18 mars 2019

Bàn về tham nhũng chính sách


Nguyễn Đình Cống


1-Giới thiệu


Khái niệm  tham nhũng chính sách (TNCS) chỉ mới xuất hiện trong thời gian vào đầu thế kỷ 21 và được nhắc  đến ngày càng nhiều. Trước đây chỉ thỉnh thoảng gặp cụm từ “lợi dụng sơ hở” của chính sách hoặc luật pháp. Về những việc này tôi biết  khá nhiều, đã suy nghĩ  và lý giải  nguồn gốc phát sinh, đã đọc vài chục bài báo với những đầu đề như là : TNCS là cha của mọi tham nhũng, TNCS là vô cùng nguy hiểm, TNCS làm đảo lộn xã hội, TNCS là hoạt động của nhóm lợi ích; Cần loại tận gốc TNCS  v.v…Rồi nào là Tập đoàn này nọ làm giàu cực nhanh bằng TNCS, Nhận diện sự hiểm họa của TNCS, Nhận diện nguy cơ tham nhũng từ khi hoạch định đường lối, nào là Đề phòng, ngăn chặn TNCS, Có ngăn được TNCS không, ngăn bằng cách nào v.v…Lại có bài (của Thành Tâm) cho là thực tế không có TNCS, cụm từ này chỉ là lối nói của văn Tây.


Qua thực tế cũng như qua các bài đọc được,  tôi biết sự lo lắng, phẩn nộ của nhiều người  trước cảnh TNCS càng ngày càng tăng, gây nên những tổn thất vô cùng to lớn cho đất nước. Nhiều bài đã nêu lên được thực trạng bi đát với dẫn chứng cụ thể và phân tích sâu sắc ( của Phạm Chi Lan, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Sĩ Dũng,  Mai Quốc Ấn, Sơn Tràng, Nguyễn Anh Tuấn v.v…).Tuy vậy tôi chưa gặp được bài nào chỉ ra nguyên nhân sâu xa, nêu được những trường hợp TNCS cộm cán, có tính quyết định. Cũng đã có vài bài nêu các biện pháp khắc phục ( của Nguyễn Sĩ Dũng, Lưu Văn Quảng, Thế Dũng, Lương Kết v.v…) nhưng hình như chỉ là “biện pháp gãi ngứa” chứ chưa phải  tìm được “thuốc đặc trị”. Tôi cũng phát hiện được một vài luận điệu xảo trá, ngụy biện hoặc những lời hô hào suông của một số quan chức cấp cao và bồi bút.


2-Phân biệt TNCS và lợi dụng sơ hở của luật pháp


TNCS là việc lạm dụng quyền ban hành chính sách và luật pháp nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân / phe nhóm. Lợi dụng sơ hở của luật pháp là việc phát hiện ra các sơ hở đó và vận dụng nó để kiếm lợi. Tuy hai việc đều nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân, nhưng khác nhau về cách tiến hành. Kẻ TNCS chính là người làm hoặc tham gia làm ra các điều khoản của luật pháp, vì có quyền lực, có mưu mô, giỏi lừa đảo. Người lợi dụng không tham gia làm chính sách/luật pháp, họ nghiên cứu chúng để tìm những điểm có thể dùng hoặc tránh (lách luật), nhằm kiếm lợi nhiều hơn, họ là người có trí tuệ. Dân Do Thái nổi tiếng về khả năng lách luật để làm giàu. Nhìn ở góc độ khác kẻ TNCS cũng là người lợi dụng sơ hở, nhưng sơ hở đó do chính họ tạo ra, còn bị nhiều người khác lợi dụng.

Có ý kiến xem TNCS khác với tham nhũng quyền lực (TNQL). Theo tôi thì TNCS nằm trong TNQL, nó là dạng cao nhất, thâm hiểm nhất của TNQL, là sự tham nhũng vô cùng đểu cáng, vô cùng nguy hiểm, nhưng hợp với văn bản luật pháp, được thực hiện ngang nhiên trước công luận.

Hình như trong nhiều nước không có khái niệm THCS vì họ chỉ có luật pháp mà không có chính sách. Ở ta, đặt và gọi TNCS theo thói quen, vì thường thì có chính sách rồi mới có luật pháp. Thật ra đó là tham nhũng dựa vào luật pháp do mình tạo ra, là tham nhũng luật pháp.


3-Vài vụ TNCS cộm cán hoặc tinh vi


TNCS gặp trong nhiều lĩnh vực  và càng ngày càng tăng, càng chống càng phát triển. Rất nhiều vụ  từ to đến nhỏ, từ quy mô toàn quốc đến địa phương đã được phanh phui. Dưới đây tôi chỉ xin kể vắn tắt vài vụ cộm cán hoặc tinh vi.

Vụ TNCS lớn nhất là điều 4 của Hiến pháp, là Luật đất đai. Hai thứ này nhiều người biết nhưng chưa dám công khai qui cho chúng là TNCS chỉ vì quá nhạy cảm. Xin mọi người ngẫm nghĩ và phân tích sẽ thấy.

Vụ TNCS lớn thuộc hàng đầu là công tác cán bộ bao gồm từ việc độc quyền quyết định đến quy hoạch và tổ chức bầu bán. Về  vấn đề này tôi đã viết bài “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản”, chỉ ra rằng theo đường lối đó, theo quy hoạch đó thì chủ yếu chọn được bọn cơ hội có lắm chước quỷ mưu ma, là những tinh hoa dỏm và loại bỏ những tinh hoa thực chất. Làm như vậy nhằm phục vụ các nhóm lợi ích, mà nhóm to nhất, bao trùm nhất chính là ĐCSVN.

Về TNCS một cách tế nhị, xin kể 2 chuyện:


Chuyện 1- Kẻ  đểu lừa người ngu. Việt Nam đã khá thành công với  cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng có không quá 2 con. Một số con cháu lãnh đạo cao cấp chỉ có 2 con gái, rất muốn đẻ thêm, nhưng lại sợ vi phạm. Thế là bỗng nhiên có pháp lệnh mới về dân số ra đời với điều khoản “ mỗi gia đình tự chọn số con”. Kẻ đề ra điều này nhằm đến là giúp con cháu đẻ thêm một cách hợp pháp, nhưng phải lừa được người thông qua và dư luận với lý do công khai là tôn trọng nhân quyền. Người  thông qua vì ngu hay sao đó mà chấp nhận. Điều khoản này đồng thời tạo điều kiện cho hàng triệu gia đình khác sinh đẻ thoải mái. Sau khoảng dăm sáu năm, do những tác động nào đó lại thấy vận động kế hoạch hóa trở lại.


Chuyện 2- Lừa bịp bằng tiêu chuẩn.  Ở cơ quan nọ tổ chức lấy ý kiến dân chủ về chức  trưởng nhiệm kỳ mới. Dưới sự chỉ đạo của chức  trưởng đương nhiệm, tập thể lãnh đạo thảo luận và thông qua 5 tiêu chuẩn để chọn người. Ba tiêu chuẩn đầu được thông qua nhanh chóng, số người đạt được gần hai chục. Tiêu chuẩn 4 và 5 được thảo luận khá gay cấn vì xem ra toàn cơ quan chỉ có vài ba người đạt được tiêu chuẩn 4 và chỉ  1 người có được tiêu chuẩn 5. Người đó không ai khác là chức  trưởng đương nhiệm.


4-Nguyên nhân cơ bản và biện pháp phòng chống


Nhiều người đã tìm nguyên nhân của TNCS từ những “bất cập” của cán bộ và cơ chế. Họ chỉ ra nào là sự hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm của người làm chính sách, của người soạn luật và thẩm định luật, sự thiếu minh bạch, sự sơ sài, thiếu chặt chẽ trong việc kiểm tra và thông qua luật, họ đổ lỗi cho một số người “buôn cơ chế”, đổ lỗi cho bọn thoái hóa biến chất, cho các nhóm lợi ích. Có thể họ còn biết nguyên nhân khác quan trọng hơn nhưng vì tế nhị, vì sợ mà chưa dám nói ra.

Tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản của TNCS, cũng giống như của nhiều tệ nạn khác là “Sự kết hợp và cộng hưởng giữa một bên là những yếu kém trong văn hóa và truyền thống dân tộc và một bên là những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê”. Yếu kém rõ nhất trong truyền thống là thói tham lam ích kỷ, nó đóng vai trò mầm mống. Độc hại chủ yếu là độc quyền đảng trị, nó đóng vai trò môi trường thuận lợi. Chính sự kết hợp này làm sinh ra và nuôi dưỡng các bất cập về cán bộ và thể chế.

Tại sao lại để người thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm luật và người  thông qua luật (đại biểu Quốc hội) có trình độ thấp. Tại vì đa số tinh hoa của dân tộc đã bị chuyên chính vô sản loại ra khỏi Quốc hội và Chính quyền.

Để phòng chống nạn TNCS một số nhà nghiên cứu đã đề xuất các biện pháp liên hoàn. Nào là nâng cao trình độ cán bộ soạn thảo và thẩm định, minh bạch và nghiêm túc trong giải trình và xét duyệt, nào là tăng cường các nghị quyết, nâng cao phẩm chất đạo đức, đề cao việc nêu gương, đẩy lùi suy thoái tư tưởng; nào là cắt bỏ giấy phép con, bỏ chế độ xin cho, ban hành khuôn khổ pháp lý, lập cơ quan chuyên sàng lọc chính sách , pháp luật, thực hiện cơ chế 3 không đối với TNCS (không thể, không dám, không muốn), nào là tăng cường sự phản biện, tăng  cường vai trò báo chí v.v và v.v…. Những biện pháp vừa nêu xét ra không sai, nhưng chỉ  nhằm gãi ngứa nếu vẫn giữ nguyên thể chế độc quyền toàn trị.

Để phòng chống, tiến đến bài trừ mọi loại tham nhũng, trong đó có TNCS thì cần loại bỏ nguyên nhân cơ bản sinh ra và nuôi dưỡng chúng. Việc loại bỏ các yếu kém trong truyền thống chỉ có thể làm từ từ và lâu dài với nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí. Việc quan trọng và tương đối cấp thiết là loại bỏ độc hại của CN Mác Lê, thực hiện chế độ dân chủ với tam quyền phân lập. Có như thế người dân mới chọn được thành phần tinh hoa, liêm khiêt  đưa vào các bộ máy dân cử và chính quyền. Sẽ là thuận lợi cho dân tộc khi lãnh đạo đất nước hiểu ra và thực hiện điều đó. Nếu vì lợi ích nhóm mà họ ngoan cố chống lại thì nhân dân cần tìm con đường khác. Về lâu dài thì chính nhân dân mới quyết định vận mệnh của mình, có chấp nhận cho bọn tham nhũng hoành hành mãi hay không.