Nguồn: Odd Arne Westad, The Cold War and America’s Delusion of
Victory, The New York Times, 28/08/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chiến
tranh Lạnh trong vai trò một hệ thống nhiều quốc gia đã kết thúc vào một ngày
tháng mười hai lạnh giá và xám xịt ở Moskva vào năm 1991, khi Mikhail Gorbachev
ký một văn bản tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xô viết. Bản thân chủ
nghĩa cộng sản, dưới dạng thức chủ nghĩa Marx – Lenin, đã không còn tồn tại như
một lý tưởng thực tế về cách tổ chức xã hội.
“Nếu tôi được chọn lại một lần nữa, tôi
thậm chí sẽ không là một người cộng sản,” Todor Zhivkov, một nhà lãnh đạo cộng
sản bị lật đổ của Bulgaria, từng nói một năm trước đây. “Và nếu Lenin còn sống
hôm nay, ông cũng sẽ nói như vậy. Giờ đây tôi phải thừa nhận rằng chúng ta đã
bắt đầu từ một cơ sở sai lầm, từ một tiền đề sai lầm. Nền tảng của chủ nghĩa xã
hội là sai lầm. Tôi tin rằng ý tưởng về chủ nghĩa xã hội đã chết yểu ngay khi
thành hình.”
Tuy
nhiên, Chiến tranh Lạnh xét từ khía cạnh một cuộc đấu tranh về ý thức hệ chỉ
biến mất phần nào, mặc cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Về phía người Mỹ,
chẳng có mấy thay đổi vào ngày hôm đó. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và Mỹ đã
thắng. Nhưng hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng họ chỉ có thể được an toàn nếu thế
giới trông giống như đất nước họ và nếu các chính phủ của thế giới tuân theo ý
muốn của đất nước họ.
Những
ý tưởng và giả định đã được xây dựng qua nhiều thế hệ vẫn tiếp tục tồn tại,
ngay cả khi mối đe dọa từ Liên Xô đã biến mất. Thay vì một chính sách đối ngoại
có giới hạn và có thể đạt được cho nước Mỹ, hầu hết các nhà hoạch định chính
sách của cả hai đảng đều tin rằng Mỹ có thể, với chi phí hoặc rủi ro tối thiểu,
hành động theo ý chí của mình.
Chủ
nghĩa đắc thắng của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh đã có hai phiên bản. Thứ nhất
là phiên bản của Clinton, thúc đẩy một nghị trình về thịnh vượng nhờ các giá
trị thị trường trên quy mô toàn cầu. Sự thiếu vắng tính mục đích trong các vấn
đề quốc tế của chính sách này là rõ ràng, nhưng bản năng chính trị nội bộ của
nó có lẽ đúng: người Mỹ đã mệt mỏi với những can dự ở nước ngoài và muốn được
hưởng thụ “cổ tức hòa bình.”
Kết
quả là thập niên 1990 trở thành cơ hội bị đánh mất cho hợp tác quốc tế, đặc biệt
là chống lại bệnh dịch, đói nghèo và bất bình đẳng. Những ví dụ rõ ràng nhất về
các thiếu sót này là những chiến trường Chiến tranh Lạnh cũ như Afghanistan,
Congo và Nicaragua, nơi mà người Mỹ rất ít quan tâm đến những gì đã xảy ra –
một khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Thứ
hai là phiên bản của Bush. Trong khi Bill Clinton nhấn mạnh đến sự thịnh vượng,
George W. Bush nhấn mạnh đến ưu thế áp đảo của Hoa Kỳ. Và giữa hai phiên bản
này, tất nhiên, là sự kiện ngày 11/09/2001. Rất có thể, phiên bản của Bush sẽ
không bao giờ xuất hiện nếu không có những cuộc tấn công khủng bố ở New York và
Washington gây ra bởi những tín đồ Hồi giáo cuồng tín (mà thực ra, là một nhóm
phản bội tách ra từ một đồng minh thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ).
Trải
nghiệm Chiến tranh lạnh rõ ràng đã định hình phản ứng của Mỹ trước những hành
động tàn bạo này. Thay cho các cuộc tấn công nhắm vào mục tiêu quân sự và sự
hợp tác của cảnh sát toàn cầu, điều vốn dĩ là phản ứng hợp lý nhất, chính quyền
Bush đã chọn thời điểm mà bá quyền toàn cầu không bị thách thức này để xâm lược
và chiếm đóng Afghanistan và Iraq. Những hành động này là không có ý nghĩa xét
về mặt chiến lược, tạo ra các thuộc địa ở thế kỷ 21 dưới sự cai trị của một
cường quốc vốn chẳng có chút khát khao nào với chế độ thuộc địa.
Nhưng
người Mỹ đã không hành động vì mục đích chiến lược. Họ hành động vì người dân
nước họ, cũng dễ hiểu, đã tức giận và sợ hãi. Và họ đã hành động chỉ bởi họ có
thể. Phiên bản của Bush được chỉ đạo bởi các cố vấn chính sách đối ngoại, những
người nhìn nhận thế giới chủ yếu qua lăng kính Chiến tranh Lạnh; họ nhấn mạnh
viện triển khai quyền lực, kiểm soát lãnh thổ và thay đổi chế độ.
Thời
kỳ sau Chiến tranh Lạnh vì thế không phải là một sự chệch hướng, mà là một sự
tiếp nối và khẳng định mục đích lịch sử tuyệt đối của nước Mỹ. Tuy nhiên, qua
hơn 30 năm kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã dần trở nên ngày càng ít khả năng
chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Khi
nước Mỹ bước sang một thế kỷ mới, mục đích chính của họ nên là đưa các quốc gia
khác vào trong khuôn khổ quy chuẩn quốc tế và pháp quyền, đặc biệt khi sức mạnh
của chính họ đang giảm sút. Thay vào đó, người Mỹ lại làm những điều mà các
cường quốc đang suy yếu khác đã từng làm: tham gia các cuộc chiến tranh vô ích
và không cần thiết ở xa biên giới, nơi mà an ninh ngắn hạn bị nhầm lẫn với các
mục tiêu chiến lược dài hạn. Hệ quả là một nước Mỹ ít được chuẩn bị để đối mặt
với những thách thức lớn của tương lai: sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ,
chuyển giao quyền lực kinh tế từ Tây sang Đông, và các thách thức mang tính hệ
thống như biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Nếu
người Mỹ đã thắng Chiến tranh Lạnh nhưng thất bại trong việc tận dụng lợi thế
đó, thì Liên Xô, hay chính xác hơn là Nga, đã thua, và thua rất đậm. Sự sụp đổ
khiến người Nga cảm thấy mình bị thất thế và bị chiếm mất vị trí vốn có. Ngày
đó, họ là đất nước nổi bật nhất trong một liên bang siêu cường của các nước
cộng hòa. Và ngày hôm sau, họ chẳng có mục đích lẫn vị trí. Về cơ bản, mọi thứ
đều tồi tệ. Những người già không nhận được lương hưu. Một số bị chết đói. Suy
dinh dưỡng và nghiện rượu làm giảm tuổi thọ trung bình của người Nga từ gần 65
tuổi vào năm 1987, xuống còn dưới 58 tuổi vào năm 1994.
Nếu
nhiều người Nga cảm thấy mình bị cướp mất tương lai, họ không sai. Tương lai
của nước Nga thực sự bị đánh cắp – bởi việc tư nhân hóa các ngành công nghiệp
và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khi nhà nước xã hội chủ nghĩa với
nền kinh tế đang hấp hối bị hủy hoại, một hệ thống đầu sỏ kinh tế mới xuất hiện
từ các tổ chức đảng, các phòng kế hoạch, các trung tâm khoa học và công nghệ,
và chiếm quyền sở hữu tài sản của nước Nga. Thông thường, chủ sở hữu mới tước
đoạt các tài sản này và cho đóng cửa sản xuất. Trong một đất nước từng có tỷ lệ
thất nghiệp không tồn tại, ít nhất là theo thống kê chính thức, thì đến thập niên
1990, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên đến 13%. Tất cả những điều này xảy ra trong
khi phương Tây hoan nghênh cải cách kinh tế của Boris Yeltsin.
Khi
nhìn lại, quá trình chuyển đổi kinh tế sang chủ nghĩa tư bản là một thảm hoạ
cho hầu hết người Nga. Rõ ràng là phương Tây nên ứng xử với một nước Nga hậu
Chiến tranh Lạnh tốt hơn những gì họ đã làm. Cả Nga và phương Tây ngày nay chắc
chắn sẽ trở nên an toàn hơn nếu cơ hội cho Nga gia nhập Liên minh châu Âu, và
thậm chí cả NATO, ít nhất đã được giữ lại trong những năm 1990.
Thay
vào đó, việc họ bị loại trừ tạo cho người Nga cảm giác bị bỏ rơi và là nạn
nhân. Điều này lại khiến họ tin tưởng vào những người theo chủ nghĩa dân tộc
cực đoan như Tổng thống Vladimir Putin, người đã coi tất cả những thảm hoạ xảy
ra trên đất nước ông trong thế hệ vừa qua như một âm mưu của người Mỹ nhằm hạ
bệ và cô lập Nga. Chủ nghĩa chuyên chế và tính hiếu chiến của Putin đã được duy
trì bởi sự ủng hộ thực sự từ người dân.
Những
cú sốc của thập niên 1990 đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa hoài nghi không bị
kiềm chế giữa những người Nga, nó không chỉ bao gồm việc mất lòng tin sâu sắc
vào chính đồng bào của họ, mà còn khiến người Nga luôn thấy các âm mưu chống
lại họ ở mọi nơi, thường là các âm mưu trái với thực tế và rất phi lý. Hơn một
nửa số người Nga hiện nay tin rằng Leonid Brezhnev là nhà lãnh đạo tốt nhất của
họ trong thế kỷ 20, tiếp theo là Lenin và Stalin. Gorbachev nằm ở cuối danh
sách đó.
Đối với những nước khác trên thế giới,
sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh chắc chắn là một cái thở phào nhẹ nhõm. Trung
Quốc thường được coi là người hưởng lợi lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh. Tất nhiên
điều này không hoàn toàn đúng. Suốt nhiều thập niên, đất nước này nằm dưới chế
độ độc tài Marxist – Leninist vốn không phù hợp với nhu cầu của nó. Kết quả,
trong thời kỳ Mao Trạch Đông, đã diễn ra một số tội ác khủng khiếp nhất của
Chiến tranh Lạnh, trong đó hàng triệu người đã chết. Tuy nhiên, trong những năm
1970 và 1980, nước Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đã hưởng lợi rất lớn từ quan
hệ liên minh trên
thực tế với Mỹ, cả về an ninh và phát triển.
Trong
thế giới đa cực đang dần thành hình, Mỹ và Trung Quốc đã nổi lên như những
cường quốc mạnh nhất. Sự cạnh tranh của họ để giành ảnh hưởng tại châu Á sẽ xác
định viễn cảnh thế giới. Trung Quốc, giống như Nga, đã hội nhập sâu vào hệ
thống thế giới tư bản, và lãnh đạo hai nước này có lợi ích chung trong việc
thúc đẩy sự hội nhập sâu hơn nữa.
Nga và
Trung Quốc, khác với Liên Xô, nhiều khả năng sẽ không tìm kiếm sự cô lập hoặc
đối đầu toàn cầu. Họ sẽ tìm cách làm giảm dần lợi ích của Mỹ và thống trị khu
vực của họ. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nga đều không sẵn sàng hoặc không thể
đưa ra một thách thức về ý thức hệ toàn cầu, được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự.
Cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, hoặc thậm chí là chiến tranh cục bộ, nhưng
không phải là chiến tranh trên toàn hệ thống như Chiến tranh Lạnh.
Sự dễ
dàng của nhiều người theo chủ nghĩa Marx trong việc thích nghi với nền kinh tế
thị trường hậu Chiến tranh Lạnh đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một cuộc
xung đột có thể tránh được ngay từ đầu hay không. Nhìn lại, kết quả này không
đáng để phải hy sinh nhiều như thế – không phải ở Angola, không phải ở Việt
Nam, không phải ở Nicaragua hay Nga. Nhưng liệu có thể tránh được cuộc chiến
này vào những năm 1940, khi mà Chiến tranh Lạnh đi từ xung đột ý thức hệ sang
đối đầu quân sự thường trực?
Trong
khi các cuộc đụng độ và đối đầu hậu Thế chiến II chắc chắn là không thể tránh
khỏi – chính sách của Stalin đã đủ để mang lại những thứ đó – thì vẫn thật khó
để lập luận rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu kéo dài gần 50 năm và đe
doạ hủy diệt thế giới lại là điều không thể tránh được. Có những thời điểm dọc
trên hành trình nơi các nhà lãnh đạo đã có thể kiềm chế, đặc biệt là về cạnh
tranh quân sự và chạy đua vũ trang. Nhưng xung đột ý thức hệ nằm ở gốc rễ căng
thẳng đã làm cho những suy nghĩ hợp lý như vậy rất khó đạt được.
Những
người có thiện chí ở cả hai bên tin rằng họ đại diện cho một lý tưởng mà sự tồn
tại của nó đang bị đe dọa. Điều đó khiến họ chấp nhận những rủi ro, vốn có thể
tránh được, đối với cuộc sống của mình và cuộc sống của người khác.
Chiến
tranh Lạnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên thế giới vì mối đe dọa hủy diệt
hạt nhân mà nó mang theo. Theo nghĩa này, không ai được an toàn trong Chiến
tranh Lạnh. Chiến thắng lớn nhất của thế hệ Gorbachev là tránh được chiến tranh
hạt nhân. Trên phương diện lịch sử, hầu hết những cuộc cạnh tranh giữa các
cường quốc đều kết thúc bằng một thảm hoạ. Nhưng Chiến tranh Lạnh thì không.
Dẫu đôi khi chúng ta đã đến rất gần với sự tàn phá hạt nhân dù rất ít người
nhận ra điều này.
Tại
sao các nhà lãnh đạo lại sẵn sàng chấp nhận rủi ro vô lý với vận mệnh của trái
đất? Tại sao rất nhiều người tin vào những ý thức hệ mà họ, trong một lúc nào
đó, có thể nhận ra rằng nó không chứa đựng tất cả các giải pháp họ đang tìm
kiếm? Câu trả lời của tôi là thế giới Chiến tranh Lạnh, giống như thế giới ngày
nay, đã mắc rất nhiều căn bệnh rõ ràng. Khi sự bất công và áp bức trở nên rõ
ràng hơn trong thế kỷ 20 thông qua truyền thông đại chúng, mọi người – đặc biệt
là những người trẻ tuổi – cảm thấy cần phải chữa trị những căn bệnh này. Các ý
thức hệ Chiến tranh Lạnh đã đưa ra các giải pháp tức thời cho các vấn đề phức
tạp.
Điều
không thay đổi khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là những xung đột giữa “người có”
và “kẻ không” trong các vấn đề quốc tế. Ở một số nơi trên thế giới ngày nay,
xung đột đã trở nên mãnh liệt hơn do sự bùng nổ của các phong trào tôn giáo và
dân tộc, đe dọa phá hoại toàn bộ cộng đồng. Không bị giới hạn bởi những tư
tưởng phổ quát toàn cầu thời Chiến tranh Lạnh, những thứ ít nhất giả vờ rằng
tất cả mọi người có thể bước vào thiên đường mong ước của họ, những nhóm này
chủ yếu là những kẻ bên lề hoặc phân biệt chủng tộc, trong khi những người ủng
hộ họ đã bị thuyết phục rằng họ đã phải chịu những bất công lớn trong quá khứ,
điều có thể biện minh cho những giận dữ hiện tại của họ.
Thường
thì con người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, cần phải là một phần của một
thế giới lớn hơn bên ngoài bản thân hoặc thậm chí gia đình của họ, một lý tưởng
to lớn nào đó để họ cống hiến cả đời mình. Chiến tranh Lạnh cho thấy những gì
có thể xảy ra khi những lý tưởng như thế bị bóp méo để phục vụ quyền lực, ảnh
hưởng và sự kiểm soát.
Điều
đó không có nghĩa là những nhu cầu mang tính con người này là vô giá trị. Nhưng
đó là một cảnh báo rằng chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng những rủi ro mà chúng ta
sẵn sàng chấp nhận để đạt được ý tưởng của mình, để không lặp lại cái giá khủng
khiếp mà thế kỷ 20 phải trả trong hành trình tìm kiếm sự hoàn hảo của nó.
Odd Arne Westad là Giáo sư
chuyên về quan hệ Hoa Kỳ – Châu Á tại Trường Quản trị John F. Kennedy thuộc Đại
học Harvard. Ông là tác giả của nhiều đầu sách, mà gần đây nhất là “The Cold
War: A World History” – tác phẩm mà từ đó bài luận này được rút ra.