10 novembre 2018

Vì sao tôi không vào đảng?

(Hình minh họa: Internet)

Thảo Vy (BauxitVN)
 
“Đảng” ở đây được hiểu một cách mặc định là ‘đảng cộng sản Việt Nam’.
Nhân việc tuyên bố rời khỏi đảng của giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc…, câu hỏi được xới lại với nhóm thân hữu của người viết, vốn từng là những nhà báo – hiểu theo nghĩa có Thẻ Nhà báo do Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) cấp.
Tôi đâu đến nỗi nào tệ, sao lại phải xin vào đảng?


Đây là ‘khẩu khí’ nửa đùa, nửa thật của vị nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện miền Nam của báo Đời sống và Pháp luật, trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Tờ Đời sống và Pháp luật ngay lúc chuẩn bị nhân sự để ‘khai sinh’ [trên nền tảng nhân sự của tòa soạn Kinh doanh và Pháp luật, ấn phẩm phát hành hàng tuần (đã đình bản, chuyển manchette cho Hội Marketing Việt Nam) trực thuộc tạp chí Pháp Lý, Hội Luật gia Việt Nam], ông nhà báo này được chọn vào vị trí Trưởng Văn phòng đại diện miền Nam. Trước đó, ông là Trưởng Văn phòng đại diện tạp chí Pháp Lý tại TP.HCM.
Ngay lúc ban đầu lắm điều ra tiếng vào liên quan ‘trình độ chính trị’ của ông nhà báo có gia thế từng bị ‘đánh tư sản’, thân phụ ‘đi học tập cải tạo’. Ông tổng biên tập (vốn là sĩ quan an ninh quân đội) nói rằng chẳng có quy định nào để làm trưởng văn phòng cơ quan báo chí, buộc người đó phải là đảng viên.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khi ấy là cựu chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Phạm Hưng (1927-2018) cùng quan điểm với vị tổng biên tập. Tư cách là cơ quan chủ quản, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam còn ký luôn một quyết định bổ nhiệm ông nhà báo không đảng viên đó vào chức vụ trưởng văn phòng đại diện, phụ trách khu vực từ Đà Nẵng đến Cà Mau. (Thường thì quyết định bổ nhiệm chỉ cần người ký là tổng biên tập).
Thời gian ngắn sau, ông tổng biên tập gọi điện nói ông nhà báo ở miền Nam ấy, là thu xếp ra Hà Nội một tuần lễ để học lớp đối tượng đảng. Đã có 2 đảng viên giới thiệu ông cho các thủ tục liên quan.
“Hồi mới chập chững vào nghề ở tờ báo thuộc Thành đoàn, các anh, chị nơi đó dặn rằng nếu mai này có cử đi học lớp báo chí hay gì đó ngoài Bắc, nhớ là kiếm cớ từ chối và cũng khéo léo đừng… làm đảng viên. Vì hễ học qua lớp đó, rồi nếu được kết nạp đảng thì sẽ phải viết báo theo lệnh của ông, bà bí thư chi bộ, chứ không phải… Vậy là…”. Ông nhà báo này kể lưng chừng kiểu nhiều dấu chấm lửng.
Vài năm sau, một sếp lớn đương chức ở Ban Nội chính Trung ương về thay ông Phạm Hưng. Ông tổng biên tập cũng rời tờ báo. Đương nhiên là ông trưởng văn phòng nói trên cũng giã từ tòa soạn sau đó. Toàn bộ phóng viên, nhân viên ở trụ sở tại TP.HCM nhanh chóng xin chuyển sang nơi khác.
Cũng may là tay nghề không tệ, đặc biệt là ‘không đảng viên’ nên ông nhà báo kể trên được ‘rủ rê’ vào làm trưởng ban Kinh tế – Chính trị ở một tạp chí chuyên ngành có vốn đầu tư của tư nhân. Một tạp chí chuyên ngành khác thuộc Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tiếp tục giữ chân ông nhà báo này trong vai trò bếp núc của nghề thư ký.
Phải vào đảng để không bị ức hiếp!
Đây là ý kiến của vị nhạc sĩ, giảng viên khoa Nha của trường Đại học Y Dược TP.HCM. Thời gian ông còn giữ chức vụ tổng biên tập báo Sóng Nhạc (Hội Âm nhạc TP.HCM), ông nói rằng trong bệnh viện nơi ông làm việc rất bè phái, nên ông phải vào đảng để có thể ‘tay đôi’ nói chuyện sòng phẳng với các vị trong chi bộ đảng.
Về sau, khi trà dư tửu hậu với đồng nghiệp báo chí ở trụ sở 81 Trần Quốc Thảo, Sài Gòn, ông nha sĩ – nhạc sĩ – tổng biên tập này chua chát nhận ra rằng dù đang có nhiều con én, nhưng vẫn chưa làm nỗi mùa xuân. Đó là những năm đầu 2000. Nói thêm, ông nhạc sĩ này nằm trong nhóm Những Người Bạn được thành lập vào ngày 8-3-1991 với 7 nhạc sĩ nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng.
Cùng góp chuyện, một luật sư xuất thân là phóng viên ảnh, từng tu nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức về, nói rằng đúng là cần vào đảng để không bị ức hiếp. Thế nhưng có vào rồi mới thấy điều này dễ là một hoang tưởng. Nếu may mắn có ông, bà bí thư chi bộ thật sự giỏi dang, có trình độ chuyên môn và không ngại ngần phản biện, đấu tranh tới cùng cho sự tử tế, thì những đảng viên trong chi bộ đó sẽ giúp nơi đây thành mùa xuân.
Còn ngược lại thì đó là hỏa ngục của đấu tố, của chụp mũ và của tranh giành quyền lực ở lắm kẻ bất tài, xu nịnh, cơ hội. Câu chuyện khi ông trưởng văn phòng đại diện của báo Đời sống và Pháp luật rời nhiệm sở đã nói ở trên là một ví dụ.
“Đoàn Luật sư TP.HCM từng có một thủ lĩnh đúng chất anh Hai Sài Gòn. Là đảng viên từng đổ máu cho lá cờ lực lượng dân tộc giải phóng miền Nam của chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, vị luật sư khả kính ấy đâu ngán ngại những đảng viên xu nịnh đang nhân danh Ban Nội chính Thành ủy để chụp mũ ông… Thế nhưng rồi khi mà đàn cừu vẫn còn quá đông đúc, nên vị luật sư ấy đành chịu ‘chết’ lãng nhách bởi những đồng chí ‘kết bè kết phái’ của mình. Chẳng đâu vào đâu khi đảng cộng sản thật sự không chính danh”. Vị luật sư từng tu nghiệp nghề nhiếp ảnh ở Đông Đức thời Erich Honecker, chua chát nhận xét.
Tính chính danh mà ông luật sư muốn nói đến ở đây tương tự với cách hiểu của ông Chu Hảo khi ra tuyên bố từ bỏ đảng. Theo đó, một trong những lý do khiến ông bỏ đảng là “đảng không có chính danh để lãnh đạo”.
Sao đảng lại không chính danh?
“Chính danh” trong chính trị có thể có thể được hiểu như là sự “hợp pháp” hay “hợp hiến” của một sự việc, hay một hành vi liên quan đến việc sử dụng quyền lực chính trị. Mà ai cũng biết, tính từ năm 1930 đến nay mặc dù trải qua nhiều thăng trầm với các tên gọi khác nhau, song tới giờ này đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa có một luật ‘danh chính ngôn thuận’ cho các hoạt động; ngoại trừ vài dòng mơ hồ, thiếu minh định pháp lý ở “Lời nói đầu” và Điều 4 của Hiến pháp 2013.
“Khi tuyên bố rằng “đảng không có chính danh để lãnh đạo”, giáo sư Chu Hảo chính thức không nhìn nhận tính hợp pháp của mọi hành vi chính trị, mọi quyết định chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc này hàm ý ĐCSVN lãnh đạo “nhà nước và xã hội” hiện nay chỉ là sự “tiếm danh” và “lạm dụng”. Bởi vậy nên ngẫm nghĩ lại hồi đó từ chối ra Bắc tuần lễ là sáng suốt đó chứ?. Mình đâu có tệ để mà phải quỵ lụy kiếm cái ghế từ chuyện xin xỏ vào đảng!”. Ông nhà báo (nói ở phần đầu bài viết), tưng tửng kết luận.
Ông nhà báo đã có phần quá đáng, và ít nhiều ‘phản động’. Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành hẳn một quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04-8-2017 với nội dung như vậy kia mà [tải văn bản này tại http://bit.ly/2JycFXy]. Đảng viên đâu phải ai cũng xấu xí, ai cũng tham quyền cố vị, ai cũng khoái ‘vừa bồng em, vừa xay lúa’, ‘một chân đạp luôn hai xuồng’, bất chấp việc đã quá tuổi về vườn từ lâu lắm rồi kia chứ (!?).