04 mars 2019

NỖI OAN CỦA HÀNG VẠN MÉT VUÔNG ĐẤT


Tạ bút Tạ Hữu Đỉnh


Thấy dư luận xôn xao về việc ra đi đột ngột của Chủ tịch Trần Đại Quang, và nhất là người ta bàn tán về quy mô khu lăng mộ quá rộng lớn của ông. Tôi liền mở máy tính xem. Trên màn hình hiện lên một loạt gần chục dòng tiêu đề các bài viết về khu lăng mộ này như:

- Ruộng đất nông dân nơi an táng Chủ tịch Quang.

- Ông Trần Đại Quang lúc sống đã lo “hậu sự” mua đất rộng hơn 3 hécta.


Nơi xây lăng mộ cho ông Trần Đại Quang được mô tả là cách quốc lộ 10 khoảng 2 km, thuộc xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). (Hình: Báo Dân Việt)

Qua các bài viết trên tôi được biết: Khu lăng mộ rộng khoảng trên hai hécta, nằm trên cánh đồng lớn xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình quê hương ông. Công trình đang được gấp rút thi công ngày đêm, với sự tham gia của hàng trăm công nhân, hàng trăm nông dân, kỹ sư, và hàng trăm ôtô xe tải, xe lu các loại, cùng biết bao nguyên vật liệu như đá xanh, gỗ quý, gạch ngoại, xi măng, sắt thép. Người ta làm đường, đào kênh, xây cầu. Con sông nhỏ ở gần khu lăng mộ cũng được kè đá đẹp đẽ. Đèn cao áp sáng trưng.

Công trình được công an và quân đội canh gác suốt ngày đêm. Ai không có phận sự không được đến gần mà chỉ có thể quan sát từ xa. Việc chụp ảnh ghi hình cũng bị hạn chế.

Theo Nghị định số 23 của Chính phủ ban hành ngày 5/ 9/2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hoả táng, có hiệu lực thi hành từ ngày 27/5/2016, Điều 4 quy định rõ về diện tích của mỗi phần mộ hung táng hoặc chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, mộ cát táng không quá 3m2.

Vậy mà lăng mộ của cố Chủ tịch Trần Đại Quang rộng tới hơn hai hecta, tương đương hai vạn mét vuông, tức rộng hơn 4.000 lần quy định của Nhà nước. Và rộng hơn cả nghĩa trang Mai Dịch, nơi được dành để an táng các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ.

Xã Quang Thiện quê hương của Chủ tịch Trần Đại Quang có 2.800 hộ dân, với trên 9.000 khẩu, nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ có 485 ha. Chẳng biết diện tích đất nông nghiệp bình quân chia cho đầu người là bao nhiêu? Hay cũng như hầu hết các địa phương ở đồng bằng Bắc bộ chỉ khoảng 1,2 đến 1,3 sào (tương đương hơn 400m2). Mà đó là đất dành cho người sống để làm phương tiện mưu sinh. Còn đất của cố Chủ tịch Trần Đại Quang dành cho mình (là người chết) mà những hơn 20.000m2 thì thật là vô lý. Người chết đã là tổn thất không gì bù đắp được của gia đình và xã hội. Vậy sao lại cậy quyền, cậy thế, cậy tiền mà bắt hàng vạn mét vuông đất đang nuôi sống con người phải chết theo vĩnh viễn?
Lăng mộ vua Ngô Quyền ở làng cổ Đường Lâm


Đọc mấy bài viết trên, bỗng tôi lại nhớ năm 2005, nhân dịp đi tìm người bạn cũ ở làng cổ Đường Lâm, khi ra về, trước giờ xe khách chuyển bánh, còn một chút thì giờ ngắn ngủi, tôi thuê xe ôm đến thăm lăng mộ nhà vua Ngô Quyền.

Ôi chao! Thật bất ngờ, lăng mộ cuả một vị anh hùng đứng đầu danh sách 14 vị anh hùng dân tộc, người đã làm nên chiến công lừng lẫy đánh tan quân Nam Hán xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho đất nước…Vậy mà nơi yên nghỉ cuối cùng của Vua lại chỉ là một gò đất giản đơn thế này ư! Mộ vua Ngô Quyền được đắp hoàn toàn bằng đất, cỏ mọc xanh rì. Đúng như hai câu thơ Ôn Như Hầu (1741- 1798) đã viết: “Trăm năm nào có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì” (cổ khâu là gò đất cổ).

Tuy nhiên, nếu so với mộ người dân thì mộ Vua cao to hơn nhiều. Trông như cây rơm của một gia đình nông dân cấy khoảng năm hay sáu mẫu ruộng. Và một điều nữa cũng rất lạ là lăng Vua không phải là một công trình kiến trúc bằng gạch hay đá được xây cất ở ngoài trời để đặt mộ vào trong lăng. Mà lăng được làm bằng gỗ, vừa nhỏ bé, vừa thấp, chỉ như cái điếm canh đê, hay cái chòi giữ dưa của người nông dân đặt ngay trên đỉnh mộ, có xây bậc để người viếng thăm lên thắp hương.

Vì không có hương, tôi không lên trên lăng nên không biết đồ tế khí có những gì. Chỉ đứng ở chân mộ nhìn lên và ước đoán người lên thắp hương phải cúi, chứ không thể đứng thẳng lưng được.

Cách lăng mộ chừng vài trăm mét vẫn còn rặng duối, tương truyền khi còn tại thế voi ngựa của nhà Vua vẫn buộc ở đó. (Rặng duối ấy bây giờ đã được công nhận là “Cây di sản” cấp quốc gia).

Về ngôi lăng mộ này, trên mạng internet có một số bài viết. Nhưng rất đáng tiếc là tác giả đã nhầm lẫn về thời gian xây dựng và trùng tu lăng. Có bài viết rằng:

“Lăng mộ vua Ngô Quyền được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) và trùng tu năm Minh Mệnh thứ 2 (1821)…”.

Trong thực tế thì năm Canh Tý (1840 vua Minh Mệnh mất. Năm 1841, con trai trưởng của vua là Miên Tông lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Năm 1847, Thiệu Trị bị bệnh rồi mất. Năm 1848, người con thứ hai của Thiệu Trị, huý là Thì lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức. Vậy thì làm gì có chuyện đời cháu (Tự Đức) xây lăng mộ vua Ngô Quyền, để đời ông (Minh Mệnh) trùng tu!

Có bài lại viết: “Ngay cạnh đền, ở phía trước là lăng vua Ngô. Lăng xây theo hình 4 mái trên bệ cao, có tường gạch bao quanh. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá “Tiền Ngô Vương Lăng” làm năm Minh Mạng 1821…”.

Như vậy, tác giả bài viết này lại khẳng định rằng lăng mộ vua Ngô Quyền là đời vua Minh Mệnh làm chứ không phải là đời vua Tự Đức.

Rồi một bài khác lại viết: “Lăng Ngô Quyền có mái che, cao 1,5m, bia đá được khắc đời Tự Đức, có 4 chữ Hán “Tiền Ngô Vương Lăng”. Lăng đã được trùng tu năm 2013, với vốn 29 tỷ đồng…”.

Có lẽ thông tin này đúng, vì năm 2005 tôi đến thăm, mộ vua Ngô vẫn còn là mộ đất, lăng làm bằng gỗ, đặt ở trên đỉnh mộ. Còn công trình lăng (có ảnh treo trên mạng internet) được xây bằng gạch, có sân và tường bao quanh. Chắc đây là ngôi lăng được trùng tu năm 2013. Tôi chưa có dịp đến thăm công trình này. Nhưng xem ảnh treo trên mạng thì lăng mộ nhà vua Ngô Quyền diện tích cũng chỉ đến vài trăm mét vuông là cùng.

Xin được trở lại khu lăng mộ của cố Chủ tịch Trần Đại Quang.

Trong dân gian có câu nói: “Y phục xứng kỳ đức” (ăn mặc tương xứng với địa vị). Lăng mộ một vị anh hùng dân tộc chỉ vài trăm mét vuông. Mà lăng mộ Chủ tịch Trần Đại Quang những hơn hai vạn mét vuông! Chẳng lẽ địa vị và công lao cống hiến của Chủ tịch Trần Đại Quang to lớn hơn cả nhà vua Ngô Quyền? Và hơn cả cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cố Tổng bí thư Lê Duẩn cùng các vị lãnh đạo khác của Đảng và Chính phủ qua đời an táng ở nghĩa trang Mai Dịch?

Có lẽ bất cứ ai khi nhìn cái công trình lăng mộ đồ sộ hơn hai vạn mét vuông đất này cũng phải nghĩ rằng đó là một nụ cười mỉa mai cho sự công bằng, dân chủ, văn minh của xã hội./.

                                             TP Uông Bí, ngày 7/2/2019

                                       (mồng 3 tết Nguyên Đán năm Kỷ Hợi)

                                                                    THĐ