Vấn đề không chỉ là sáp nhập ở cấp độ cá nhân, mà phải đi tới sáp nhập cả ở cấp độ các thiết chế. Lãnh đạo hay quản trị là trên cơ sở thượng tôn pháp luật, cá nhân hay thiết chế có phân công phân nhiệm rõ ràng, thông qua hệ thống "kiểm soát và cân bằng".
Khai hội Trung ương 8 từ 2/10/2018, thoạt kỳ thuỷ, là một sự kiện mang tính thông lệ (routine) của đảng cầm quyền, giữa hai kỳ đại hội.
Tuy nhiên, dịp này, do những hoàn cảnh đặc biệt ở cả quốc nội lẫn quốc tế, hội nghị có thể sẽ được ghi nhận như một cột mốc đáng nhớ trong toàn bộ lộ trình định trước và không định trước của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Nếu sáp nhập xẩy ra…
"Lộ trình không định trước" bao gồm việc lấy biểu quyết của các ủy viên Trung ương Đảng về việc liệu có "nhất thể hoá" chức danh Tổng Bí thư với chức danh Chủ tịch nước hay không? Việc nhất thể hóa này sẽ được các ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 quyết định.
Đây là cả một câu chuyện đại sự mà kết quả cuộc bỏ phiếu được giới chuyên gia dự đoán từ nhiều góc độ khác nhau.
Khi bàn thảo đề tài này, kể cả tại các bàn tròn của BBC tiếng Việt, mọi người nhấn chưa "đủ độ" tính chất đặc thù của Việt Nam. Đó là, vị thế của ĐCSVN như một định chế toàn trị trong hệ thống quyền lực, từ trung ương đến các địa phương. Vì vậy, sáp nhập hay không thì bản chất "toàn trị" vẫn là đặc điểm nổi trội của cái "lồng quyền lực" dài dài.
Nói như thế không có nghĩa là một sự sáp nhập diễn ra nay mai không hề có tác động gì tới cấu trúc quyền lực nói chung.
Từ "bộ tứ" xuống "bộ tam" trên trung ương, chắc chắn ở các địa phương, cấu trúc "lưỡng đầu chế" (bí thư và chủ tịch ở cấp tỉnh thành) cũng đứng trước thay đổi. Đấy là chưa kể, hiện nay, tại một số cơ sở, tuy chỉ ở cấp xã, phường, thi thoảng có cả cấp huyện, người ta đã "rón rén" sáp nhập bí thư và chủ tịch làm một.
Sự thay đổi từ trên thượng đỉnh (top-down change) nếu gặp sự chuyển động cải cách từ dưới lên (bottom-up) biết đâu sẽ làm nên một trùng phùng lịch sử chưa có tiền lệ.
Nhưng trước khi hy vọng vào điều này, với cái thể chế nhất nguyên ở ta, phải hoá giải cho được nổi lo lạm quyền và lộng quyền! Phải có thể chế chuẩn rồi mới bàn đến còn người. Làm ngược lại chỉ là cầu may!
Để đạt được hy vọng nói trên, vấn đề không chỉ là sáp nhập ở cấp độ cá nhân, mà phải đi tới sáp nhập cả ở cấp độ các thiết chế.
Lãnh đạo hay quản trị là trên cơ sở thượng tôn pháp luật, cá nhân hay thiết chế có phân công phân nhiệm rõ ràng, thông qua hệ thống "kiểm soát và cân bằng", chứ không thể quản trị đất nước bằng các nghị quyết để rồi trách nhiệm cuối cùng không quy được về ai.
Cho đến phút này, chưa ai dám đoan chắc, nếu sáp nhập hai chức danh ở cấp trung ương thì Việt Nam có đi tiếp để thay đổi hay chuyển dịch cái mô hình phát triển hiện nay hay không?
Bởi vì thời chiến thì các tướng lĩnh quân đội thường ở vào vị trí chủ chốt, khi tới giai đoạn chuyển đổi thì thế lực "hình sự" (công an) nắm quyền. Còn giờ đây, đất nước đã/đang vận động sang "status" thời bình thì liệu xã hội dân sự có được lên ngôi?
Chính Karl Marx chứ không ai khác từng khẳng định, nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không dựa vào yếu tố xã hội dân sự. Marx còn chua thêm, "đây là điều kiện tất yếu cần có" (conditio sine qua non).
Một sự chuyển động rốt ráo từ cả trên lẫn dưới, đạt được đồng thuận sau tranh luận, có thể sẽ thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế nói chung.
Từ những năm 2012 - 2013, vấn đề sáp nhập nói trên đã được xới ra để bàn trong nội bộ đảng cầm quyền. Song đề nghị ấy bị bác bỏ, với lý do, khó có thể kiểm soát một người giữ quá nhiều quyền lực như thế và điều này có thể dẫn tới tai hoạ.
Nhưng ngay thuở ấy cũng đã thấp thỏm, tại sao ĐCSVN lại bác cái mô hình mà cả Trung Quốc, Lào lẫn Cu Ba đều đang áp dụng?
Còn lần này, chúng ta vẫn thấy có nhiều khuynh hướng đối nghịch nhau, tựu chung lại là ủng hộ và phản bác việc hợp nhất hai chức danh.
Phía phản bác, thì ngoài lý do lo ngại độc tài, còn thể hiện khuynh hướng phổ biến là dị ứng với tất cả cái gì giống với Trung Quốc, hay làm theo Trung Quốc. Thậm chí còn lo, ấy là do Trung Quốc đạo diễn (?)
Phía ủng hộ thì cổ võ đừng sợ tập trung quyền lực vào một người, nếu chúng ta tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm dụng quyền lực, dù đó là nguyên thủ. Vấn đề ở chỗ là làm thế nào để xoá được chữ "nếu" to tướng nói trên, khi chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực của đảng, chưa thay đổi hiến pháp?
Văn hoá chính trị Việt Nam cho đến nay vẫn chưa chấp nhận các phạm trù gốc là "nhà nước pháp quyền" và "xã hội dân sự", mặc dầu khi đi ra thế giới, đến đâu lãnh đạo ta cũng yêu cầu các nước sở tại công nhận Việt Nam có "kinh tế thị trường"; khi mà ở trong nước, đối với người dân thì đó là "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Mà cái này thì dường như không tồn tại trên trái đất.
Trong khi đó, "kinh tế thị trường", "xã hội dân sự" và "nhà nước pháp quyền" là "tam vị nhất thể" (ba trong một) của cái mô thức phổ quát đối với các quốc gia dân chủ và tiến bộ. Hãy nhìn tấm gương tày liếp của người hàng xóm vĩ đại để thấy không phải cứ ghi được vào hiến pháp để làm vua suốt đời thì sau đó muốn làm gì cũng được cả. Thời đại đã sang trang!
Như một vĩ thanh
Khi trao đổi với một số đồng nghiệp, nhiều người vẫn chưa thấy cơ hội nào cho dân chủ từ Hội nghị Trung ương 8 cả.Tuy nhiên, một cách tiềm năng, đất nước quả là đang đứng trước cơ hội lớn lao và hiếm có, giống như Hồ Chí Minh khi xưa phát hiện "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Nay là lúc Mỹ-Trung đại chiến và cơ hội của chúng ta.
Cuộc chiến của Trump đâu chỉ là chiến tranh thương mại mà là cuộc chiến trên rất nhiều lĩnh vực. Trump tuyên chiến cả với bạn bè, nhưng căng đấy mà chùng đấy. Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật rồi Mỹ-Mexico-Canada vẫn đạt được thỏa thuận như thường. Sao thấy ít bàn về chuyện tận dụng thời cơ, mà chỉ xăm xăm lo tập trung quyền lực. Liệu trăm con đường ấy rồi sẽ đổ về đâu (về Đông Hải chắc?)
Làm thế nào sớm hoà hợp và hoà giải dân tộc để đưa đất nước vượt qua "nút thắt" Biển Đông một cách gọn ghẽ và an toàn. Đừng lao vào cuộc chiến quyền lực bằng mọi giá, dễ phát sinh rạn nứt trên thượng tầng. Ghế thì có ít, mà người ham muốn thì nhiều. Tại sao cứ phải kích hoạt sự ham hố mà không tập trung kích hoạt các nhánh quyền lực thật sự của dân, do dân và vì dân?
Tại khóa họp 72 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, ông Trump đã tuyên bố: "Những ai tuyên truyền giáo lý cho loại ý thức hệ đã lỗi thời thì chỉ đóng góp vào việc kéo dài nỗi thống khổ của người dân mà thôi". Tại khoá họp 73 năm nay, sự phê phán về ý thức hệ của Trump có vẻ quyết liệt hơn. Quyết liệt hơn, vì trong nội tình nước Mỹ hiện nay, Trump cần phải thoát khỏi "hiệu ứng bóng đè" của cuộc cách mạng "bottom-up" (từ dưới lên).
Và khi chúng ta nhìn vào hội trường của ĐHĐ/LHQ kín đặc dự khán của các phái đoàn trên thế giới ngồi lại để nghe Trump đọc diễn văn, trái ngược với hình ảnh độc thoại với khán phòng gần như trống rỗng của một vài trưởng đoàn khác, thì có thể nhận ra nước Mỹ không hề "đơn độc" như một số người nghĩ.
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, hiện là Giám đốc Đối ngoại của Viện các vấn đề phát triển, VIDS thuộc VUSTA.