Lưu Dân (6 MAR 2019)
Bàn về đề xuất điều kiện chiều cao
tối thiểu để được xét tuyển vào ngành sư phạm năm 2019 ở Việt Nam, theo đó, nam
phải cao từ 1,55m trở lên và nữ cao từ 1,5m trở lên. Nhà giáo là ai, kỹ sư tâm
hồn? hay là người mẫu thể hình?
Mới đây, “Nhà nước
ta” – qua thông báo của trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ chí Minh – có quy định về
điều kiện chiều cao tối thiểu để được xét tuyển vào ngành sư phạm năm 2019,
theo đó, nam phải cao từ 1,55m trở lên và nữ từ 1,5m trở lên [1].
Mới nghe / đọc, tôi
tưởng tai và mắt của mình có vấn đề. Nhưng không, nghe lại và đọc lại thì vẫn y
như rứa. Nghĩa là nếu không đủ chiều cao quy định, các bạn trẻ ôm mộng làm thầy
cô giáo sẽ phải… đứng ngoài cổng trường.
Cha mẹ ơi, sao con
“khổ” thế! Cái nghề gõ đầu trẻ vốn đã bạc bẽo ở thời đỉnh cao trí tuệ này bây
giờ lại càng thêm gay go vì bục giảng từ nay chỉ dành cho “câu lạc bộ những
người chân dài”.
Cái quy định quái
gở này đã tạo nên một cơn bão trên mạng – chưa thấy ai cầm biểu ngữ phản đối
đến tận ngôi trường đào tạo những kỹ sư tâm hồn này, có lẽ vì e ngại cái mũ
“gây rối trật tự công cộng” chăng – vì nó không những bộc lộ kích cỡ trí não
chẳng mấy to lớn gì mà còn là một hành vi kỳ thị không thể bào chữa được.
Để dập tắt đám lửa phẫn nộ đó, một ông khoa bảng
quyền cao chức trọng là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Tp.HCM, Phó Giáo sư Tiến sĩ
Huỳnh Văn Sơn đã giải thích trên báo Dân Trí (13.02.2019): “Tiêu chuẩn về chiều cao không phải là một tiêu chuẩn mới, mà là
một trong những điều kiện về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ năm 2008. Đây
chỉ là một “chi tiết” trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể, với
rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác, nên cần xem xét tổng thể chứ
không nên tách ra một chi tiết mang tính đơn lẻ để quy gán và tạo ra dư luận xã
hội thiếu cơ sở.”
Làng nước ơi, sao
giờ con mới biết cái quy định “che khuất nẻo tương lai” đó đã có từ… hơn 10 năm
nay rồi! Cái “chi tiết” trong tiêu chuẩn ứng tuyển vào nghề nghiệp cao đẹp được
“Nhà nước ta” vinh danh trong Hiến chương Nhà giáo [2] ấy chỉ là “chuyện nhỏ”
trong môi miệng nhà quan nhưng lại là ước mơ lớn lao của những người muốn thực
hành thiên chức tri thức và lương thiện.
May quá, vẫn còn
những tiếng nói bênh vực cho lẽ phải và công bằng. Lời giải thích lấp liếm của
ông Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh
Văn Sơn (xin ghi lại đầy đủ lần nữa chức danh, học vị, bằng cấp và tên tuổi để…
tỏ lòng kính nể) không thuyết phục được ai, từ các đồng nghiệp của ông và trong
công luận.
Theo số liệu năm
2018 của Tổng hội Y học Việt Nam, chiều cao trung bình của người Việt hiện đã
rơi xuống hạng 20 nước thấp nhất thế giới, với chỉ 1,63m ở nam giới và 1,53m ở
nữ giới. Vì vậy, quy định “chiều cao tối thiểu” của ĐHSP Tp.HCM là một hành vi
tự bịt mắt và… cực kỳ phản động.
Nhà giáo Phạm Toàn, một chuyên gia giáo dục sinh
sống ở Hà Nội, nói thẳng:“Những quy định như thế, nếu ở
một nước dân chủ và có luật pháp, thì họ có thể bỏ tù vì như thế là phân biệt
đối xử.” Ông cho rằng thay vì tập trung vào việc cải thiện chất
lượng giáo dục - đào tạo, ngành giáo dục Việt Nam thời gian qua thường xuyên
đưa ra những quy định mà ông nói là “không thể thực hiện” và “gây lúng túng”.
Ông đưa ra dẫn chứng gần đây nhất là dự thảo thông
tư về quy chế công tác học sinh – sinh viên, trong đó quy định rằng nếu nữ sinh
viên bị bắt về tội mại dâm đến lần thứ tư thì sẽ bị buộc thôi học: “Xuất phát từ cái dốt và vô tổ chức. Cứ thảo rồi duyệt, thảo rồi
duyệt… giống như quy định nữ sinh bán dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học. Vớ
vẩn! Nếu thế thì đến lần thứ 3(rồi) dừng lại thì làm thế nào?”
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tỏ ra rất ngạc nhiên về sự tồn tại trong
suốt hơn 10 năm nay của một quy định mà ông cho là “kỳ cục” tại một trường đại
học chuyên về công tác giáo dục tại Việt Nam. Ông nói: “Bất cứ quy định nào về chiều cao như thế này, nói rằng ai thấp
hơn một tiêu chuẩn nào đó về chiều cao thì không được nhận vào trường đại học,
thì rõ ràng đều là kỳ thị và vi phạm nhân quyền.”
Một luật sư giấu
tên đang hành nghề ở Sài Gòn cũng đã phát biểu trên đài VOA rằng mặc dù Hiến
pháp Việt Nam quy định mọi người đều được đối xử bình đẳng về mọi mặt, không
phân biệt “chủng tộc, giới tính, tôn giáo, giai cấp…” nhưng trên thực tế vẫn
còn có rất nhiều những phân biệt đối xử. (Lạ, nhiều người trong nước bày tỏ ý
kiến của họ về những chuyện “nhạy cảm” như vầy – tức là nói xấu Nhà nước ấy mà
– thường phải giấu tên, ngay cả người biết luật như ông này).
Nhưng chuyện đó
không phải là… chuyện lạ. Vài năm trước, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ra quy
định về việc phụ nữ ngực lép không được lái xe gắn máy 2 bánh vì họ không đủ
sức bóp thắng!?
Chuyện này cũng đâu
lạ, vì nó từng xảy ra ở “nước lạ” rồi. Năm ngoái, khi trường Đại học Sư phạm
Thiểm Tây ở Trung Quốc quyết định không cấp bằng tốt nghiệp cho một nữ sinh tên
Li vì cô chỉ cao 1.4m, thấp hơn 10cm so với yêu cầu chiều cao tối thiểu là
1,5m. Sau khi bị phản ứng dữ dội của dư luận, Bộ Giáo dục “Nước lạ” đã lên
tiếng việc quy định chiều cao tối thiểu như vậy là “bất hợp pháp” và hứa… sửa
sai. Chuyện Việt Nam sao y bản chính một quy định phi nhân tính như vậy từ
“nước láng giềng 4 tốt” này, theo diễn dịch của các thầy bàn đường phố, thì… có
gì lạ đâu.
Trong văn hóa Việt
Nam, nghề giáo được coi như một thiên chức. Nhiều nhà giáo đã lưu danh trong
lịch sử như những tấm gương trung liệt, chính nghĩa. “Ngày nhà giáo" dĩ
nhiên là một truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp, nhưng
nếu nó chỉ dành riêng cho những người “có chiều cao đúng quy định” thì ngày
“Tết Thầy Cô” đó sẽ trở thành một tương phản mỉa mai cho lý tưởng giáo dục mà
họ tuyên thệ theo đuổi.
Nếu mỗi năm đều có
365 ngày Tết Thầy Cô trong thực tế (như được minh định trong Hiến chương Nhà
giáo) thì đất nước hẳn sẽ khá hơn. Cũng như mỗi năm có 365 "Ngày Phụ
Nữ" (như những nữ quyền được công nhận trong luật pháp) thì xã hội ắt sẽ
có bình đẳng phái tính!!!
Nói mơ thôi, chứ
nhìn vào đời sống thật thì buồn lắm! Giá như không có những cảnh cô giáo bị
buộc hầu rượu cho quan chức, thầy giáo không bị đuổi việc vì nói trái ý nhà
nước, nữ sinh không bị ép đổi tình lấy điểm, nam sinh không đánh thầy vì bị phê
xấu hoặc phụ huynh không bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi vì đã phạt con họ... thì
Ngày Nhà Giáo sẽ có ý nghĩa biết bao, hơn hẳn những bó hoa hoặc vài thước vải
tặng Thầy Cô mỗi năm một lần.
Nói chuyện chiều
cao, tôi nhớ có lần đọc được một bài của nhà thơ trào phúng Việt Nam ở xứ
Miệt Dưới về sự xấu hổ của một dân tộc bị làm nhục danh dự và đất nước bị tàn
phá tan hoang sau chiến tranh. Bài thơ cả chục năm trước của Thủy Tinh,
Melbourne (Bạn hiền ơi, đang ở đâu?cho
gửi lời thăm!) có đoạn như sau:
… Người Nhật lúc trước lùn trân
Vì biết mắc cỡ nên dần cao lên
Người Việt tự phụ mình ên
Vì không mắc cỡ cho nên lùn hoài!
Giờ mới thấm cái
triết lý nhẹ nhàng trong mấy câu tưởng như đùa đó. Bây giờ, có ai dám gọi con
cháu của xứ Phù Tang là “những thằng Nhật lùn”? Sự xấu hổ đã biến dân tộc này
trở thành cường quốc kinh tế thứ ba trên thế giới ngày nay.
Ừ, nhà giáo là kỹ
sư tâm hồn, không phải là người mẫu thể hình. Cái lùn về năng lực, đạo đức và
tâm hồn mới đáng sợ, đáng khinh và… đáng thương. Cầu trời rằng tác giả của cái
quy định quái gở trên – và các quan chức đã “duyệt” nó – vẫn chưa bị… đứt giây
thần kinh mắc cỡ!
(*) Trước áp lực mạnh mẽ
của dư luận, Trường ĐHSP Tp.HCM đã công bố rút lại quy định đó và bãi bỏ
điều kiện về chiều cao đối với các sinh viên ứng tuyển- cũng tương tự như trường
hợp Bộ Giao Thông vận tải rút lại quy định về điều kiện “ngực lép”. Hú
vía! Nhiều bạn trẻ vẫn còn “có cửa” vì không bị ngăn chận bởi một quy định
quái đản lẽ ra không nên có ngay từ đầu. Một lần nữa, lại xin mượn lời
của thầy giáo Phạm Toàn: “Cứ thảo
rồi duyệt, thảo rồi duyệt… Vớ vẩn!”)
***************
[1] Theo tin của
đài VOA 13.02.2019 và báo Thanh Niên 12.02.2019.
[2] Trích Bách khoa
Toàn thư mở Wikipedia:
Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ
niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20
tháng 11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ
hội của ngành Giáo dục và là Ngày
Nhà giáo, ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm
mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành này. Trong ngày này, các
học sinh thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo.