27 avril 2019

ALGÉRIE THANH TRỪNG THAM NHŨNG




Giải phóng Algérie
Một loạt các ‘’ đại gia ‘’, doanh nhân, tỷ phú thân cận với cựu Tổng thống Bouteflika vừa bị tống giam.
Đài truyền hình nhà nước loan tin Issad Rebrab, được coi như người giầu nhất Algérie nhờ làm ăn với tập đoàn cầm quyền, đã bị bắt hôm thứ Hai 02/04. Rebrab là tổng giám đốc Cevital, công ty tư nhân lớn nhất nước chuyên về điện, công nghiệp gang thép, xây cất, với 12.000 nhân viên.
Rebrab bị truy tố về tội chuyển tiền ra ngoại quốc, gian thuế và vi phạm luật lệ kinh doanh

Ngày hôm trước, chủ nhật, 4 anh em thuộc gia đình Kouninef, đứng đầu một tổ hợp kinh doanh đủ loại, từ thực phẩm tới kỹ nghệ dầu khí. Gia đình Kouninef đã trở thành tỷ phú nhờ làm ăn với Saïd Bouteflika, em của cựu tổng thống vừa bị truất phế Abdelaziz Bouteflika. Từ khi Abdelaziz Bouteflika bị đột quỵ, quyền hành nằm trong tay gia đình, đặc biệt là Saïd. Cựu thủ tướng Ahmeh Ouyahia và đương kim bộ trưởng Mohamed Loukal đã nhận được trát của toà án để trả lời về hồ sơ lũng đoạn kinh tế quốc gia. Loukal là bộ trưởng tài chánh trong chính phủ lâm thời được thành lập sau khi Bouteflika bị truất phế. Đầu tháng Tư, tỷ phú Ali Haddad, cựu chủ tịch Hiệp hội các Chủ nhân ( patron des patrons ) đã bị bắt khi tìm cách trốn qua Tunisie. Hàng chục người, được coi là đại gia quyền thế nhất, thân cận với gia đình Bouteflika đã bị cấm xuất cảnh trong khi chờ điều tra. Cuộc bầu cử tổng thống để thay thế Bouteflika dự trù ngày 4 tháng Bẩy có thể hoãn lại vài tuần lễ. Những buổi hội họp về việc tổ chức bầu cử đã bị các chính đảng, các nghiệp đoàn , và đại diện các nhóm biểu tình tẩy chay vì vẫn còn nhiều phần tử liên hệ tới chế độ cũ tham dự. Cuộc thanh trừng tham nhũng, sẽ tiếp tục trong những ngày tới, nhằm mục đích làm giảm bớt không khí đấu tranh sôi sục trên toàn lãnh thổ. Việc đài truyền hình nhà nước, trước đây bưng bít mọi thông tin, loan báo một cách nhanh chóng cho thấy đó là một hình thức hoãn binh của tập đoàn cầm quyền. Nhóm này tìm cách hy sinh vài con dê tế thần, đặc biệt là giới thân cận với cựu Tổng thống thất sủng Bouteflika, để làm nguôi sự phẫn nộ của dân . Đó là chiến thuật các tập đoàn cầm quyền đã áp dụng trong cuộc Cách mạng Mùa Xuân ở Trung Đông và Bắc Phi trước đây, đặc biệt là ở Ai Cập : đem tế thần vài con dê để tiếp tục làm ăn, lũng đoạn. Những người biểu tình ở Algérie chắc chắn không thoả mãn với các quyết định thanh lọc nửa vời . Khẩu hiệu của họ là ‘’ DEGAGEZ ! ‘’( hãy cút đi ! ), và mục tiêu của họ là đuổi khỏi chính trường , và truy tố tất cả những người đã lợi dụng quyền thế để làm giầu từ ngày Algérie độc lập. Tướng Ahmed Gaït Salah, tổng tham mưu trưởng quân lực tuyên bố phải trừng trị những người đã lạm quyền, trong khi chính ông và các tướng lãnh bị những người biểu tình đòi thay thế, và trả lời về việc đã cấu kết với tập đoàn cầm quyền để kinh doanh. Những cuộc biểu tình sẽ tiếp tục, đặc biệt la mỗi thứ Sáu. Muốn tránh ‘’ hội chứng Ai Cập ‘’ sau khi lật đổ độc tài, Algérie hay Soudan phải có khả năng tìm một giải pháp chính trị, để xây dựng dân chủ đích thực. Việc đó không đơn giản, vì các đảng phái, các tổ chức chính tri đã bị đàn áp, không có cơ hội hoạt động trong quá khứ. Chưa có đảng phái hay nhân vật nào có đủ uy tín để lãnh đạo. Đó là cái tệ hại của các chế độ độc tài: tiêu diệt tất cả tài năng của quốc gia trên mọi địa hạt, để độc quyền lãnh đạo. Algérie phải học kinh nghiệm của Tunisie, quốc gia duy nhất đã thành công trong việc xây dựng dân chủ , nhờ các tổ chức dân sự đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, và ý thức được vai trò của mình trước lịch sử. Một trong những yếu tố khiến Tunisie thành công nhất sau Cách mạng Mùa Xuân là dân trí và giáo dục. Sau khi dành được độc lập, năm 1956, tổng thống đầu tiên của Tunisie, Habib Bourguiba, đặt trọng tâm vào giáo dục và giải phóng phụ nữ .
( tuthuc-paris-blog.com )