14 mars 2019

CẤM XE MÁY: VÂY NGỤY CỨU TRIỆU


Vũ Trung Đông


1. Năm 353 trước Công Nguyên, đại tướng nước Ngụy là Bàng Quyên đem quân đánh nước Triệu. Vua Triệu phải cầu cứu nước Tề.
Tôn Tẫn hiến kế cho vua Tề, sai đại tướng Điền Kỵ đem đại quân bao vây thành Đại Lương – là kinh đô nước Ngụy, buộc Bàng Quyên thoái quân về giải cứu Đại Lương. Trên đường lui quân, Bàng Quyên bị Điền Kỵ mai phục chặn đánh đại bại tại Quế Lăng.
Kế sách “ Vây Ngụy cứu Triệu” của Tôn Tẫn đi vào lịch sử từ đó.


2. Không biết có phải hay không, rằng ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hiện nay là “hậu duệ” nhiều đời của Tôn Vũ - vốn dĩ là tổ tiên của Tôn Tẫn. Có người giải thích rằng, do trôi dạt nhiều đời từ bên Tàu, nên mới họ thành tên, tên thành họ. Bởi vậy họ Vũ của ông Viện là từ tên Vũ của Tôn Vũ mà ra. Điều này nghe ra cũng chẳng quá phi lý. Vì nhiều người hiện nay, thí dụ, là họ Phạm mà tổ tiên lại là họ Trần họ Lê.
Lý lẽ nói rằng ông Vũ Văn Viện là “hậu duệ” của Tôn Vũ là do vì hôm qua ông Vũ Văn Viện hiến kế cho UBND Thành phố Hà Nội sách lược “ Cấm xe máy giải cứu đường sắt Cát Linh – Hà Đông”. Nên mọi người mới hồ nghi rằng ông Vũ Văn Viện được truyền bí kíp “ Vây Ngụy cứu Triệu” của Tôn Tẫn.
Nếu quả đúng như vậy, thì ông Vũ Văn Viện đã vượt trội tổ tiên. Vì Tôn Tẫn chỉ cứu nguy được nước Triệu, còn ông Vũ Văn Viện giải cứu được nước CHND Trung Hoa, cả 50 lần lớn hơn nước Triệu về diện tích, 1000 lần lớn hơn nước Triệu về dân số.

3. Có điều ông Vũ Văn Viện xuất thân từ giai cấp vận tải, nên thấy 1 mà chưa thấu 2. Cho nên kế sách của ông, một cách vô tình, đã trở thành “ Gậy ông lại đập Dân ông”.
Nguyên do là vì, dân đi tuyến đường Nguyễn Trãi hay Lê Văn Lương không chỉ đi đến Cát Linh mà còn đi đến các phố khác. Không có lẽ họ chỉ đi mấy ga đường sắt đến Ngã Tư Sở rồi nhảy sang đi xe Grab? Hóa ra ông Vũ Văn Viện vì cứu bọn Tàu xây đường sắt Cát Linh – Hà Đông mà phải hy sinh quyền lợi người dân Hà Nội.
Do đường sắt Cát Linh – Hà Đông có giá thành xây dựng quá đắt đỏ, lại không an toàn, nên UBND TP Hà nội sợ dân Hà Nội tẩy chay. Đã đắt mà không có người đi thì vừa lỗ vừa ê chề . Nên khi nghe đến kế sách “ Vây Ngụy cứu Triệu” thì bấu víu vào, hoảng loạn thần hồn nát thần tính, mà biến thành kế sách “Cấm đường Nguyễn Trãi, cấm đường Lê Văn Lương giải cứu cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông”.

4. Cấm đường Nguyễn Trãi thì đường Lê Văn Lương thêm tắc. Ngược lại, cấm đường Lê Văn Lương thì đường Nguyễn Trãi thêm ùn tắc.
Cấm mua xe máy thì dân sẽ dồn tiền mua ô tô. Đã tắc lại càng thêm tắc.

5. Sở GTVT Hà Nội đang làm bài toán ngược. Thay vì giả quyết xong bài toán nội đô rồi mới cho ngoại đô đi vào, thì lại cho hai tuyến Hà Đông đổ vào Cát Linh và Nhổn đổ vào Kim Mã. Dồn người ngoại đô vào nội đô, thì nội đô đã tắc lại càng thêm tắc.

6. Cấm là sự yếu đuối. Khi giao thông công cộng trở thành phương tiện đi lại rộng rãi thuận tiện, thì dẫu không cấm, xe máy cũng tự dần giảm bớt.

7. Không phải cấm xe máy mà phải phát triển giao thông công cộng. Trước hết, xây tàu điện ngầm vòng tròn quanh nội đô Hà Nội. Kế đến làm các đường xuyên tâm. Sau đó mới kéo dài ra ngoại đô.
Thành phố Tokyo Nhật Bản có 301 ga tàu điện ngầm. 13 ga đường sắt Cát Linh – Hà Đông không trở thành nhân tố thúc đẩy giảm xe máy.

8. Không phải “ Vây Ngụy cứu Triệu” mà là “ Giải phóng ý thức hệ”. Đó là cẩm nang giải cứu tắc nghẽn tư tưởng. Thông được tư tưởng mới giải cứu được tắc nghẽn giao thông.