“KHÔNG THỂ HY SINH SỰ TRUNG THỰC TRÍ THỨC CHO TÍN ĐIỀU CHÍNH TRỊ” (1)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải |
Theo các phương tiện thông tin đại chúng loan báo: Ủy ban Kiểm Tra Trung
ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố kết luận tại kỳ họp thứ 30 từ ngày 17 đến
19 tháng 10 năm 2018: “Với cương vị là giám đốc – Tổng biên tập, đồng chí Chu
Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn
sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước,
vi phạm luật xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy… vi phạm
của đồng chí Chu Hảo là nghiêm trọng. Đồng chí đã vi phạm quy định về những
điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn trái với cương lĩnh
chính trị, điều lệ của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Chính phủ,
pháp luật của Nhà nước. Đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.Vi phạm khuyết điểm của đồng chí Chu
Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, tác động
xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật ”.
Giời ơi! Bản án kỷ luật của một giáo sư, tiến sỹ, một nhà khoa học, nguyên
thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Tri thức mà
hết sức mơ hồ.Nhẽ ra,một khi đã công bố công khai trước đại chúng, phải khiến
thiên hạ tâm phục,khẩu phục.
Với tư cách công dân, tôi nghĩ rằng bản án kỷ luật này không thể có hiệu
lực pháp lý, nếu nó không kèm theo phụ lục để làm rõ nội dung án tích. Vì rằng
một Đảng mang tính chính danh thì kỷ luật, dù là kỷ luật trong đảng cũng không
được phép trái với pháp luật. Bởi các “tội”nêu ra chỉ là những tính từ phiếm
định. Ví dụ như: “Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung
trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng… bị cơ quan chức năng xử lý,
thu hồi và tiêu hủy…”. Vậy trái với “quan điểm” là quan điểm gì, đường lối nào
… và những cuốn sách bị thu hồi và tiêu hủy là những cuốn sách nào? Vì sao thu
hồi? vì sao tiêu hủy? Ngay việc thu hồi, tiêu hủy có đúng pháp luật không, có
được tranh tụng trước một tòa án dân sự không?
Rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” Thật là quá trừu tượng. Vậy “tự diễn
biến” là diễn biến từ cái gì ra cái gì? Và “tự chuyển hóa” thì chuyển hóa từ
cái gì thành cái gì? Ví dụ, 2 nguyên từ Hydro kết hợp với 1 nguyên tử Oxy,
chuyển hóa thành nước (theo công thức 2H + 0 = H20). Đó là một sự chuyển hóa
rất logique và khoa học. Bởi những khái niệm được nêu trong thông báo kỷ luật thuộc
phạm trù nội sinh, cần được lý giải rõ hơn vv… và vv…
Trái lại, Nhà xuất bản Tri thức hoạt động theo luật và có cương lĩnh rõ
ràng. Trong phần giới thiệu Nhà xuất bản Tri thức viết: “Dự án tủ sách Tinh hoa
Tri thức thế giới được Nhà xuất bản Tri thức phối hợp với Ban điều hành dự án
thuộc các Hội KH &KT Việt Nam thực hiện. Dự án Tủ sách Tinh hoa được Đoàn
Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phê duyệt
ngày 14.10.2005. Dự án được sự bảo trợ của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh”.
Vậy là Nhà xuất bản Tri thức hoạt động hợp pháp, có cơ quan chủ quản, có
giấy phép hành nghề.
Về cương lĩnh, nói dễ hiểu là mục đích hoạt động của NXB Tri thức với Tủ
sách Tinh hoa: “Tủ sách giới thiệu một cách tổng quát một số kiến thức nền
tảng, tối thiểu làm hành trang cơ bản cho bạn đọc tìm hiểu sâu hơn các sách có
tầm tri thức cao hơn, đặc biệt là các sách được coi là tinh hoa kinh điển”. Mục
tiêu thật là cao đẹp, nhằm bồi dưỡng tri thức một cách có hệ thống đặng tạo ra
một tầng lớp trí thức tinh hoa, phục vụ cho yêu cầu xây dựng đất nước, bằng
nguồn lực trí tuệ của mình. Đường hướng của NXB Tri thức nhằm mục đích khai
phóng. Nó tựa như một hạt giống quý vừa nảy mầm, nó cần có sự chăm sóc, bảo vệ,
nâng đỡ chứ không phải là soi mói, trù dập.
Và kế hoạch: “Xuất bản từ 500 đến 1000 tác phẩm kinh điển của thế giới,
thời gian từ 7 đến 10 năm”.
Trong mảng sách NXB Tri thức đã in thấy có triết học, lý luận, tổ chức nhà
nước, bàn về dân chủ, tự do vv… Với các tên tuổi những tác giả đáng kính như:
Jean Jacque Rousseau, Will Durant, Jhon Stuart Mill, Gustave le Bon, F. A.
Hayek, Albert Einstein vv… Tôi đang hy vọng giáo sư Chu Hảo sẽ cung cấp tương
đối thỏa mãn tác phẩm kinh điển của các triết gia lớn như: Platon, Hegel,
Nietzsche, Kant, Schopenhauer vv… cho giới tri thức trẻ nước nhà.
Phải thừa nhận giới trẻ Việt Nam nói riêng, và người Việt Nam nói
chung,phần kiến thức yếu nhất vẫn là môn triết học. Bởi các lý do sau đây: Một
là hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta độc diễn học thuyết Marx về đấu tranh giai cấp
(chứ không phải trường phái triết học Karl Marx). Và đặt tất cả các trường phái
triết học ngoài Marx đều là lạc hậu, phản động. Hai là trí thức Việt Nam chưa
coi triết học là kiến thức nền tảng. Ba là, trí thức nước ta hơi khiêm tốn về
ngoại ngữ, nên rất khó khăn trong việc tiếp cận nguyên tác. Một nguyên nhân
quan trọng mang tính chi phối, là nền giáo dục nước ta chưa coi trọng đúng mức
giáo dục triết học và ngoại ngữ trong nhà trường.Cho nên, nhiều bậc tiến sỹ chỉ
cần bằng C tiếng Anh là đủ.
Xuất phát từ mục tiêu cao đẹp, nhằm xây dựng một đất nước tiên tiến và giầu
mạnh.Giầu mạnh không thể chỉ nhằm vào xuất khẩu lao động cơ bắp, mà phải có một
đội ngũ trí thức tinh hoa làm chủ khoa học và công nghệ cao, bắt kịp với đà
tiến của nhân loại .Đó chính là tiêu chí hoạt động của NXB Tri thức.
Muốn vậy, trước hết người trí thức phải có khát vọng tự do, dân chủ .Và đã
là người trí thức thì phải biết phản biện, phải biết mở miệng.Nếu không, chính
quyền sẽ lợi dụng và chuyển hóa họ từ những bầy cừu thành những đàn bò.Bởi
vậy,tự do ngôn luận và dân chủ xã hội là nguồn động lực tạo ra nguyên khí quốc
gia-tức tầng lớp trí thức tinh hoa.Nếu thiếu nó,mọi cải cách,mở cửa chỉ là manh
mún,chắp vá khiến xã hội mãi cố thủ trong thành trì lạc hậu.
Nhà khoa học Chu Hảo ước mơ dịch từ 500 đến 1000 đầu sách kinh điển làm
kiến thức nền cho giới trí thức tinh hoa nước nhà. Có nhẽ ông thấy thời Minh
trị Duy Tân, nước Nhật Bản mới dịch có 500 đầu sách kinh điển đã vượt lên quốc
gia hàng đầu của thế giới.
Xét về hoàn cảnh, lịch sử của nước Nhật khác với nước ta nhiều lắm. Trước
hết, người đứng đầu quốc gia_Nhật hoàng có khát vọng đưa đất nước vươn lên.
Muốn vươn lên phải thoát Trung và hướng về phương Tây. Cho nên nhà vua không
chỉ khuyến khích,mà còn bắt buộc những người có tư chất thông minh, phải qua phương
Tây du học.
Thuở nhỏ, tôi thường nghe chuyện người Nhật du học như những huyền thoại.
Rằng có một nhóm du học sinh Nhật Bản, khi thành tài trở về nước; phương Tây
cấm không cho mang các tài liệu kỹ thuật ra ngoài lãnh thổ họ. Thế là trong
nhóm đó, có người tình nguyện tự sát, để các bạn mổ bụng nhét tài liệu vào rồi
khâu lại đưa xác về Tổ quốc.Nhưng điều quan trọng hàng đầu là những sách dịch
ấy,những tài liệu kỹ thuật phải đổi bằng mạng sống ấy, phải được đưa vào ứng
dụng trong sản xuất và cải cách xã hội, chứ không chỉ là những cuốn sách đẹp để
trưng bầy như một thú chơi phù phiếm.
Có vua ấy, có trí thức ấy, nên nước Nhật mới hùng cường. Còn ở nước ta,
buồn lắm giáo sư Chu Hảo ơi! Giả dụ anh có dịch xong và phát hành đủ 1000 đầu
sách kinh điển cũng vô ích thôi. Vua quan nước ta ngày nay không có thói quen
đọc sách. Ngay trong đội ngũ trí thức nước ta,nhiều người cũng còn ngại đọc.
Bình quân đầu người cả nước, mỗi năm đọc 0,8 cuốn sách. Thật là tủi hổ cho một
dân tộc vốn hiếu học. Chẳng bù với Malaysia, ngài đương kim Thủ tướng Mahathia
Mohamad 92 tuổi, mỗi tuần đọc một cuốn sách. Và trước đó ông làm Thủ tướng
Malaysia từ năm 1981 – 2003, suốt 22 năm ấy, ông đã đưa Tổ quốc mình lên vị trí
hàng đầu Châu Á.
Và anh Chu Hảo,anh có một nhầm lẫn thật đáng yêu, nếu không cũng là một hy
vọng quá sớm dẫn anh đến « thất bại », rằng anh tưởng nước mình cũng đang có
minh quân như nước Nhật thời Duy tân! Thật ra, điều này vẫn còn là khát vọng
lâu dài của toàn dân tộc đó anh Chu Hảo !
“Khổ lắm, nói mãi” cách đây gần trăm năm, cụ Tản Đà đã than: “ Dân hai mươi
triệu ai người lớn .Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con ».
Nay nước đã gần trăm triệu dân rồi mà lời cụ Tản Đà như vẫn còn nguyên giá
trị. Thêm vào đó, nhà kinh tế học Phạm Chi Lan cũng nói một câu bất hủ: “Lạ
thay, nước ta là một đất nước không chịu phát triển”(1).
Anh Chu Hảo, việc anh tuyên bố chia tay với Đảng của mình, là việc “Không
thể hy sinh sự trung thực trí thức cho tín điều chính trị”(2). Thật ra nếu ở
một nước có chế độ dân chủ, thì đây cũng là chuyện hết sức bình thường.
Nhân sự cố giáo sư Chu Hảo nguyên giám đốc, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất
bản Tri thức tuyên bố chia tay đảng Cộng sản Việt Nam, khiến tôi nhớ vào khoảng
năm 1970 khi đình bản Tạp chí Europe; và nhà thơ Louis Aragon ly khai đảng Cộng
sản Pháp,ông cũng công bố một bức thư in ở cuối Tạp chí số kết thúc. Bức thư
khá xúc động. Tôi vẫn thuộc nguyên văn câu cuối: ‘‘Tôi đã làm hỏng cuộc đời
tôi. Thế là hết !”.
Dù sao tôi vẫn muốn nói thêm một ý nhỏ,rằng gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc rất say sưa nói về việc chúng ta quyết không bỏ lỡ thời cơ với cuộc Cách
mạng 4.0, cùng với việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Đó là một thông điệp
đáng mừng cho giới trí thức.
Nhưng với những gì đang diễn ra hiên nay ,liệu có phải chúng ta quyết xây
dựng một đất nước tiên tiến,một Chính phủ kiến tạo, không cần tri thức khoa
học, và cũng không cần luôn cả đội ngũ trí thức tinh hoa mà người xưa gọi là
Nguyên khí quốc gia?
Sau rốt, tôi muốn gởi tới giáo sư, nhà khoa học Chu Hảo, lời chúc sức khỏe
để thoải mái sải bước trên xa lộ thông tin với băng thông cực rộng mà chính anh
đã có công tạo lâp. Nhưng anh không sải bước một mình như người lữ hành cô đơn
đâu. Không bao giờ là như thế cả !
Hà nội, ngày 29 tháng 10 năm 2018
H Q H
-----------------
.
1- “Một số chuyên gia World Bank còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” – Đó là phát biểu của chuyên gia Phạm Chi Lan tại Hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng. (Dân trí)
H Q H
-----------------
.
1- “Một số chuyên gia World Bank còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” – Đó là phát biểu của chuyên gia Phạm Chi Lan tại Hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng. (Dân trí)
(2).Lời của George Qrwell.