Ban vận động này không được chính quyền ở Việt Nam công
nhận.
Nhìn lại giai đoạn phát triển này, một thông điệp được đăng tải trên Tạp chí Văn
Việt, diễn đàn thuộc Ban vận
động, có đoạn:
"Thoắt cái đã năm năm! Vui buồn lẫn lộn! Vui vì anh
chị em ta, những người Việt viết văn tử tế trên toàn cầu liên kết nhau, đã làm
được những việc đúng đắn và có ích, nhiều việc lúc đầu không mấy người nghĩ là
làm được."
Nhân dịp này, mời quý vị theo dõi một cuộc trao đổi giữa
BBC với nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Tạp chí Văn Việt và
Ban Vận động bên lề một Hội thảo tư trong dịp nhà thơ ghé thăm châu Âu.
Nhà thơ Hoàng Hưng: Trang mạng Văn Việt là cơ quan chính thức của Ban vận
động Văn đoàn Độc lập Việt Nam mà chúng tôi thành lập từ tháng Ba năm 2014. Đến
nay qua mấy năm vận hành, tôi thấy rất có hiệu quả và cái chúng tôi mừng nhất
là nó tập hợp được ngày càng đông các tác giả về văn học trong và ngoài nước.
Thí dụ số tác giả ở hải ngoại có mặt trên Văn Việt tôi thống kê tạm thời đã tới
trên 150 tác giả, tức là chiếm một nửa các tác giả xuất hiện trên Văn Việt.
Thế thì chứng tỏ điều chúng tôi đề ra từ đầu, tức là tạo
ra không gian để cho các nhà văn không phân biệt quan điểm chính trị, nghệ
thuật, mà chỉ có chung nhau một nguyện vọng xây dựng nền văn chương tiếng Việt
tự do, nhân bản, không phân biệt trong, ngoài nước, chúng tôi cho rằng chúng
tôi đã bước đầu thành công.
Hiện giờ chỉ có hai vấn đề. Thứ nhất là khả năng về công
nghệ, kỹ thuật của chúng tôi rất hạn chế, bởi phần lớn những người làm cũng là
những người lớn tuổi, không phải là thạo công nghệ lắm. Và thứ hai vẫn là sự
ngăn chặn rất ghê gớm của an ninh mạng. Tức là họ tìm cách chặn bằng tường lửa,
rồi họ tìm cách cản trở các cộng tác viên trẻ làm việc với chúng tôi, vì họ rất
sợ các ảnh hưởng. Cho nên họ gây sách nhiễu rất nhiều với những người trẻ tuổi
mà cộng tác với Văn Việt.
Và cái đó chúng tôi cũng nhiều lần có ý kiến phản đối.
Hay là hàng năm chúng tôi đều trao giải Văn Việt, thì giải thưởng này càng ngày
càng có uy tín, trao cho cả tác giả trong nước lẫn ngoài nước, dựa trên một
tiêu chí duy nhất là có chất lượng nghệ thuật. Thế nhưng họ vẫn luôn luôn phá
những buổi trao giải đó. Gần đây họ phá rất kinh khủng, chẳng hạn, chỉ vì chúng
tôi trao giải thưởng cho một tác phẩm dịch "1984" của George Orwell.
Chúng tôi đã phản đối công khai vì chúng tôi không chấp nhận được chuyện đó.
'Làm văn, không làm chính trị'
BBC: Liên quan Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, bao
giờ Văn đoàn đó chính thức ra đời và sẽ như thế nào, thưa ông?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Cái này cũng có rất nhiều người đặt vấn đề, ngay trong
nội bộ thành viên của Ban vận động cũng nhiều lần đặt ra. Nhưng cuối cùng, sau
khi cân nhắc, những anh em chủ chốt cũng đưa ra một ý kiến là chưa đến lúc để
ra đời một Văn đoàn Độc lập đúng như danh xưng của nó. Tức là một tổ chức rõ
ràng, một thứ hiệp hội rõ ràng.
Là vì chúng tôi là những người làm văn là chính, chúng
tôi không phải là một tổ chức đấu tranh chính trị, cho nên chúng tôi cần một sự
làm việc lâu dài. Như tôi vẫn nghĩ chúng tôi không muốn làm liệt sỹ quá sớm.
Bởi vì đối với văn học, chuyện xông ra để mà làm liệt sỹ đấu tranh, tôi nghĩ là
nó không có ý nghĩa lắm bằng việc mình phải làm tác phẩm, làm tác phẩm để lại
cho lâu dài đối với nền văn học tiếng Việt.
Chúng tôi phải giữ được sân chơi rất rộng rãi, cởi mở, nhưng có
một đường hướng rõ ràng, chứ không phải là thỏa hiệp một cách bừa bãi
Nhà thơ
Hoàng Hưng
Cho nên chúng tôi không chủ trương đối đầu đối với công
an hay là đối với nhà nước. Thế thì bây giờ nó có một cái tế nhị là theo quy
định hiện hành của nhà nước Việt Nam, chúng tôi muốn lập hội thì chúng tôi phải
xin phép. Mà xin phép tất nhiên là không được, chắc chắn là không được rồi.
Bởi vì chỉ cần họ đưa ra lý lẽ như thế này là chúng tôi
sẽ bị loại ngay, tức là trong Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản
lý hội của họ, họ nói rằng mỗi một công việc chỉ có một hội thôi, thế thì văn
học đã có Hội nhà văn Việt Nam chính thức của nhà nước rồi thì không thể có một
hội thứ hai được nữa.
Điều này vô lý lắm, nhưng đã là quy định của nhà nước rồi
thì họ có thể dựa vào đó để họ 'khủng bố', do đó chúng tôi chủ trương không đối
đầu, cái đó không cần thiết, mà cái chính là mình làm được cái gì. Còn cái đó
ngày xưa người ta gọi là một Câu lạc bộ thì có cái gì đâu? Hay thử gọi đây là
một nhóm vui vẻ thì cũng chẳng chết ai, miễn là nội dung làm được cái gì.
BBC: Trước đây ông có thời gian tham gia biên tập cho Tạp chí mạng Talawas, sau này tham gia sáng lập và điều hành Văn Việt, có
điều gì đặc sắc mà ông có thể chia sẻ từ hai kinh nghiệm làm báo này?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Nổi bật nhất trong công tác
biên tập của Văn Việt là chúng tôi phải giữ được sân chơi rất rộng rãi, cởi mở,
nhưng có một đường hướng rõ ràng, chứ không phải là thỏa hiệp một cách bừa bãi.
Chúng tôi luôn luôn phải dựa vào một số tiêu chuẩn.
Thứ nhất
là tất cả những bài mà chúng tôi đăng lên phải có một chất lượng nhất định về
cả mặt nghệ thuật lẫn về mặt tư tưởng.
Thí dụ
những bài viết có tính chất quá khích chúng tôi cũng không đăng. Hay những bài
viết có thể có ý tưởng hay, nhưng chất lượng nghệ thuật chưa đến nơi, thì chúng
tôi cũng không thể đăng được.
Tiêu chuẩn
chỉ có thế thôi, còn ngoài ra, chúng tôi chấp nhận mọi trường phái, mọi phong
cách, mọi quan điểm nghệ thuật. Đó cũng là điều mà có lẽ cũng khác với nhiều
chỗ khác, kể cả khác với Talawas.
Nhà thơ Hoàng Hưng |