04 mars 2019

Trộm hoa sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều và "những bàn tay bẩn"


Suy nghĩ "mình lấy một tí chẳng nguy hại tới ai" khiến tình trạng bòn rút, trộm cắp xảy ra ở nhiều nơi, nhất là chốn công cộng.


Hình ảnh người dân trộm hoa trang trí quanh khách sạn JW Marriott ngay sau khi kết thúc hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều (ảnh cắt từ clip)


Nhân clip một số người dân tấp nập bê trộm cây, hoa trang trí quanh khách sạn JW Mariot - nơi lưu trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, tôi vào google nhập từ khóa "trộm hoa".


Hóa ra có hẳn một thế giới trộm hoa sôi động không thua gì trộm chó hay trộm điện thoại. Trên các diễn đàn cũng đông tương tác cũng liên tục chia sẻ những clip được camera an ninh của nhiều gia đình ghi lại vô số các hình ảnh trộm mai, trộm đào, trộm cả những chậu cúc bé tí! Không ít người xem những hình ảnh đó sẽ bật cười tự hỏi: "Bọn trộm này hài quá, trộm những cành hoa, những chậu hoa ấy làm gì nhỉ, chẳng lẽ bán? Có được bao nhiêu tiền đâu?".

Tất nhiên, cũng có kẻ trộm chậu cây to đẹp thì đem bán cho nhà vườn. Nhưng nhìn kìa, có cả những quý bà đi xe hơi, lén lút bê chậu cây cao chỉ gang tay. Hẳn là chị "thuổng" đem về bày cho đẹp nhà đẹp cửa, chứ có thiếu thốn, đói nghèo gì mà phải đi ăn trộm?

Thì ra, có khá nhiều người, như đám đông trong clip mới nhất kia chẳng hạn, vì muốn đẹp nhà đẹp cửa nên ăn trộm. Cái đẹp của hoa lúc này nhằm mục đích để họ phô phang, khoa trương cho thiên hạ thấy trên facebook, hay cho hàng xóm, người qua đường đi qua tấm tắc. Hay là để mình thấy, mình tự hào "ta biết thưởng thức hoa"? Thương cho hoa, vì cái đẹp trong tình cảnh này, thành trang sức phủ lên sự gian manh, bất lương.

Người trộm hoa chẳng e dè, xấu hổ với hành vi của mình


Tôi rút ra kết luận của riêng mình: bọn trộm vặt chuyên nghiệp thường rình mò lấy tài sản của cá nhân. Trộm "bán chuyên" như mấy người trong clip lấy hoa sau cuộc họp Thượng đỉnh kia, cũng giống những kẻ trộm, vặt hoa nơi công cộng báo đài vẫn lên tiếng, họ thường xuê xoa ý nghĩ: mình lấy một tí chẳng nguy hại tới ai.

Suy nghĩ này phổ biến lắm, từ trong cơ quan công quyền, sinh ra chuyện vô tư rút ruột của công. Nó đầy rẫy trong các siêu thị, sinh ra cảnh người lớn dạy trẻ em lén lút bỏ hàng hóa vào túi không tính tiền. Sinh ra cảnh giành giật, chen chân vào các công ty để trí trá giấy tờ, vào các nhà máy để biển thủ sản phẩm...

"Nếu bạn may mắn nhặt được 100 triệu đồng, bạn sẽ đầu tư hay gửi tiết kiệm?". Rất nhiều nhà tuyển dụng đã gài bẫy ứng viên bằng câu hỏi này, để rồi ngao ngán nghe các chàng trai cô gái hùng hồn trình bày về kế hoạch đầu tư, kinh doanh. Tất nhiên họ đều bị đánh rớt, vì câu trả lời vô cùng đơn giản: "Đó không phải tiền của tôi nên tôi không thể sử dụng".

Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận đã từng bị kỷ luật vì bẻ hoa anh đào bên đường để chụp ảnh

Quan điểm của tôi là, nếu bạn không thể chung tay vun đắp xã hội, thì cố gắng đừng phá. Nếu nhặt 100 triệu đồng mà không biết cách tìm trả lại cho chủ nhân, thì thà bạn đừng nhặt, chỉ cần báo cho cơ quan chức năng để họ làm việc của họ.

Bạn có thể nghĩ hoa đã sử dụng xong, không còn cần thiết nữa, mình lấy không phương hại tới ai. Nhưng bạn quên rằng, bạn không phải chủ nhân những chậu hoa ấy, vì vậy bạn không có quyền quyết định bất cứ gì liên quan tới nó.

Giữ hoa tiếp tục đẹp hay đem hủy, đem trả nhà vườn, là việc của người khác. Xin đừng thò bàn tay dơ bẩn của bạn vào hoa. Xin đừng làm vấy hình ảnh văn hóa Việt Nam mà chúng ta vừa ra sức cho bạn bè thế giới thấy.

"Thứ gì không phải của mình, thì mãi mãi không phải của mình", câu nói đơn giản ấy sao bạc đầu mà nhiều người không hiểu?!





Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/trom-hoa-sau-thuong-dinh-my-trieu-va-nhung-ban-tay-ban-d412794.html