16 octobre 2018

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặt Việt Nam vào thế đối đầu hơn với Trung Quốc


RFA

Hình minh họa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (giữa) tại Bộ Quốc phòng ở Hà Nội hôm 25/1/2018

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis sẽ đến thăm Việt nam vào thứ Ba ngày 16/10 trong nỗ lực nhằm siết chặt quan hệ hơn nữa giữa Mỹ và Việt Nam nhằm đối phó với những hành động quân sự gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế.

Trong bài phân tích viết trên trang Scribd hôm 15/10, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Bộ trưởng Mattis sẽ tìm kiếm một mối liên minh tạm thời với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, để đối lại với Trung Quốc. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một môi trường đối đầu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ cả trong khu vực và quốc tế”.
Chuyến thăm diễn ra giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc trên cả hai lĩnh vực là thương mại và quốc phòng.
Hoa Kỳ mới đây đã tuyên bố đánh thuế lên khoảng 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa bằng việc áp thuế lên 60 tỷ đô la hàng hóa nhập từ Mỹ. Bộ trưởng Mattis sẽ tìm kiếm một mối liên minh tạm thời với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, để đối lại với Trung Quốc. 

- Gs. Carl Thayer
Về mặt quốc phòng, Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng các hoạt động quân sự hóa khu vực Biển Đông là vùng nước tranh chấp giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam. Tại diễn đàn Shangri-la ở Singapore hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng James Mattis đã gọi các hành động triển khai vũ khí ra các đảo ngoài Biển Đông của Trung Quốc là nhằm mục đích đe dọa quân sự và xâm lấn.
Để phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC vào tháng 7 vừa qua giữa các nước.
Mới đây nhất , vào hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã điều tàu chiến ra gần tàu Decatur của Hải quân Mỹ khi tàu chiến Mỹ đi qua đá Gaven ở quần đảo Trường Sa trong chương trình Tự do Hàng hải mà Mỹ đã tiến hành ở Biển Đông trong vài năm qua.
Những căng thẳng trong quan hệ hai nước Mỹ Trung đã khiến chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Mattis dự kiến sẽ diễn ra trong lần công du châu Á này của ông bị hủy bỏ. Trung Quốc mới đây cũng từ chối đề nghị của Mỹ cho tàu chiến ghé thăm cảng Hong Kong.
Trong khi quan hệ Mỹ Trung xấu đi, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong năm qua. Điển hình là chuyến thăm lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Việt Nam của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Đà Nẵng hồi tháng 3 vừa qua.
Việt Nam sẽ phải chịu sức ép hơn nữa trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, bao gồm cả việc chấp nhận cho phép tàu chiến Mỹ tới thăm các cảng thường xuyên hơn.

- Gs. Carl Thayer
Chuyến thăm lần này của Bộ trưởng James Mattis tới Việt Nam là chuyến thăm thứ 2 trong năm nay. Chuyến thăm đầu diễn ra vào hồi tháng 1.
Giáo sư Carl Thayer viết rằng các chuyến thăm của Bộ trưởng James Mattis tới Việt Nam là theo Chiến lược về An ninh Quốc gia và Quốc phòng của Mỹ. Trong các chiến lược này, Mỹ đã bao gồm Việt Nam vào mạng lưới hợp tác quốc phòng để đối phó với những thách thức hiện có về an ninh trong khu vực, trong đó có những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. “Việt Nam sẽ phải chịu sức ép hơn nữa trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, bao gồm cả việc chấp nhận cho phép tàu chiến Mỹ tới thăm các cảng thường xuyên hơn”, Giáo sư Carl Thayer viết.
Hãng tin AP trích lời chuyên gia cao cấp về Châu Á của Hội đồng Quan hệ Nước ngoài của Mỹ, ông Josh Kurlantzick, nói rằngm Việt Nam đã đi gần hơn với một số những chính sách của Tổng thống Trump. Ý ông muốn nói đến Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đã được Tổng thống Trump lần đầu tiên đưa ra tại APEC hồi tháng 11 năm ngoái ở Đà Nẵng. “Ngoài Singapore, Việt nam là nước có nhiều nghi ngờ nhất về chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc và là đối tác tự nhiên nhất đối với Mỹ”, chuyên gia Kurlantzick được AP trích lời cho biết.

Vẫn còn những vấn đề nhạy cảm

Theo truyền thông trong nước, trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng James Mattis sẽ đến thăm sân bay Biên Hòa, một trong những điểm nóng về chất độc da cam còn lại sau chiến tranh Việt Nam. Chuyến thăm này cũng cho thấy sự ủng hộ của ông trong việc đề cập đến những tàn dư của chiến tranh.
Theo Giáo sư Carl Thayer, trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẽ bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, cam kết tiếp tục thực hiện các hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn.

Ngoài Singapore, Việt nam là nước có nhiều nghi ngờ nhất về chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc và là đối tác tự nhiên nhất đối với Mỹ. - Chuyên gia Josh Kurlantzick
Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất được trông đợi bàn thảo lần này là đạo luật Chống những kẻ thù của Mỹ thông qua chế tài (CAATSA). Theo đạo luật này, Mỹ sẽ trừng phạt những nước nào mua vũ khí của Nga, trong khi Nga là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Bộ trưởng James Mattis, trước đó đã đề nghị Quốc hội Mỹ bỏ Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước bị trừng phạt. Theo Giáo sư Carl Thayer thì cho đến lúc này Hoa Kỳ vẫn chưa có quyết định chính thức về vấn đề này. “Điều này đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam đã chuẩn bị để mua vũ khí đáng kể từ Hoa Kỳ hay chưa”, Giáo sư Carl Thayer viết.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã lặng lẽ bỏ hơn 15 hoạt động tương tác quốc phòng với phía Mỹ trong năm 2019. Theo ông, rất có thể quyết định này có liên quan đến việc Mỹ vận động Việt Nam mua vũ khí của Mỹ thay vì của Nga. “Việt Nam có thể coi hành động này là sức ép và can thiệp lên công việc nội bộ của mình”, theo Giáo sư Carl Thayer.
Việt Nam từ trước đến này vẫn duy trì chính sách độc lập trong quan hệ với các cường quốc. Trong khi tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, Việt Nam cũng có những lo ngại về người láng giềng Trung Quốc ở ngay sát cạnh. Đó là chưa kể thực tế là cả Việt Nam và Trung Quốc đều duy trì chế độ đảng Cộng sản là đảng lãnh đạo duy nhất.