05 mars 2019

Chơi với lửa



bà Mạnh Vãn Chu
Sau nhiều ngày chờ đợi Bộ Tư pháp Canada đã phê duyệt việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) Giám đốc tài chính của công ty Huawei, nơi được cho là ổ gián điệp của Trung Quốc núp dưới cái vỏ một công ty công nghệ thông tin, đang bị Mỹ tố cáo có âm mưu lấy cắp các dữ kiện tuyệt mật của nhiều nước, trong đó có các công ty viễn thông của Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver thuộc Canada vào tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ với các cáo buộc đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.


Phản ứng của Trung Quốc rất mạnh mẽ và quyết đoán, bắt giữ công dân Canada và cáo huộc họ làm gián điệp trong vùng đất Trung Quốc, đe dọa các doanh nhân Canada đang kinh doanh tại Trung Quốc. Trung Quốc chống chế rằng Hoa kỳ sở dĩ bắt giữ bà Mạnh là hành động đàn áp các đối thủ cạnh tranh về thiết bị viễn thông lo ngại sự lớn mạnh của Huawei nên đã đem vấn đề an ninh ra làm chứng cứ. Nói chung là một sự lừa dối nhằm bôi nhọ Trung Quốc.

Tuy nhiên Trung Quốc khó lòng chối bỏ các bằng chứng về đánh cắp sở hữu trí tuệ của Huawei, một trong những lý do khiến Bộ tư pháp Hoa Kỳ chính thức truy tố Huawei và bà Mạnh Vãn Chu là nhân viên cao cấp của công ty này bị truy tố 23 tội danh bao gồm vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, đánh cắp bí mật thương mại, nói dối ngân hàng và cản trở pháp lý.

Mỹ có bằng chứng cho thấy từ lâu tập đoàn Huawei đã được chính phủ Trung Quốc bảo hộ nhằm thực hiện các hoạt động gián điệp và đang nhắm vào EU để nhằm đạt được mục tiêu chiếm lĩnh thị trường này. Mỹ, Australia, New Zealand đồng loạt ban hành lệnh cấm sử dụng thiết bị của Huawei riêng Anh quốc đã ngưng chương trình phát triển mạng 5 G do Huawei cung cấp.

Những phản ứng này cho thấy thế giới lo sợ sự thâm nhập của Huawei vào đất nước của họ để làm việc mờ ám hơn là sự cạnh tranh giữa các đối thủ thông thường trong lĩnh vực thiết bị viễn thông. Mỹ là nước tự do trong cạnh tranh và chính phủ nước này chưa bao giờ có hành động nhơ bẩn trong việc bênh vực và che chắn cho hành vi cạnh tranh bất chính.

Duy chỉ có Việt Nam là không lo sợ chuyện gián điệp Trung Quốc ngược lại còn mở rộng cửa cho tập đoàn này bước chân vào Việt Nam với tất cả mọi dễ dãi mà đất nước này có được.

Từ năm 1998 Huawei đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam cho tới năm 2016 thì công ty này thành lập Trung tâm Sáng tạo CSIC. Hiện nay công ty Huawei Việt Nam có hơn 300 nhân viên, văn phòng đặt ở hai thành phố HCM và Hà Nội.

Mới đây Tổng công ty hạ tầng mạng (VNPT Net, thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) đã chỉ định thầu cho Huawei Việt Nam hàng loạt gói thầu trị giá hàng chục tỷ mặc dù biết rõ những nguy hiểm khi cho phép tập đoàn này cung cấp các thiết bị viễn thông sẽ có nguy cơ bị đánh cắp thông tin của khách hàng hay các cơ quan chính phủ nếu dùng hệ thống do Huawei xây dựng.

Ông Đinh Hồng Quang, một giới chức cao cấp của VNPT cho báo chí biết lý do chọn Huawei là vì họ đã vào Việt Nam khá lâu và sắp tới có chuyến đi thăm Trung Quốc của một nhân vật cao cấp mà ông này không muốn nêu tên. Tiết lộ của ông Quang cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc mạnh đến nỗi Việt Nam sẵn sàng hy sinh những điều hệ trọng ảnh hưởng tới bí mật quốc gia vì một lý do hết sức kỳ lạ. Điều này cũng cho thấy chính sách phát triển hạ tầng của Việt Nam thiếu minh bạch và được cấp dưới tự tiện quyết định mọi chính sách miễn là có lợi cho kinh tế, dù ít ỏi, của Việt Nam bất kể hệ quả mà một hành vi chỉ định thầu gây ra.

Hiện Huawei chiếm tới 29% toàn bộ mạng lưới của VNPT có nghĩa là 1/3 mạng lưới đã hoặc sẽ bị cài đặt phần mềm theo dõi đối với người sử dụng nó. Từ một chiếc điện thoại cầm tay tới hệ thống định vị, mạng nội bộ, hay hệ thống chính phủ…nguy cơ bị lấy cắp thông tin, cài đặt nghe lén hay những hành vi gián điệp khác đều có thể xảy ra đối với Việt Nam khi cho phép Trung Quốc biết rõ mình như trong lòng bàn tay và do đó nếu có biến cố xảy ra giữa hai nước thì Hà Nội chắc chắn nằm trong vòng kiểm soát không thể cứu vãn.

Mỹ không những cấm Huawei, chính phủ Trump còn tuyên bố sẽ không hợp tác với những nước cho phép công ty này hoạt động trên lãnh thổ của họ nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình FOX, ngoại trưởng Hoa kỳ ông Mike Pompeo cho biết "Nếu một quốc gia áp dụng thiết bị của Huawei và đưa nó vào một số hệ thống thông tin quan trọng hàng đầu, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với họ”. Ông Pompeo nhấn mạnh không muốn thông tin của nước Mỹ bị rủi ro.

Điều này dễ nhận thấy khi Mỹ bước chân vào Biển Đông thì Việt Nam sẽ là nơi được chia sẻ thông tin nhằm đối phó với Trung Quốc. Nếu Huawei quản lý mạng viễn thông thì làm sao Mỹ dám cho Việt Nam nhập cuộc. Mà bị đứng bên ngoài thì Việt Nam sẽ là gì đối với trách nhiệm chung của toàn khối ASEAN?

Trong khi Hà Nội đang nổ lực tối đa để xích lại gần hơn với Mỹ, một hợp đồng nhỏ bé với Huawei có thể làm sụp đổ mọi cố gắng mà Bộ ngoại giao đang làm. Nếu Bộ chính trị vẫn còn thờ ơ với mưu toan của Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp hậu quả rất gần. Bên cạnh gián điệp là các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam nếu một hôm nào đó ông Trump mất ngủ.

Không ai có thể chơi với kẻ hai mặt, nhất là một doanh nhân thành đạt như ông Trump. Vì ai cũng biết Tổng thống không phải là một chính trị gia lão luyện đủ để bỏ qua hành động hai mang của đất nước mà ông vừa ghé qua. Phỉ báng nước Mỹ bằng việc cho phép kẻ bị Hoa Kỳ chối bỏ làm việc trên đất nước của mình là hành động thiếu chín chắn nhất trong giai đoạn hiện nay của Hà Nội.

Chơi với lửa sẽ có ngày bỏng tay.

Nguồn: canhco's