Nguyễn Đình
Cống
Sách "Vì
sao các quốc gia thất bại" cho rằng sự thành công hoặc thất bại của các quốc
gia phụ thuộc chủ yếu vào thể chế chính trị và kinh tế. Mỗi thể chế có 2 trạng
thái cơ bản là dung hợp (tốt) và chiếm đoạt (xấu). Khi kết hợp 2 thể chế tốt quốc
gia sẽ phát triển không ngừng. Ngược lại, kết hợp 2 thể chế xấu sẽ dẫn quốc gia, dân tộc
vào tình trạng nghèo đói, kiệt quệ trong lúc mang tới giàu có cho một số ít người.
TS Nguyễn Sĩ Dũng khi xem xét vai trò
nhà nước đến phát triển kinh tế đã đưa ra 3 mô hình:
1- Nhà nước điều chỉnh (như tại các nước
Anh, Mỹ, Đức…)
2-Nhà nước kế hoạch hóa tập trung (như
Liên xô và các nước XHCN trước đây)
3-Nhà nước kiến tạo (như các nước Nhật,
Nam Hàn, Đài loan, Singapore ).
Nhà nước kiến tạo có nhiều ưu điểm và
tránh được các nhược điểm của mô hình 1
và 2. Lãnh đạo VN hiện nay đang mong ước xây dựng Nhà nước kiến tạo dưới sự lãnh đạo toàn diện của ĐCSVN.
Cũng theo TS Dũng, Nhà nước kiến tạo được
hình thành dựa trên 9 điều kiện , do Chalmers Johnson tổng kết, trong đó 2 điều
kiện đầu tiên, quan trọng nhất là :
1-Bộ máy gọn nhẹ, tinh hoa, hiệu quả
2-Bộ máy hành chính được trao quyền đầy
đủ.
Bảy điều kiện còn lại liên quan đến: Thiết
chế tài chính; Bộ Thương mại và Công nghiệp; Nhà nước độc lập; Chính quyền mạnh;
Kinh tế tư nhân; Xã hội dân sự.
Chỉ cần xem xét 2 điều kiện quan trọng đầu
tiên đã thấy rằng, Nhà nước VN, nếu vẫn chịu sự độc quyền toàn trị như hiện nay
của ĐCS thì không có cách nào xây dựng được Nhà nước kiến tạo. Huyênh hoang, rêu rao về nó không
khéo chỉ là thấy người sang bắt quàng làm họ, là trò lừa bịp lấy thúng úp voi.
Tại sao vậy ?. Tại vì ĐCSVN chủ trương và thực thi những điều ngược lại.
Về bộ máy gọn
nhẹ. Bộ máy nhà nước của VN hiện tại quá cồng kềnh. Lãnh đạo vẫn thường kêu gọi
tinh giản, nhưng rồi nó vẫn phình ra khi mà các cơ quan của Đảng, Chính quyền,
Mặt trận chồng chéo lên nhau. Phương châm Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý,
Nhân dân làm chủ đã tạo ra mâu thuẩn và hạn chế, gây nên nhiều lãng phí. Muốn
có bộ máy tinh giản thì trước hết phải xử lý triệt để sự chồng chéo này. Nhưng
hình như lãnh đạo sống chết vì nó, không muốn thay đổi.
Về tinh hoa. Theo TS Dũng thì : “Vì nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước
dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Nhà nước có thể dẫn dắt vì bộ máy hành chính -
công vụ của nó là tinh hoa”. Đọc câu này có thể hiểu
nhầm rằng tinh hoa là tính chất vốn có của Nhà nước kiến tạo . Nhưng thật ra
tinh hoa là yêu cầu đối với mọi nhà nước bình thường. Phải có bộ máy gồm các phần
tử tinh hoa thì mới có thể xây dựng Nhà nước kiến tạo. Trong bài “ Hỏi thêm ông Dũng” tôi có trình bày rằng cứ
theo đường lối cán bộ cộng sản, cứ theo quy hoạch cán bộ của Đảng thì chỉ tạo
ra các “tinh hoa dổm” là chủ yếu. Loại ấy không thể nào điều hành được Nhà nước
kiến tạo. Tinh hoa thực chất đã bị nền chuyên chính vô sản làm thui chột từ non
trẻ, đã bị quy hoạch loại bỏ từ vòng ngoài.
Về hiệu quả. Lãnh đạo, Quốc hội, Chính
phủ đều có nhận xét rằng Nhà nước VN hiện tại là kém hiệu quả. Hiện tượng và
nguyên nhân đã quá rõ ràng.
Về điều kiện bộ máy hành chính được trao
quyền đầy đủ. Liệu điều này có thể xẩy ra, có thể được Đảng chấp nhận khi họ phải
lãnh đạo toàn diện, khi nghị quyết của các cấp bộ đảng đều cao hơn pháp luật,
khi bộ máy của Đảng bao trùm lên bộ máy hành chính ở mọi nơi, mọi cấp. Để có được
bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ thì tất yếu phải vô hiệu hóa các điều
vừa kể. Liệu Đảng có chấp nhận và Quốc hội
có dám thảo luận và ban bố các điều như vậy.
Trong
cuộc họp ngày 2 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng với 27 chuyên gia kinh tế hàng đầu,
bàn về các trụ cột phát triển đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng : “Để thực hiện các trụ
cột về phát triển
kinh tế thì cần cải cách đồng bộ thể chế, trong đó,
việc quan trọng cần thay đổi là tránh sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước…, Song song với thể chế, yếu tố con người
là rất quan trọng để thực hiện được thể chế đổi mới. Các chuyên gia đề nghị phải nâng cao chất
lượng của cán bộ công chức, viên chức, thậm chí là cả đội ngũ lãnh đạo, đổi mới
bộ máy quản lý”..
Các chuyên gia đề nghị nâng cao chất lượng
cán bộ, công chức. Nhưng làm sao nâng được. Mấy chục năm trời đã dùng rất nhiều biện pháp
, nhưng không nâng được vì đường lối cán bộ sai ngay từ gốc. Điều này tôi đã
trình bày trong bài “ Phản biện đường lối cán bộ cộng sản”. Đề nghị xem yếu tố
con người là rất quan trọng, có ý muốn nói đến đội ngũ tinh hoa. Nhưng nếu cứ
làm theo “ Quy hoạch CB của Đảng” thì chỉ chọn được “tinh hoa dổm”, và loại bỏ
tinh hoa thực chất. Đề nghị tránh sự chồng chéo trong quản lý nhà nước phải
chăng muốn đụng đến vai trò của Đảng và Mặt trận. Các đề nghị như vậy chỉ nói
cho vui lỗ tai chứ Thủ tướng không có tài thánh và lòng dũng cảm để thi hành.
Đó là chưa kể đến việc các chuyên gia chỉ vòng vo, nói tránh, không có một ai
dám đụng đến chỗ nhạy cảm là xây dựng thể chế Tam quyền phân lập.
Thực ra ĐCSVN đã từ bỏ Mác Lê và đường lối
cộng sản trong kinh tế để chạy theo sự phát triển tư bản hoang dã, để tạo nên bọn
tư bản đỏ với nhóm lợi ích. Nhưng họ vẫn kiên trì đường lối
chính trị. Đó là việc giữ vững độc quyền toàn trị của chuyên chính vô sản nhằm
bảo vệ quyền lợi cho một số nhóm lợi ích. Họ rêu rao xây dựng nhà nước kiến tạo
cũng chỉ là để phục vụ các nhóm lợi ích chứ chẳng phải vì nước vì dân. Tuy vậy
trước sau thì Nhân dân Việt Nam cũng phải thiết lập nên một Nhà nước dân chủ, theo mô hình kiến tạo, mô hình điều
chỉnh hoặc mô hình phát triển nào đó. Để
làm được việc này thì điều kiện tiên quyết là từ bỏ con đường chính trị cộng sản
với sự độc quyền toàn trị, từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lê với vô sản chuyên chính để xây
dựng thể chế dân chủ với Tam quyền phân lập, là cơ sở cho Nhà nước kiến tạo.