Cử tri ở Thủ Thiêm yêu cầu xử lý những cán bộ có sai phạm trong việc giải tỏa đền bù ở dự án Thủ Thiêm. Ảnh TL |
Tên của những người từng là chủ tịch UBND quận và chủ tịch UBND TP.HCM giai
đoạn từ 1998 đến trước 2016 đã được cử tri bêu nhiều nhất và gắn với những sai
phạm đất đai khu đô thị mới Thủ Thiêm tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 của tổ
đại biểu Quốc hội TP.HCM diễn ra sáng 20.10, trước thềm kỳ họp Quốc hội.
Những tố giác đó không mới, bởi nó đã xuất hiện trong những lá đơn
khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện hay ý kiến của cử tri trong nhiều năm qua. Chỉ
khác là, nếu trước đây mọi thứ rơi vào thinh không thì lần này, cái thế đúng
của dân đã có cơ sở, theo kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ công bố vào
tháng 9 qua. Và, những bức xúc về sai phạm đất đai vẫn còn nguyên trong những
giãi bày kiến nghị, nhưng giờ đây tiếng khóc dường như bớt được phần nào tức
tưởi.
Thật vậy, “bài toán” cho oan và sai ở Thủ Thiêm vẫn chưa có lời giải thỏa
đáng, ít ra là theo nguyện vọng của những người dân chịu oan khiên vì bị phá
nhà, cướp đất sau những “trận càn” cưỡng chế. Cho dù lãnh đạo UBND TP.HCM đã
xin lỗi, thậm chí xin lỗi “từ tận đáy lòng” thì điều đó vẫn chưa thỏa được lòng
mong mỏi của những người dân chịu oan ức ở Thủ Thiêm cả hai chục năm nay. Cái
mà người dân đòi hỏi, đó là đền bù thỏa đáng và xử lý đích đáng những sai phạm
của cán bộ và tổ chức liên quan đến đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Mỗi
một lần xin lỗi người dân lại xát thêm muối vào vết đau của chúng tôi”, cử tri
Cao Thăng Ca phát biểu.
Do có thâm niên đằng đẵng đeo đuổi đòi công lý, người dân mất đất ở Thủ
Thiêm tự trang bị cho mình những kiến thức về luật một cách rành rẽ. Họ có niềm
tin nhưng cũng đủ đầy hoài nghi về sự công minh, chính trực chốn công quyền.
Bởi vậy mà trong cái lợi riêng, họ nhìn thấy cái chung của tập thể “nạn hữu” vì
bị phá nhà, cướp đất. “Như đã nói từ trước, vấn đề chúng tôi khiếu nại không
chỉ là yếu tố vật chất, cho nên đừng đưa quyền lợi vật chất ra dụ và lừa đảo
chúng tôi”, vẫn lời cử tri Cao Thăng Ca. “Tôi đấu tranh không chỉ để giữ cho
con tôi mảnh đất, mà còn là giữ cho con tôi niềm tin vào những lãnh đạo công
tâm trên đất nước này, giữ niềm tin vào Tổ quốc” - cử tri Nguyễn Thị Hà nói.
Trong niềm mong mỏi chung đó, cử tri Nguyễn Thị Kim Phượng còn chỉ ra một
sự thật, rằng việc đấu tranh của bà con không đơn thuần chỉ là thửa ruộng mảnh
vườn mà đang góp phần vào việc làm trong sạch bộ máy công quyền. Những cán bộ
sai phạm cần phải loại ra khỏi bộ máy, phải bị trừng trị một cách nghiêm minh.
Có ý thức đó, bởi người dân hiểu họ đang “chiến đấu” với ai. Việc lùi thời gian
công bố kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cũng khiến dư luận hồ nghi về
thái độ thiếu cương quyết, hay tệ hơn đó là những nấn ná nhằm “bảo vệ nội bộ”
của những người có trách nhiệm.
“Tôi đấu tranh
không chỉ để giữ cho con tôi mảnh đất, mà còn là giữ cho con tôi niềm tin vào
những lãnh đạo công tâm trên đất nước này, giữ niềm tin vào Tổ quốc”
Cử tri Nguyễn Thị Hà
Đặc biệt là nhận thức của những đảng viên mất đất trong cuộc trường kỳ 20
năm tranh đấu. Rằng, những người gây ra oan khiên, bức xúc và nỗi đớn đau cho
họ vẫn còn đó nhưng chưa hề đứng ra xin lỗi. Rằng, những đồng chí của họ trước
đây đương chức còn mạnh tay chỉ đạo thu hồi đất, cưỡng chế nay lại ngồi trong
ban giải quyết khiếu kiện thì sự khách quan có đáng đặt dấu hỏi? Đến với cuộc
tiếp xúc đại biểu quốc hội, đảng viên Nguyễn Văn Thạch mang niềm đau riêng, đó
là đảng viên phải gương mẫu chấp hành, để rồi ấm ức gia nhập vào quần chúng mất
đất. Đau đớn hơn, có những đảng viên đột tử ngay trong cuộc họp đòi công lý như
bà Lê Thị Chức, hay bức xúc dẫn đến bạo bệnh và qua đời như thượng tá công an
Phan Thanh Nghị. Họ không còn cơ hội để giãi bày oan khiên hay nghe lời xin lỗi
từ lãnh đạo đương quyền.
Ông Thạch trình bày nguyện vọng về sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra trung
ương. Cơ quan kiểm tra của Đảng cũng đã được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân
nhắc đến khi đáp lời cử tri hôm 20.10: “Trong quá trình xử lý trách nhiệm Thanh
tra Chính phủ phải tham gia, chứ không phải tự thành phố xử lý. Sau đó theo
phân cấp quản lý, cái nào thành phố được quyền quyết định thì thành phố xử lý,
cái nào cán bộ do Trung ương quản lý, có ý kiến của Trung ương nữa...”. Mong
muốn Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xuất phát từ niềm tin “không có vùng
cấm” trong chống tham nhũng, không có cơ hội hạ cánh oan toàn cho những quan
chức lỡ “nhúng chàm”...
“Chúng tôi yêu cầu trừng trị đích đáng những người nào phá hoại Đảng, những
người nào không tuân theo nghị quyết của Đảng, chà đạp luật pháp”, cử tri Cao
Thăng Ca phát biểu và nhận được sự đồng thuận của đông đảo cử tri quận 2. Tất
nhiên, trong lúc chờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì những oan khuất ở
Thủ Thiêm, những khiếu nại, khiếu kiện nếu như trước đây là món nợ của các đại
biểu Quốc hội, với chức năng giám sát, thì nay đã được gợi mở. Bởi, nguyện vọng
và yêu cầu nêu ra trong cuộc tiếp xúc cử tri, là sai phạm ở Thủ Thiêm phải được
đưa vào chương trình làm việc chính thức, được thảo luận ở nghị trường. Mong
rằng, “đơn đặt hàng” này của người dân sẽ được các đại biểu của đoàn đại biểu
Quốc hội TP.HCM thực hiện, chứ không lỗi hẹn như nhiều năm qua.
Trả món nợ Thủ Thiêm do vậy, không chỉ là việc xoa dịu dân Thủ Thiêm bằng
những miếng đất hay khoản tiền đền bù. Đó còn là món nợ về niềm tin của người
dân vào công lý.
Trung Dũng - Thượng Tùng
Nguồn: Theo Người Đô Thị