06 novembre 2018

Pháp trị hay Nhân trị (3)


Xuân Dương :"Có điều, luật pháp chẳng bao giờ hết kẽ hở, luật sư giỏi chính là người biết tìm những kẽ hở đó để “lách” còn “đày tớ” giỏi phải hơn luật sư một bậc, phải biết “lách” ở bất kỳ chỗ nào có thể “lách”.


Nếu các đạo luật được ban hành với những kẽ hở cố ý (chứ không phải vô tình) thì sự công bằng, văn minh, tiến bộ sẽ thuộc về “đày tớ” hay ông chủ?"



(GDVN) - Lấy đạo đức, nhân văn làm gương cho người khác không sai, song lồng “nhân văn” vào pháp luật không phải lúc nào cũng đúng. 


“Nhân trị” theo nghĩa là sự cai trị của con người với con người tạm gọi là “Nhân trị nhân”, dù là theo khuynh hướng “Độc quyền thiểu số” hay “Độc quyền đa số” đều tiểm ẩn nhiều rủi ro đối với tầng lớp bị cai trị. 

Vậy “Nhân trị” theo hướng nhân văn - đạo đức, tạm gọi là “Nhân trị đức”, lấy bản thân làm khuôn mẫu, lấy nhân văn làm định hướng hoạt động có giúp cho việc cai trị (quản lý) xã hội trở nên hoàn hảo?

Câu hỏi này sẽ không thể có câu trả lời thỏa đáng nếu không gắn với hoàn cảnh cụ thể tức là tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh của quốc gia và những diễn biến địa - chính trị toàn cầu.

Khi đất nước thái bình, lòng dân quy về một mối, đạo đức công dân và văn hóa xã hội không bị xuống cấp thì rõ ràng pháp luật không có nhiều việc để làm và người đứng đầu chỉ cần tập trung đến khía cạnh nhân văn, đến “phòng” chứ không phải “chống”. 

Ở thời điểm này, giới lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, nhà nước,… có thể dùng “chí nhân, đại nghĩa” để cai trị (quản lý) xã hội.

Vấn đề là theo tính quy luật, xã hội luôn vận động và thời điểm kế tiếp của “thái bình, thịnh trị” có thể là chiến tranh, loạn lạc, cũng có thể chỉ ở mức lòng dân ly tán, văn hóa - đạo đức xuống cấp, người dân mất niềm tin vào thể chế.

Lúc này “Nhân trị đức” không thể giúp giới cầm quyền cai trị (quản lý) xã hội.

Xin giải thích một chút về điều này.

Có ý kiến cho rằng kỷ luật của chính quyền, tổ chức rất nhân văn, nhằm mục đích răn đe, cảnh báo những người vi phạm kỷ luật, pháp luật.

Có người bị kỷ luật còn cảm ơn tổ chức, cơ quan đã kỷ luật mình.

Lấy đạo đức, nhân văn làm gương cho người khác không sai, song lồng “nhân văn” vào pháp luật không phải lúc nào cũng đúng.

Ảnh minh hoạ/ Baophapluat.vn


Từng có trường hợp “ba ngành” cho rằng, đối tượng phạm tội “có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu” nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cách lập luận này không biết được áp dụng bao nhiêu lần song thực tế cho thấy không ít quan chức, trước khi bị phát hiện vi phạm (kỷ luật hoặc pháp luật) đều có “nhân thân tốt”, sau khi phạm tội đều có “sức khỏe yếu”, đều phải vào bệnh viện điều trị nên dẫu có mất cái “nguyên” này những vẫn “nguyên” nhiều thứ khác.

Lại có ý kiến cho rằng kỷ luật đánh vào danh dự, uy tín, mất danh dự, uy tín là mất tất cả!

Có ngây thơ quá không khi nhận định như vậy?

Khi người ta trọng danh dự, uy tín và có đủ năng lực suy xét, chẳng ai làm việc gì để đến nỗi phải kỷ luật, chỉ những người “mặt trơ trán bóng” vừa thiếu tâm vừa không đủ tầm, chẳng có cả danh dự lẫn uy tín mới bị kỷ luật, vậy kỷ luật đánh vào “cái không còn” liệu có bị … mỏi tay?

Lấy nhân đức cai trị một xã hội nhiễu nhương phải chăng chỉ là ảo vọng?

Vậy trừng trị một người để làm gương cho muôn người có tác dụng?

Suốt nhiều năm qua, sau mỗi đợt kê khai tài sản, chẳng đã phát hiện bốn năm trường hợp vi phạm trong cả triệu người kê khai đó sao?

Nếu bốn năm người bị phát hiện sai phạm không khiến cả triệu người cảnh tỉnh, tiếp tục kê khai có phải là lãng phí thời gian, tiền bạc?

Chống tham ô, lãng phí có phải là một trong những mục tiêu của chiến dịch “Lò nóng - củi tươi”?

Dường như có một cách hiểu chưa chính xác, rằng cán bộ nghèo mới là người liêm chính còn cán bộ, công chức giàu thì tất phải bòn rút của công, phải tham nhũng,…! 

Tuy nhiên cán bộ giàu bất thường mà không chứng minh được nguồn thu hợp pháp thì chắc chắn chỉ có thể bằng tham nhũng mà có.

Người liêm chính, cũng như toàn bộ dân chúng, chỉ không được phép làm những gì pháp luật cấm.

Để giữ thanh danh, để tạo dựng hình ảnh một lãnh đạo trong sạch trước dân chúng mà để cho con cháu, dòng tộc có cuộc sống kham khổ thì khó có thể là tấm gương cho mọi người.

Như đã nói ở phần đầu, “Pháp trị” theo hướng pháp luật cai trị xã hội là định hướng đúng đắn, song ngay cả như thế có phải là đã toàn thiện, toàn mỹ?

Trả lời câu hỏi này lại phải nói đến “Nhân trị”.

Luật pháp do con người tạo ra, nếu quá trình làm luật không minh bạch, không dân chủ, nếu luật pháp lại do “Độc quyền đa số” chi phối thì “Luật pháp cai trị xã hội” chẳng khác gì liều thuốc an thần khiến dân chúng mơ màng về sự công bằng, bác ái.

Xin dẫn một ví dụ:

Năm 2013, Bộ Công thương tổ chức thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển là Cục trưởng Trương Quang Hoài Nam. 

Sau kỳ thi, đã có nhiều đơn thư khiếu nại, phản ánh: đề thi bị lộ, thí sinh biết trước và cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là con cháu của người trong Cục”. [1]

Sau khi có kết luận của Công an và Bộ Nội vụ, sau khi bị kỷ luật, Cục trưởng Hoài Nam được điều chuyển làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, còn ông Trịnh Văn Ngọc - người cũng bị kỷ luật do liên quan tới những bê bối trong thi tuyển công chức này được nhận Huân chương Lao động hạng 3 “Vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2011 đến năm 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. [2]

Người dân kém hiểu biết đổi ngoại tệ tại tiệm vàng bị ông Hoài Nam ký quyết định phạt 90 triệu đồng, còn bản thân người này vi phạm chẳng bị phạt đồng nào, lại còn làm Phó Chủ tịch thành phố, vậy đây là “Pháp trị” “Nhân trị” hay “Quan trị”?

Loài người từ xưa đến nay chứng kiến quá nhiều sự kiện đến mức không ít triết gia phải kết luận “Công lý nằm trong tay kẻ mạnh”.

“Kẻ mạnh”, theo cách nói của người Việt là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. 

Vậy những người bị kỷ luật vẫn nhận huân chương, vẫn làm lãnh đạo, họ “bạo” vì cái gì?

Nhìn ra thế giới, dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hợp Quốc do thiếu chứng cứ và bị thế giới phản đối, Tổng thống Mỹ Bush (con) vẫn phát động chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên lý lẽ của riêng mình, rằng nước này sở hữu vũ khí hóa học. 

Sau khi tàn phá đất nước Iraq, giết chết tổng thống nước này, những người đã xua quân ném bom giết hại dân thường xoa tay bảo “Có sự nhầm lẫn thông tin tình báo”!

Giả sử có cái “Cân công lý” đủ to, nếu đặt “danh dự, uy tín” vào một bên, bên còn lại đặt biệt phủ, xe sang, bồ nhí,… thì cán cân sẽ nghiêng về bên nào?

Xem thế đủ thấy, dù là “Pháp trị” hay “Nhân trị” thì dân chúng vẫn là người “bị trị” chừng nào nhà nước “của dân, do dân, vì dân” vẫn còn là khẩu hiệu.

Độc giả Lê Tuấn báo Giaoduc.net.vn cho rằng: 

Nhân trị" khi lập pháp, tức là khi làm luật phải theo mong muốn chính đáng của nhân dân.

"Pháp trị" khi hành pháp và tư pháp, tức là quản lí xã hội phải bằng pháp luật. Như vậy sẽ công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ”. [3]

Có điều, luật pháp chẳng bao giờ hết kẽ hở, luật sư giỏi chính là người biết tìm những kẽ hở đó để “lách” còn “đày tớ” giỏi phải hơn luật sư một bậc, phải biết “lách” ở bất kỳ chỗ nào có thể “lách”.

Nếu các đạo luật được ban hành với những kẽ hở cố ý (chứ không phải vô tình) thì sự công bằng, văn minh, tiến bộ sẽ thuộc về “đày tớ” hay ông chủ?

Vậy chẳng lẽ không còn điều gì để tin tưởng?

Loài người, kể cả các thần linh mà con người tưởng tượng ra vẫn sống trong một xã hội đầy rẫy giả dối, lừa lọc nhưng khoa học vẫn phát triển và con người ngày càng hiểu biết tự nhiên nhiều hơn.

Tin vào nhân ái - đôi khi là niềm tin tuyệt vọng - vẫn là động lực khiến loài người không bị diệt vong.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tcnn.vn


Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chọn một hình minh họa khá thú vị trong phần 2 của bài viết.

Trong 8 hình nhỏ, hình đầu tiên nói về vai trò của quần chúng, những mảnh ghép xã hội, dẫu là xanh, vàng hay đỏ vẫn phải do nhiều người hợp sức mà thành.

Hình thứ 6 cho thấy khi người ta đơn độc thì dễ mất phương hướng.

Hình thứ 7 mô tả “pháp luật cai trị xã hội”, người đứng đầu (màu đỏ) vẫn bị pháp luật chi phối.

Những hình còn lại cho thấy vai trò của người lãnh đạo (màu đỏ) là phải biết tập hợp, đoàn kết, dẫn dắt và điều khiển quần chúng.

“Pháp trị” hay “Nhân trị” nếu tách rời đều không thể quản lý xã hội, vấn đề là người lãnh đạo đề cao cái gì và xem nhẹ cái gì, quan trọng hơn là có đủ bản lĩnh để chiến thắng phần “con” trong danh phận “con người”?


Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/huy-ket-qua-thi-cong-chuc-vao-cuc-quan-ly-thi-truong-446001.html

[2] https://www.tienphong.vn/kinh-te/sau-be-boi-thi-tuyen-cong-chuc-cuc-truong-qltt-nhan-huan-chuong-1288861.tpo


Xuân Dương