14 octobre 2018

“Vì đâu nên nỗi”


Trương Quang Thi

Hôm qua vẫn là câu chuyện trên tàu.
Cùng phòng có một ông là dân Bình Thuận nằm ở giường trên. Nghe ông nằm dưới chửi Cộng Sản đã quá nên ảnh trèo xuống ngồi hóng thành ra bắt chuyện. Nhìn tướng biết ảnh là một nông dân chính hiệu, ánh mắt quắc thước, dáng ngừơi đen nhẻm và khoẻ mạnh. Ảnh kể vừa đi Trung Quốc về để nghiên cứu tình hình tìm hướng đầu tư cho mấy chục mẫu đất mới thuê. 



Mình hỏi:
Nghe nói tình hình Thanh Long đổ cho bò ăn, nông dân thất bát, nhiều người trắng tay mà sao nhìn anh có vẻ như vẫn rất là bình thản?

Ảnh nói là mười mấy năm trồng thanh long anh chưa bao giờ để rơi vào cảnh được mùa mất giá. Có những năm bông ra tới đâu anh lặt bỏ đi tới đó. Để rồi canh đúng thời điểm anh lại chong đèn và chỉ cần một vụ thôi là anh ăn đủ. Làm nông nghiệp bây giờ cần phải tỉnh, phải cập nhật thông tin và phải dùng não chứ không chỉ xài cơ bắp được. Là nông dân nhưng anh từng đi hàng chục quốc gia để tìm hiểu cách thức của họ làm rồi rút tỉa những điều phù hợp với mô hình của mình và áp dụng.

Mình hỏi:
Theo anh thì lý do vì sao mà nông dân Việt Nam cứ mãi lâm vào tình trạng được mùa mất giá?

Anh kể:
Tình hình chung của nông nghiệp Việt Nam là mọi thứ hoàn toàn tự phát. Dân tự đi tìm tòi con, cây để đưa về nuôi trồng thử nghiệm. Tới khi ai đó thành công thì đám Cộng Sản nó đem báo đài tới tung hô lên tận mây xanh, và cứ vậy dân ùn ùn bắt chước để làm theo. Một thời gian sau thì cung sẽ vượt cầu và rơi vào cái cảnh như em đã nói.
Tụi chính quyền gần như không làm gì cả dù chúng ta phải đóng thuế để nuôi một bộ máy quản lý nông nghiệp với hàng ngàn cán bộ khuyến nông mỗi tỉnh.
Riêng anh thì luôn biến hoá cách làm và đặc biệt không bao giờ để cho đám sâu mọt ấy bén mảng vô đất của anh.
Cũng khổ lắm em, mình canh tác trên đất của mình nhưng cứ phải giấu như mèo giấu cứt. Lũ chính quyền cũng hay rình rập nhưng anh nói thẳng: Đói thì xin tao cho ăn chớ mò vô đất của tao quay phim, chụp ảnh, viết bài là tao chặt què giò. Vì vậy mà tụi nó ngán anh dữ lắm.

Mình hỏi:
Vậy còn việc chính người dân giết chết nghề của mình bằng thuốc trừ sâu, phân hoá học.

Anh bảo rằng đây là vấn đề dân trí. Nền giáo dục Cộng Sản không khuyến khích con người ta đầu tư thời gian suy nghĩ, cách học thuộc lòng từ nhỏ ăn sâu vào tâm thức cho nên hầu hết người dân thích làm theo hơn là tạo ra khác biệt.
Bên cạnh đó là hậu quả của mô hình nông nghiệp tập thể, cho dù sau mấy chục năm xoá bỏ nhưng khi nào nó chưa giải quyết được quyền tư hữu thì người dân vẫn không coi trọng việc đầu tư dài hạn cho mảnh đất của mình.
Em không thể tự tin, thoải mái gánh phân bò đi cải tạo đất khi mà tâm lý vẫn suy nghĩ rằng họ sẽ lấy đất của em bất cứ khi nào họ muốn. Xác lập quyền tư hữu là cách duy nhất để người dân gắn sinh mạng của mình với ruộng đồng, có vậy người ta mới dám đầu tư chiều sâu nhằm cải tạo đất đai và thay đổi phương thức canh tác.
Tuy nhiên nếu làm vậy thì Cộng Sản không bao giờ chấp nhận bởi chính họ cũng đang điều hành đất nước bằng tâm thế tận thu tận diệt. Chính họ cũng không tin vào tương lai dân tộc và không coi tổ quốc là nơi con cháu họ sẽ gắn bó lâu dài.

Mình nói:
Sao mấy anh chuyện gì cũng đổ cho Cộng Sản kỳ ghê?

Cái ông trùm mềm hồi nãy giờ nằm ngủ bỗng bật dậy chửi:
Thằng này ngu ghê. Cộng Sản nó điều hành đất nước, nó thọc sâu vào từng nồi cơm, kiểm soát từng ý nghĩ của công dân, giờ đất nước kiệt quệ như vầy không đổ cho Cộng Sản chẳng lẽ đi đổ lỗi cho mầy?
Chữi xong lão lại trùm mềm kín đầu rồi ngáy tiếp.

Trương Quang Thi