Trung Trinh
Hộ chiếu xanh lá cây của Việt Nam
đã thêm úa vàng sau khi xếp dưới cả Lào trong bảng xếp hạng mới nhất về giá trị
quốc tịch của hãng tư vấn toàn cầu về quốc tịch và nơi cư trú Henley &
Partners.
Hộ chiếu xanh nước biển của Lào
cho phép công dân của họ đi lại tự do tới 52 nước so với 51 nước mà công dân
Việt Nam có thể tới thăm giữa lúc một số nước tư bản đang tỏ ra xét nét hơn với
công dân của đất nước hình chữ S.
Đây là thứ hạng hộ chiếu các nước ở Đông Nam
Á trong bảng xếp hạng toàn cầu mang tên Henley mới
được công bố trong tháng 10:
1. Singapore
thứ hạng toàn cầu 2 số điểm đến miễn visa 189
2. Malaysia
thứ hạng toàn cầu 10 số điểm đến miễn visa 180
3. Brunei
thứ hạng toàn cầu 20 số điểm đến miễn visa 165
4. Đông
Timor thứ hạng toàn cầu 54 số điểm đến miễn visa 98
5. Thái
Lan thứ hạng toàn cầu 68 số điểm đến miễn visa 77
6. Indonesia
thứ hạng toàn cầu 72 số điểm đến miễn visa 73
7. Philippines
thứ hạng toàn cầu 75 số điểm đến miễn visa 66
8. Cambodia
thứ hạng toàn cầu 87 số điểm đến miễn visa 54
9. Lào
thứ hạng toàn cầu 89 số điểm đến miễn visa 52
10. Việt Nam thứ hạng toàn cầu 90 số điểm đến miễn visa 51
11. Myanmar
thứ hạng toàn cầu 93 số điểm đến miễn visa 48
Việt Nam có thứ hạng 90 trên toàn
cầu nhưng lại xếp sau tới 166 quốc gia khác do có nhiều nước đồng hạng vì có
cùng số điểm đến được miễn thị thực.
Chẳng hạn có tới bảy nước xếp
hạng năm do công dân của họ cùng được đi tới 186 điểm đến mà không cần visa. Đó
là các nước Anh, Áo, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Hoa Kỳ, Luxembourg và Na Uy.
Hộ chiếu Nhật Bản được cho là có
giá trị nhất với 190 điểm đến miễn visa, thứ hai là Singapore với 189 và đồng
hạng ba với 188 địa điểm miễn thị thực là Đức, Hàn Quốc và Pháp.
Đồng hạng tư là năm nước châu Âu:
Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển và Ý.
Trong bảng xếp hạng lần trước của
Henley, Việt Nam đứng thứ 88, trên cả Lào và Cam Pu Chia.
Tuy nhiên hơn sáu triệu dân Lào
và khoảng 16 triệu dân Cam Pu Chia giờ đều có thể đến nhiều nước trên thế giới
mà không cần visa so với 93 triệu người Việt Nam.
Nước láng giềng cộng sản khổng lồ
của Việt Nam, Trung Quốc, đã tiến lên 14 bậc so với bảng xếp hạng của hơn nửa
năm trước khi đứng thứ 71 với quyền đi lại tự do tới 74 nước cho công dân của
họ.
Một
cổ hai tròng
Thứ hạng thấp và thụt lùi của
Việt Nam giải thích tại sao tin này chưa và sẽ khó được báo chí Việt Nam quan
tâm.
Trong khi đó kênh Channel
NewsAsia có trụ sở Singapore đưa tin đảo
quốc này đã bị một đảo quốc khác, Nhật Bản, chiếm mất vị trí đầu bảng về giá
trị của hộ chiếu.
Bài báo đã được chia sẻ hơn 5.000
lượt chỉ riêng từ trang Channel NewsAsia nói Nhật Bản
lấy được vị trí thứ nhất từ tay Singapore vì họ vừa có thêm được điểm đến miễn
thị thực mới – Myanmar.
Kênh này cũng đề cập tới chuyện
Đức tụt từ hạng hai xuống hạng ba và cả Anh và Hoa Kỳ đều mất vị trí thứ tư sau
khi rơi một hạng.
Trước khi biết tin hộ chiếu xanh
của Việt Nam giờ đứng sau 166 hộ chiếu khác, tôi biết một nhà báo Việt Nam vừa
bị Anh từ chối visa dù được xem là một trong ba nhà báo trẻ xuất sắc trên thế
giới theo một cuộc thi của Thomson Foundation và đã được bên mời bảo trợ và đài
thọ mọi chi phí.
Đây không phải là lần đầu Anh từ
chối visa người tài năng hay nổi tiếng từ Việt Nam.
Điều đáng buồn là ngay cả người
Việt Nam cũng không coi người Việt Nam ra gì.
Cách đây nhiều năm tôi muốn sang
Nga đã có thể xin thị thực bằng đường bưu điện qua Đại sứ quán của họ ở London
và thủ tục chỉ mất có chưa tới một tuần.
Nhưng tới giờ một số đại sứ quán
Việt Nam ở nước ngoài vẫn bắt công dân của mình lên tận nơi để làm thủ tục giấy
tờ cho dù họ có ở cách nơi có đại sứ quán tới hàng trăm cây số như trường hợp
màmột bạn mới chia sẻ trên
trang Tôi và Sứ quán.
Trang này được lập ra trên Facebook để
các công dân Việt có thể chia sẻ trải nghiệm của họ với các đại sứ quán hay
lãnh sự quán khác nhau.
Một người khác than
phiền trên Tôi và Sứ quán rằng họ xin miễn thị thực
tại lãnh sự quán ở Sydney mà đợi tới ba tuần không có hồi âm trong khi gọi điện
đến tận nơi hỏi cũng không có thông tin gì.
Người khác nữa
khuyên mọi người gọi đến lãnh sự quán Việt
Nam ở New Zealand nên “bấm nút số 2 chọn nói chuyện bằng tiếng Anh - vì nếu
chọn phím 1 nói tiếng Việt sẽ không bao giờ có ai nhấc máy”. Họ cũng cảnh báo
rằng các giấy tờ cần có để gia hạn hộ chiếu trên thực tế khác với những gì ghi
trên trang mạng của lãnh sự quán và khi quy đổi lệ phí từ đô la ra tiền New
Zealand, người ta thường tăng thêm vài đô la cho mỗi hồ sơ.
Vậy ra dân Việt ta vẫn một cổ hai tròng, một cái quốc
nội và một cái quốc ngoại. Thiện tai, thiện tai.
Trung Trinh