“Chúng tôi không xây dựng trung tâm dữ liệu ở những quốc gia có truyền
thống vi phạm nhân quyền như quyền riêng tư và quyền tự do biểu đạt”, nhà sáng
lập Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố trong một thông báo đầy bất ngờ ngày 7/3.
“Nếu chúng tôi xây dựng trung tâm dữ liệu và lưu dữ liệu nhạy cảm ở những
nước này, thay vì chỉ lưu dữ liệu không nhạy cảm trong bộ nhớ đệm [nguyên văn:
caching non-sensitive data], các chính phủ sẽ dễ dàng lấy dữ liệu của người
dùng hơn”, ông Zuckerberg nói.
Chính sách này sẽ được áp dụng cho không chỉ mạng xã hội Facebook mà còn
các dịch vụ khác của Facebook như Messenger, Instagram, bên cạnh một dịch vụ
vẫn được mã hoá khắt khe lâu nay là WhatsApp.
Động thái này có thể xóa tan những ngờ vực của cộng đồng mạng Việt Nam về
việc Facebook có tuân thủ Luật An ninh mạng và lưu dữ liệu người dùng ở Việt
Nam hay không.
“Mọi người muốn dữ liệu của họ được lưu trữ an toàn ở những nơi họ tin
tưởng. Nhìn về tương lai của Internet và vấn đề quyền riêng tư, tôi tin rằng
một trong những quyết định quan trọng nhất chúng tôi đã đưa ra là việc chúng
tôi sẽ xây trung tâm dữ liệu và lưu trữ dữ liệu nhạy cảm của người dùng ở đâu”,
ông Zuckerberg giải thích.
Điều khiến cộng đồng mạng Việt Nam ngờ vực lâu nay là liệu Facebook có chấp
nhận bị chặn ở Việt Nam hay không, bởi điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ có
thể mất đi thị trường và doanh thu ở đây.
Mark Zuckerberg khẳng định “chúng tôi sẵn sàng đánh đổi” các thị trường này
để “giữ vững nguyên tắc” tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, bất kể “dịch
vụ của chúng tôi sẽ bị chặn ở một số nước hoặc chúng tôi sẽ không thể tiếp cận
được một số nước khác trong thời gian trước mắt”.
Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Facebook có thể có máy chủ đóng vai trò là
bộ nhớ đệm ở Việt Nam để lưu dữ liệu không nhạy cảm của người dùng. Đây là kỹ
thuật nhằm tăng tốc độ xử lý dữ liệu của Facebook.
Theo VTC, vào thời điểm tháng 12/2017, Facebook đã có khoảng 300 máy chủ đặt tại Việt Nam để “quản lý
thông tin”. Dẫn lời một chuyên gia công nghệ, VTC cho biết đây là loại máy chủ
“hầu như quốc gia nào cũng có”, nhằm quản lý mọi thao tác hàng ngày của người
sử dụng như lịch sử truy cập. Loại máy chủ quan trọng hơn là “máy chủ quản lý
dữ liệu cá nhân” thì chỉ có một vài quốc gia trên thế giới có và không có ở
Việt Nam. Đây là loại máy chủ có tính bảo mật rất cao, VTC cho biết.
Trong phiên điều trần tại Uỷ ban Tình báo của Thượng viện Mỹ ngày 5/9/2018,
bà Sheryl Sandberg, Phó Chủ tịch Facebook, khẳng định “chúng tôi không có máy chủ ở Việt
Nam và trừ những ngoại lệ rất ít ỏi khi có những mối đe dọa nghiêm trọng xảy
ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm
cả thông tin về chính trị”.
Thông báo đầy bất ngờ của Mark Zuckerberg ngày hôm nay có tiêu đề “Một tầm
nhìn tập trung vào quyền riêng tư cho kết nối xã hội”. Trong đó, vị chủ tịch
của hãng công nghệ khổng lồ đưa ra một định hướng mới cho sự phát triển
Facebook. Ông nhấn mạnh tới việc tạo ra những không gian riêng tư hơn cho người
dùng, nơi người ngoài không thể tiếp cận. Zuckerberg ví đây như những phòng
khách tại gia của người dùng, thay vì như tình trạng hiện nay là nói trên
Facebook cũng như nói giữa quảng trường thành phố.
Bên cạnh đó, Facebook cũng sẽ mã hoá dữ liệu đầu cuối, khiến cho ngay cả
Facebook cũng không đọc được dữ liệu của người dùng. Đây là tính năng bảo mật
được nhiều người kỳ vọng, bởi Facebook có lịch sử nhiều năm qua “đọc” và khai
thác dữ liệu riêng tư của người dùng và bán nó cho các nhà quảng cáo. Đây là mô
hình kinh doanh Facebook theo đuổi xưa nay và cũng vì vậy mà họ liên tục dính
các bê bối lớn liên quan đến dữ liệu người dùng.
Với việc thay đổi chính sách về quyền riêng tư, Facebook sẽ phải thay đổi
cả cách họ kiếm tiền. Điều này khiến cho nhiều người vẫn ngờ vực rằng liệu Facebook có thực sự thay
đổi để tôn trọng dữ liệu riêng tư của người dùng hay không.