Nhân
Trần
29-10-2018
Thông tin Giáo sư
Chu Hảo bị kỷ luật đang gây xôn xao trong cộng đồng trí thức Việt Nam. Tại sao
GS. Chu Hảo bị kỷ luật? Việc kỷ luật này nói lên thực trạng gì về nhận thức,
tri thức và lý luận của nhà cầm quyền? Kéo theo đó là một cuộc tranh luận về
thế nào là trí thức? Trí thức kiểu Nguyễn Phú Trọng hay trí thức kiểu Chu Hảo?
Ngày 23/10/2018,
Nguyễn Phú Trọng – đương kim Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam lên nắm quyền
Chủ tịch nước thay thế Trần Đại Quang vừa mới qua đời (Lưu ý: cả hai vị Chủ
tịch nước này đều mang học hàm, học vị Giáo sư-Tiến sĩ). Chỉ hai hôm sau khi
lên ngôi, thông tin về việc kỷ luật GS. Chu Hảo – nguyên thứ trưởng bộ Khoa học
công nghệ, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức được Ban kiểm tra trung ương đưa ra,
làm chấn động cộng đồng mạng Việt Nam.
Trước hết, tôi muốn
nói đến việc tại sao GS. Chu
Hảo bị đề nghị kỷ luật?
Đọc miết các trang
báo được coi là chính thống tại Việt Nam, tôi chỉ thấy có báo Dân Trí (ngày
25/10) trích đoạn nguyên văn câu của Ủy ban kiểm tra TƯ “kết tội” giáo sư Chu
Hảo: “Ông Chu Hảo đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm
trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã
hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
Như vậy, GS. Chu
Hảo có thể bị kỷ luật vì những nguyên nhân sau: 1) Suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống; 2) “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Và hệ quả là: 1)
Làm ảnh hưởng đến tổ chức đảng và; 2) tác động xấu tới tư tưởng xã hội.
Thế nào là “suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”? Trên trang mạng của UBKTTW
có dẫn “Từ việc chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc, cả nhà làm quan;
bao che, dung túng cho sai phạm, khuyết điểm, dẫn đến hệ lụy lợi ích nhóm, tham
ô, tham nhũng, cán bộ lạm quyền, trình độ năng lực kém, vi phạm các quy định,
quy chế làm việc; thậm chí là vi phạm pháp luật. Nhiều vụ việc diễn ra trong thời
gian qua ở các tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị đã thể hiện điều này và là một
trong những biểu hiện điển hình của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo
đức, lối sống”. Như thế đã rõ, tôi không thấy GS.Chu Hảo mắc phải một lỗi
nào trong các lỗi kể trên của UBKTTW. Thay vào đó trong đầu tôi chỉ nghĩ đến:
Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến, Trịnh Văn Chiến, Lê Thanh Hải, Tất Thành
Cang, Phạm Sĩ Quý…
Còn về “Tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”? Trên Tạp chí Cộng sản cũng có nêu “chúng ta
có thể hiểu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ,
đảng viên là quá trình tự thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên theo
chiều hướng tiêu cực, từ đúng thành sai, từ tin tưởng đến hoài nghi, phủ định
tính khoa học, tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chuyển sang sùng bái,
tin theo các luận điểm tư sản, sai trái, phản động”.
Như vậy, họ tự
khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê nin là đúng đắn, là khoa học trong khi cả nhân
loại đã xếp xó, bài trừ gần ba chục năm trước. Bên cạnh đó họ còn bắt các đảng
viên phải “sùng bái” tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách
của đảng. Ai đi ngược lại, họ cho là sai trái, phản động. Tôi có thể chắc nịch
rằng đến ngay cả ông (nguyên) trưởng ban lý luận Trung ương chưa chắc đã đọc
hết Mác – Lê nin chứ đừng nói bắt đảng viên của ông tin theo. Những câu nói vừa
rồi hoàn toàn mang tính chất cảnh cáo, đe dọa chứ không có ý nghĩa gì về mặt lý
luận.
Thứ hai, việc kỷ
luật này nói lên thực trạng gì về nhận thức, tri thức và lý luận của nhà cầm
quyền?
Từ hai trích dẫn
của UBKTTW và TCCS bên trên chúng ta có thể hiểu cơ bản về tri thức và lý luận
của nhà cầm quyền như sau:
1) Họ đã nhận thức
được một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên của họ có biểu hiện tham nhũng, sai
phạm, phạm pháp, lạm quyền, năng lực kém, suy thoái về đạo đức, lối sống. Đó là
vấn đề nan giải mà họ chưa giải quyết được. Tuy nhiên, thực tế họ cố tình bao
che, dung dưỡng cho những cán bộ lãnh đạo vi phạm bởi họ còn có thể sử dụng
được hoặc các vị đó nằm trong những phe nhóm chưa thể “nhổ cỏ” được.
2) Các câu từ lý
luận diễn đạt (đoạn 2) phần lớn chung chung, hình thức, chủ yếu liệt kê các
nhóm từ thiếu ý nghĩa: “tự thay đổi tư duy, nhận thức”, “từ đúng
thành sai, từ tin tưởng đến hoài nghi, phủ định tính khoa học…”. Chỉ
cần đặt ngược lại một câu hỏi: thế nào là tự thay đổi tư duy, nhận thức? Thế
nào là đúng, thế nào là sai? Thế nào là tin tưởng, hoài nghi? Thế nào là tính
khoa học? Thế nào là phản động?
Nếu đi đến tận cùng
lý luận chúng ta sẽ thấy rõ một mớ khái niệm không có nội hàm và ngoại diên.
Những khái niệm này phần lớn được đưa vào trong các khẩu hiệu phê bình, từ ngữ
có ý nghĩa phán xét, quy chụp, đe dọa chứ ít khi được giải thích tường tận.
Thậm chí người viết chúng còn không hiểu nội dung của nó là gì ngoài một ám thị
nhất quán: ĐẢNG LUÔN LUÔN ĐÚNG. (Điều 1: Đảng luôn luôn đúng. Điều
2: Nếu hoài nghi, hãy xem lại điều 1).
Thứ ba, từ
việc GS.Chu Hảo bị kỷ luật, chúng ta hãy xem thế nào là người trí thức?
Cuộc tranh luận “thế nào là người trí
thức?” diễn ra cách nay
hơn 6 năm, với sự vào cuộc của hàng loạt các học giả có tên tuổi xung quanh một
đề tài “người trí thức và trách nhiệm xã hội của người trí thức”. Mở đầu
cuộc tranh luận là quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu:
“Tôi không đồng
ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’. Đến
bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối
với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác,
anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan
niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra,
không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Mặt khác, cần trân
trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã
hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng…”. (Báo Thanh Niên, ngày
27-1-2012)
Trên báo Dân Trí đưa ra
một loạt quan điểm khác nhau của những học giả nổi tiếng, tôi xin được trích dẫn
tại đây:
“Theo Từ điển Tiếng
Việt của GS Nguyễn Lân, “trí thức” là người lao động trí óc (trí
là hiểu biết, thức là biết). GS Nguyễn Huệ Chi cho rằng “Đã là trí thức thì
phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội”. Theo TS Giản Tư
Trung: “Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội”.
GS Cao Huy Thuần cũng có ý kiến tương tự: “Người trí thức là người không để
cho xã hội ngủ”. GS Nguyễn Văn Tuấn thì cho rằng trí thức thật là những
người “Đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân…”
(Dân Trí, ngày 6-2-2012)
Theo cựu Phó Chủ
tịch nước Nguyễn Thị Bình thì, “trí thức phải là người luôn giữ được phẩm
tiết”. Nhà báo Phan Quang cũng cho rằng “trí thức đích thực thì không
bao giờ hèn”. Nhà báo Hữu Thọ cụ thể hơn khi ông cho rằng là trí thức thì
phải có ba đặc điểm: “Một là có học vấn cao (học vấn chứ không phải bằng
cấp). Hai, nhân cách phải tiêu biểu, nêu gương tốt cho xã hội. Ba là khí tiết
bảo vệ chân lý, lẽ phải. Nếu thiếu một trong ba đặc điểm đó thì dù thế nào
chăng nữa cũng không thể gọi là trí thức”.
Cố GS Phạm Song khá
quyết liệt: “Không có khí tiết, không là trí thức. Không dám nói lên sự
thật, không phải là trí thức. Không trung thực, không phải là trí thức. Không
dám bảo vệ chân lý, không phải là trí thức”. TS. Chu Hảo cho rằng “Người
được coi (hay tự coi) mình là trí thức, ngoài yêu cầu phải đạt tới một trình độ
tri thức nhất định, người đó còn phải là người quan tâm đến những vấn đề chính
trị xã hội nóng bỏng và phải có chính kiến trước các vấn đề đó. Đặc biệt, trí
thức phải là người có năng lực phê phán và hướng dẫn dư luận”.
Tác giả Paul
Alexandre Baran một nhà kinh tế học người Mỹ theo chủ nghĩa
Marx. Trong tiểu luận The Commitment of the Intellectual (Sự Dấn
thân của Người Trí thức), đăng trên nguyệt san Monthly
Rewiew tháng 5 năm 1961. Ông khẳng định, người trí thức trước hết được
tạo ra từ phân công lao động xã hội: “Họ làm việc với óc não nhiều hơn là bắp
thịt, và sinh sống bằng trí tuệ hơn là bàn tay. Hãy gọi họ là người lao
động trí thức. Đó là những nhà kinh doanh, y sĩ, quản đốc xí nghiệp, người
phổ biến ‘văn hoá’, nhân viên chứng khoán và giáo sư đại học… sự
tách rời hoạt động trí óc khỏi hoạt động tay chân, ‘dân thầy’ khỏi ‘dân thợ’.”
Như thế vẫn chỉ coi
họ là người lao động trí thức giống như cách phát biểu của GS Ngô Bảo Châu chứ
chưa thể gọi họ là người trí thức. Paul Alexandre Baran cho rằng, để biến một
người lao động trí thức thành người trí thức là phải xem xét thái độ của anh ta
với những vấn đề đặt ra bởi toàn bộ quá trình lịch sử: “Sự
quan tâm của anh ta đối với toàn bộ quá trình lịch sử không phải là một thái độ
hời hợt ngoài mặt, nó ăn sâu vào tâm trí anh, và chi phối công việc anh ta làm”.
Và ông kết luận rằng: “Sự phi thiêng hoá các ‘giá trị’, ‘phán đoán đạo đức’
và những thứ tương tự, sự nhận diện các nguyên nhân xã hội, kinh tế và tâm lý
đã khiến chúng xuất hiện, tiến hoá và biến mất, cũng như sự lột trần loại quyền
lợi đặc thù mà chúng phục vụ ở từng thời kỳ lịch sử nhất định… chính là đóng
góp riêng lớn nhất mà người trí thức có thể mang đến cho sự tiến bộ của loài
người”.
Về trách nhiệm của
người trí thức với xã hội. Paul Alexandre Baran đưa ra hai điều kiện: 1) Làm
người trí thức phải khao khát nói lên sự thật. 2) Điều kiện khác nữa là phải
can đảm, phải sẵn sàng suy nghĩ đến cùng, sẵn sàng “phê phán không xót
thương tất cả những gì hiện hữu, không xót thương theo nghĩa là sự phê phán đó
sẽ không lùi bước trước những kết luận của chính nó, và theo nghĩa là nó cũng
không sợ đụng chạm với bất cứ thứ quyền lực đương tồn nào” (trích lời
của K. Marx).
“Như vậy, người
trí thức tự bản chất là kẻ phê phán xã hội, người mà ưu tư là nhận diện,
phân tích sự vật, và bằng cách đó, góp phần vượt qua mọi trở ngại ngăn cản sự
vươn tới một trật tự xã hội tốt đẹp, nhân đạo và hợp lý hơn. Do đó, anh ta trở
thành lương tri của xã hội và là phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ mà
trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nào xã hội cũng có. Tất nhiên là anh ta sẽ bị giai
cấp lãnh đạo, luôn luôn tìm cách duy trì hiện trạng, xem như phần tử gây rối,
phá hoại, và anh ta cũng sẽ bị ngay chính những người lao động trí thức làm
thuê cho họ cáo buộc như kẻ không tưởng, hoặc – trong trường hợp tử tế nhất –
nhà siêu hình học, và – trong trường hợp tồi tệ nhất – tên phiến loạn...
Người ta nói rằng,
đối với tôi, làm trí thức đồng nghĩa với làm anh hùng. Người ta cũng có thể cho
rằng nhân danh tiến bộ của nhân loại để đòi hỏi con người phải chịu đựng tất cả
mọi áp lực của bao kẻ cố bám víu lấy quyền lợi đã chiếm hữu được, phải đương đầu
với mọi hiểm nguy đang đe dọa hạnh phúc cá nhân của mình là điều không hợp lý.
Tôi nhìn nhận rằng yêu sách điều đó quả là quá đáng. Cho nên tôi sẽ
không làm thế. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy rằng, ngay trong các thời kỳ đen
tối nhất và trong những điều kiện gian nan, thử thách nhất, nhiều cá nhân đã
biết vượt lên trên quyền lợi riêng tư ích kỷ của mình để đặt chúng dưới quyền
lợi của toàn thể xã hội. Ðiều đó luôn luôn đòi hỏi rất nhiều can đảm, trong
sạch và năng lực. Tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hiện nay là đất nước
chúng ta cũng sẽ sản xuất được đủ số người, nam cũng như nữ, biết bảo vệ danh
dự của người trí thức, chống lại sự cuồng nộ của những quyền lợi hiện đang ở
vào địa vị thống trị, và những cuộc tấn công dồn dập của chủ nghĩa bất khả tri,
chủ nghĩa ngu dân và tính phi nhân”. (Paul Alexandre Baran)
Như vậy, các học
giả khả kính của chúng ta đều cho rằng những phẩm chất của người trí thức cần
phải có đó là:
– Là người lao động
trí thức
– Khao khát tìm
kiếm tri thức
– Dám nói lên thực trạng
xã hội
– Dấn thân, làm
thức tỉnh xã hội
Lý luận của các
Giáo sư Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang, Nguyễn Huệ Chi, Cao Huy Thuần,
Phạm Song, Nguyễn Văn Tuấn, Giản Tư Trung… hoàn toàn phù hợp với việc đánh giá
một người có phải là trí thức hay không. Chỉ cần nhìn vào sự dấn thân của họ
trong việc phản ánh hiện thực xã hội là biết đâu là người trí thức, đâu là
người lao động trí thức.