Thanh Nguyễn
Trong các lớp bồi dưỡng học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức hàng năm đều khắp trong cả nước, các
cụm từ được nhắc nhiều nhất trong nội dung học tập là: “dân là gốc”; “nước lấy
dân làm gốc”; “dân là chủ, dân làm chủ”; “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao
nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do
dân cử ra”; “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”; “đem tài dân,
sức dân, của dân làm lợi cho dân”; “nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở
nơi dân”...
Cả một thế trận lòng dân được xây dựng trên những điều trọng dân căn cơ đó.
Những tưởng di sản tinh thần quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mỗi năm học
tập sẽ thấm sâu hơn vào nhận thức và hành động của lớp lớp đảng viên, cán bộ,
công chức trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Nhưng thật đáng tiếc, những năm gần
đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng xa lạ với tinh thần “Nhà nước là
của dân, do dân, vì dân”; một bộ phận không nhỏ trong đảng viên, cán bộ ngày
càng xa dân, thiếu tôn trọng dân, phung phí nghiêm trọng ngân sách và tài sản
nhà nước do dân đóng góp.
Điều đáng nói, thay vì làm gương bằng hành động cần - kiệm - liêm - chính -
chí công - vô tư trong vị trí công bộc của dân, một bộ phận cán bộ - kể cả cán
bộ lãnh đạo ở cấp rất cao đã trở thành những kẻ tham nhũng và làm thất thoát
nghiêm trọng tài sản công trong nhiều năm và chỉ bị truy tố ra tòa khi bị phát
giác! Mỗi năm qua đi, người dân phải chứng kiến tình trạng ô nhiễm ngày càng
tăng, tài nguyên ngày càng bị khai thác bất chấp sự bền vững của môi trường tự
nhiên. Mỗi trận bão lũ là một lần bộc lộ mức độ nghiêm trọng khó kiểm soát,
ngăn chặn của nạn chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Sao lòng dân có thể
yên khi trách nhiệm về thực trạng đáng lo ngại đó ở nhiều cấp nhiều nơi vẫn
chưa xác định rõ.
Sao lòng dân có thể tin một khi tỷ lệ người nghèo còn ở mức cao, những
thiệt hại về người và của ở vùng bão lũ mỗi năm đều chưa dừng lại, nhiều vùng
sâu vùng xa còn thiếu trường học cho trẻ em và cơ sở chữa bệnh, vậy mà chính
quyền một số địa phương vẫn thản nhiên xây dựng đề án và đề xuất chi tiêu những
công trình không thiết yếu với mức kinh phí quá lớn, quá lãng phí: đề án cụm
công trình tượng đài Bác Hồ ở Sơn La 1.400 tỷ đồng (đề án năm 2015), nghĩa
trang quốc gia mới dành cho cán bộ cao cấp ở Hà Nội 1.400 tỷ đồng (đề án năm
2017), hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa 104 tỷ đồng (đề xuất
2018-2019).
Chi tiết dự chi 104 tỉ đồng kỷ niệm “Danh xưng Thanh Hóa”. Đồ họa: Người Lao Động |
Nếu tình hình chưa đến mức rất nghiêm trọng, nếu thế trận lòng dân chưa bị
lung lay thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chưa dùng đến những lời lẽ sau
đây trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng ngày 25 và 26.6:
“Còn nhiều vụ án tham nhũng, còn nhiều quan chức bước ra trước vành móng ngựa,
đất nước chưa thể ngẩng cao đầu đi trong thế giới văn minh. Công bằng và văn
minh trước hết là hạn chế được tối đa nạn tham nhũng.
Nhân dân mong ước có những cán bộ quan chức liêm chính, đạo đức, chuyên
nghiệp và tinh thông nghiệp vụ. Cho nên, phòng tham nhũng, ngăn để không có cơ
hội cho các hành vi tham nhũng xảy ra, không có những cán bộ tham lam, bất tài
lọt vào bộ máy mới là thượng sách. Một trong những cách đó là lắng nghe dân.
Dân không đồng tình việc gì, dân căm ghét cái gì, có thể chỉ ra vài vấn đề đã
được phản ánh nhiều trên công luận. Dân không đồng tình một bộ máy quá cồng
kềnh, tiêu tốn ngân sách và nặng nề thủ tục. Dân không đồng tình với nạn quan
liêu đi cùng với những chính sách không phù hợp, làm cản trở sự phát triển của
đất nước. Dân căm ghét cán bộ quan chức hống hách, tham lam, nhũng nhiễu, hạch
sách dân chúng. Dân căm ghét thói xa hoa, hưởng thụ, biệt thự, biệt phủ, ăn
trên ngồi trốc của quan chức. Dân căm ghét sự gian dối, bất công được tạo ra từ
những cán bộ cậy chức cậy quyền, bất tài vô dụng nhưng có cơ hội là vơ vét”.
“Lãnh đạo phải nhớ, không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật!” -
thông điệp đó được gửi đi từ chính người đứng đầu tổ chức Đảng ở Việt Nam phải
chăng sẽ thêm ý nghĩa khi góp phần thúc đẩy Quốc hội sớm có luật định không chỉ
để dân làm mà còn là dân nói, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân quyết
(quyền dân chủ trực tiếp). Chỉ có như thế thì những dự luật lớn có ảnh hưởng vô
cùng quan trọng đến lợi ích quốc gia, cũng tức lợi ích của dân mới được xây
dựng một cách thấu đáo, chặt chẽ, khách quan trước khi trình Quốc hội thông
qua; mới không bị bất cứ nhóm lợi ích nào chi phối. Ngăn chặn hoặc không tạo
điều kiện để dân được bộc lộ chính kiến và lên tiếng về quyền lợi chính đáng
của mình cũng tức là hạn chế hoặc xâm phạm quyền dân chủ trực tiếp của dân đã
được hiến định.
Một khi để xuất hiện hoặc kéo dài tình trạng trên, như đã xảy ra gần 20 năm
qua ở Thủ Thiêm và những nơi khác, thì thế trận lòng dân không còn vững chắc để
làm vai trò bảo vệ chế độ.
Thanh Nguyễn
https://nguoidothi.net.vn/the-tran-long-dan-14226.html