10 octobre 2018

Chiến lược biển Việt Nam, tâm nguyện của cựu Trưởng ban biên giới Chính phủ


Tiến sỹ Trần Công Trục

Tiến sĩ Trần Công Trục, 
ảnh do tác giả cung cấp.

(GDVN) - Hiện vẫn còn một số quan niệm thiếu chuẩn xác và mơ hồ về pháp lý có thể ảnh hưởng đến tư duy và phương thức ứng xử trong các vấn đề về Biển Đông.

Để xây dựng, ban hành, xuất bản các loại văn bản thể hiện chính xác, đầy đủ, rõ ràng chiến lược, chủ trương, chính sách; cũng như các qui định pháp lý có hiệu lực điều chỉnh các quan hệ xã hội đang và sẽ diễn ra trong các vùng biển, đảo, trong những thập kỷ tới, theo chúng tôi, trước hết, có lẽ chúng ta nên và cần tiếp tục thống nhất nhận thức về những vấn đề chủ yếu sau đây:


Thống nhất khái niệm về phạm vi và quy chế pháp lý của các vùng biển, đảo 

Theo khái niệm chung, biển là một bộ phận cấu thành của lãnh thổ quốc gia (còn được gọi là lãnh thổ biển). 
Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo có quyền xác lập 5 vùng biển khác nhau mà phạm vi không gian của chúng được hoạch định theo những tiêu chuẩn rõ ràng.
Theo đó, quốc gia ven biển được quyền thực thi và bảo vệ chủ quyền toàn diện, tuyệt đối trong vùng Nội thủy;
Chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ trong vùng Lãnh hải; quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng Tiếp giáp Lãnh hải, vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa, theo những định chế rất chặt chẽ, chi tiết.
Các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển là phạm vi không gian cụ thể; là tiền đề vật chất để nhà nước của các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, thực thi quyền lực của mình dưới danh nghĩa chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Như vậy, lãnh thổ và quyền lực nhà nước là hai phạm trù khác nhau, không thể gộp chung vào trong một khái niệm.
Trong khi đó, các thực thể địa lý bao gồm đảo, đá, bãi cạn… ở trong các vùng biển và trên thềm lục địa, cũng là một bộ phận không thể tách rời lãnh thổ đất liền của quốc gia có chủ quyền.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các thực thể địa lý đó, chẳng hạn như đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở giữa Biển Đông, các bên tranh chấp phải chứng minh việc họ đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với các thực thể đó theo nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành nào?
Đây là một nội dung pháp lý rất nhạy cảm và phức tạp, được tạo ra bởi các yêu sách chủ quyền do lịch sử để lại.
Đặc biệt phía Trung Quốc, để phục vụ cho mục tiêu chiến lược của mình, họ đã lợi dụng thời cơ, sử dụng nhiều thủ đoạn, kể cả việc sử dụng vũ lực, để đánh chiếm các hải đảo của Việt Nam trong Biển Đông.
Sau khi đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đang áp dụng mọi thủ đoạn để hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi pháp của họ.
Trong đó, họ đã cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 để biện minh cho yêu sách đường “lưỡi bò” bao lấy hơn 90% diện tích Biển Đông.
Nếu không nắm vững các quy định của Luật Biển, các nguyên tắc Luật pháp và Thực tiễn quốc tế hiện hành, chúng ta sẽ không đủ tự tin để phân biệt đúng sai, không đủ bản lĩnh để có thể đưa ra các quyết sách rõ ràng, đúng đắn và thích hợp…
Hiện nay, qua nghiên cứu, theo dõi, chúng tôi vẫn phát hiện ra những quan niệm thiếu chuẩn xác, mơ hồ, chung chung ở trong nhiều tài liệu, văn bản…do cá nhân và tổ chức đã phổ biến công khai trên nhiều kênh thông tin…
Điều này có ảnh hưởng đến tư duy và phương thức ứng xử của cộng đồng, kể cả những cá nhân, tổ chức, lực lượng đang đảm đương trọng trách quản lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên biển, hải đảo.

Vấn đề xác định cụ thể phạm vi các vùng biển, thềm lục địa, khu vực đảo, quần đảo trong Biển Đông

Tiếp đến, có thể nói, nếu không hoặc chưa xác định được giới hạn cụ thể của các vùng biển, thềm lục địa, các đảo, quần đảo, nhất là trong tình hình có những yêu sách chồng lấn giữa các quốc gia ven biển kế cận hay đối diện nhau.
Nói một cách khác, nếu chưa xác định“phạm vi điều chỉnh” cho các loại văn kiện nói trên, thì hiệu lực thi hành của chúng sẽ khó có thể được phát huy trên thực tế.
Nếu vấn đề hoạch định nói trên không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, rõ ràng thì mọi chủ trương, chính sách, mọi văn bản quy phạm pháp luật dù được biên soạn hay ho, bài bản đến đâu cũng khó có thể đi vào cuộc sống và phát huy được hết tác dụng tích cực của chúng.
Bởi vì, trong trường hợp các vùng biển và thềm lục địa của một quốc gia ven biển được xác lập theo đúng quy định của UNCLOS 1982, không chồng lấn lên các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển liền kề hay đối diện, thì các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển đó mới được tôn trọng và không ai có quyền xâm phạm hay tìm cách tranh chấp.
Tất nhiên là cần phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của các vùng biển và thềm lục địa được hoạch định của các quốc gia ven Biển Đông có tuân thủ các quy định, các tiêu chuẩn của UNCLOS 1982 với tư cách là quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo hay không?
Trong trường hợp, khi xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định nói trên, nếu tạo ra “vùng chồng lấn” thì không quốc gia liên quan nào có quyền đơn phương thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình tại vùng chồng lấn đó, nếu các bên chưa đàm phán hay đàm phán chưa đạt được một giải pháp cuối cùng.
Rõ ràng là, bất kỳ một văn kiện nào được xây dựng và công bố, không thể không tính đến các trường hợp đó.
Chẳng hạn, đối với Việt Nam, chúng ta đã có Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ năm 1982 và hiện nay nó vẫn còn hiệu lực.
Nhưng, hệ thống đường cơ sở này chưa được hoàn chỉnh, còn một số khu vực chưa thiết lập được đường cơ sở như: Vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng nước lịch sử chung Việt Nam - Campuchia…
Do đó, giới hạn phạm vi các vùng biển và thềm lục địa tại các khu vực nói trên chưa thể hoạch định được.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, dựa vào hệ thống đường cơ sở đã được công bố đó, chúng ta cũng đã hoạch định giới hạn của các vùng biển và thềm lục địa tại một số khu vực không chồng lấn lên các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven Biển Đông khác.
Đối với một số khu vực có “vùng chồng lấn”, chúng ta đã tiến hành đàm phán phân định với các quốc gia liên quan và cũng đã thu được những thành công đáng kể:
- Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ năm 2000.
- Việt Nam và Campuchia: Ngày 7/7/1982, 2 nước ký thỏa thuận về vùng nước lịch sử, theo đó vùng nước lịch sử giữa 2 nước sẽ được đặt dưới chế độ nội thủy và hai bên thống nhất lấy đường Brévié làm đường phân chia chủ quyền các đảo trong khu vực.
Hai bên cũng thống nhất sẽ hoạch định đường biên giới trên biển giữa 2 nước vào thời điểm thích hợp.
- Hiệp định phân định biển với Thái Lan ký ngày 9/81997, là hiệp định phân định biển đầu tiên của Việt Nam giải quyết dứt điểm vùng biển chồng lấn với các nước láng giềng.
Đây cũng là hiệp định phân định biển đầu tiên trong khu vực Vịnh Thái Lan và hiệp định đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 có hiệu lực.
- Giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn trong khu vực Vịnh Thái Lan rộng khoảng 2.800 km2 được hình thành bởi yêu sách của Việt Nam năm 1971 và Malaysia năm 1979.
Trên cơ sở thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước, năm 1992 hai bên đã đàm phán giải quyết vấn đề vùng biển chồng lấn và ngay tại vòng họp đầu tiên 2 bên đã đạt được thỏa thuận sẽ khai thác chung dầu khí một phần của khu vực chồng lấn giữa 2 nước.
- Đàm phán phân định vùng chồng lấn giữa Việt nam và Indonesia: Indonesia là quốc gia láng giềng có quy chế quốc gia quần đảo nằm đối diện với bờ biển phía đông nam Việt Nam.
Khi xác định phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế, giữa hai quốc gia có vấn đề hoạch định ranh giới chung vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. Hai nước đã tiến hành đàm phán để giải quyết phân định vùng thềm lục địa chồng lấn.
Trải qua 2 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 12 vòng đàm phán không chính thức, 4 cuộc trao đổi hẹp cấp Trưởng đoàn chuyên viên và 1 vòng đàm phán về kỹ thuật hải đồ, ngày 26/6/2003, hai bên đã ký kết Hiệp định phân định thềm lục địa. Hiệp định này có hiệu lực ngày 29/5/2006.
Hiện tại, Việt Nam còn phải tiếp tục đàm phán phân định:
- Với Indonesia: ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
- Với Malaysia: ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn ở phía Nam quần đảo Trường Sa và vấn đề chủ quyền phần phía Nam quần đảo Trường Sa.
- Với Campuchia: ranh giới biển vùng nước lịch sử chung và vùng chồng lấn ở phía ngoài vùng nước lịch sử này.
- Với Trung Quốc: ranh giới vùng chồng lấn ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
- Với Philippines: Vấn đề chủ quyền đối với hầu hết quần đảo Trường Sa.
Đó là những hoàn cảnh không thể không tính đến khi xây dựng và ban hành các văn kiện, văn bản chính trị, pháp lý nhằm bảo vệ, quản lý và phát triển Biển, Đảo của Tổ quốc.
Bởi vì, muốn phát huy được thế mạnh của Biển, Đảo nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước một cách có hiệu quả và bền vững, không thể không đề cao nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải tạo được môi trường, không chỉ là môi trường tự nhiên mà còn cả môi trường chính trị, pháp lý, an ninh quốc phòng.
Vì vậy, Chiến lược biển trong hoàn cảnh hiện nay phải chăng cần mang nội hàm: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Biển, Đảo, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải ưu tiên cho nhiệm vụ gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, bằng cách áp dụng mọi giải pháp nhằm nâng cao khả năng khai thác, quản lý nguồn tài nguyên biển, đảo; đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông.
(Còn tiếp)
*Tít bài do Tòa soạn đặt

Tài liệu tham khảo:
1. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
2. Vũ Quang Việt (2005),"Vấn đề tranh chấp biển Đông", tạp chí Thời Đại Mới  Số 4 - Tháng 3/2005.
3. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, “Các vùng khai thác chung trong Luật Quốc tế hiện đại”, tạp chí Khoa học.
4. Nguyễn Hồng Thao, “Nhứng điều cần biết về Luật Biển”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1997.
5. PGS.TS. Nguyễn Bá Diến (chủ biên), Hợp tác khai thác chung trong Luật Biển quốc tế”, NXB Tư pháp, 2009.
6. Biển Đông và tầm quan trọng chiến lược của các nước trong khu vực, đăng tải trên trang web http://www.nhontrach-dongnai.gov.vn.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2007. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hà Nội.
8. Nguyễn Thanh Minh, 2011. Tiềm năng biển Việt Nam và chính sách hợp tác quốc tế về biển trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 2011. Bàn về các nguyên tắc cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam trong thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7.
9. Vũ Dương Ninh, 2007. Việt Nam - Thế giới và sự hội nhập (một số công trình tuyển chọn). Nxb. Giáo dục, Hà Nội; Những định hướng cơ bản của chiến lượcbiển Việt Nam.
10. Infonet : “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 như thế nào?” 10:27 - 05/05/2014 Hồng Chuyên (chọn đăng),
11. Ban Biên giới của Chính phủ, 1994, “Cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam”,Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao, “Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam”, NXB: Chính trị Quốc gia, 2004.
12. Vụ Biển, Ban Biên giới của Chính phủ (2000), Tài liệu nghiên cứu về hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn Việt Nam – Malaysia,
13. HỒNG THỦY, giaoduc.net.vn, 19/03/18: “Đánh giá của học giả Trung Quốc về chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông.”
14. Tiệp Nguyễn / Viet times, Thứ Hai, ngày 25/6/2018 - 04:22 Báo Mỹ: “Việt Nam đã có chiến lược chiến thắng kẻ địch trên Biển Đông”.

Tiến sỹ Trần Công Trục

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Chien-luoc-bien-Viet-Nam-tam-nguyen-cua-cuu-Truong-ban-bien-gioi-Chinh-phu-post191615.gd