15 mars 2019

Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng: Chở hàng Trung Quốc?


TS Bùi Xuân Phong : “Bởi thực tế, số lượng hàng hóa từ Lào Cai đi các tỉnh Đông Bắc Bộ chủ yếu không phải là hàng trong nước mà nhập từ cửa khẩu Trung Quốc.

"Như thế để thấy rằng, dự án đường sắt này sẽ giúp Trung Quốc tăng tiêu thụ hàng hóa của nước họ, giúp họ giao thương với các nước khác dễ dàng hơn.

Trong khi, chúng ta đang phải vay 10 triệu Nhân dân tệ của Trung Quốc để nghiên cứu dự án, nếu làm dự án này thì cũng rất có thể sẽ phải vay thêm tiền của họ.



Ảnh minh họa.


Nợ càng thêm... nợ!


Ngày 12/3/2019, TS Bùi Xuân Phong Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam bày tỏ sự lo ngại với Đất Việt về việc Bộ GTVT đang giao Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc tư vấn lập quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo vị chuyên gia này, với một đất nước phát triển, đường sắt là điều nên làm. Tuy nhiên, phải làm đúng thời điểm. Trong bối cảnh Việt Nam còn đang khó khăn thì cần phải tập trung vào một số dự án trọng điểm, không nên dàn trải kẻo "nợ càng thêm nợ".

"Về ngành đường sắt, chúng ta đang trọng tâm nghiên cứu thực hiện dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đây dự án lớn, tiêu tốn khoảng 58.000 tỷ đồng. Ngoài ra công sức của rất nhiều nhà khoa học, cơ quan chức năng bỏ vào đó không thể tính đếm trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Bây giờ nên tập trung làm dự án đó trước, đừng thực hiện thêm dự án nào khác kẻo dàn trải, có thể dẫn đến chẳng hoàn thành dự án nào" - TS Bùi Xuân Phong bày tỏ.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại cũng đang xuống cấp trầm trọng. Bên cạnh việc phát triển dự án đường sắt cao tốc thì việc sửa chữa, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có cũng là điều nên được quan tâm.

Hai dự án trên nếu đi vào thực hiện thì số tiền đổ vào đó rất nhiều. Trong khi, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nếu được thực hiện theo đơn vị nghiên cứu tư vấn đề xuất thì sẽ có khổ rộng 1,435m, dài khoảng 392km, đi qua 8 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Tuy chưa có con số tính toán cụ thể nhưng theo tự tính của TS Bùi Xuân Phong, để làm được thì cũng cần phải số tiền không hề nhỏ, có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

"Với địa hình từ Lào Cai xuống Hà Nội và đi Hải Phòng, có nhiều đoạn đường hiểm trở, đòi hỏi việc gia cố nền móng và các công cụ thanh tà vẹt, đá, thanh sắt... Điều đó sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền mà hiệu quả kinh tế đem lại không tương xứng" - Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam.


Ai được lợi nhiều hơn?


Trong khi đó, lượng hàng hóa từ Lào Cai xuống Hà Nội rồi đi Hải Phòng cũng là vấn đề được TS Bùi Xuân Phong đề cấp tới khi nói đến tính hiệu quả nếu tuyến đường sắt này được xây dựng.

Bởi thực tế, số lượng hàng hóa từ Lào Cai đi các tỉnh Đông Bắc Bộ chủ yếu không phải là hàng trong nước mà nhập từ cửa khẩu Trung Quốc.

"Như thế để thấy rằng, dự án đường sắt này sẽ giúp Trung Quốc tăng tiêu thụ hàng hóa của nước họ, giúp họ giao thương với các nước khác dễ dàng hơn.

Trong khi, chúng ta đang phải vay 10 triệu Nhân dân tệ của Trung Quốc để nghiên cứu dự án, nếu làm dự án này thì cũng rất có thể sẽ phải vay thêm tiền của họ.

Rõ ràng, phải tính toán, ai là được lợi nhiều hơn nếu thực hiện dự án này?" - TS Bùi Xuân Phong đặt ra câu hỏi.


Vân Nam 
Nguồn: Theo Báo Đất Việt