16 mars 2019

BOT, nước mắm dưới góc nhìn thuyết công lợi



Sau BOT và đề xuất cấm xe máy, bản dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm lại làm dậy sóng dư luận. Nhiều người cho rằng cũng giống như các chính sách BOT, Dự thảo này nếu được áp dụng sẽ là một sự “bức tử”, chèn ép đối với số đông các chủ thể sản xuất nhỏ lẻ truyền thống. Dưới góc nhìn của thuyết công lợi, những điều này dường như đang “đi ngược lại với lợi ích số đông”.


Theo các chuyên gia về nước mắm thì các tiêu chuẩn mang tính “trưởng giả học làm sang” này nếu thành quy định sẽ giết chết hơn 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống để có thể mở rộng thị phần hơn nữa cho một “đại gia” chuyên sản xuất loại “nước chấm” công nghiệp vốn đã chiếm đến 75% thị phần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giết chết ngành sản xuất ra loại nước chấm đã trở thành quốc hồn quốc túy của nước ta.

Ở các trạm thu BOT, với lưu lượng mỗi ngày hàng chục ngàn lượt xe qua lại, các trạm thu này đã “ăn gian” biết bao nhiêu tiền của các tài xế khi quy định mức thu phí và báo cáo thiếu trung thực số lượt xe? Chính điều này đã dẫn đến việc những người dân dựng lều đếm xe ở các trạm BOT hiện nay. Chưa kể là có những trạm như BOT Cai Lậy còn làm đường tránh cộng cải tạo sơ sài quốc lộ và ngang nhiên đặt trạm thu phí quốc lộ gây bất bình cho người lưu thông. Các chi phí bất hợp lý này thoạt nhìn tưởng chỉ ảnh hưởng đến các bác tài hay các doanh nghiệp vận chuyển, nhưng kỳ thực là ảnh hưởng đến toàn bộ người dân bởi cơ chế “bàn tay vô hình” của thị trường.

Ở bất cứ một xã hội nào cũng tồn tại một trong những mâu thuẫn cơ bản sau: người bán bao giờ cũng muốn bán giá thật cao, thu thật nhiều lợi nhuận (300% thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám phạm, thậm chí bị treo cổ nó cũng không sợ - K. Marx), người mua thì bao giờ cũng mua với giá thật rẻ, thật hợp lý. Nhiệm vụ của nhà nước khi được “đẻ ra” chính là điều hòa lợi ích của các bên trong những hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thật khó giải quyết khi “hạnh phúc của anh là nỗi đau khổ của chúng tôi” và ngược lại, giữa người mua và người bán. Thuyết công lợi, ra đời ở một đất nước tư bản là nước Anh vào thế kỷ XVIII, đã giải quyết tương đối ổn thoả mâu thuẫn này bằng cách đưa ra một công thức: tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho số đông. Học thuyết kinh tế xã hội này là một trong những nguyên nhân khiến nước Anh trở thành một nước thịnh vượng nhất trên thế giới trong những thế kỷ sau đó. Và kể từ đó đến nay, công thức này đã làm “kim chỉ nam” cho hầu như tất cả mọi xã hội dân chủ trên thế giới.

Lẽ nào một nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân”, một đất nước của chính quyền nhân dân, của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như nước ta lại không đi cùng hướng với “kim chỉ nam” trên? Vì sao những bộ, ngành như bộ Giao thông vận tải hay bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại không tính đến hàng ngàn, hàng triệu người dân bị ảnh hưởng nặng nề trước những chính sách, những quyết định của họ? Và nếu có thể xem xét bỏ qua những “tình cảm công bộc” như đã nêu thì những quy định như đặt trạm thu phí ở quốc lộ hay cấm xe máy, đưa ra những tiêu chuẩn “viễn vông” về nước mắm, liệu có phạm luật, có vi hiến?
Hãy thôi tính đến những dự án, những chính sách không hợp với lòng dân đi, các vị...


Đoàn Đạt