Ngô Nhân Dụng
Mặc dù ông
Nguyễn Phú Trọng cố làm bộ khiêm nhường, coi việc một mình làm hai chức là do
hoàn cảnh bắt buộc, nhưng đã có người dùng chữ “Vua” khi nói đến việc ông lên
ngôi chủ tịch nước. Nhà báo Huy Đức, trong bài “Nhất thể hóa,” đã viết rằng
“Nước cũng chỉ nên có một ‘vua.’”
Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) không đồng ý với nhãn hiệu “nhất thể hóa,” có lẽ vì ngó qua còn thấy ông Xuân Phúc (giữa) với bà Kim Ngân ngồi đó. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images) |
Ông Nguyễn Phú
Trọng, sau khi được đề cử nắm cả hai chức vụ, đã bác bỏ khẩu hiệu “Nhất thể
hóa.” Tuy nhiên, không thấy ông đả động gì tới chữ “Vua.” Lý thuyết gia số một
của đảng cộng sản, không lẽ ông lại sơ ý không nhìn thấy chữ “Vua!”
Nhưng “Nhất thể
hóa nghĩa là cái gì?”
Ông Nguyễn Phú
Trọng không đồng ý với nhãn hiệu “nhất thể hóa,” có lẽ vì ngó qua còn thấy ông
Xuân Phúc với bà Kim Ngân ngồi đó. Trước kia chế độ gồm có “tứ trụ,” gồm cả
Trần Đại Quang. Bây giờ chỉ còn ba, có thể đặt tên tiếng Nga “Troika” chiếc xe
ba con ngựa kéo.
Nói “nôm na,”
tiếng Việt Nam thì dùng hình ảnh “Kiềng ba chân” hay là “Ba vua bếp,” hai ông
một bà. Từ “tứ trụ” giảm biên chế xuống “Troika,” đã là “tình huống” lắm rồi.
Nếu giờ lại “nhất thể hóa” theo đề nghị của Huy Đức tức là phải gạt cả Xuân
Phúc lẫn Kim Ngân, đẩy xuống hàng thần tử, bầy tôi của Vua Trọng! Hơi vội vã
đấy!
Nhưng đó chính
là ý kiến của Huy Đức: Mỗi nước chỉ nên có một vua thôi. Ông viết: “Nhất thể
hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt
Nam.” Nghĩa là dù “tứ trụ” hay “troika,” có ba hay bốn chức, theo Huy Đức thấy,
hiện giờ chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng là “người đang thực sự nắm quyền lực
tối cao.” Nhãn hiệu “nhất thể hóa” không thay đổi cơ cấu và thực trạng quyền
lực giữa họ với nhau. Đưa Trọng lên ngồi thêm trên cái ghế “quốc trưởng” chỉ
tạo “tính chính danh” cho Trọng mà thôi.
Đến đây thì ai
cũng thấy lý luận của Huy Đức lúng túng. Người ta chỉ cần thâu tóm thêm quyền
hành, thêm chút quyền nào hay chút đó, nếu tự xét mình chưa thực sự nắm đủ
quyền lực trong tay. Một người đang thực sự nắm “quyền lực tối cao,” thì người
đó không cần phải nắm thêm bất cứ một thứ quyền nào khác, kể cả chức chủ tịch
nước!
Trong chuyện
Tàu, nhiều người tìm cách che giấu quyền lực tối cao của mình bằng cách… xin
thêm. Như Tư Mã Ý, bầy tôi của nhà Ngụy, thời Tam Quốc. Tư Mã Ý nắm quân đội
trong tay, thủ túc đứng chật triều đình, đúng là “quyền lực tối cao.” Nhưng Ý
vẫn chưa dám cướp ngôi, vì còn sợ thế lực của họ Tào.
Khi Tào Sảng cho
người đến thăm coi thái độ Tư Mã Ý thế nào, Ý giả bộ bệnh tật, lại nhờ cậy sứ
giả về tâu xin Sảng phong cho mấy đứa con mình thêm vài cái chức nho nhỏ nữa. Ý
giải thích: Tôi sợ khi tôi chết đi thì con cháu sẽ chẳng còn danh phận nào nữa!
Thế là Tào Sảng yên tâm: Tư Mã Ý vẫn còn xin, tức là chưa nắm “quyền lực tối cao!”
Vậy tại sao
người thực sự nắm quyền lực tối cao là Nguyễn Phú Trọng lại phải bắt ngay lấy
cái chức quốc trưởng khi Trần Đại Quang vừa mới tắt thở? Có phải Trọng tự biết
mình chưa nắm quyền lực tối cao hay không?
Huy Đức lý luận
cách khác: Trọng cần ngồi trên cái ghế quốc trưởng vì mục đích là để “chính
danh.”
Chính danh là
một thuật ngữ chính trị xuất hiện thời Xuân Thu bên Tàu, trước đây 25 thế kỷ.
Ông Khổng Tử nói rằng muốn chính trị một nước ổn định thì phải chính danh. Vắn
tắt, “chính danh” nghĩa là người giữ chức vụ nào phải làm đúng với danh phận
của mình. “Quân quân, thần thần,” nghĩa là vua làm đúng việc của vua, bầy tôi
làm đúng việc của bầy tôi.
Khi Huy Đức dùng
quy tắc chính danh để biện minh việc Trọng nắm cả hai chức vụ, nhà báo tinh
khôn này đã phê bình chế độ một cách kín đáo. Nhà báo vạch ra một sự thật: Từ
hồi đó tới giờ chế độ Cộng Sản không chính danh!
Chế độ không
chính danh vì vua không làm việc của vua, bầy tôi cũng không làm việc của bầy
tôi. Đúng hơn, Cộng Sản là một chế độ loạn cào cào! Không biết ai là vua, ai là
bầy tôi!
Đó là bản chất
của các chế độ Cộng Sản, từ Liên Xô, qua Trung Cộng, đến Việt Cộng.
Thử coi bản hiến
pháp Cộng Sản nói cái gì. Họ nói rằng quyền lực chính trị thuộc về toàn dân.
Trên nguyên tắc dân bầu cử người đại diện, gọi là quốc hội. Quyền lực cao nhất
nước, do đó, phải nằm trong tay quốc hội.
Nhưng mặt khác,
bản hiến pháp Cộng Sản lại đặt tất cả mọi quyền hành vào tay đảng Cộng Sản.
Điều số 4 viết: Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tức là nắm tất cả mọi thứ
quyền!
Vậy thì đứa nào
làm vua, đứa nào làm bầy tôi?
Không biết! Chế
độ Cộng Sản bỏ lửng câu hỏi này. Vì bản chất của đảng là nói một đàng, làm một
nẻo. Lúc nào cũng đề cao nhân dân, nhưng trong thực tế chỉ lo củng cố quyền lực
đảng!
Muốn biết hơn
thua, ai vua, ai bầy tôi, thì chỉ cần coi đứa nào trong tay cầm súng và sẵn cái
còng số tám. Thông thường, tổng bí thư đảng làm vua, chủ tịch nước là bầy tôi!
Thời Lê Duẩn,
những chủ tịch nước chỉ làm bù nhìn và thủ tướng chính phủ là một chức thư ký.
Tôn Đức Thắng có mời Lê Duẩn nhận chức chủ tịch nước thì Duẩn cũng không thèm
nhận! Một trưởng ban tổ chức như Lê Đức Thọ cũng hét ra lửa, thủ tướng hay chủ
tịch không bằng.
Nhưng thời
Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng lại chiếm vai vua, cả quốc trưởng lẫn tổng bí thư
chịu lép vế. Lạ nhất có lẽ là thời Đặng Tiểu Bình bên Tàu, người không nắm chức
chủ tịch nào trong đảng cũng như trong nhà nước (trừ vai chủ tịch quân ủy trung
ương), nhưng lại nắm quyền tối cao.
Tất cả do quyền
lực cá nhân quyết định, không cần đến danh nghĩa. Cộng Sản là một chế độ không
chính danh.
Tập Cận Bình đã
là chủ tịch đảng, lại làm chủ tịch nhà nước nhưng họ Tập vẫn cố gắng tiêu diệt
dần dần tay chân của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Sau đó, mới thay đổi cương
lĩnh và hiến pháp, để chính thức làm chủ tịch vĩnh viễn.
Nguyễn Phú Trọng
đang bước theo từng bước chân của Tập Cận Bình: Nắm cả hai chức cầm đầu đảng và
nhà nước. Nhưng gọi đó là “chính danh” thì sai. Gọi đúng, đây là thâu tóm quyền
lực cá nhân.
Cuối cùng, vẫn
cảnh “danh không chính, ngôn không thuận,” như Khổng Tử cảnh cáo.
Ngôn không
thuận, cho nên Nguyễn Phú Trọng lúng ta lúng túng, không dám nhận rằng mình
“kiêm” hai chức vụ. Từ chối mấy chữ “nhất thể hóa” nhưng vẫn không phủ nhận
mình thực sự nắm “quyền lực tối cao.” Cũng không bác bỏ ý kiến “Nước chỉ có một
vua!” Mà cũng không từ chối vai trò “vua” được quân sư Huy Đức phong tặng!
Không dám nói
thẳng, không dám nói rõ ràng, chính vì danh không chính nên ngôn không thuận!
Chỉ có một điều
Nguyễn Phú Trọng nói năng rất rành mạch, tự tin, là khi tự so sánh mình với Hồ
Chí Minh. Ông Trọng đóng vai khiêm tốn rất khéo, nói rằng, “Liên quan cá nhân
tôi thì nói cũng khó nói,…” để mọi người biết ông khiêm nhường. Rồi ông nói
tiếp: “… nhưng trước đã có thời Bác Hồ vừa là chủ tịch nước vừa là chủ tịch đảng…
(như tôi).”
Ý nói: Tôi,
Nguyễn Phú Trọng, người đang giữ hai chức vụ trên, cũng chỉ… ngang hàng với Hồ
Chí Minh mà thôi!
Nhưng ai cũng
nhìn thấy vai trò của Hồ Chí Minh ngày xưa với Nguyễn Phú Trọng bây giờ rất
khác nhau. Thời Hồ Chí Minh vừa làm chủ tịch nước vừa là chủ tịch đảng thì cả
hai tên gọi đó đều vô vị. Cả hai chức vụ chỉ ngồi làm vì, đóng vai nghi lễ,
không nắm chút thực quyền nào cả. Lê Duẩn mới nắm thực sự nắm quyền sinh sát,
họ “cho Bác nghỉ ngơi” chờ ngày chết. Có lần hội nghị đảng, Hồ Chí Minh muốn
phát biểu ý kiến mà không được phép nói.
Bây giờ Nguyễn
Phú Trọng nắm quyền thực sự. Còn được tán dương là “quyền lực tối cao” nữa.
Cho nên khi đem
Hồ Chí Minh ra để ví với mình, Nguyễn Phú Trọng rất tự hào. Không những nắm cả
hai chức vụ như “Bác” ngày xưa, Trọng còn nắm quyền hành “thực sự tối cao” như
lời Huy Đức xưng tụng!
Trọng có thể qua
mặt cả Tập Cận Bình. Tập Cận Bình ngày nay quyền lực có thể ngang Đặng Tiểu
Bình đời trước nhưng không dám tự so sánh với Mao Trạch Đông. Nguyễn Phú Trọng
thì chắc chắn quyền lực mạnh hơn Hồ Chí Minh.
Ngô Nhân Dụng
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nguyen-phu-trong-hon-ho/