22 mars 2019

Mật và tối mật


Tô Văn Trường



Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin Trung Quốc bỏ kế hoạch phá ghềnh đá, cù lao cho xà lan 500 tấn đi lại trên sông Mêkông. Nhân đây, xin kể lại câu chuyện “Mật và tối mật” liên quan đến dự án phá ghềnh đá nói trên từ khi giai đoạn 1 cho xà lan 150 tấn.

Cách đây hơn chục năm, đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tiến sĩ Nguyễn Đình Thịnh dẫn đầu có Anh Nguyễn Hồng Toàn Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong VN, Anh Nguyễn Chu Hồi Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy sản (sau là Tổng cục phó Tổng cục biển và hải đảo), chuyên gia của Bộ giao thông và tôi sang Lào tham dự hội thảo về dự án phá ghềnh đá cho xà lan 150 tấn đi lại trên sông Mekong từ Trung Quốc qua Myanmar, Thái Lan và Lào. Phía Trung Quốc bỏ ra 5 triệu đô la Mỹ và là chủ dự án nói trên.


Trước khi đoàn lên đường, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ trao cho Thứ trưởng Nguyễn Đình Thịnh tài liệu địa hình, thủy văn liên quan đến khu vực dự án do cơ quan chức năng của ta thu thập, được đóng dấu chữ MẬT. Đây tài liệu cơ bản là cơ sở coi như “đầu vào” để VN sử dụng tính bài toán thủy lực.

Tại hội thảo tổ chức ở Lào có đoàn của 6 quốc gia ven sông Mekong và chuyên gia của Ủy hội quốc tế sông Mekong (MRC) tham dự. 3 chuyên gia của đại học Vũ Hán (Trung Quốc) trình bày báo cáo của dự án, được các đại biểu quan tâm thảo luận. Tôi chủ yếu phân tích các mặt còn bất cập về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi nổ mìn và sai số của bài toán thủy lực vv...

Phía Trung Quốc tổ chức cho các đoàn chuyến đi khảo sát thực địa bằng tầu thủy từ thượng lưu Trung Quốc về hạ lưu của Lào. Không biết vô tình hay cố ý, tầu đâm vào tảng đá ở giữa dòng để thấy rõ trở ngại của ghềnh đá. May là tầu đệm hơi, bọc thép, chỉ bị bẹp dúm mũi tầu nên hành khách vẫn an toàn.

Biết tôi là người làm chuyên môn và cũng đã đến Mỹ nhiều lần nên 3 chuyên gia của đại học Vũ Hán (tiến sĩ tốt nghiệp ở Mỹ) trong một buổi tối mời tôi đến tọa đàm riêng về bài toán thủy lực trên máy tính.

Tôi phân tích cả 2 phía Trung Quốc và Việt Nam vì sao tính cho kết quả khác nhau nên gây ra tranh luận, không nhất quán? Chúng ta cùng lựa chọn hệ phương trình cơ bản (governing equation), sử dụng hệ phương trình Saint-Venant, dù có giải theo cách chính xác đường đặc trưng hay tương đối chính xác sai phân ẩn 4 điểm Preissman, hoặc phương pháp phần tử hữu hạn (lưới tam giác) thì kết quả cũng vẫn nằm trong phạm vi sai số cho phép. Phía Việt nam, khi chạy mô hình (simulation), hiệu chỉnh mô hình (calibration), hoặc kiểm định mô hình (verification) đều gặp khó khăn vì không có bộ tài liệu tin cậy địa hình và thủy văn (mực nước và lưu lượng) làm dữ liệu đầu vào. Số liệu hạn chế, phải giả định nhiều thì kết quả sẽ sai lệch là điều tất nhiên và  chẳng có cơ sở khoa học để kiểm chứng.

Phía chuyên gia Trung Quốc biết tôi không phải “tay vừa” nên họ hội ý riêng rất lâu, rồi quyết định trao cho tôi tài liệu gốc địa hình và thủy văn đã đo đạc khảo sát để có cơ sở tính toán và kiểm nghiệm mô hình thủy lực.

Ngay đêm hôm đó, dù đã khuya gần 12 giờ đêm, tôi vẫn gõ cửa buồng Thứ trưởng Nguyễn Đình Thịnh kể lại câu chuyện làm việc, tranh luận riêng với chuyên gia Trung Quốc và nộp lại bộ tài liệu cơ bản quý giá nói trên. Thứ trưởng Thịnh mừng đến tỉnh cả ngủ, bảo rằng tài liệu của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ là MẬT thì tài liệu của tôi thu thập được là TỐI MẬT. hehe

Lần này, phía Trung Quốc dự định làm dự án phá ghềnh đá, cù lao cho xà lan 500 tấn đi lại, ngoài việc bị NGO phản đối tác động xấu đến môi trường,  nhưng còn vướng mắc khác là dù có âu thuyền nhưng việc đi lại qua đập thủy điện trên sông Mekong khi tính “trade-off” so sánh với đường bộ, không hiệu quả nên họ phải từ bỏ là điều dễ hiểu.


TVT



Trung Quốc bỏ kế hoạch phá ghềnh đá, cù lao trên sông Mêkông


RFI 

Theo hãng tin Nhật Kyodo ngày 08/03/2019, ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai thông báo Trung Quốc đã chấp nhận bỏ một kế hoạch phá các ghềnh đá và cù lao trên thượng nguồn sông Mêkông, do những quan ngại của các nước hạ nguồn con sông này.

Đây là kế hoạch đã được các nước có liên quan, trong đó có Thái Lan, thông qua từ tháng 12/2016, nhưng việc thực hiện đã bị đình hoãn do gặp sự phản đối từ người dân địa phương và các tổ chức bảo vệ môi sinh.

Theo ngoại trưởng Thái Lan, nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào tháng trước của đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị, vấn đề đã được đưa thảo luận và phía Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý bỏ kế hoạch nói trên. Nói cách khác, Bắc Kinh công nhận những quan ngại của các nước Thái Lan, Lào và Miến Điện về những tác hại của việc dùng chất nổ phá các ghềnh đá và cù lao trên sông Mêkông để cho những tàu lớn của Trung Quốc di chuyển dễ dàng hơn.
Ông Don Pramudwinai cho rằng phá các ghềnh đá và cù lao trên sông Mekong sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cư dân dọc theo sông cũng như là môi trường sống của các loài cá trên sông này. Ngoài các tác động về môi trường sinh thái, kế hoạch nói trên có thể sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Mêkông. Ngoại trưởng Thái Lan cho rằng nay đã có những con đường tốt hơn để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các nước vùng sông Mêkông.