Nhưng kế hoạch chiếm cả vùng biển này của Trung Quốc còn
được thực hiện bằng những bước đi "âm thầm và xảo quyệt", theo lời
ông Nguyễn Đình Phú, giảng viên Đại học Nông Lâm TPHCM, hiện đang là phó giáo
sư tại Đại học UCI, California.
Chuyên dạy ngành Tài nguyên nước, Giáo sư Nguyễn Đình Phú
thường xuyên đọc các tạp chí khoa học và qua đó cho hay ông đã khám phá ra
việc Trung Quốc gần đây cố tình đưa Đường Lưỡi bò hay còn gọi là Đường chín
đoạn vào các ấn phẩm khoa học quốc tế.
Khám phá này khiến ông, trong mấy năm qua, miệt mài bỏ
thời gian viết cho từng tạp chí phản đối việc in Đường Lưỡi bò và nhấn mạnh
rằng tính hợp pháp của Đường chín đoạn của Trung Quốc hiện đang bị tranh chấp trong
luật pháp quốc tế, ngoại giao và chính trị.
Giáo sư Phú nói với BBC News Tiếng Việt về hoạt động âm
thầm của ông để bảo vệ chủ quyền Biển Đông cho Việt Nam.
BBC: Xin giáo sư cho biết ông bắt đầu để ý đến nỗ lực quảng
bá Đường Lưỡi bò vào các ấn phẩm khoa học quốc tế của Trung Quốc
trong việc từ khi nào?
GS Nguyễn Đình Phú: Là một công dân Việt Nam, tôi thường xuyên theo dõi
các hoạt động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông và biết là họ đang tìm cách
lồng ghép Đường Lưỡi bò phi pháp vào các ấn phẩm khoa học.
Việc này đã được họ mưu đồ từ lâu và đã
từng gặp phải sự phản đối của các học giả người Việt và quốc tế, trong đó phải
kể đến phản đối của TS Dương Danh Huy với bài "China's Demographic History and Future
Challenges" trên
tạp chí khoa học uy tín hàng đầu Science năm 2011, hay GS Phạm Quang Tuấn
(Australia) phản đối tạp chí Waste Management về bài ''Municipal solid waste source-separated
collection in China: A comparative analysis'' xuất bản năm 2011. Nhưng mặc dù đã bị cộng đồng gởi
thư phản đối mạnh mẽ, đến nay hai bài báo này vẫn còn đính kèm hình vẽ
"đường lưỡi bò".
Điều đáng nói là nếu trước đây các bài báo có chèn Đường
Lưỡi bò trá hình rất hiếm, thì từ năm 2017 trở lại đây số lượng bài báo khoa
học có nó lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài.
BBC: Những nỗ lực, mà giáo sư gọi là 'mưu đồ' này của Trung
Quốc xảy ra từ lâu rồi, vậy điều gì đã khiến ông ngăn chặn việc
làm đó?
GS Nguyễn Đình Phú: Tôi bắt đầu quan tâm đặc biệt đến vấn đề này sau sự kiện
ngày 12/5 năm 2017, khi Trung Quốc gởi bà Yunzhu Yao, một tướng quân đội về
hưu, với mác học giả, sang quảng bá Đường Lưỡi bò với danh nghĩa trao đổi học
thuật tại đại học UCI, ở Quận Cam, tiểu bang California, nơi tôi đang công tác.
Bài thuyết giảng về Biển Đông của bà Yunzhu Yao hôm ấy khiến cả giảng viên lẫn người tham dự, gồm
khoảng 50 sinh viên và cử tọa thuộc nhiều giới, trong đó khoảng 1/3 là người Á
Đông, gồm cả người Philippines và Việt Nam lớn tiếng tranh cãi.
Tâm điểm tranh cãi chính là bản đồ chín điểm được gọi là
Đường Lưỡi bò, mà bà Yunzhu Yao trưng ra như một 'chứng cớ lịch sử' về chủ
quyền của Trung Quốc trên gần trọn vùng Biển Đông hiện đang bị tranh chấp.
Từ đó, tôi luôn lưu tâm phát hiện và kiên quyết đấu tranh
với bất cứ bài báo khoa học nào có chèn Đường Lưỡi bò từ các học giả Trung
Quốc.
BBC: Ông có thể đơn cử một ví dụ cụ thể về việc Trung Quốc
tìm cách quảng bá Đường Lưỡi bòvào các tạp chí này?
GS Nguyễn Đình Phú: Trường hợp đầu tiên tôi phát hiện và đấu tranh dai
dẳng nhất là bài báo "Decline in Chinese lake phosphorus
concentration accompanied by shift in sources since 2006" trên tạp chí khoa học hàng đầu Geoscience của
Nature xuất bản ngày 12 tháng 6 năm 2017.
Ngay sau khi phát hiện tôi đã viết thư gởi cho Tổng biên
tập của tạp chí và toàn thể ban lãnh đạo của Springer Nature - tập đoàn sở hữu
Nature với hàng chục tạp chí khoa học nổi tiếng.
Tôi chỉ rõ Springer Nature là nhà xuất bản các tạp chí
khoa học nổi tiếng thế giới thì không nên vô tình đưa vào những vấn đề chính
trị, trong đó có yếu tố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, đặc biệt là
khi toà án quốc tế tại Hague, trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc
tháng 7 năm 2016, đã khẳng định Đường Lưỡi bò không có giá trị và Trung Quốc
không có chủ quyền lịch sử (historic rights) ở Biển Đông. Qua việc cho phép
chèn "đường lưỡi bò" trong các ấn phẩm của mình Nature đã vi phạm
chính sách trung lập về chính trị (political neutrality policy) của Tập đoàn,
và việc kèm "đường lưỡi bò" vào các bài báo không hề có chút ý nghĩa
khoa học nào cả.
Tôi yêu cầu Nature phải kịp thời loại bỏ Đường Lưỡi bò
trong các ấn phẩm đã xuất bản và xác nhận là sẽ không tiếp tục để bị lợi dụng
chèn nói vào các ấn phẩm khác trong tương lai.
Sau hàng chục email trao đổi với Tổng biên tập Nature
Geoscience là TS. Heike Langenberg, cuối cùng họ đã phân công Tổng biên tập và
là người phụ trách về chính sách xuất bản của Tập đoàn Springer Nature là Sir
Philip Campbell (người được Nữ Hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ năm 2015). Sir Philip
Cambell hứa sẽ xét việc thay đổi chính sách xuất bản của họ trong tương lai.
Mặc dù chưa hài lòng với cách xử lý của Nature nhưng tôi
xem đây là kết quả khích lệ ban đầu. Việc đấu tranh với Nature trong vấn đề
Đường Lưỡi bò sẽ còn lâu dài và cam go.
BBC:Có nhiều tạp chí đã cho in đường lưỡi
bò của Trung Quốc trên ấn phẩm của họ không, thưa ông?
GS Nguyễn Đình Phú: Trong suốt hai năm qua tôi dành rất nhiều thời gian phát
hiện những bài báo có Đường Lưỡi bò và liên lạc với hàng chục nhà xuất bản để yêu
cầu chỉnh sửa. Tất cả đều đồng ý việc đưa Đường Lưỡi bò vào các ấn phẩm khoa
học là phi lý. Phần lớn đều đồng ý là sẽ loại bỏ, hoặc ghi chú thích là Đường
Lưỡi bò không có giá trị, và sẽ không xuất bản nó trong tương lai. Tuy nhiên,
do một số lý do, mà tôi nghĩ là kinh tế, nên đến giờ Nature vẫn chưa có hành
động quyết liệt về vấn đề này.
BBC: Có tạp chí nào bằng lòng đính chính đường lưỡi bò trên ấn
phẩm của họ không? Hỏi cách khác, ông đã đạt được những thành quả gì?
GS Nguyễn Đình Phú: Trước tiên tôi muốn báo một tin rất vui và rất tốt lành
là sáng nay 15/3/2019, tổ chức Science Direct thuộc Elsevier vừa gởi thông báo
của nhà xuất bản (Publisher's note) về những bài báo được xuất bản vào tháng 2
vừa qua có hình 'Đường Lưỡi bò', chưa đầy một tháng sau khi nhận thư phản đối
của tôi.
Văn bản này do chính Giám đốc xuất bản của Journal of
Hydrology gởi đến hàng vạn độc giả trên thế giới, nói rằng:
"Tạp chí Hydrology vừa xuất bản một số bài báo (liệt
kê sau đây) chứa bản đồ của Trung Quốc có hình Đường Lưỡi bò trên biển Nam
Trung Hoa [tức Biển Đông]. Thay mặt tạp chí Hydrology, tôi xin thông báo với
quý vị rằng tính đúng đắn của các yếu tố của "Đường Lưỡi bò" trong
bản đồ của Trung Quốc đang bị tranh chấp theo luật pháp, ngoại giao và chính
trị quốc tế." (kèm theo danh sách 13 bài báo).
Trước đó, các tổ chức Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ (American
Geophysical Union -AGU), Hiệp Hội Khí tượng Hoa Kỳ (American Meteorological
Society -AMS), Tập đoàn Elsevier của Hà Lan đã xác nhận là sẽ chỉnh sửa, chú
thích và tránh xuất bản các ấn phẩm có "Đường Lưỡi bò" trong tương
lai. Xin lưu ý AGU và AMS là những tổ chức chuyên ngành uy tín lâu đời ở Mỹ với
hàng trăm ngàn hội viên và sở hữu hàng chục tạp chí khoa học chuyên ngành hàng
đầu.
Tháng 7 năm 2018 sau khi nhận được thư phản đối của tôi
về Đường Lưỡi bò trên tạp chí danh tiếng BAMS của AMS, đích thân Chủ tịch AMS
là GS. Roger Wakimoto hứa sẽ đưa vấn đề này ra cuộc họp thường niên của AMS với
sự tham gia thảo luận của lãnh đạo cao nhất AMS và đại diện của các cơ quan
thuộc chính phủ Hoa Kỳ. Cuộc họp đi đến kết luận là "Các bản đồ cơ sở
không nên bao gồm các ranh giới chính trị đang bị tranh chấp hoặc không cần
thiết cho việc trình bày thông tin khoa học được truyền đạt trên bản đồ. Hơn
nữa, không nên có ranh giới chính trị nào được chỉ định trên các đại dương hoặc
vùng biển lân cận." Họ khẳng định sẽ sớm ra chính sách mới để hướng dẫn
chi tiết cho các giới liên quan để thi hành.
Người phụ trách lĩnh vực xuất bản của tạp chí uy tín
Water Resources Research của AGU thì cam kết "Chính sách của chúng tôi là
tuân theo tên địa lý chính thức của Liên Hiệp Quốc đã được phê duyệt cho bản
đồ và tên địa điểm và ranh giới địa lý. Như bạn lưu ý, đây không phải là một
ranh giới được phê duyệt hoặc được quốc tế công nhận. Chúng tôi đều nhắc nhở
các biên tập viên về chính sách này và thảo luận về một quy trình điều chỉnh
phù hợp với các biên tập viên."
Tập đoàn xuất bản Elsevier sau khi nhận được phản đối của
tôi cũng trả lời rằng: "Chúng tôi đồng ý là tạp chí khoa học không phải là
diễn đàn để thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị." Và rằng
"Chúng tôi đã khuyến nghị các biên tập viên của các tạp chí liên quan kiểm
tra xem bản đồ có cần thiết về mặt khoa học hay không. Một số trường hợp chúng
tôi đã cho in lưu ý từ nhà xuất bản, nhấn mạnh rằng tính hợp pháp của đường 9
đoạn của Trung Quốc hiện đang bị tranh chấp trong luật pháp quốc tế, ngoại
giao và chính trị." Và họ đã làm như vậy.
BBC:Qua kinh nghiệm này, ông nghĩ gì về nỗ lực quảng bá
Đường Lưỡi bò của Trung Quốc?
GS Nguyễn Đình Phú: Qua theo dõi, nghiên cứu, tôi thấy chính phủ Trung Quốc
luôn có dã tâm độc chiếm Biển Đông, và Đường Lưỡi bò phi pháp là một phương
tiện.
Ngoài việc quân sự hóa các đảo tự nhiên đã xâm chiếm của
Việt Nam và các đảo nhân tạo, cũng như đơn phương cấm bắt cá trong các ngư
trường truyền thống ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân Việt Nam,
bắt nạt và thậm chí dùng bạo lực với ngư dân, họ còn từng bước, từng bước, tìm
cách hợp thức hóa Đường Lưỡi bò trên mặt trận khoa học bằng cách chèn hình vẽ
vào các ấn phẩm trên các tạp chí khoa học quốc tế, để lập luận là Đường Lưỡi
bò đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Đây là mưu đồ thâm độc nhằm phục vụ cho
dã tâm bành trướng, độc chiếm Biển Đông, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam.
Các học giả Trung Quốc nói với tôi là nếu họ sử dụng ngân
sách của chính phủ Trung Quốc làm nghiên cứu, thì khi đăng các bài báo trên các
tạp chí khoa học, nếu cần có bản đồ minh họa, thì những bản đồ đó bắt buộc phải
có Đường Lưỡi bò.
BBC:Trong việc theo dõi việc Trung Quốc tìm cách lồng ghép
Đường Lưỡi bòvào các ấn phẩm khoa học, ông có bao giờ thấy mình cô đơn?
GS Nguyễn Đình Phú: Tôi nhận thức được đây là trách nhiệm thiêng liêng với tổ
quốc của mỗi người con đất Việt. Là người sống xa quê hương thì làm được gì có
ích cho đất nước thì đó vừa là niềm hạnh phúc vừa là niềm tự hào với tôi. Tôi
làm việc này với quyết tâm cao nhất, vừa mềm dẻo vừa kiên quyết.
Tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ chính sách của
từng tổ chức để lập luận chặt chẽ khi phản biện họ, và tìm cách đưa phản đối
lên những lãnh đạo cao nhất của tổ chức đó để họ nắm thông tin và có quyết định
kịp thời.
Cuộc đấu tranh này sẽ lâu dài, cam go, và cần sự kiên trì
cao độ. Trong suốt thời gian qua tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên hỗ
trợ của nhiều người. Trước hết là những người thầy, đồng nghiệp, sinh viên của
tôi, và cả đến những người quản thủ thư viện tại UCI.
Điều thú vị là có cả những học giả Trung Quốc ủng hộ quan
điểm, hành động của tôi và thẳng thắn phê bình chính sách sai trái của chính
phủ Trung Quốc về Đường Lưỡi bò.
Tôi còn nhận được sự hỗ trợ và động viên từ cộng đồng
người Việt tại Mỹ, đặc biệt là các thành viên trong Hội Thanh niên Sinh viên
Việt Nam tại Hoa Kỳ.
BBC:Kế hoạch tiếp theocủa ông là gì?
GS Nguyễn Đình Phú: Tôi trăn trở rất nhiều, không lẽ mình sao nhãng công
việc chuyên môn chỉ để loay hoay đi tìm từng bài báo rồi viết thư phản đối từng
nhà xuất bản, trong khi Trung Quốc đã có chủ trương phổ biến Đường Lưỡi bò bằng
mọi giá và thực tế là gần đây số lượng ấn phẩm khoa học bị lợi dụng chèn Đường
Lưỡi bò ngày càng "nhiều như quân Nguyên".
Để giành thế chủ động, gần đây Trung Quốc đã đứng ra
thành lập nhiều tạp chí khoa học quốc tế, như công ty xuất bản MDPI có trụ sở
tại Thuỵ Sĩ do người Trung Quốc làm chủ đang vận hành hàng chục tạp chí với số
lượng xuất bản vô cùng lớn. Nhiều bài báo đăng trên các tạp chí này trong thời
gian gần đây có chèn Đường Lưỡi bò.
Có lẽ đã đến lúc cần một giải pháp căn cơ và hiệu quả
hơn. Các nhà khoa học, các học giả Việt Nam và quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ
hơn với các hiệp hội chuyên ngành, các tổ chức khoa học quốc tế uy tín để cộng
đồng quốc tế thấy rõ mưu đồ của chính phủ Trung Quốc, làm cho việc cố tình chèn
ghép Đường Lưỡi bò vào các ấn phẩm khoa học của họ trở thành vô nghĩa, thậm chí
phản tác dụng, và làm tăng tính chính nghĩa trong việc bảo vệ chủ quyền biển
đảo của Việt Nam, cũng như sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định trên
Biển Đông của cộng đồng quốc tế.
Cũng cần tổ chức những hội thảo khoa học về chủ đề này
với sự tham dự của các học giả có uy tín người Việt và quốc tế, cả các nhà khoa
học từ các nước ASEAN và học giả Trung Quốc.
Tuy nhiên, muốn đấu tranh thành công thì cần có sự chung
sức đồng lòng của nhiều người. Mỗi người đều có thể góp phần bảo vệ biển đảo
bằng nhiều cách khác nhau. Những bạn trẻ, đặc biệt là những nhà khoa học đang
học tập, nghiên cứu ở nước ngoài hãy cùng chung tay đấu tranh chống việc Trung
Quốc cố tình mưu đồ phổ biến Đường Lưỡi bò.
Tôi mong muốn thời gian tới cùng được chung tay với các
bạn trẻ xây dựng được một mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài
nước để cùng đấu tranh phản bác Đường Lưỡi bò của Trung Quốc và tham gia giải
quyết những vấn đề lớn của đất nước.