22 mars 2019

ĐÔI LỜI VỚI CỤC BÁO CHÍ BỘ THÔNG TIN-TRUYỀN THÔNG


Nguyễn Đăng Quang

Nguyên Đại tá Bộ Công An


Hôm nay (22/3) tròn 1 tháng báo điện tử “Người Tiêu Dùng” (NTD) bị Cục Báo chí Bộ Thông tin -Truyền thông xử phạt, buộc đình bản 3 tháng và phải nộp 65 triệu tiền mặt về một hành vi mà Cục này cho là “vi phạm trong lĩnh vực hoạt động báo chí, xuất bản” vì đã đăng một bài nhạy cảm với nhan đề “Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân ‘vào lò’?” của 2 tác giả Thiện Hiếu và Minh Nguyễn.
Người viết bài này không phải là nhà báo, cũng không phải luật gia, chỉ là một công chức bình thường đã nghỉ hưu, không thể đồng tình với quyết định xử phạt của Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông. Cá nhân người viết cho rằng quý Cục phạt báo NTD với hình thức nặng như vậy là một quyết định rất vô lý, thiếu sức thuyết phục, ấy là chưa nói đến căn cứ pháp lý cho việc xử phạt này là rất yếu! Xin hỏi trong vụ phạt vạ này, xin hỏi thật, quý Cục có chịu sức ép của ai không? 


Nhân đây xin có đôi lời với Cục Báo chí Bộ Thông tin-Truyền thông như sau: 


1/. Trước hết, đầu đề cũng như nội dung bài báo nói trên của 2 tác giả Thiện Hiếu và Minh Nguyễn đăng trên báo NTD (số ra ngày 27/2/2019) mới chỉ ở dạng nghi vấn, các tác giả có đặt dấu hỏi (?) ngay đầu đề bài báo, chứ chưa phải là kết luận hay khẳng định của họ. Chẳng nhẽ người dân nói chung và các nhà báo nói riêng không có quyền nghi ngờ và đặt dấu hỏi về các việc làm, quyết định của các quan chức hay sao? Không, tôi cho rằng không như vậy! Người dân hoàn toàn có quyền nghi vấn, không chỉ đối với các quan chức nhà nước, mà còn ngay cả đối với đường lối, chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền, kể cả chính quyền trung ương!

Pháp luật mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, không cấm người dân ngờ vực, thắc mắc hoặc chất vấn, vặn hỏi các quan chức nhà nước, cũng như không có bộ luật nào buộc người dân phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đặt lòng tin tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền! Do vậy 2 nhà báo Thiện Hữu và Minh Nguyễn đặt đầu đề cho bài viết của họ dưới dạng câu hỏi là điều rất bình thường, không vi phạm bất cứ quy định hay điều luật nào cả!


2/. Mở đầu bài báo trên, 2 tác giả nêu một thực tế khách quan ở Tp. HCM: Trong vòng một tháng trở lại đây, hàng loạt lãnh đạo cao cấp TP. HCM dưới nhiệm kỳ ông Lê Thanh Hải rồi Lê Hoàng Quân làm Chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố hoặc kỷ luật nặng nề. Nổi bật nhất là cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang và danh sách bê bối này chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng hai vị đáng ra phải chịu trách nhiệm lớn nhất hiện vẫn bình an vô sự, khiến nhiều cử tri TP.HCM và người dân cả nước hết sức bức xúc!”

Chắc quý Cục thừa biết, trong đại án Thủ Thiêm hiện nay, nhiều nạn nhân trên bán đảo này đã công khai tố cáo, đòi bắt giam và khởi tố đích danh các ông Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang,v.v... Họ khẳng định các quan chức này không chỉ là các thủ phạm trực tiếp ban hành các văn bản vượt thẩm quyền, trái pháp luật, băm nát quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm, mà còn gián tiếp gây tội ác đập nhà, cướp đất, bức hại dân lành, chà đạp quyền sống, cướp đoạt quyền con người, dồn nhiều hộ dân vào cảnh vô gia cư và biết bao khổ đau, oán hờn khác đối với họ và gia đình trong suốt hai chục năm qua!

Vậy xin hỏi, nếu các cơ quan chức năng sau này xác định các ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân vi phạm pháp luật, và ra lệnh bắt tạm giam, khởi tố 2 ông này, thì quý vị có định xin lỗi các nhà báo nói trên và rút lại quyết định xử phạt họ không? 


3/. Chắc quý vị phải là người biết rõ, ngày 15/3/2018, Bộ trưởng của quý vị lúc đó là ông Trương Minh Tuấn hùng hổ phản bác kết luận TTCP khi bị cơ quan này xác định là vi phạm nghiêm trọng trong thương vụ Mobifone mua AVG, buộc ông Tuấn và các đồng phạm phải nôn ra, trả lại công quỹ hơn 7006 tỷ VNĐ! Trong văn bản phản bác TTCP, ông Tuấn lớn tiếng chỉ trích bản kết luận của TTCP là: “Không đúng quy định pháp luật, không đúng bản chất sự việc, có tính chất suy diễn theo hướng có lỗi, và “hình sự hóa” quan hệ kinh tế”. Hóa ra, chính bản thân ”sát thủ báo chí” một thời đã có dấu hiệu phạm tội hình sự nghiêm trọng! Không rõ lúc này, trong trại tạm giam, ông Tuấn nghĩ sao? Thật là dại, tham và dại đến thế là cùng!

Vụ đại án Mobifone mua 95% cổ phiếu Cty AVG chưa đưa ra xét xử, nhưng hiện đã có 6 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, và sẽ đưa ra xét xử công khai thời gian tới! Trong số 6 bị can này, có 2 vị nguyên là Bộ trưởng của Bộ Thông tin -Truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Còn đại án Thủ Thiêm vẫn đang tiếp diễn, chưa kết thúc, do vậy không nên kết luận trước điều gì! Có tin,TTCP đang thụ lý và tiến hành thanh tra toàn diện vụ đại án này! Khi TTCP công bố kết luận cuối cùng, tôi tin là các cựu lãnh đạo chủ chốt của Tp. HCM như hai ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân khó tránh được liên lụy và trách nhiệm hình sự của mình! Ở mức độ nào thì chưa rõ, song tôi đồng tình với 2 nhà báo nói trên khi họ viết: “Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải, đã có dấu hiệu của việc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái” gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng”.



Hà Nội, ngày 22/3/2019.

                                                                                           N.Đ.Q.


Để rộng đường dư luận, xin mời quý độc giả đọc bài viết của Thiện Hiếu và Minh Nguyễn đăng trên báo điện tử NTD (đã bị gỡ bỏ) và bản chụp Quyết định của Cục Báo chí xử phạt báo NTD để có cái nhìn đa chiều và khách quan về vụ việc này!


Bài báo đã bị gỡ bỏ: Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”?

27-12-2018 – Thiện Hiếu và Minh Nguyễn.


 LTS báo TD: Tối qua, báo Người Tiêu Dùng đăng bài: “Nhiều cấp dưới bị bắt giam và kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân “vào lò”?” của hai tác giả Thiện Hiếu và Minh Nguyễn. Hiện bài này đã bị gỡ bỏ. Khi bấm vào bài hiện ra cụm từ “301 Moved Permanently“, tức gỡ bỏ vĩnh viễn. Chúng tôi xin được đăng lại đây, để phục vụ quý độc giả.






 Trong vòng một tháng trở lại đây, hàng loạt lãnh đạo cao cấp TP.HCM dưới nhiệm kỳ ông Lê Thanh Hải rồi Lê Hoàng Quân làm Chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố hoặc kỷ luật nặng nề. Nổi bật nhất là cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang và danh sách này chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng hai vị đáng ra phải chịu trách nhiệm lớn nhất hiện vẫn bình an vô sự, khiến nhiều cử tri TP.HCM và người dân cả nước hết sức bức xúc!

Dư luận đang mong chờ Ban Chỉ đạo Phòng Chống tham nhũng Trung ương và các cơ quan tố tụng sớm tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Thanh Hải (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) và ông Lê Hoàng Quân (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM).

Cho đến nay, hàng loạt sai phạm ở Thủ Thiêm mà Báo Người Tiêu Dùng đã phanh phui, các vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố và Thanh tra Chính phủ đã kết luận. Qua đó, sai phạm đã lộ rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM qua các thời kỳ mà đặc biệt là vai trò của ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân. Trong số các lãnh đạo TP.HCM phải kiểm điểm trách nhiệm vì sai phạm ở Thủ Thiêm thì ông Lê Thanh Hải được xem là “tác giả” chính của những vi phạm nghiêm trọng ở Thủ Thiêm. Trớ trêu thay, ông Lê Thanh Hải khi lên làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đã từng phê bình UBND TP.HCM ngay thời kỳ ông ta làm Chủ tịch UBND TP.HCM vì những liên quan đến dự án Thủ Thiêm!?

Những sai phạm của dự án khu đô thị Thủ Thiêm trải dài qua 5 đời Chủ tịch UBND TP.HCM nhưng ông Lê Thanh Hải được xem là người “khởi nguồn” cho những sai phạm vô cùng nghiêm trọng của Thủ Thiêm. Nhiều quyết định và chỉ đạo sai trái, lạm quyền của ông Lê Thanh Hải đã góp phần chính yếu khiến vụ việc Thủ Thiêm “nát bét” như hiện nay và để lại hậu quả khôn lường.

Việc giải tỏa đền bù dự án Thủ Thiêm diễn ra chủ yếu trong thời gian ông Lê Thanh Hải ngồi ghế Chủ tịch UBND TP.HCM (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp ông này giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (2006-2015). Đến khi ông Lê Hoàng Quân thay vị trí của ông Lê Thanh Hải để ông Lê Thanh Hải tiếp tục chỉ đạo, là người lãnh đạo cao nhất ở TP.HCM thì những vụ giải tỏa cưỡng chế càng diễn ra khốc liệt hơn. Hàng ngàn người dân đã mất nhà, mất đất oan uổng với những quyết định khuất tất, đầy dấu hiệu lợi ích nhóm và vi phạm các quy định hiện hành. Có những gia đình bị đập phá nhà và không hề được đền bù đồng nào hay giải quyết tái định cư, tạm cư ở bất cứ nơi đâu như hộ bà Nguyễn Thị Giáp ở khu phố 1, P. Bình An, Q.2.

Đây cũng là thời kỳ “u ám” nhất của bà con Thủ Thiêm khi UBND TP.HCM dưới sự lãnh đạo của ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân đã ra hàng loạt quyết định không đúng thẩm quyền, trái với quyết định của Thủ tướng,… để “đánh tráo” 160ha tái định cư, lấp liếm việc giao đất cho 51 dự án phân lô bán nền ngay tại khu tái định cư và lấn ranh của người dân không thuộc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm.

Chính ông Lê Thanh Hải là người chỉ đạo “xé nát” 160ha tái định cư Thủ Thiêm bằng lệnh “Không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn Q.2”. Đây là quyết định “bật đèn xanh” đá văng bà con Thủ Thiêm ra khỏi khu vực mà họ được Thủ tướng cho phép tái định cư.

Nguy hiểm hơn, “tối kiến” này của ông Lê Thanh Hải còn mở đường cho việc thu hồi đất tràn lan của bà con Q.2 ở Nam Rạch Chiếc, Thạnh Mỹ Lợi với danh nghĩa phục vụ tái định cư cho Thủ Thiêm dù chẳng có quy định nào từ Chính phủ cho phép TP.HCM làm việc này. Cho đến nay, bà con Q.2 bị thu hồi đất oan từ chỉ đạo của ông Lê Thanh Hải vẫn còn khiếu kiện khắp nơi, ai oán khổ sở hàng chục năm trời.



Ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức từ 14/10-17/10/2015. Ảnh: Phan Hoàng/ Chinhphu.vn



Không chỉ trong vụ Thủ Thiêm mà ở hàng loạt dự án bê bối, sai phạm, thậm chí có vụ đã bị khởi tố như các vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), khu đất 8-12 Lê Duẩn mà ông Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài đã bị khởi tố bắt giam đều không thể không xem xét trách nhiệm cấp trên của hai ông này là Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thời kỳ đó. Trong vụ đại án Ngân hàng Đông Á, nơi có vốn của Thành ủy TP.HCM cũng không thể loại trừ trách nhiệm của Bí thư Thành ủy TP.HCM lúc đó là ông Lê Thanh Hải. Cần nhớ, chính Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải là người đứng đầu chịu trách nhiệm về quản lý tài chính ngân sách Đảng tại Đảng bộ TP.HCM. Qua kết luận của các cơ quan nội chính, tố tụng Trung ương thời gian gần đây, rõ ràng việc quản lý tài chính lỏng lẻo tại các cơ quan Đảng bộ TP.HCM cần được truy trách nhiệm đến tận cùng.

Tại dự án Metro số 1 mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết luận thì đây là dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia nên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định để phê duyệt là không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, nội dung thẩm định không đảm bảo theo quy định, như không đánh giá tổng mức đầu tư, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư…

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã trích dẫn những chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân về việc giao và cho phép cơ quan này thẩm định việc tăng tổng mức đầu tư đối với dự án này. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu ông Lê Hoàng Quân không giao và cho phép, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sẽ không “dám” lạm quyền như vậy.

Những vụ việc tiêu biểu trên chỉ là một trong số những sai trái của hai cựu Chủ tịch UBND TP.HCM hai nhiệm kỳ trước đã để lại hậu quả nặng nề cho cả nhân dân lẫn chính quyền thành phố này. Giờ đây khi cấp dưới, nhiều người thừa hành, thay mặt hay làm theo lệnh của ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân đã bị khởi tố, bắt tạm giam thì không lẽ gì hai ông này lại không chịu trách nhiệm gì trong những bê bối chấn động như thế !

Dư luận, nhân dân và cán bộ TP.HCM đang trông chờ các cấp có thẩm quyền nhanh chóng xử lý những hành vi sai phạm của cả hai cựu Chủ tịch TP.HCM này. Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái” gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Nếu các cơ quan chức năng Trung ương muốn điều tra cặn kẽ những sai phạm tại TP.HCM, lấy lại niềm tin của của cử tri thành phố vào Đảng và chính quyền TP.HCM, thiết nghĩ, đã đến lúc phải truy cứu tận cùng trách nhiệm hình sự của ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân. Nói theo cách khác, việc đưa hai cựu quan chức này “vào lò” chính là quyết sách hợp lòng dân, quan chức gây ra sai phạm nghiêm trọng phải trả giá bằng vận mệnh của chính mình.

Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng thực hiện đang thực sự diễn biến đúng tinh thần của Tổng Bí thư từng nói “không có vùng cấm, không có ngoại lệ !”.