01 novembre 2018

Trung Quốc bị cáo buộc cài chuyên gia quân sự vào đại học của phương Tây


 
Sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học Mỹ - Ảnh : The Australian

Hơn 2.500 nhà khoa học quân sự và kỹ sư được Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cài vào các trường đại học của phương Tây để thâu tóm công nghệ điều hướng và tên lửa siêu thanh.

Theo báo Washington Times (Mỹ) ngày 30.10, thông tin trên trích từ một báo cáo mới của Viện Chính sách chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Úc.



Báo cáo khẳng định PLA chi tiền cho số chuyên gia quân sự “du học nước ngoài”, và nhiều người giấu quan hệ chính thức với ngành quốc phòng Trung Quốc.

Mục tiêu chính của chương trình thâu tóm công nghệ này là các trường đại học thuộc nhóm quốc gia “5 Mắt” gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Nhóm “5 Mắt” cũng đã lập một mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo chặt chẽ với nhau.

Báo cáo cảnh báo: “Hàng chục nhà khoa học PLA giấu mối liên quan với quân đội Trung Quốc để đến nhóm nước “5 Mắt” và các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) và gồm ít nhất 17 người đến Úc, nơi họ làm việc ở các lĩnh vực như tên lửa siêu thanh và công nghệ điều hướng. Không thể rõ các đại học của phương Tây và các chính phủ có biết rõ hiện tượng này hay không?”.

Báo cáo khẳng định “đa số các nhà khoa học do PLA cử ra nước ngoài xem ra đều công khai họ thuộc cơ quan nào, nhưng trong vài trường hợp, các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng các dạng vỏ bọc, như dùng tên của các cơ quan không hề hiện hữu, hoặc cố tình viết sai tên của cơ quan của họ”.

Ví dụ các nhà khoa học của Đại học Kỹ sư tên lửa PLA (một cơ sở nghiên cứu quân sự chủ lực của Trung Quốc) đã khai man là thành viên Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Xi’an, nhưng xem ra Viện này chỉ có trên giấy tờ.

Báo cáo còn nêu các thành viên PLA cũng khai họ là thành viên của những cơ quan dân sự có thật, ở cùng địa bàn với các đơn vị quân sự của họ: “Những người không công khai sự liên quan với quân đội thì có thể hoạt động gián điệp hoặc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ khi họ ở nước ngoài”.

Báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc phản ánh mối lo ngại của Úc rằng quân đội Trung Quốc lẻn vào cộng đồng nghiên cứu khoa học của Úc. Trong vài năm qua, căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, và các nhà phân tích nói xung đột địa -chính trị giữa Trung Quốc và Úc còn mãnh liệt hơn nữa, càng khiến tăng sự lo ngại việc Trung Quốc xâm nhập và gây ảnh hưởng trong chính trị và kinh tế Úc. Bắc Kinh gần đây phẫn nộ, khi Úc cấm các tập đoàn viễn thông ZTE và Huawei điều hành mạng lưới 5G mới của Úc.

Hồi cuối năm ngoái, mối lo Trung Quốc tác động vào chính trị Úc đã khiến chính phủ Úc cấm nhận những khoản tiền tặng cho quỹ tranh cử có nguồn gốc từ nước ngoài. Thủ tướng Úc lúc đó là ông Malcolm Turnbull nói ông phải hành động, vì đã có những cáo buộc Bắc Kinh mở một chiến dịch can thiệp vào chính trị Úc.

Theo báo Washington Times, các trường đại học Mỹ - Úc đều phớt lờ các nguy cơ, phần nào vì dòng du học sinh Trung Quốc giúp họ có kinh phí hoạt động, từ tiền và học bổng do Bắc Kinh cấp cho du học sinh người Trung Quốc.

Báo cáo viết: “Trong khi một số quốc gia như Úc và Mỹ tự hào về các thành tựu khoa học của họ, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của họ lại bị hạn chế kinh phí. Để xử lý vấn đề này, nhiều đại học nhìn qua Trung Quốc, một thế lực khoa học đang trỗi dậy và muốn lập quan hệ với các cộng đồng khoa học của toàn thế giới”.

Những năm gần đây, số du học sinh Trung Quốc ở các trường đại học của phương Tây đã tăng đáng kể, với ước tính khoảng 350.000 người ở Mỹ, tăng cao so với 70.000 du học sinh hồi 10 năm trước.

Cùng giai đoạn đó, nhiều nhà giàu Trung Quốc tặng nhiều tiền cho các trường đại học công và tư của Mỹ. Rất khó xác định tổng số tiền tặng vì tính riêng tư của vài khoản tặng.


Bảo Vĩnh (theo Washington Times)