29 avril 2019

“ÔNG TỔNG KHÔNG TIỀN, ÔNG TỔNG TỄNH”

MÊNH MÔNG THS Đ GIÓ CUN ĐI
S 65


Tương Lai


Mấy ngày rồi trời nóng quá, người cứ rã rời không viết được dòng nào. Đành nằm mở tivi xem có gì mới không. Đúng vào lúc nhiều vị đang cao đàm khoát luận về “nở rộ” xâm hại tình dục trẻ em, rồi tệ “ấu dâm”. Nói chung, các ngài rất chi là phẫn nộ! Nhưng xem ra, hình như hơi bị muộn thì phải, khi mà chuyện đã lan rộng ra trong cả nước và cả ngoài nước và không phải chỉ bây giờ mà đã lâu, rất lâu rồi.

Gần đây, BBC thống kê: Có ít nhất 8 vụ ấu dâm chấn động Việt Nam trong tháng 4/2019. Còn theo báo cáo của EIU công bố hồi tháng 1/2019, Việt Nam chỉ 42,9 điểm trên 100, đứng thứ 37 trên 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em, thua cả Campuchia (thứ 23), Philippines (thứ 16) và Trung Quốc (thứ 36). 


Sau những con số nhục nhã được bên ngoài gợi lên đó, chỉ riêng trong ngày  24/4/2019, các báo “lề phải” theo nhau đưa tin về hàng loạt vụ ấu dâm, khơi ra sự đồi bại của các thủ phạm đủ loại, từ thầy giáo, đến viện phó Viện Kiểm Sát  Đà Nẵng-thành phố đáng sống- dùng mọi thủ đoạn đồi bại để xâm hại, cưỡng bức các bé gái đáng tuổi con cháu mình. Như  lão già 75 tuổi dùng băng keo bịt miệng bé gái 11 tuổi rồi cưỡng hiếp, “yêu râu xanh” ở Nha Trang cưỡng bức học sinh tiểu học, rồi vụ hai bé gái bị cưỡng hiếp trong công viên ở TP HCM… Và rồi cũng không kém rùng rợn khi Vietnamnet ngày 24/4/2019 đưa tin : “Hơn 300 thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải tập kết về nhà máy xử lý rác thải ở Cà Mau”.

Thôi thì muộn còn hơn không. Thì cũng như hôm nay, cùng với những tin trên, đài báo được phép đưa tin về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng qua lời bà Ngân trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Cần Thơ và lời bà Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Giá mà sự “lạc quan” được công bố sớm, na ná như “tau khỏe có chi mô” thì có phải đã bớt đi được những lời đồn đoán ác khẩu nhằm vào ngài  tổng chủ tịch đang chiếm lĩnh các trang mạng? Có chuyện ấy vì oai tín của cụ tổng cứ theo thời gian trị vì cái triều đại nấp bóng Tàu của cụ cứ sụt xuống tỷ lệ thuận với sự xuống cấp và bung bét của đời sống xã hội. Như là sự băng hoại của đạo lý và nhân phẩm mà câu chuyện xâm hại tình dục và nạn ấu dâm vừa nêu chỉ là một mảng dễ gọi dậy công luận và sự phẫn nộ của mọi tầng lớp nhân dân, mọi gia đình từ thành thị đến nông thôn. Bởi lẽ, hiện tượng bẩn thỉu này gây bất an không riêng một ai, ông bà cha mẹ nào lại không lo cho con cháu! Nó tởm lợm, nhưng còn nhiều chuyện “chấn động” khác không kém tệ hại vẫn còn chưa được phơi ra.

Con số thống kê của BBC cho thấy có ít nhất 8 vụ ấu dâm chấn động trong tháng 4/2019! Thế còn những vụ không gây chấn động xảy ra khắp thôn cùng xóm vắng, diễn ra rất thường ở những con hẻm tối tăm, nơi gậm cầu nhớp nhúa từ nông thôn đến đô thị trên khắp cả nước… thì BBC làm sao biết được để thống kê? Mà làm sao thống kê, khi chính quyền che dấu, bưng bít để giữ được danh hiệu “khối phố văn hóa” hay ngoảnh mặt bỏ qua để khỏi thêm rách việc , vì dây vào chuyện này thì làm gì có “phong bì” bỏ túi.

Thì chẳng phải một “con yêu râu xanh” lại đảm nhiệm một cơ quan pháp luật? Hắn có thể còng tay những kẻ “lạm dụng tình dục” và cũng có thể còng tay người lương thiện, nếu hắn ta thấy cần. Khi cư dân mạng tố cáo hành động khốn nạn của hắn, thì hắn vẫn được đồng bọn bao che, rồi khi không bao che nổi thì chúng lấp liếm để chạy tội cho hắn. Cái này còn đáng sợ gấp nhiều lần hành vi thú tính của hắn. Vì sao? Vì nó bôi gio trát trấu vào cả một bộ máy quản lý.

Tôi còn nhớ trong một đoản văn viết về Sê Khốp, nhà văn lớn người Nga, nhà văn Nguyễn Tuân của ta có dẫn ra một câu của Các Mác ghi trong sổ tay nói về liêm sỉ: “…đó là chân lý nó truyền lệnh cho ta phải hiểu rõ về tình trạng bệnh hoạn của bộ máy Nhà nước, và lấy sỉ nhục ra mà thoa lên mặt…Biết xấu hổ đã là một việc cách mạng rồi…Xấu hổ là một sự phản khích hướng vào nội tâm. Và nếu toàn thể quốc dân quốc dân cùng thật sự biết xấu hổ, thì cả dân tộc sẽ trở thành sư tử…” [Nguyễn Tuân. Bàn về Văn học Nghệ thuật. NXB Hội Nhà Văn. 1999. tr.279].

Trong cuộc cao đàm khoát luận về nạn ấu dâm và lạm dụng trên tivi vừa rồi, người ta xoa tay hể hả với việc “vận dụng công nghệ” trong triệt hạ nạn ấu dâm hay lạm dụng tình dục trẻ em bằng lắp đặt “camera” để có chứng cứ  thay vì “bắt được tay day được cánh”. Cũng tốt thôi.

Nhưng có cái không lắp đặt được đó là khả năng cảm nhận được về liêm sỉ, là nhân cách biết xấu hổ vừa dẫn ra ở trên. Cái “camera” dù hiện đại đến mấy cũng không thể tự động lấy sỉ nhục ra mà thoa lên mặt” để khiến cho tình trạng bệnh hoạn của bộ máy Nhà nước giảm đi được! Thì cũng đại loại như lời phán truyền của cụ tổng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 29.11.2017 “phải bằng luật pháp, phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật” để rồi chính Trọng lại nói toẹt ra trong Quy định số 102 khai trừ những đảng viên đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” còn chính ông ta thì lại tự nhốt mình trong cái lồng sơn son thếp vàng có thể chứa cả hai cái ghế cao nhất  của bộ máy quyền lực toàn trị hiện nay là tổng bí thư và chủ tịch nước. Có lẽ thế mà VNTB sáng tạo từ ngữ mới vừa gọn vừa ác hiểm là “tổng tịt” đặt cho người từng tuyên bố là “chống những ai có tham vọng về quyền lực”.

Thôi thì cũng chẳng chấp những não trạng quá lú lẫn vì đặc sệt những giáo điều ẩm mốc mà cuộc sống đã thải loại. Ông cha ta chẳng đã bao dung mà nhắc nhở “Thói đời thương miệng giúp môi. Toàn câu hứa hão, mấy lời bâng quơ” đó sao. Chấp làm chi cái chuyện “thương miệng giúp môi để rồi buông ra những câu dại dột, những lời bâng quơ, nhất là khi lại nghe tin ông ta đang bị bạo bệnh, tuy đã vừa có nhời muộn màng trấn an rằng nghe đâu sắp “làm việc bình thường”.

Lạy trời cho cụ tổng vượt qua được kiếp nạn để tiếp tục gom củi khô, củi tươi ném vào cái lò của ông. Chỉ có điều là làm sao cụ tránh được cái khởi nguyên của chuyện cái lò mà bài phú của Giả Nghị bên Tàu nói đến: “Thiên địa vi lô hề, tạo hóa vi công” [trời đất như một cái lò, ông trời như người thợ đốt lò] để rồi tác giả Cung oán ngâm khúc luận ra “Lò cừ nung nấu sự đời, bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”. Vì đã nói đến chuyện Trời, e không thể không nói đến “cơ trời huyền diệu”, “mệnh trời linh thiêng”. Dù có niệm chú bấm Kim Cang Ấn “để hội tụ chân khí, tạo thăng bằng tâm linh và tránh tà khí thâm nhập”, thì cũng không cưỡng được mệnh trời.

Cái thời của Nguyễn Gia Thiều sống là thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử, triều đình thối nát, xã hội mục ruỗng, nông dân khởi nghĩa khắp nơi để rồi kéo sụp ngai vàng rệu rã của Lê-Trịnh. Đó cũng đúng quy luật thôi. Nếu nói theo ngôn từ mang sắc thái tâm linh thì đó chính là mệnh trời. Bằng sự trải nghiệm dài lâu, các cụ ta dạy “mệnh trời khó cưỡng”. Cái bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương thì cứ như đang bày ra trước mắt muôn dân. Đám mây hình con chó chuyển sang hình con lợn đang che kín bầu trời như thể lịch sử lắp lại thực trạng đen tối của đất nước cách nay sáu trăm năm, vào mạt kỳ của triều Trần mà Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại cáo: “Trong nước lòng dân oán hận. Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ, Bọn gian tà bán nước cầu vinh”.

Mây đen đang vần vũ bầu trời thì rồi cũng sẽ tan, dù là hình con chó hay hình con heo thì rồi cũng bị gió thổi mạnh xua tan, ánh mặt trời lại chiếu sáng,“thanh thiên, bạch nhật, rõ ràng cho coi”, đến lúc ấy thì muốn bưng bít cũng không bưng bít được. Mà vì không bưng bít được nên phải dè dặt và lúng túng nói ra. Chẳng thể khác được, “bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối, và lời nói dối chỉ có thể được duy trì nhờ bạo lực. Ai từng đem bạo lực ra làm cách thức rồi chắc chắn sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc”, từ thực trạng của Liên Xô với cái thể chế toàn trị phản dân chủ trên con đường dẫn tới sự sụp đổ, văn hào Alesandre Solzhenitsyn đã đưa ra lời cảnh báo cực kỳ sâu sắc cho triều đại Nguyễn Phú Trọng hiện nay.

Tình trạng bưng bít thông tin, đàn áp tự do báo chí, tự do trình bày chính kiến một cách ôn hòa tất yếu phải lấy dối trá làm nguyên tắc. Một xã hội của bầy cừu đương nhiên phải dung dưỡng một nhà nước của loài sói, và ngược lại, chính nhà nước sói cần phải có xã hội cừu mới tồn tại nỗi. Nhưng vì lấy dối trá làm nguyên tắc ứng xử trong mọi hành vi, từ ban hành chủ trương chính sách cho đển vận hành guồng máy quản lý nhà nước, thì mới đẩy tới tình trạng bế tắc về đường lối, tạo ra sự băng hoại về đạo lý mà những điều kể trên chỉ là những hiện tượng dễ thấy. Đấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Khi cái tảng băng của thể chế toàn trị, phản dân chủ theo một mô hình XHCN kiểu xô viết đã sụp đổ vẫn chưa tan chảy bởi sức công phá của sự thật được phơi bày, tạo ra dòng thác của sự phẫn nộ, thì những hiện tượng nổi lên trên bề mặt ấy chỉ có thể bị dạt đi đâu đó rồi sẽ tụ lại chứ không thể bị quét sạch. Cho nên cái chuyện bưng bít, nói dối quanh chuyện bạo bệnh của ông tổng chủ tịch cũng là chuyện chẳng có gì phải bàn luận mất công. Điều cần bàn là hệ lụy trực tiếp và lâu dài của việc lấy dối trá làm nguyên tắc là nguyên nhân của sự băng hoại đạo lý dân tộc và làm rối loạn mối quan hệ giữa người với người trong xã hội.

Người ta không thấy được rằng, thật ra thông tin không thể bịt kín. Bịt chỗ này thì nó thòi ra chỗ khác. Hơn nữa, cứ nghiệm ra những tin về ông Trọng tính từ sinh nhật ông ấy đến nay, khởi đầu từ ngày Giỗ Tổ mà đáng lý người giữ vai trò chủ tịch nước phải có mặt, nhưng Trọng đã bỏ ngày Quốc lễ để bay về Kiên Giang, chắc là với những toan tính về những điều chưa xuôi chèo mát mái, ảnh hưởng trực tiếp đến cái ghế quyền lực chưa an bài, trước thềm Đại hội 13.

Và rồi ông ta bị đột quỵ [nhẹ hay nặng cũng vẫn còn trong vòng bí mật] đúng vào ngày sinh của ông ta. Thông tin về chuyện này bị bịt kín, thế là dồn dập tin đồn về một sự thật bị che dấu. Tất yếu phải bịt, nhưng trò đời “một lời nói dối có thể chạy quanh thế giới trước khi sự thật kịp đi giày”. Vả chăng, tin đồn lại gần sự thật hơn những tin đưa ra “theo định hướng” nhằm phục vụ cho những toan tính chính trị. Tin đồn bung ra, “thông tấn xã vỉa hè” là sản phẩm sống động đa năng của một chế độ độc tài toàn trị phản dân chủ luôn độc quyền thông tin, bóp chết tự do báo chí. Ấy vậy mà thông tin là không khí phải hít thở của một xã hội, sự vận hành guồng máy xã hội không thể thiếu thông tin. Càng bóp nghẹt, thông tin càng phải bung ra. Loại thông tin mà dân gọi là “lề trái” đó đang nuôi dưỡng một xã hội đang quá ngột ngạt vì sự u u minh minh.

Những thông tin không chỉ trên vỉa hè Hà Nội, Sài Gòn và khắp nơi có “vỉa hè” trên đất nước này, mà có khi từ tận bên Đức với tính cập nhật không thể đo bằng ngày, mà là bằng giờ, chỉ có thể do những nguồn tin nội bộ, thậm chí theo sát chuyên cơ chở người bệnh hay ngồi ngay trong phòng cấp cứu! Những loại tin chỉ có thể bắt nguồn từ nơi “thâm cung bí sử” ấy cho thấy sự bấn loạn từ trong nội bộ trong cuộc chiến quyền lực. Loại thông tin ấy xem ra khó bịt hay là không thể bịt vì nó được vô tình hay hữu ý cho loang ra từ những thế lực khác nhau, vừa là “chiến hữu” vừa là đối thủ, trong cuộc tranh đoạt lợi ích giữa các phe nhóm.

Thiếu gì những người “đồng sàng dị mộng”, làm sao có được sự đồng lòng, đồng chí, đồng điệu với những mục tiêu đen tối, những dục vọng cá nhân! Nhan nhản những kẻ “miệng thẳng bụng gian”, ngoài nói vậy nhưng trong bụng không nghĩ vậy để chỉ tìm cách “lựa gió xoay chiều” theo thói đời “phù thịnh” chứ mấy ai “phù suy”, đấy là chưa tính đến khối kẻ “chưa qua sông đã đấm b… vào sóng”! Chao ôi, chỉ riêng tâm trí, sức lực nhằm nghĩ ra những mưu ma chước quỷ để đối phó với những kẻ vừa đồng minh vừa đối thủ trong tuổi sức tàn lực kiệt cũng đủ ngất ngư , huống hồ lại phải thường trực canh chừng chiêu độc truyền thống “thay ngựa giữa dòng” mà “thiên triều” sẽ tung ra khi cần gỡ thế bí, thì sao mà không đột quỵ cơ chứ!

Nhiệt độ nóng lạnh quá chênh lệch nơi vùng biên viễn chỉ là một giọt nước làm tràn cái ly oan nghiệt, cho dù là nơi mảnh đất xưa kia Mạc Cửu náu thân mà nhà thơ Đông Hồ từng viết : “Triều đình riêng một góc, Tuy chưa là cô quả, Mà cũng đã bá vương, Bắc phương khi vỡ lở, Nam hải lúc kinh hoàng, Giang hồ giữa lang miếu, Hàn mạc trong chiến trường”! Là tán rộng ra tí chút để rộng đường dư luận, chứ cũng chẳng có một sở cứ gì.

Trong cái tình huống lúng túng như gà mắc tóc của bộ máy điều hành mà đầu óc của họ cũng rối như canh hẹ, thì đây là thời điểm các hãng “thông tấn xã vỉa hè” vừa được “kiến tạo” như nấm sau cơn mưa, tung ra vô vàn những đàm tiếu thâm trầm có, lếu láo có, về sức khỏe của ngài tổng chủ tịch. Thôi thì đủ loại. Người ta đối phó bằng thủ thuật nửa kín nửa hở, chẳng quyết liệt bác bỏ, cũng chẳng công khai thừa nhận, nhưng lại quên mất lời cảnh báo của B. Franklin, một triết gia, một nhà khoa học nổi tiếng đã từng là một trong những người lập nước vĩ đại của Hoa Kỳ : “Một nửa sự thật chính là điều dối trá to lớn nhất”.

Và rồi cuộc sống phải tự biết cách tìm ra sự thật, hơn nữa “trong thời kỳ dối trá, nói lên sự thật là một hành động mang tính cách mạng”. Đây là khuyến cáo của George Orwell, tác giả của siêu phẩm “Trại Gia Súc” mà “Mênh mông thế sự” lần trước đã có dịp giới thiệu. Chỉ có điều, kẻ lừa dối sẽ luôn tìm được những người cho phép mình bị lừa dối. Cho nên, chính vào thời điểm khá điển hình của việc “lấy dối trá làm nguyên tắc” này, phải làm cho đông đảo quần chúng, những người dân bình thường nhất trong xã hội, không tự cho phép mình bị lừa dối.

Thực ra, từ trước đây, đòi hỏi này là một cách thế tồn tại của nhân dân qua mọi biến thiên trong suốt tiến trình lịch sử. Cứ nhớ lại những ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong văn học dân gian được cất giữ, lưu truyền trong dòng chảy bất tận của cuộc sống dân tộc sẽ hiểu ra những chòi đạp, cựa quậy rồi bung phá, tức nước vỡ bờ.. nhằm thay đổi thực trạng, xóa bỏ cái cũ, ra đời cái mới…Cứ thế, cuộc sống tự mở đường đi tới.

Bỗng trong đầu gợi ra hình ảnh hài hước thú vị của một câu tục ngữ rất thâm thúy với cách diễn đạt thật dân dã Bố đĩ giàu, bố đĩ tiên. Ông tổng không tiền, ông tổng tểnh”. Xem ra trong cách diễn đạt dân dã này đã hàm chứa được một quy luật về quyền lực đẻ ra sở hữu nói nôm na là quyền lực đẻ ra tiền và rồi có tiền sẽ có quyền lực. Có tiền thì “bố đĩ ” thành “bố đĩ tiên” và ông tổng không tiền sẽ hết quyền, thành “ông tổng tễnh”! Hình ảnh cái ông “tổng tễnh”  sao mà thâm trầm thế. Cứ lan man suy ngẫm về những tin tức, có khi rất ngẫu nhiên thôi, nhưng xâu chuỗi chúng lại thì hình như “mỗi lời là một vận vào” chứ chẳng dưng. Thì đấy, dòng tin thai nhi bỏ theo rác thải kia nằm ngay cuối trang tin về sức khỏe cụ Tổng. Gợi nhớ đến câu chuyện cực kỳ hàm súc nhặt được trên mạng “Câu đối của cụ Nguyễn Khuyến” đã có lần dẫn ra trong “Mênh mông thế sự”.  Để kết thúc bài mênh mông đã khí dài này xin mạn phép tác giả câu chuyện, nhà văn Phạm Lưu Vũ để chỉ nhắc đến lời ông Mục, chủ quán nước đầu làng, bẩm với cụ Tam nguyên Yên Đổ trong câu chuyện dí dỏm, tai quái và thâm thúy này:

Không có kẻ điên để mà nhìn vào, thì sẽ khó mà nhận ra mình là điên hay tỉnh, cụ lớn ạ. Cho nên nếu vắng người điên thì cả tổng sẽ… điên. Hồi ấy một người điên vừa bị chết, cả tổng nháo nhác nhìn nhau, anh nọ cứ mong anh kia điên trước cho mình nhờ. Kéo dài mấy năm như thế, thành ra cả một tổng điên, loạn hết cả lên. May sau đó được quan trên điều một anh điên thật về. Lập tức mọi người tỉnh ra ngay, từ đó anh nào anh nấy mới nhận ra rằng mình… không điên.” Nguyễn Khuyến nghe đến đây thì càng kinh ngạc.

Nghĩ mình mất công đèn sách, đỗ đến tam nguyên mà đến tận bây giờ mới biết chuyện này. Chưa nghĩ xong thì lại nghe ông Mục nói tiếp: “Từ đó, các cụ ở tổng tôi trước khi chết đều dặn lại con cháu, rằng phải giữ gìn kẻ điên cho cẩn thận, chu đáo, như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nếu chẳng may vắng người điên thì phải tìm cách mà bán xới đi nơi khác, chớ có dại mà sống ở một tổng toàn điên.” Quả là đi một đàng, học một sàng… điên. Chuyến ấy trở về, Nguyễn Khuyến lập tức lấy giấy bút, lại viết ngay ra mấy chữ: “Khiếm nhất phi nhân tổng phi nhân” (vắng một thằng điên, cả tổng điên). Viết xong treo lên, cùng với câu hôm trước : “Xuất tam hiền giả hương hiền giả” (hiện ba hiền giả, cả làng thành hiền giả). Cụ ngồi gật gù mãi, thành ra một câu đối rất chỉnh. Câu đối ấy ngày nay vẫn còn:

“Xuất tam hiền giả hương hiền giả

Khiếm nhất phi nhân tổng phi nhân”

[Hiện ba hiền giả, cả làng thành hiền giả

Vắng một thằng điên, cả tổng điên]

                                                                                                                                

               Thế đấy “phải giữ gìn kẻ điên cho cẩn thận, chu đáo, như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Thì ra “trời làm một trận lăng nhăng, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông” lý sự nơi vỉa hè đâu chỉ là sản phẩm của buổi mạt triều chế độ toàn trị kiểu Trọng, các cụ ta xưa đã gửi vào câu ca dao về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được thăng hoa trong ngôn từ dân dã muôn đời bất tử.

Ngày 26.4.2019