thủy văn, về đối phó với những biến đổi khí gây tác hại nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài người... việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm khí tượng là việc làm đáng được đề cao, cần được nêu gương và khuyến khích.

Tuy nhiên, nếu các trạm khí tượng được Trung Quốc xây cất, lắp đặt ở trong phạm vi lãnh thổ của mình hoặc ở trong lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia khác, sau khi được các quốc gia khác đó cho phép thì có lẽ chẳng có gì phải bàn cãi.

Điều đáng nói là trạm khí tượng nói trên được Trung Quốc xây dựng lại nằm trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam. Đó là các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa do Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1988, sau đó đã biến chúng thành các đảo nhân tạo.

Đây là một hoạt động phi pháp, phía Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Trong Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp phức tạp, việc Trung Quốc tiếp tục lắp đặt và đưa các trạm khí tượng vào hoạt động còn là hành vi vi phạm nội dung Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC), đi ngược lại những cam kết, thỏa thuận “giữ nguyên hiện trạng” ở Biển Đông mà Trung Quốc đã nhiều lần công khai thề thốt trước dư luận.

Việc Trung Quốc công bố đưa vào hoạt động các trạm khí tượng ở quần đảo Trường Sa là tiếp tục thực hiện chủ trương giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách chủ quyền phi lý của họ trong Biển Đông, bằng cách giăng ra rất nhiều cạm bẫy hết sức nguy hiểm.

Lắp đặt, công bố và đăng ký hoạt động các trạm khí tượng thủy văn trong Biển Đông là một trong những cạm bẫy nguy hiểm được Trung Quốc rắp tâm cài cắm, nhưng không thành theo ý muốn.

Chẳng hạn, tháng 6/1980, tại Hội nghị khí tượng khu vực châu Á lần thứ 2, Giơnevơ, đại biểu của Việt Nam đã tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc đặt tại đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là đảo San Hô) nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là bất hợp pháp. 

Kết quả là trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm khí tượng được Tổ chức khí tượng thế giới (OMM) công nhận từ năm 1949 với số hiệu: Trạm Phú Lâm số 48859, Trạm Hoàng Sa số 48860 và Trạm Ba Bình (quần đảo Trường Sa) số 48419.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn khai thác, lợi dụng nhu cầu cấp thiết cho sự tồn vong của đồng loại để tiếp tục “giăng bẫy” và tìm cách thông qua các tổ chức chuyên môn quốc tế để giành được lợi thế về mặt pháp lý, được đánh giá là rất yếu để bảo vệ quan điểm pháp lý của Trung Quốc dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế.

Vì vậy, chúng tôi tin rằng dư luận tiến bộ, các tổ chức chuyên môn của quốc tế, các quốc gia liên quan sẽ vẫn luôn đề cao cảnh giác để không bị mắc phải “cạm bẫy” của Trung Quốc.


Tiến sỹ Trần Công Trục