21 mars 2019

Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô

NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ VỀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ





Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn nguời tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moscow. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?

Đây là một cửa hàng đặc biệt, chuyên phục vụ một số khách hàng đặc biệt, và hôm đó là ngày cuối cùng trước khi cửa hàng tuyên bố bị đóng cửa. Người dân Liên Xô gọi các khách hàng đặc biệt của cửa hàng đặc biệt này là những người thuộc tầng lớp đặc quyền. Tầng lớp đặc quyền này từng bước hình thành dưới thời Brezhnev và tiếp tục phát triển dưới thời Gorbachev; và đó là một chất xúc tác gây nên sự tan rã từ bên trong Đảng CS Liên Xô, là cũng một trong các nhân tố quan trọng thúc đẩy biến cố Liên Xô.

Một cửa hàng tràn ngập hàng hóa ở gần Điện Kremlin


Các công dân Liên Xô xếp hàng dài trước một cửa hàng giày, dép.
Sau Cách mạng Tháng Mười, chiến tranh và nạn đói đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Xô Viết còn non trẻ. “Rồi sẽ có bánh mì và sẽ có tất cả”, câu nói đầy ấn tượng của Vasili trong bộ phim Lenin trong Tháng Mười đã trở thành câu nói thịnh hành một thời ở Liên Xô. Ngày nay, người ta khó có thể tin rằng những người làm việc gần gũi với Lenin từng nhường nhịn, chia sẻ cho nhau chỉ một mẩu bánh mì, nhưng đây là sự thật của lịch sử. Nhà làm phim đã dựa vào một câu chuyện có thật hồi ấy để dựng nên tình tiết này trong phim. Năm 1918, chính quyền Xô Viết gặp phải một cuộc khủng hoảng lương thực. Tại một cuộc họp của UBND, Churuva lúc đó đang là Ủy viên nhân dân phụ trách vấn đề lương thực, bất ngờ bị ngất xỉu. Người ta phải khẩn cấp điều bác sĩ đến khám. Khám xong, bác sĩ kết luận, Churuva bị ngất xỉu do đói!



Những ngày cách mạng, đảng viên ĐCS Liên Xô nô nức xung phong
ra trận, xả thân chiến đấu.
Là quan chức cao nhất phụ trách vấn đề lương thực của chính quyền Xô Viết, Churuva nắm trong tay quyền điều động hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng lại không giữ cho riêng mình số thực phẩm đủ để no bụng. Ngay sau đó, Lenin kiến nghị xây dựng nhà ăn điều dưỡng để bảo đảm cho những đồng chí đang ngày đêm lo lắng cho nhân dân được no. Điều này hoàn toàn đúng và không có gì phải bàn cãi.

Nhà ăn điều dưỡng do Lenin khởi xướng năm ấy dần dần mở rộng thành cửa hàng cấp đặc biệt, rồi dần dần quy mô và số lượng của nó đã có sự thay đổi căn bản. Sau nửa thế kỷ, chỉ có những cán bộ đặc biệt cao cấp của Liên Xô mới có thể ra vào tòa nhà không hề có biển hiệu này. Đây là cửa hàng cung cấp đặc biệt lớn nhất Moscow. Vào dịp cuối tuần, những chiếc xe hơi lũ lượt kéo đỗ trước của tòa nhà, chật kín cả dãy phố. Ở đây có đủ các loại hàng hóa xa xỉ của nước ngoài, như rượu Brandy của Pháp, Whisky của Scotland, thuốc lá thơm Mỹ, Chocolate Thụy Sĩ, coffee của Italia, giầy da của Áo, len dạ Anh, máy thu thanh Đức, máy ghi âm Nhật Bản,... có cả các mặt hàng khan hiếm ở Liên Xô. Báo chí đã nói công khai rằng, đối với những nhân vật thuộc tầng lớp trên thì chủ nghĩa Cộng sản đã được xây xong từ lâu! Chỉ riêng Moscow đã có hơn 100 cửa hàng như vậy. Tầng lớp đặc quyền trong điện Kremlin có quy tắc riêng của mình, chức vụ càng cao đặc quyền càng lớn thì sự chênh lệch về đãi ngộ vật chất mà họ được hưởng so với dân thường càng lớn. Đương nhiên những người được hưởng đặc quyền này chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong đội ngũ cán bộ Đảng CS Liên Xô. Thế nhưng thứ đặc quyền này phải chăng là căn nguyên đầu tiên của sự bất mãn xã hội mà tầng lớp này đã gây ra?

Khan hiếm hàng hóa thực phẩm cho nhân dân



Thời kỳ Liên Xô vừa bắt đầu xây dựng CNXH, mọi người phấn đấu gian khổ hướng tới một cuộc sống mới. Khi đang phải phấn đấu vất vả để thực hiện lý tưởng chung, xã hội không chấp nhận những hàng vi dành chiếm độc quyền, mưu lợi cá nhân. Vào lúc nhà nước, dân tộc đứng trước nguy cơ tồn vong, nếu nói cán bộ lãnh đạo Đảng CS Liên Xô có đặc quyền gì đó thì đó chính là xung phong ra trận, xả thân chiến đấu, tắm máu sa trường, lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược trong tiếng réo hờn căm của Kachiusa.

Thời Stalin, yêu cầu của Đảng với cán bộ nhìn chung rất nghiêm khắc. Khi đó Liên Xô cũng đang phải đương đầu với môi trường chiến tranh tàn khốc và cả sóng to gió lớn của cuộc đấu tranh chính trị. Từng đoàn cán bộ, đảng viên đi ra tiền tuyến. Sự thay đổi cán bộ lãnh đạo diễn ra thường xuyên, tầng lớp đặc quyền không có cơ hội hình thành. Sau khi lên nắm quyền, Khrushchev đã thực hiện chính sách “cán bộ đặc biệt” theo quy định tại Điều 25 - Điều lệ Đảng CS được Đại hội 22 của Đảng CS Liên Xô thông qua. Cán bộ đảng viên cần thay đổi thường xuyên. Tại các buổi bầu cử diễn ra tại tổ chức đảng cơ sở hàng năm đều có hàng loạt bí thư bị thay thế sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Tỷ lệ thay đổi cán bộ lãnh đạo lên tới 60%. Bởi vậy, trong thời kỳ này Liên Xô vẫn chưa hình thành tầng lớp người thật sự được hưởng đặc quyền trong Đảng. Tầng lớp đặc quyền trong Đảng CS Liên Xô chỉ từng bước hình thành sau khi Brezhnev nắm quyền, nhất là vào giai đoạn cuối thời Brezhnev.

Tháng 4-1966, Đảng CS Liên Xô tổ chức Đại hội 23. Đây là Đại hội Đảng đầu tiên diễn ra sau khi Brezhnev nắm quyền điều hành công tác của BCH TƯ. Đại hội đã sửa đổi Điều 25 trong Điều lệ Đảng. Brezhnev đặc biệt tâm đắc câu nói của Khrushchev, người một thời gian dài phụ trách công tác ý thức hệ trong Đảng rằng: “Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công”. Brezhnev theo đuổi sự ổn định của đội ngũ cán bộ một cách phiến diện sau đó phát triển thành chế độ chức vụ. Thực chất là chế độ chức vụ suốt đời, áp dụng với cán bộ lãnh đạo. Các cán bộ cao cấp của Liên Xô như Brezhnev, Khrushchev đều qua đời khi còn đương chức. Chính sách cán bộ của Brezhnev đã khiến cho các thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô gần như không có biến động trong suốt một thời gian dài. Tại Đại hội 23 của Đảng CS Liên Xô, số ủy viên tái đắc cử và liên nhiệm đạt tỷ lệ 79,4%. Tại Đại hội 25, không tính số ủy viên T.Ư đã qua đời thì tỷ lệ Ủy viên T.Ư liên nhiệm cao tới 90%.

Trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng cấp tỉnh từ năm 1978 đến năm 1981, chỉ có năm trong số 156 vị trí bí thư tỉnh ủy có sự thay đổi về nhân sự. Đến mùa xuân năm 1978, độ tuổi bình quân của 58 vị phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng và bộ trưởng là 70. Thực tế này đã tạo ra một đội ngũ lãnh đạo già nua, đương chức suốt đời. Hậu quả của chế độ cán bộ này là vừa khiến cho tầng lớp lãnh đạo thiếu đi sức sống vừa dễ hình thành một lực lượng hạt nhân trong tầng lớp đặc quyền.


Những chiếc Zil limousines dành riêng cho tầng lớp lãnh đạo Liên Xô.
Xét về khách quan, chế độ cán bộ lãnh đạo suốt đời làm cho đội ngũ, tầng lớp đặc quyền không ngừng mở rộng, kéo theo sự không ngừng tăng lên cơ quan hành chính được lập ra để bố trí ngày càng nhiều cán bộ lãnh đạo. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, số cơ quan cấp ban, bộ trực thuộc T.Ư Đảng CS Liên Xô lên tới 20. Trong đó, đại bộ phận trùng lặp với các cơ quan của chính phủ. Thậm chí tên gọi của những ban, bộ này cũng giống hệt nhau. Như Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp quốc phòng, Ban Công nghiệp nặng và năng lượng, Ban Chế tạo cơ khí, Ban Văn hóa... Dưới thời Brezhnev, Đảng CS Liên Xô đã tạo đất cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi, nảy nở. Nhiều cán bộ cấp cao không khỏi sửng sốt trước chế độ đãi ngộ đặc biệt mà họ được hưởng ngay sau khi được đề bạt.

Ligachev kể lại trong hồi kí rằng: Năm 1983, khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng CS Liên Xô, ngay ngày hôm sau ông đã được cấp một chiếc xe ô-tô cao cấp. Khi ông yêu cầu thay cho mình một chiếc xe đẳng cấp thấp hơn một chút, không ngờ ông bị Chánh văn phòng T.Ư Đảng phê bình lại rằng: đồng chí làm như thế là một sự đòi hỏi đặc biệt, làm mất phong độ của cơ quan. Nếu không ở trong cuộc, người ta không thể tưởng tượng được những hưởng thụ do đặc quyền mang lại.

Brezhnev trong một kỳ nghỉ tại Krym (Crưm), Liên Xô (trước đây năm 1973).

Ligachev phát biểu tại Đại hội 28 ĐCS Liên Xô.

Dưới thời Brezhnev, con cái tầng lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ dàng được vào học tại những trường đại học tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận vào các ban, ngành ưu việt nhất, đồng thời nhanh chóng được nắm giữ những cương vị quyền lực quan trọng. Thậm chí, đặc quyền còn có thể trở thành “lá bùa hộ mệnh” để cán bộ lãnh đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở. Rubanov, con rể của Brezhnev, đã dựa vào quyền thế của bố vợ, quan lộ phất như “diều gặp gió”. Chỉ trong vòng 10 năm, ông ta đã từ một sĩ quan cấp thấp trở thành thượng tướng, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ. Trong thời gian này, ông ta đã tham ô, nhận hối lộ 650 nghìn rúp, gây ra vụ án “phò mã” chấn động cả nước. Còn Yuri, con trai Brezhnev thì được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Liên Xô khi còn rất trẻ.

Tháng 1-1982, tại sân bay Moscow, một công dân Liên Xô chuẩn bị lên máy bay ra nước ngoài du lịch, nhân viên hải quan đã tìm thấy một lượng lớn kim cương cất giấu trong chiếc túi bí mật trên người. Kết quả điều tra cho thấy, đây là sưu tập cá nhân của nữ huấn luyện viên dạy sư tử ở Rạp xiếc Trung ương. Sau đó không lâu, chuyên gia mỹ thuật và giám đốc của rạp xiếc bị bắt giữ. Người ta còn tìm thấy số kim cương trị giá khoảng 1 triệu USD và nhiều đồ vật quý giá khác tại nhà riêng của chuyên gia mỹ thuật và khoảng 500 nghìn bảng Anh cùng nhiều đồ trang sức, tác phẩm hội họa đắt tiền tại nhà riêng của giám đốc. Đáng nói là, những thứ này đều thuộc sở hữu của Galina - con gái Brezhnev. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, vụ buôn lậu đồ trang sức, kim cương còn liên quan Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Yuri. Vụ việc này lẽ ra thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ xử lý, nhưng sau đó lại được chuyển sang cho Ủy ban An ninh quốc gia (KGB). Trong khi Phó Chủ tịch thứ nhất của KGB là Svigun, người trực tiếp chỉ đạo vụ án này lại là anh em cọc chèo với Brezhnev. Kết quả là, câu chuyện kết thúc ở đó. Con trai Brezhnev là Yuri và con gái của ông ta là Galina vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.


Galina Brezhneva(con gái Brezhnev) và Nikolai Shchelokov (bên phải), nhân vật chính trong câu chuyện minh họa về giới đặc quyền Liên Xô.

Trong 17 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Selokhov đã lợi dụng chức quyền, biến của công thành của tư. Ông ta không chỉ chiếm khu biệt thự cấp nhà nước lớn nhất của Bộ Nội vụ và nhà khách Bộ Nội vụ làm của riêng mà còn chiếm một tòa chung cư rất lớn ở số 24, phố Hensen. Một lượng lớn tài sản cá nhân của Selokhov và người nhà ông ta được cất giữ trong khu biệt thự cấp nhà nước và tòa chung cư này. Tại một khu biệt thự, chỉ tính thảm trải nhà đã xếp tới bảy tầng, dưới gầm giường nhét đầy những bức tranh sơn dầu của các danh họa Nga.

Dưới thời Brezhnev, tình trạng tham nhũng tại Moscow và các nước cộng hòa thuộc Liên bang ngày càng nghiêm trọng.

Nguồn:Thời nay
Thứ hai, 24/02/2014