22 octobre 2018

Vì sao Nữ Hoàng Anh Không Trao Trả Độc Lập Cho Úc?


Nguyễn Quang Duy


Úc lại lâm vào khủng hoảng chính trị với một Quốc hội treo khi cử tri tại đơn vị bầu cử Wentworth bầu cho ứng cử viên độc lập Kerryn Phelps vào Hạ viện thay thế cựu Thủ Tướng Malcolm Turnbull.

Đảng cầm quyền nay muốn tiếp tục thông qua các đạo luật cần phải thu xếp dựa vào ít nhất một dân biểu độc lập hay dân biểu đảng Xanh.

Và nếu đảng đối lập thương lượng được với các dân biểu độc lập và đảng Xanh thành lập Liên Minh trong vài ngày nữa Úc sẽ có 1 Thủ tướng mới, vị Thủ tướng này cũng có thể sẽ chỉ tồn tại tới tháng 5/2018 trước khi bầu cử.

Chỉ trong vòng 11 năm nước Úc có đến 7 hay 8 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.

Một hệ thống chính trị rối ren như thế là lý do chính vào năm 1999 trong cuộc trưng cầu dân ý nước Úc Cộng Hòa có đến 55% dân Úc từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.


>

… đợi khi Nữ Hoàng qua đời



Để thúc đẩy nước Úc độc lập, tuần qua khi Hoàng tử Harry và Công tước Meghan đang thăm Úc đề tài nước Úc Cộng Hòa lại được mang ra thảo luận.

Phóng viên Robert Hardman tiết lộ khi làm phóng sự “Nữ hoàng của thế giới” (Queen of the World), Nữ Hoàng cho biết quan điểm của bà là nếu nước Úc muốn trở thành một nước cộng hòa thì nên tiếp tục tiến trình đừng đợi đến khi bà qua đời.

Trước đây Cựu Thủ tướng Julia Gillard, một người cộng hòa, chỉ trích các chính trị gia bảo hoàng bằng cách công khai đề nghị hãy chờ cho đến khi Nữ Hoàng “chết” rồi hãy tiếp tục tranh luận về một nước cộng hòa.

20 năm qua mặc dù về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nước Úc đã thay đổi rất nhiều nhưng việc tranh luận gần như dậm chân tại chỗ. Nhiều chính trị gia Úc còn bảo hoàng hơn cả giới bảo hoàng nước Anh.

Ông Robert Hardman là phóng viên hoàng gia nên việc tiết lộ quan điểm của Nữ Hoàng cần được nhìn một cách tích cực Nữ Hoàng đang muốn thúc đẩy mở lại cuộc tranh luận về nước Úc cộng hòa.

Phóng viên Robert Hardman cho biết khi cuộc trưng cầu dân ý tại Úc thất bại "Cung điện Buckingham không tổ chức lễ mừng".

Ngay trong bài diễn văn hôm ấy Nữ Hoàng khuyến khích những người cộng hòa đừng chán nản bỏ cuộc hãy tiếp tục tiến trình để nước Úc trở thành 1 nước cộng hòa.



Cuộc Trưng cầu dân ý 1999


Bắt nguồn từ việc Tổng Toàn quyền John Kerr truất phế cựu Thủ Tướng Lao Động Gough Whitlam ngày 11/11/1975, sau nhiều tranh luận, năm 1998 Thủ Tướng John Howard thuộc phe bảo hoàng phải quyết định cho triệu tập Hội nghị Lập hiến.

Ông Howard đưa ra ba mô hình để thảo luận: (1) Tổng Thống trực tiếp do dân bầu; (2) Tổng Thống bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện; và (3) Tổng Thống được bổ nhiệm bởi một hội đồng do Thủ Tướng đề cử.

Phái bảo hòang tin rằng vị Tổng Tòan Quyền là trọng tài cho đàm phán vì thế chính thể quân chủ lập hiến là cơ sở vững chắc cho nền dân chủ tại Úc.

Những người cổ vũ cộng hòa thì cho rằng đã đến lúc Úc phải hòan tòan độc lập với Nữ Hoàng và Anh Quốc, nên dễ dàng chọn mô hình đại nghị số 2.

Phái cộng hòa cấp tiến cho rằng Hiến Pháp không còn hợp thời phải sửa đổi toàn diện hệ thống Westminster và thực hiện một chính thể Cộng Hòa với Tổng Thống trực tiếp do dân bầu theo mô hình số 1.

Sau nhiều tranh luận cuối cùng Hội Nghị quyết định chọn mô hình 2 Cộng Hòa Đại Nghị, tổng thống được bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, để đưa ra trưng cầu dân ý.

Như vậy tổng thống chỉ giữ vai trò nghi lễ tương tự như vai trò tổng toàn quyền và hệ thống chính trị không có gì thay đổi quyền lực vẫn bị thao túng bởi các chính trị gia.

Phái cộng hòa cấp tiến đã bỏ phiếu trắng trong Hội Nghị và trong trưng cầu dân ý đã vận động chống lại mô hình này.



Chiến dịch vận động


Chiến dịch YES (ủng hộ chính thể cộng hòa đại nghị) tập trung vào việc cần thay đổi thể chế.

Để vận động NO (giữ nguyên thể chế quân chủ) các nhóm bảo hòang đề cao thành quả nước Úc đã gặt hái được. Đồng thời tạo nỗi lo về sự bất ổn khi phải thay đổi thể chế với khẩu hiệu "Nếu hệ thống hiện tại không vỡ, không cần phải sửa".

Người Úc vốn không thích thay đổi. Cho đến nay chỉ có 8 trong số 44 đề xuất đưa vào một cuộc trưng cầu đã được đồng thuận thông qua. Nên chiến dịch vận động NO thành công ở chỗ giữ được các cử tri thuộc phái “bảo thủ”.

Vận động tích cực nhất cho NO là những người cộng hòa cấp tiến với một số lập luận như sau:

Thứ nhất, cộng hòa chỉ đúng nghĩa khi mọi công dân phải được bình đẳng về chính trị, được bầu trực tiếp Tổng Thống;

Thứ hai, chỉ chính trị gia mới có quyền bầu vị Tổng Thống nên mô hình Đại Nghị là một mô hình phi dân chủ với một "nền cộng hòa của các chính trị gia";

Thứ ba, các cuộc khủng hoảng chính trị do các chính trị gia tranh giành quyền lực lại sẽ tiếp tục thường xuyên xảy ra;

Thứ tư, cần viết lại một Hiến Pháp hòan toàn mới cho nước Úc cộng hòa; và

Cuối cùng, chỉ có mô hình Cộng Hòa Tổng Thống chế mới lợi ích thực sự cho nước Úc độc lập vì thế cần từ chối mô hình lần này để sửa sọan trưng cầu dân ý vào lần tới.

Không tới 10% dân Úc ủng hộ phái cộng hòa cấp tiến nhưng cùng với cánh bảo hòang kết quả là 55% dân Úc đã từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.



Người Việt tuyệt đối theo cộng hòa


Vào năm 1999 người Việt đã hội nhập và đã bắt đầu quan tâm đến chính trị nước Úc. Trên báo chí Việt ngữ khi đó cũng đã có một số tranh luận về cuộc trưng cầu dân ý.

Nhiều người Việt vẫn tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa và hầu hết người Việt sống trong các khu vực thành trì của đảng Lao Động khi ấy ủng hộ bầu Yes. Là hai lý do có thể kết luận đa số tuyệt đối người Việt đã bầu Yes cho một thể chế cộng hòa.

Ngày nay nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng vẫn rất tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa. Kiến thức về chính trị lại không khác gì giới trẻ Úc nên vẫn rất ủng hộ cộng hòa.

Thượng Nghị Sỹ tiểu bang Victoria Hương Trương là một điển hình cho người trẻ gốc Việt tham gia chính trị Úc.

Sinh ra và lớn lên tại Úc cô Hương Trương luôn công khai tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa với biểu tượng cờ vàng thường xuyên trên ngực áo trong các cuộc họp Quốc Hội.



Nước Úc ngày nay


Sau Đệ Nhị Thế Chiến giới lãnh đạo Úc đều nhìn nhận quyền lợi nước Úc gắn liền với Mỹ về chính trị và quân sự thay vì với Anh.

Ngày 15/10/2018, Ngoại trưởng Marise Payne tuyên bố Úc cần sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực vì các thế lực khác (Trung Quốc) đang nổi lên, sự thù địch có thể tăng thêm, các thách thức ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang gia tăng, khiến liên minh Úc – Mỹ cần thiết hơn bao giờ hết.

Về thương mãi nước Úc không còn phụ thuộc vào thị trường Anh và Âu Châu mà chủ yếu mua bán với các quốc gia Á Châu trong vùng.

Xã hội Úc là một xã hội đa văn hóa. Các sắc dân như người Việt, người Hoa, người Ấn, … đều đã khá phát triển. Những di dân gốc Á châu thường không có gì gắn bó với nước Anh nên cũng đều ủng hộ cộng hòa.

Còn giữa Anh và Úc ngoài lịch sử, nghi thức, ngoại giao và các cuộc viếng thăm hầu như không còn mấy gắn bó.

Từ khi Anh gia nhập Liên Minh Âu Châu càng ngày quyền lợi nước Anh càng gắn liền với Âu châu.

Ngay sau khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên Hiệp Âu châu, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull đã tuyên bố muốn ký Hiệp định thương mại với Anh, nhưng thực tế cho thấy việc xây dựng lại mối quan hệ đòi hỏi nhiều nỗ lực và càng đòi hỏi nước Úc phải hoàn toàn độc lập với nước Anh.



Dân Úc muốn cộng hòa


Tháng 7/2017, Thủ tướng Malcolm Turnball viếng thăm nước Anh đã viết trên tweet: “Mặc dù tôi là một người cộng hòa, tôi cũng là người của Nữ Hoàng Elizabeth”.

Ông Malcolm Turnball trước đây là Chủ Tịch Phong Trào Cộng Hòa và ủng hộ mô hình cộng hòa đại nghị. Ông nói thế để tránh phải rơi vào tranh cãi với thành phần bảo hoàng như cựu Thủ tướng Tony Abbot.

Nhưng ông Turnball cũng không thể tránh khỏi cuộc đảo chánh do chính ông Tony Abbot bày mưu vào tháng 8/2018 vừa qua.

Vào tháng 8/2017 báo chí đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận, kết quả lên đến 51 phần trăm dân Úc muốn một người Úc đứng đầu nước Úc, chỉ có 38 phần trăm ủng hộ chế độ quân chủ và 11 phần trăm chưa quyết định.

Trong trường hợp Hoàng tử Charles trở thành Vua lại có tới 55 phần trăm dân Úc cho biết họ muốn có một nước Úc cộng hòa.

Gần 70 phần trăm dân số Úc có tổ tiên là người Anh với trên 1 triệu công dân Úc đã sinh ra tại Anh nên vẫn còn 38 phần trăm ủng hộ chế độ quân chủ là điều dễ hiểu.

Cựu Thủ Tướng Julia Gillard là một người Anh sinh ra tại Barry, Wales, bà là một người ủng hộ cộng hòa nên đã công khai đề nghị hãy chờ cho đến khi Nữ Hoàng “chết”…. để chỉ trích Cựu Thủ Tướng Tony Abbot có cha mẹ gốc Úc nhưng sinh đẻ cũng tại Lambeth, London, Anh Quốc, một người cực kỳ bảo hoàng.

Nhìn chung các nhà lãnh đạo, các chính trị gia Úc đều có những gắn bó khá mật thiết với Anh Quốc.

Sau cuộc thăm dò dư luận năm 2017, báo chí phỏng vấn Lãnh đạo đối lập Bill Shorten ông hứa nếu thắng cử ông sẽ cho tổ chức một cuộc họp đảng kín (gồm cả các tiểu bang?) về việc liệu có nên trở thành một nước cộng hòa hay vẫn giữ thể chế độ quân chủ lập hiến.

Nếu câu trả lời là ''có'', ông sẽ xem xét hình thức của chính phủ cộng hòa để đưa ra trưng cầu dân ý.

Tình hình chính trị ở Úc cho thấy có thể vài ngày hoặc vài tháng nữa ông Bill Shorten sẽ trở thành Thủ tướng để khởi động lại việc tranh luận và trưng cầu dân ý về nước Úc cộng hòa.



Trả Độc Lập Cho Úc


Trong lần trưng cầu dân ý trước đây một số bạn bè, cả Úc chính gốc và Việt, cho rằng tôi bảo hoàng khi trước đó vài tháng tôi dám đánh cá là phe cộng hòa sẽ thất bại và thất bại nặng nề.

Quan điểm của tôi là người Úc không còn gắn bó với nước Anh và với Nữ Hoàng nhưng họ đã quá chán ngán hệ thống chính trị và các chính trị gia Úc.

Người Úc muốn được tự họ chọn 1 người đứng đầu nước Úc và một thể chế tam quyền phân lập hẳn hoi không phải một thể chế đại nghị như hiện nay.

Sau cuộc trưng cầu dân ý một người bạn hỏi tôi: “Sao Nữ Hoàng không đơn phương quyết định trao trả độc lập cho nước Úc?”

Tôi trả lời:”Nếu bà ấy làm thế chính trị gia Úc sẽ tranh nhau quyền lực và nước Úc sẽ loạn. Nữ Hoàng phải thúc đẩy nước Úc tiến tới cộng hòa một cách dân chủ và khi bà còn trị vì bà có thể giúp tiến trình được diễn ra một cách tốt đẹp hơn.”

Thử nghĩ với chưa đầy 11 năm nước Úc có đến 7 hay 8 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm có phải là một gánh nặng mà Nữ Hoàng đang mang trên vai mà chưa thể cởi bỏ.

Đơn vị Wentworth một đơn vị từ thời Úc mới thành lập chính quyền Liên Bang, 117 năm về trước, vẫn thuộc về đảng Tự Do và lần trước cựu Thủ Tướng Malcolm Turnball đã thắng cử với hơn 18% chênh lệch thật khó tin nay đã mất.

Lần này tân dân biểu độc lập Kerryn Phelps thắng ứng cử viên Tự Do với số tỷ lệ ước chừng 54-46 với 27% phiếu bầu thay đổi từ phía đảng Tự Do cầm quyền.

Trong chiến dịch tranh cử tân dân biểu độc lập Kerryn Phelps thường xuyên nhắc tới việc hệ thống chính trị hiện nay đã vỡ và cử tri Úc muốn một hệ thống chính trị hoàn toàn khác.

Nước Úc cộng hòa với một Hiến Pháp mới và một Tổng Thống do dân bầu có lẽ cũng là điều Nữ Hoàng mong muốn có được trong những tháng năm sắp tới.


Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

21/10/2018