04 janvier 2020

Khi dân Đồng Tâm sẵn sàng đối đầu chính quyền giữ đất Tổ Tiên


SBS VIỆT NGỮ


Buổi diễn tập này diễn ra tại Hà Nội và một cánh quân đã được đưa về đồng Sênh thuộc địa phận xã Đồng tâm - điểm nóng từ mấy năm nay về tranh chấp đất đai giữa nhân dân xã Đồng Tâm với chính quyền thành phố Hà Nội.

Sáng 31/12, lần đầu tiên các đại diện Đồng Tâm phải kêu gọi đến quốc tế đề nghị bảo vệ nhân quyền và quyền lợi hợp pháp của nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Sự việc này theo sau sự kiện chiều tối 29/12, người dân Đồng Tâm báo động toàn xã và trên mạng xã hội khẳng định "quyết tâm đổ máu" để bảo vệ đất khi xe công lực có trang bị vũ trang kéo về địa bàn xã. Màn dàn quân của chính quyền cuối cùng được biết là một cuộc diễn tập mà không báo trước với người dân trong khu vực, tuy nhiên khẳng định bảo vệ đất bằng mọi giá của người dân Đồng Tâm thì hoàn toàn nghiêm túc và không diễn tập.


Sáng nay 31/12/2019, cụ Lê Đình Kình một đảng viên lão thành và các đại diện Đồng Tâm đã có lá thư kiến nghị gởi tới chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế chính thức đề nghị bảo vệ nhân quyền và quyền lợi hợp pháp của nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên người dân Đồng Tâm phát đơn kêu gọi giúp đỡ về nhân quyền ra các chính phủ và các tổ chức bên ngoài Việt Nam.



Sự việc này theo sau vụ việc diễn ra vào chiều tối ngày 29/12 khi lực lượng công quyền trang bị vũ trang kéo về khu vực Đồng Tâm.

Cùng thời gian trang mạng xã hội nóng lên với lời báo động từ ông Lê Đình Công con trai cụ Lê Đình Kình và một số người dân ở Đồng Tâm yêu cầu mọi người quan tâm theo dõi và đưa tin vì họ nói rằng Đồng Tâm có thể đổ máu.

Tuy nhiên sau đó thì Cổng thông Tin Điện Tử Bộ Công An Việt Nam đưa tin sự dàn quân chỉ là một buổi diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người khiếu kiện, gây rối an ninh, trật tự ở mục tiêu bảo vệ.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, nói rằng, "Diễn tập là nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo điều hành, từ đó tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án đảm bảo sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống tập trung đông người khiếu kiện gây rối an ninh, trật tự ở mục tiêu bảo vệ xảy ra, để rèn luyện cho cán bộ, chiến sỹ thành thạo về kỹ thuật, có thể làm chủ thiết bị công nghệ hiện đại."

Buổi diễn tập này diễn ra tại Hà Nội và một cánh quân đã được đưa về đồng Sênh thuộc địa phận xã Đồng tâm - điểm nóng từ mấy năm nay về tranh chấp đất đai giữa nhân dân xã Đồng Tâm với chính quyền thành phố Hà Nội.

Ông Lê Đình Công, người được xem là thủ lĩnh và phát ngôn nhân của xã Đồng Tâm trong live stream vào tối ngày 29/12 mô tả lại tình hình Đồng Tâm cho biết xe quân trang, xe vòi rồng, xe cứu hỏa chở dây kẽm gai tiến vào khu vực làng Đồng Tâm. Tất cả các xe này đều che biển số.

Còn nhớ vào thời điểm năm 2017, 38 cảnh sát cơ động thuộc lực lượng công quyền tấn công vào Đồng tâm đã bị người dân Đồng Tâm bắt giữ dẫn đến Chủ tịch Tp Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung phải nhờ đến sự trung gian hòa giải của bốn luật sư dân sự để vào gặp nhân dân Đồng Tâm để thương lượng thả người.

Luật sư Nguyễn Hà Luân một trong bốn luật sư làm trung gian hòa giải lúc đó cho SBS Việt ngữ biết, người dân Đồng Tâm đã "không còn tin ai", và 'tình hình thì khá phức tạp nhạy cảm".

Tại buổi gặp ngày 22/4, ông Chung đã phải viết giấy tay ký ba cam kết với sự chứng kiến của luật sư và các đại biểu quốc hội, rằng sẽ trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc "khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật".

Cam kết thứ 2 là “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm”, và cam kết thứ 3 là điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên sau đó thì những cam kêt này của ông Chủ tịch Thành phố đã bị chính ông phá vỡ.

Cụ Lê Đình Kình là thủ lĩnh tinh thần của nhân dân, vào thời điểm đó cụ '82 năm tuổi đời, 55 tuổi đảng cựu bí thư xã Đồng Tâm' bị 'hành hung, bắt giữ trái phép và ngược đãi' .

Theo một video clip do chính cụ Kình thuật vụ việc là hôm 15/4/2017 cụ được một số sỹ quan mặc sắc phục và 'đi xe biển đỏ' đã mời đi làm việc nhưng khi tới nơi vắng vẻ các sĩ quan này đã đạp cụ Kình khiến cụ bị 'gãy xương đùi' và họ "còng tay' và 'nhét giẻ vào mồm' và 'vứt cụ lên xe như một con vật''.

Sự kiện vào tháng 4/2017 không phải là một mà còn nhiều sự kiện khác xảy ra từ khi chính quyền Hà Nội muốn thu lấy khoản đất 59ha khu vực Đồng Sềnh của người dân xã Đồng Tâm.

Với một lịch sử tranh chấp khốc liệt như vậy trong nhiều năm giữa lực lượng công quyền và người dân Đồng Tâm, việc vào ngày 29/12, chính quyền cho diễn tập chống khủng bố ở Hà Nội và điều một cánh quân trang bị hùng hậu đi xe che biển số kéo về Đồng Tâm mà không thông báo cho người dân địa phương đã gây nên một nỗi bất an cao độ cho người dân Đồng Tâm.

Trong khi trong cùng ngày vào buổi sáng xe quân đội vào khu vực đất quân đội quân đội đi ngang qua làng đã có nói rõ với người dân, còn việc diễn tập và đưa quân về làng của chính quyền thì lại không làm như vậy.

Giới quan sát cho rằng, việc diễn tập này cũng là nhân tiện đưa quân về Đồng Tâm để thăm dò phản ứng của người dân Đồng Tâm cũng như dư luận trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên một lần nữa, người dân Đồng Tâm đã có phản ứng phòng vệ bằng những tuyên bố rất mạnh mẽ rằng họ sẳn sàng đổ máu và chết đến người cuối cùng để giữ đất đai của Tổ Tiên như là một hành động bảo vệ công lý.

Lời tuyên bố này không phải lần đầu tiên phát ra và chưa phải là lần cuối cùng.

Liệu Chính quyền có tiếp nhận và tìm ra giải pháp giải quyết tránh gây ra một cuộc đổ máu giành đât giữa chính quyền với dân trong tương lai?


https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/audio/khi-dan-dong-tam-san-sang-doi-dau-chinh-quyen-giu-dat-to-tien?fbclid=IwAR17u11PrBkL_VjiScVw5wEZgDcXS3gYCGtuLnyNzmXZOEVgPvh83p1lrn0