Hồng Thủy
(GDVN) - Đây là thời điểm tốt nhất để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, để các
nước dù lớn dù nhỏ đều tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế.
Business Insider ngày 19/10 cho biết, cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
James Mattis đã kêu gọi 2 đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc cùng nhau chống lại các
nỗ lực của Trung Quốc hòng thôn tính Biển Đông.
Mỹ và đồng minh tăng cường hiện diện
trên Biển Đông
Trong cuộc họp 3 bên bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại
Singapore, tướng James Mattis được truyền thông dẫn lời, cho biết:
"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cùng
chung tay, các đồng minh và đối tác trong ASEAN, chúng ta khẳng định rằng không
một quốc gia nào có thể viết lại quy tắc hàng hải quốc tế.
Chúng ta mong đợi tất cả các nước, bất
luận lớn nhỏ, đều tôn trọng những quy tắc ấy.
Hoa Kỳ cùng với các đồng minh và đối tác
của chúng tôi, sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu thuyền hoạt động ở bất kỳ nơi nào
luật pháp quốc tế cho phép, cũng như nhu cầu lợi ích quốc gia của chúng tôi.
Chúng tôi sẽ không để bị đe dọa, chúng
tôi sẽ không chịu thua, vì chúng tôi không thể chấp nhận hành vi quân sự hóa
của Trung Quốc ở Biển Đông hay bất kỳ sự cưỡng chế nào trong khu vực này."
Ông chủ Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh thông điệp của Phó tổng thống Mike Pence
tại Viện Hudson ngay sau cuộc chạm trán giữa tàu khu trục USS Decatur với khu
trục hạm Lan Châu ở Trường Sa ngày 30/9.
Phó tổng thống Mỹ nói rằng, Trung Quốc không muốn gì hơn là hất Hoa Kỳ khỏi
Tây Thái Bình Dương, cố gắng ngăn cản Mỹ trợ giúp các đồng minh và đối tác.
Ông nhấn mạnh các thách thức của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông chính là
bằng chứng về "sự xâm lược" của Trung Quốc.
Bất chấp các căng thẳng Trung - Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước vẫn tiếp xúc song phương tại Singapore, ảnh: SCMP. |
Bộ trưởng James Mattis cũng đã có cuộc gặp người đồng nhiệm Trung Quốc, ông
Ngụy Phượng Hòa tại Singapore.
Nội dung hội đàm được mô tả là đơn giản và thẳng thắn, tập trung chủ yếu
vào vấn đề Biển Đông, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết cho báo giới. [1]
Trong một động thái khác có liên quan, Kyodo News ngày 19/10 cho biết, Bộ
trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã có cuộc gặp ông Ngụy Phượng Hòa hôm
thứ Sáu tại Singapore.
Ông nói với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc rằng, hành động đơn phương trên
Biển Đông - nơi Bắc Kinh đang mở rộng sự hiện diện quân sự của mình - là không
thể chấp nhận.
Bất chấp xu hướng tan băng trong quan hệ Trung - Nhật, Tokyo vẫn đang theo
dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của Trung Quốc. Tháng 9 năm nay, lần đầu tiên
tàu ngầm Nhật Bản đã tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông. [2]
Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự hiện
diện của Hoa Kỳ trong khu vực
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall
G. Schriver đã có chuyến công du thứ 3 đến Việt Nam.
Ngày 5/10, ông Schriver phát biểu tại Trung tâm Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí
Minh rằng, Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên, trong đó các hành động
của Trung Quốc trên Biển Đông ngày một hung hăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 năm nay, đứng cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại thành phố Hồ Chí Minh tuần qua, ảnh: The Stars and Strips. |
Randall G. Schriver giới thiệu chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ với 3
trụ cột: một là công nhận sự cạnh tranh giữa các siêu cường, chủ yếu là giữa
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga;
Hai là sự phát triển và chăm sóc các đồng minh, đối tác quốc phòng; và ba
là cải cách cơ cấu của Bộ Quốc phòng Mỹ để họ thực hiện tốt nhiệm vụ.
Ông cũng giới thiệu các hoạt động tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành gần đây
trên Biển Đông, bao gồm sự kiện chạm trán tàu Trung Quốc hôm 30/9 ở Trường
Sa.
Năm nay, Mỹ đã tiến hành 4 lần hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, con số
này năm 2017 là 4 lần, 2016 là 3 lần và 2015 là 1 lần.
Theo Randall G. Schriver, các hoạt động tự do hàng hải Mỹ tiến hành ở Biển
Đông là để phản ứng với việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng
nhằm tạo ra sự đã rồi.
Tới đây, chính phủ của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ xem xét trừng phạt
các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa của Hoa Kỳ cũng sẽ chống
lại bất kỳ tuyên bố nào của Bắc Kinh nhằm áp đặt một vùng nhận diện phòng không
ở Biển Đông.
Một số tàu hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông
sẽ tiếp tục các chuyến thăm hữu nghị cảng Quốc tế Cam Ranh nhằm tăng cường,
nuôi dưỡng hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ.
Theo chuyên gia Gary Sands, đó là một sự hỗ trợ cho các tuyên bố của Việt
Nam cũng như các quốc gia ven Biển Đông khác trong khu vực.
|
Tiềm năng hợp tác giữa các cường quốc hải quân lớn trong khu vực để thúc
đẩy và quản lý một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa ngày một
lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn bao giờ hết để tối đa hóa lợi
ích trong việc khéo léo hợp tác với cả 3 siêu cường trong lúc Trung Quốc - Hoa
Kỳ - Nga cạnh tranh ngày càng gay gắt về kinh tế, chính trị và quân sự. [3]
Trung Quốc cần bạn bè hơn là kẻ thù
trong khu vực
Đa Chiều ngày 19/10 dẫn nguồn tin AFP cho biết, Trung Quốc và ASEAN sẽ tập
trận chung trên Biển Đông lần đầu tiên từ tuần tới.
Giới phân tích tin rằng, điều này cho thấy cục diện căng thẳng trên Biển
Đông tạm thời có dấu hiệu hạ nhiệt. Thông tin về cuộc tập trận chung này do Bộ
trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Ng Eng Hen tuyên bố ngày 19/10. [4]
Trong khi đó, bắt đầu từ hôm nay 20/10, hải quân Trung Quốc, Malaysia và
Thái Lan cũng bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 9 ngày ở eo biển Malacca. [5]
Còn theo Tân Hoa Xã, ngày 18/10 hội nghị lần 3 về cơ chế hiệp thương giải
quyết vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đã diễn ra tại Bắc Kinh.
Hai bên đang nỗ lực thông qua kênh này để giải quyết các bất đồng, ngăn
ngừa các sự kiện ngoài ý muốn xảy ra trên biển, đồng thời bàn cách tăng cường
hợp tác và đối thoại trong vấn đề Biển Đông. [6]
Những chỉ dấu này cho thấy, Trung Quốc cũng đang tích cực tìm cách lôi kéo
các nước ASEAN và tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi Bắc Kinh đang bị Washington cô lập trên cả
mặt trận kinh tế thương mại lẫn quân sự, ngoại giao.
Con bài Bắc Triều Tiên đã không còn hữu dụng với Bắc Kinh để mặc cả với Hoa
Kỳ vì ông Kim Jong-un đã và đang chủ động cầm lái con thuyền bán đảo Triều Tiên
một cách ngoạn mục;
Trong khi đó, eo biển Đài Loan lại trở thành điểm nóng tiếp theo để Mỹ phân
tán lực lượng của Trung Quốc.
Với điều kiện và bối cảnh hiện này, cá nhân người viết thiết nghĩ, sẽ khó
có thể xảy ra các hành động liều lĩnh như Trung Quốc đã từng làm với các nước
láng giềng, ví dụ như khủng hoảng Scarborough năm 2012 hay giàn khoan 981 năm 2014.
Tuy nhiên thực tế không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh thay đổi
mục tiêu độc chiếm Biển Đông, những thay đổi của họ chỉ mang tính tạm thời và
sách lược trước sức ép từ Hoa Kỳ và các cường quốc khác.
Nhưng đây cũng là điều kiện để các bên liên quan tiếp tục quốc tế hóa vấn
đề Biển Đông, tăng cường hợp tác trao đổi với các siêu cường, cả Mỹ lẫn Trung
Quốc;
Đồng thời chào đón sự hiện diện của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp
và có thể cả Hàn Quốc...cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp
luật trên Biển Đông.
Sự hiện diện của chiến hạm các nước này trên Biển Đông năm 2018 đã cho
Trung Quốc thấy, Biển Đông không phải ao làng của họ để Bắc Kinh có thể tự tung
tự tác, một mình một chợ.
Nguồn:
[1]https://www.businessinsider.com/mattis-calls-on-allies-to-stand-against-china-in-the-south-china-sea-2018-10
[2]https://english.kyodonews.net/news/2018/10/7852fff3105c-update1-japan-defense-chief-says-unilateral-action-in-s-china-sea-unacceptable.html
[3]https://thediplomat.com/2018/10/how-vietnam-benefits-from-us-strategy-in-the-south-china-sea/
[4]http://news.dwnews.com/china/news/2018-10-19/60092161.html
[5]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2168558/chinas-navy-join-thailand-and-malaysia-training-exercise-strait
[6]http://www.bjd.com.cn/jx/jj/201810/19/t20181019_11092742.html
Hồng Thủy