29 octobre 2018

Bỏ Đảng và Đảng bỏ.


Tiêu Dao Bảo Cự

Đảng ở đây tạm thời viết hoa, để chỉ riêng Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Sau kết luận và đề nghị kỷ luật của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng đối với giáo sư Chu Hảo, mọi người đang rộ lên “nói và làm” chung quanh chuyện Bỏ Đảng và Đảng bỏ.

Như giọt nước làm tràn ly, một số nhân vật nổi tiếng là đảng viên đã ngay lập tức tuyên bố bỏ Đảng. Quyết định này có thể đã có từ lâu nhưng chưa nói ra hay vì quá bức xúc với chuyện của giáo sư Chu Hảo nên đã quyết định ngay việc từ bỏ Đảng. Nhìn lại quá trình những người đã từ bỏ Đảng (ở đây chưa có thời gian nghiên cứu, thống kê một cách cụ thể, chỉ nói theo cảm tính) hầu hết họ đều là những trí thức. 


Những trí thức đảng viên này từ bỏ Đảng ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là thấy Đảng phản bội lại lý tưởng mà mình đã từng chia sẻ, gây hại cho đất nước và dân tộc. Và ít nhiều họ cần  có sự dũng cảm nhất định vì thấy trước những hệ lụy đối với chính mình và gia đình khi đưa ra quyết định không đơn giản này. Những trí thức chân chính là đảng viên tất phải đi đến lựa chọn này, nếu không muốn trở thành kẻ  ngụy biện, vì lợi danh hay hèn nhát, cầu an bảo mạng, khi Đảng đã trở thành tai họa cho đất nước.

Đảng bỏ hay khai trừ đảng viên  ra khỏi Đảng đương nhiên là quyền của Đảng. Gạt bỏ ra ngoài những lý do khác như tham ô, hủ hóa, làm trái…, chỉ nói riêng đến trường hợp khai trừ những đảng viên có quan điểm ngược lại với đường lối chính sách của Đảng, tương tự với lý do của những đảng viên bỏ Đảng ở trên. Đảng bỏ là phản ứng tất yếu, phản ánh đúng thực chất của Đảng hiện nay là một “Đảng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Vậy thì những người tốt còn cần ở trong Đảng làm gì và cần gì phải yêu cầu Đảng không quyết định kỷ luật  với những “đảng viên nhưng mà tốt” như thế.

Khi có những chuyện này xảy ra, nhiều người lại được dịp tha hồ chửi Đảng và đảng viên, bất kể là Bỏ Đảng hay Đảng bỏ. Chửi thì quá dễ. Nhưng dù muốn dù không, Đảng vẫn là tổ chức quan trọng, quyết định nhất đến lịch sử Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20 đến nay. Và bất kể người Việt Nam nào, đều có trách nhiệm hay liên quan trực tiếp, gián tiếp đến tình hình này. Ủng hộ hay chống, ủng hộ xuyên suốt hay từng thời gian, chống có hiệu quả hay không hiệu quả, thờ ơ đứng bên lề, chấp nhận không phản kháng, sợ hãi đến cúi đầu tuân phục… nghĩa là mọi thái độ chính trị của công dân đều góp phần vào sự thống trị của Đảng. Do đó không thể chỉ chửi suông mà giải quyết được vấn đề. Chửi cũng là một thái độ, một giải pháp nhưng chắc chắn không phải là giải pháp hiệu quả nhất.

Xét trên khía cạnh đó, những người Bỏ Đảng, bất cứ vào thời điểm nào đếu đáng được hoan nghênh vì nó góp phần làm suy yếu Đảng, làm Đảng mất đi tính chính danh để thống trị vì Đảng không còn là một Đảng tốt khi bị những đảng viên tốt từ bỏ. Điều này rất rõ ràng.

Thái độ đối với những người bị Đảng bỏ phức tạp hơn. Phản đối quyết định khai trừ của Đảng nghĩa là chấp nhận Đảng còn tốt, cần giữ lại những người tốt trong Đảng. Điều này ngược lại với đánh giá chung Đảng hiện nay là một Đảng xấu. Khi Đảng đóng vai trò “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” với đất nước, không cần bất cứ lý giải dài dòng hay lý thuyết sâu xa rắc rối, xấu hay tốt đơn giản chỉ cần đối chiếu tiêu chuẩn “ích nước lợi dân”. Làm cho ích nước lợi dân là tốt, ngược lại là xấu.

Những  đảng viên tốt hiện nay ở trong Đảng có thể làm được gì? Nếu làm đúng đường lối chính sách của Đảng không thể làm gì tốt được vì tự thân đường lối chính sách đó đã xấu. Nếu lợi dụng vị trí trong Đảng để làm điều tốt, như giáo sư Chu Hảo với nhà xuất bản Tri thức, trong một thời gian và hoàn cảnh nào đó, là điều đáng hoan nghênh. Bao nhiêu người đã có ý định, ý đồ và làm được như giáo sư Chu Hảo? Nếu không làm được thế, người tốt trong Đảng có giá trị gì hay chỉ trang trí cho bộ máy toàn trị đang lem luốc ruỗng mục?

Hiện nay bao nhiêu người đã suy tư và hành động tìm một giải pháp cho đất nước và vấn đề phải giải quyết đầu tiên chính là Đảng. Nếu không muốn hoặc không thể xóa bỏ vai trò của Đảng, nếu không muốn hoặc không thể tạo ra bạo loạn, lật đổ, chỉ có hai cách: Hoặc làm cho Đảng bớt xấu hơn, phải “tự chuyển hóa, tự chuyển biến” theo chiều ngược lại với đà suy thoái hiện nay. Hoặc dùng sức ép của đại bộ phận nhân dân buộc Đảng phải thực hiện ý chí và khát vọng của người dân.

Nhận định “nhân dân nào, chính quyền đó” phản ánh thực tế của lịch sử ở mọi quốc gia, mọi thời đại. Trí thức thường được đánh giá và cũng tự cho là tinh hoa của dân tộc, dẫn lối cho dân tộc. Muốn làm được điều này, trong tình huống cực đoan hiện nay và trong câu chuyện liên quan đến giáo sư Chu Hảo, phải chăng mỗi trí thức, nhất là trí thức đảng viên, không thể từ chối câu trả lời và quyết định thái độ của mình.


Tiêu Dao Bảo Cự