29 octobre 2018

SUY NGẪM CHUYỆN THỜI SỰ THÁNG 10 NĂM 2018


Tô Văn Trường

Tô Văn Trường: "Vì vậy, việc "kỷ luật" GS Chu Hảo là không đúng, có hại về tư tưởng học thuật và không hợp thời về chính trị. GS Chu Hảo là người tích cực, kiên trì đấu tranh hòa bình (không bạo lực) cho sự phát triển đất nước theo con đường dân tộc, dân chủ. Một số bài viết trên mạng  của GS Chu Hảo đương nhiên trái với thể chế độc đảng toàn trị nên bị quy kết là "suy thoái về tư tưởng chính trị", nhưng nói là "suy thoái về đạo đức, lối sống" (Trích kết luận của Ủy ban Kiểm tra) thì hoàn toàn vô căn cứ. Tôi được biết là Đảng đoàn Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Chi bộ Nhà xuất bản Trí thức ủng hộ GS Chu Hảo, không đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. "



1.Chủ tịch nước lẩy Kiều

Một số bạn hữu hỏi tôi bình luận về câu Kiều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận vào mình khi phát biểu trong buổi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước:

"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuôn xanh biết có vuông tròn cho không "

Đây là câu Kiều được ông Trọng từng lẩy cách đây hơn chục năm khi được bầu là Chủ tịch Quốc hội. Đúng là tâm trạng vừa mừng-vừa lo.  Truyện Kiều là tuyệt tác có một không hai trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Thi hào Nguyễn Du được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới năm 1965. Truyện Kiều được ngưỡng mộ, ngoài tài sử dụng câu từ của Nguyễn Du, còn ở 2 điểm mà người đọc-suy ngẫm có thể nhận ra:

- Một là, Nguyễn Du "tả cảnh ngụ tình" … nói về tâm trạng của 2 nàng Kiều đi trảy hội “đạp thanh” vào mùa xuân sao mà đẹp thế "Cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Còn khi nàng Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích thì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".  

 - Hai là " thuyết định mệnh". Ngay mở đầu thiên tuyệt tác, Nguyễn Du đã tả vẻ đẹp của Thúy Vân:  "Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da"

và vẻ đẹp của Thúy Kiều: "Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh".

Với Thúy Vân, thiên nhiên chỉ "thua" và "nhường” thôi, còn với Thúy Kiều, thiên nhiên phải "ghen" và "hờn" thì làm sao nàng có thể sống yên ổn được. Đó là dự cảm, là sự báo trước, là định mệnh.

Có người bảo lẩy câu Kiều ấy là hơi “sái” khi được trao việc lớn. Nhưng là người học Văn, ông Nguyễn Phú Trọng hai lần được trao việc lớn đều "lẩy" câu Kiều này hẳn không phải ngẫu nhiên. Có lẽ điều đó xuất phát từ cảm nhận của ông về hai đặc điểm trên của Truyện Kiều. Nó cũng thể hiện khá rõ tính cách của một quan văn đầu Triều trước vận mệnh của mình và vận mệnh của đất nước. Đó là sự thận trọng cần thiết của một chính khách, sỹ phu Bắc Hà trước cơ hội được trao, trước con đường sự nghiệp còn đầy chông gai trước mắt. Bởi ông Trọng chắc chắn còn biết đến 2 câu thơ chữ Hán khác rất nổi tiếng của chính tác giả Truyện Kiều:

" Bất tri tam bách dư niên hậu

 Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"

Dịch:" Không biết ba trăm năm sau có còn ai khóc cho Tố Như (hiệu của Nguyễn Du) không?". Xem ra, dù là vô thần, mỗi chúng ta đều không khỏi bị ám ảnh bởi những câu thơ mơ mộng sương khói "ý tại ngôn ngoại" của đại thi hào Nguyễn Du!

Người dân cảm thông, trân trọng tâm tư, biểu lộ tình cảm của Chủ tịch nước lúc phát biểu nhậm chức nhưng “giá như” được nghe đôi ba điều về đường đi, nước bước và nhiệm vụ phía trước đặt ra cho quốc gia thì mới trọn vẹn hơn.

Ngẫm suy về vận nước, người dân lại âu lo:

“Trời thì cao đất thì sâu

Hỏi đời ai thấy tổ đâu chuồn chuồn”

2. Cần phải xem lại luật an ninh mạng

Huy Đức mới có bài viết :”Nên xem xét lại một cách toàn diện luật an ninh mạng”. Những ý kiến này là có cơ sở, đã được nhiều chuyên gia phân tích. Huy Đức biết nội tình, viết gọn và chính xác. Vấn đề bây giờ là Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lắng nghe các luật sư và các chuyên gia, báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị đề nghị hoãn thi hành để nghiên cứu kỹ, không để vi phạm các hiệp định mà ta tham gia, cũng không để vi hiến. Phải báo cáo rõ cho Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biết. Và đây sẽ là thách thức với tân Chủ tịch nước.

Trong bài viết của Huy Đức có nội dung có thể dùng làm căn cứ để yêu cầu Quốc hội hoãn thi hành và xem lại Luật an ninh mạng : "Đặc biệt, cách làm Luật An ninh mạng và các nghị định là một ví dụ điển hình vi phạm các nguyên tắc căn bản khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đòi, một luật nếu cần “văn bản quy định chi tiết” (thông tư, nghị định) thì các “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”(Điều 11). Hậu quả của việc không tuân thủ nguyên tắc này là, không chỉ dân chúng mà cả Quốc hội cho đến tận bây giờ cũng chưa hiểu hết tầm ảnh hưởng của Luật An ninh mạng".

Bài viết của Huy Đức đã nêu được nhiều vấn đề quan trọng phải xử lý, song cần kết luận dứt khoát: “Nên làm lại Luật An ninh mạng”.

Những người có trách nhiệm và quan tâm đến thời cuộc nên đọc, tham khảo các bài viết gần đây về chuyên đề luật an ninh mạng của giáo sư Hoàng Xuân Phú phân tích đầy đủ nhất những sai lầm và yếu kém của Luật an ninh mạng.

3. Con số GDP

Tôi đã đọc bài báo trên VNTB “Doanh nghiệp lăn ra ‘chết’, sản xuất xuống nhưng GDP vẫn tăng mạnh”, của tác giả Thường Sơn phê phán phương pháp thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam là ‘có vấn đề’ hay về thực chất là ‘thống kê chính trị’ theo chỉ đạo của chính Thủ tướng Phúc nhằm phục vụ cho những mục đích tô hồng cá nhân của ông ta?” vv…

Bài viết này, có nhiều lập luận sai lầm, không thuyết phục người đọc am hiểu về chuyên môn kinh tế. Khi nói thu (thuế) không đạt dự toán, thì không có nghĩa là kinh tế lụn bại. Dự toán quá cao, tất nhiên là không đạt. Điều này không có nghĩa là kinh tế không tăng. Tuy nhiên, tôi chia sẻ với quan điểm của chuyên gia Vũ Quang Việt dù sao vẫn không tin lắm con số tăng trưởng gần 7% của Tổng cục thống kê vì lý do đơn giản là họ cho tốc độ tăng trưởng của khu vực hành chính đoàn thể nhà nước, giáo dục và y tế tăng rất cao, gần như toàn thể là hơn 7%. Minh chứng tham khảo bảng tốc độ tăng 9 tháng đầu năm 2018.

Lý do gì làm cho nó tăng cao, vượt mức như vậy? Đây là khu vực phi sản xuất, gần như không kinh doanh, buôn bán gì. Cho nên tăng trưởng sẽ chủ yếu là tăng số lao động và tăng khấu hao tài sản như nhà cửa, máy móc đã được đầu tư ở những năm trước (cái này thì không thể tăng mạnh). Nói chung số lao động không tăng đáng kể, ít nhất là không thể tăng ở mức 7%, vậy thì nguồn tăng GDP của khu vực dịch vụ này từ đâu? Chắc là có sai lầm trong việc tính toán. Để biết chắc, cần có chuyên gia kiểm toán phương pháp và số liệu sử dụng trong tính toán, rà soát đánh giá lại về GDP.

4. Coi chừng tiền lệ xấu

Dư luận cả nước đang nóng lên về vụ đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng và khám nhà ở Cần Thơ. Người dân nhận thấy sự hài hước của việc áp dụng luật pháp nước nhà ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của xã hội. Pháp luật của ta chỉ như 1 hàng rào mỏng, ngăn ngừa/ trừng trị “gà vịt” còn để “hổ báo” nhảy qua và “rắn rết” chui qua. Những người ra quyết định khám xét, xử phạt vụ đổi tiền 100 đô la nói trên chưa thấm nhuần câu “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Ngay cả TS Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng hồ đồ cho rằng việc UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt là đúng. Thi hành pháp luật chỉ lợi dụng sự cứng nhắc của câu chữ (có lỗi của cả người soạn luật) để ức hiếp người dân bình thường mà không có trái tim nhân bản.

5. Kỷ luật GS Chu Hảo

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỳ họp thứ 30 vừa qua đã yêu cầu kiểm tra dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng của GS Chu Hảo Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Trí thức về xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước và có một số phát ngôn, bài viết trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng vv…

Thông báo xem xét kỷ luật hàng loạt quan chức ở trung ương và địa phương của Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng lâu nay đều được đảng viên, nhân dân đón nhận, tán thành “đưa củi tươi, củi ướt vào lò”  nhưng ngược lại, thông báo xem xét kỷ luật GS Chu Hảo lại bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội.

GS Chu Hảo là một trí thức lớn từng giữ chức Thứ trưởng Bộ KHCN trong cơ quan Nhà nước lại xuất thân từ gia đình có truyền thống Cách mạng. GS Chu Hảo luôn dấn thân vì ông thấm nhuần tư tưởng của chí sĩ Phan Chu Trinh :”Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.”. Ngay từ khi còn đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ KHCN ông đã luôn thể hiện chính kiến của mình, luôn đặt lợi ích của dân tộc của đất nước lên trên tất cả, điển hình là  một trong những người đi đầu đưa internet vào Việt Nam. Ông không phải típ người khi nghỉ hưu mới “đi tìm lại những cái tôi đã mất”! 

GS Chu Hảo như tôi biết là người yêu nước, mong muốn thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tủ sách Tinh Hoa do Nhà xuất bản Trí thức xuất bản có giá trị rất lớn về nhiều mặt. Tôi đã đọc một số cuốn sách của nhà xuất bản Tri thức như :”Dân chủ và giáo dục” (John Dewey), “Chủ nghĩa tự do của Hayek” (Gilles Dostaler) vv…bị “xoi chiếu” chứng tỏ đầu óc của những người tham mưu, thẩm định sách cho Ban Kiểm tra trung ương Đảng mới chính là người có vấn đề.  

Vì vậy, việc "kỷ luật" GS Chu Hảo là không đúng, có hại về tư tưởng học thuật và không hợp thời về chính trị. GS Chu Hảo là người tích cực, kiên trì đấu tranh hòa bình (không bạo lực) cho sự phát triển đất nước theo con đường dân tộc, dân chủ. Một số bài viết trên mạng  của GS Chu Hảo đương nhiên trái với thể chế độc đảng toàn trị nên bị quy kết là "suy thoái về tư tưởng chính trị", nhưng nói là "suy thoái về đạo đức, lối sống" (Trích kết luận của Ủy ban Kiểm tra) thì hoàn toàn vô căn cứ. Tôi được biết là Đảng đoàn Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Chi bộ Nhà xuất bản Trí thức ủng hộ GS Chu Hảo, không đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Quyết định của Ủy ban kiểm tra trung ương về GS Chu Hảo nói lên sự nô dịch ý thức hệ của những người ra quyết định này, hoàn toàn có hại cho Đảng và cho đất nước. Khi thời thế thay đổi thì cáo trạng hôm nay có thể sẽ là công trạng trong tương lai. Quá trình phấn đấu theo lý tưởng của đảng quả là gian truân. Ông Trần Độ, ông Trần Xuân Bách,.... và nhiều nhận vật uy tín lẫy lừng, đạo  đức trong sáng, tư cách đàng hoàng, từng là công thần lập quốc cuối đời vẫn bị khép cho nhiều trọng tội. Lịch sử và lòng DÂN mới là những nơi đánh giá trung thực nhất. Kỷ luật GS Chu Hảo chỉ cho thấy sự tụt hậu và yếu kém của năng lực lý luận và hành xử của ngành Đảng. Càng kỷ luật thì GS Chu Hảo càng được xã hội gắn huân chương.

6. Bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội.  

Ngẫm suy, bỏ phiếu tín nhiệm đánh giá về con người là một bài toán xã hội rất khó có được lời giải đúng và duy nhất, cho nên nói chuẩn xác hơn đó không chỉ là đẳng thức mà là "bất đẳng thức"!. Bởi vì trong toán học, nếu ta có một quan hệ A>B và cần chứng minh bất đẳng thức này thì sẽ tìm các biến đổi chuyển vế hoặc giữ nguyên và tính toán quy về cùng một hệ giá trị để so sánh trong thực tế là rất khó.

Lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay, để đạt được chất lượng như mong muốn của cử tri có lẽ còn xa lắm, nhưng cần định hướng nó để đi nhanh hơn. Vì vậy, phải cụ thể hóa hơn nữa điều 12 và 13, Luật Tổ chức Quốc hội 2014.  

Trước hết, không nên bỏ phiếu tín nhiệm kiểu “cào bằng”. Ở các nước phát triển, các quan chức không bị bỏ phiếu tín nhiệm định kì như vậy. Chỉ những ông bà nào đang có vấn đề mới được đưa ra xem xét thôi. Và chỉ cần một số lượng nhất định đại biểu kiến nghị, Quốc hội đã phải bàn xem có chấp nhận kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm với quan chức nhất định hoặc toàn bộ Chính phủ không. Nếu đa số đại biểu nói “Yes” thì Quốc hội tiến hành bỏ phiếu. Và khi bỏ phiếu cũng chỉ có 2 câu trả lời “Yes” hay “No”. “Yes” quá bán thì ở lại, “No” quá bán thì ra đi.

Không nên có 3 loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Để rạch ròi và minh bạch, chỉ nên có 2 loại phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Cũng có thể thêm hình thức phiếu trắng.

Quốc hội nên công khai danh sách người bỏ phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu không tín nhiệm và bỏ phiếu trắng đối với mỗi chức danh. Như vậy, rõ ràng, rành mạch, giúp cử tri biết chính kiến của người đại diện cho mình. Qua 3 lần bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, nhiều người có nhận xét số phiếu cảm tính, nể nang, ngại va chạm với các “bộ quyền lực” còn nhiều. Nếu công khai chính kiến của đại biểu thì chính đại biểu cũng sẽ được cử tri giám sát, chất vấn và dần dần sẽ phải nghiên cứu, suy nghĩ rất nghiêm túc để bỏ phiếu đánh giá chính xác hơn.

Kết quả bỏ phiếu thường có sự phân hóa rõ rệt, khối lập pháp số phiếu tín nhiệm thấp không nhiều, chủ yếu rơi vào khối hành pháp và tư pháp vì hoạt động “đụng chạm” nhiều đến quốc kế dân sinh và gắn với nhiều loại lợi ích. Do đó, nếu tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với tất cả mọi quan chức từ cấp Bộ trưởng và tương đương trở lên thì cũng nên xem xét lại, không thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm với các quan chức khối lập pháp nữa.
Vì quy chế lấy phiếu tín nhiệm hiện nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng phù hợp, vẫn còn mang tính dân chủ hình thức nên việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội đến bây giờ vẫn không thể được như mong muốn của cử tri. Cách làm của Quốc hội ta giống như một người ban ngày "ăn chay" song  tối lại "ngủ mặn", cho nên cử tri không nên quá kỳ vọng để rồi lại thất vọng.