20 octobre 2018

Báo Tuổi Trẻ trước 'Đêm trước Đổi mới lần hai'


Mỹ Hằng BBC, Bangkok

 
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM

Dư luận đặt vấn đề với Tuổi Trẻ Online là sau ba tháng đình bản, thông tin còn trung thành với lẽ phải và sự thật như đã từng hay không.

Hôm 17/10, trang online của báo Tuổi Trẻ chính thức hoạt động trở lại sau ba tháng bị đình bản.


"Cái khó nhất của TTO khi trở lại sau ba tháng bị đình bản là khả năng có dám mở ra một diễn đàn thực sự, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, trí thức đầu đàn, tinh hoa của xã hội hay không?" ông Huỳnh Sơn Phước, nguyên phó Tổng biên tập và là nhà bình luận chính trị của báo Tuổi Trẻ những năm 1980, nói với BBC hôm 17/10.

Trong thư gửi bạn đọc đăng hôm 17/10, Ban biên tập của TTO cho hay "sẽ phải tự soi rọi mình" để có thể tiến bước xa hơn.
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước

"Giá trị của một tờ báo được tạo dựng không chỉ bằng những cây bút dấn thân, chính trực, mà bằng sự thấu hiểu sâu sắc niềm vui, nỗi đau và niềm hy vọng của công chúng," TTO viết.

"Phải cạnh tranh với báo chí tự do"

Bình luận về nội dung các bài viết trên báo in Tuổi Trẻ trong thời gian qua, khi TTO bị đình bản, ông Phước cho hay 'không thể nói là ông hài lòng."

"Không thể nói là hài lòng vì tôi sống với những dòng thông tin hàng ngày khám phá, điều tra, phát hiện, phản biện hùng hồn đa dạng. Làm sao có thể bằng lòng với một Tuổi Trẻ phải sống trong điều kiện không có tự do."

"Tôi chỉ hài lòng với những việc cụ thể như những bài viết về Thủ Thiêm, hay về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất… cho thấy tín hiệu là nó [Tuổi Trẻ] muốn điều gì đó khác hơn, vì sự phát triển của xã hội, vì tương lai của thế hệ trẻ."

Ông Phước cũng nhắc lại thời kỳ những năm 1980, khi chỉ có khoảng 700 cơ quan báo chí được phép xuất bản tại Việt Nam."

Báo Tuổi trẻ đứng trước Đêm trước Đổi mới lần hai, theo nhà báo Huỳnh Sơn Phước


"Lúc đó, nếu 700 cơ quan kia là một nền báo chí chính thống, nằm trong khuôn khổ, thì Tuổi Trẻ có sự khác biệt."

"Và chính vì sự khác biệt, cái riêng đó mà bạn đọc tìm thấy một Tuổi Trẻ gần với lẽ phải, với sự thật hơn. Lúc đó Tuổi Trẻ là tờ báo có nhiều người đọc nhất Việt Nam."

Nhưng ông Phước cho rằng thời đại nay đã khác. Tuổi Trẻ đang sống trong một môi trường truyền thông đa phương tiện, với nền báo chí tự do - báo chí của công dân trên Facebook.

"Vậy thì báo chí có thể làm được gì khi mà anh không được tự do làm báo?" nhà báo Huỳnh Sơn Phước đặt câu hỏi, trong bối cảnh "một trang Facebook có thể lắng nghe và phản ánh trung thực nguyện vọng, ý chí, chờ đợi, khát vọng của cả một lớp trẻ trong thời kỳ công nghệ, phát triển, văn minh?"

"Đêm trước Đổi Mới lần hai"

"Tuổi Trẻ Online (TTO) giao diện mới được thực hiện trên nền tảng công nghệ mới nhất, phù hợp với sự phát triển của báo điện tử lúc này," ông Phước nói về trang online của báo Tuổi Trẻ mới xuất hiện lại.

"Với sự phát triển như vậy, TTO không còn là một phiên bản của báo viết nữa mà thực sự là một tờ báo điện tử đa ngôn ngữ, đa phương tiện, thân thiện với người đọc."

"Quan trọng là TTO có cơ hội để sánh ngang với các phương tiện truyền thông đa chiều, đa ý kiến khác."

"Nhưng cái chính không phải nền tảng công nghệ, mà là nội dung. Nó có hướng về bạn đọc, trung thành với lẽ phải, với sự thật hay không."

Nhắc lại thời kỳ đầu thành lập, ông Phước nói "Tuổi Trẻ từng có một quá khứ, vốn liếng lịch sử xuất sắc."

"Ra đời năm 1975, Tuổi Trẻ khi đó tập hợp tất cả những người không được làm báo tự do ở giữa Sài Gòn trước 1975."

"Tuổi Trẻ lúc đó đã có nhiều đóng góp trong nền kinh tế chuyển đổi. Có thể nói Tuổi Trẻ lúc đó là một diễn đàn rất dũng cảm."

"Nó là người tiên phong đặt lên trang báo bài học của những người từng trải qua nền kinh tế thị trường. Nó đòi hỏi phải chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp, quan liêu, quay lưng với khoa học, lẽ phải, với sáng kiến, sáng tạo của con người, sang nền kinh tế thị trường. Đó là những điều Tuổi Trẻ làm được vào "Đêm trước Đổi Mới."

"Bây giờ tôi lại hi vọng Tuổi trẻ lại làm được những điều đó tốt hơn, 'xanh hơn', thực sự là tờ báo của Đêm trước Đổi Mới lần hai, trung thành với sự thật và lẽ phải," nhà báo từ Sài Gòn nói với BBC.

Từ vụ đình bản TTO

Báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng và nộp phạt gần 10.000 đô la sau khi đăng bài viết hôm 19/6 về phát ngôn của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng cần có luật biểu tình.

Nhìn nhận quanh vụ việc báo TTO bị đình bản, trang Asia Times thời điểm đó nhận định:

"Trong khi Việt Nam còn chưa viện đến những chính sách kiểm duyệt hà khắc mà Trung Quốc đã áp dụng, việc đình bản báo Tuổi Trẻ làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng người Việt Nam vốn quen với môi trường internet tương đối tự do và cởi mở như được quy định trong điều 25 Hiến pháp, cho phép tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin"

"Người dân lo ngại rằng Hà Nội sẽ sử dụng lý do 'bất ổn xã hội gia tăng' để làm cái cớ kiểm duyệt thêm các ấn bản khác, đồng thời sử dụng các biện pháp cực đoan mà Trung Quốc đang dùng để tăng cường kiểm soát truyền thông."

Chính sách kiểm duyệt cực đoan của Trung Quốc mà Asia Times nhắc tới là việc chính phủ nước này khóa toàn bộ Wikipedia, Facebook, Twitter, YouTube, và một số dịch vụ của Google.

Truyền thông Việt Nam thời điểm đó cho hay Tuổi Trẻ bị phạt do "đăng thông tin sai sự thật", rằng "chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu như nội dung thông tin mà báo đăng tải nội dung nêu trên".

Tuy nhiên lỗi này chỉ phải nộp phạt 50 triệu VNĐ và đính chính, xin lỗi.

Lý do chính khiến Tuổi Trẻ bị nộp thêm tiền và bị đình bản là "đăng thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận bài viết "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?" đăng ngày 26/5/2017", theo Vietnamnet.

Về tự do báo chí ở Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng khẳng định "Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí", theo VnExpress.

Tuy nhiên ông Tuấn nói Ban Tuyên giáo Trung ương "thực hiện công tác định hướng báo chí theo điều lệ, nghị quyết của Đảng; theo Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan".