17 avril 2019

Người về sau trận bóng




Đọc báo chí, xem truyền hình Việt Nam thấy VN ta thật anh hùng, tự hào. Trước kia thì đánh nhau thắng Pháp, Mỹ. Bây giờ thì đá bóng thắng Thái Lan, Malaysia (mặc dù chưa lần nào được vào vòng 32 đội chung kết world cup FIFA). VN bây giờ đã có người giàu, các fans bóng đá đi máy bay hàng ngàn cây số đến nước bạn để ủng hộ đội nhà.



Phi trường Kuala Lumpur cuối năm 2018, các fans trở về sau trận chung kết lượt đi Suzuki Cup, nữa vui nữa buồn. Vui khi Huy Hùng, Đức Huy ghi 2 bàn thắng thật đẹp ngay hiệp đầu, buồn vì để đối thủ gở lại 2-2. Thấy ai ngồi buồn thì các fans an ủi: Chúng ta sẽ thắng ở Mỹ Đình.


Một cô gái ngồi buồn ở phi trường. Cô cũng được an ủi như vậy nhưng cô không hiểu, giương cặp mắt lên nhìn.



Thấy vậy các fans hỏi: Cô là người Việt Nam ?



Cô gái gật đầu: Vâng, tôi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) được một năm, bây giờ đang trên đường về quê.



Các fans thắc mắc: Tại sao mặt cô buồn vậy ?



Cô gái trả lời: Khi đi tôi đóng nhiều tiền để đi, làm việc cực nhọc một năm, trừ tiền phí tiền thuế thì số tiền còn lại để giúp gia đình không được bao nhiêu, nên tôi buồn.



Các fans hỏi tiếp: Thế tại sao cô không ở lại làm thêm để có thêm tiền ?



Cô gái nói: Công ty môi giới có giới thiệu cho tôi một việc làm khác, làm ôsin (giúp việc trong nhà) cho một gia đình ở đây. Nhưng trong nhóm tôi có một chị đã làm ở đó rồi, chị nói gia đình đó ác lắm, khi không vừa ý thì họ la mắng và phạt không cho ăn. Tôi sợ nên từ chối. Công ty nói chỉ có việc đó thôi, không làm thì về nước. Khi đi tôi có đóng tiền thế chấp không bỏ hợp đồng, tôi về kiểu này không biết họ có trả lại không? Tiền thế chấp nhiều gấp mấy lần tiền phí, gia đình tôi phải mượn nợ để đóng, bây giờ không biết làm sao trả nợ.



Các fans nhìn nhau, không biết nói gì, họ không biết tiền phí, tiền thuế, tiền thế chấp của XKLĐ là cái gì.



Theo thống kê của chính quyền CSVN, trong nước có 50 triệu lao động, XKLĐ có 500 ngàn (khoản 1%), nhưng giá trị tiền kiếm được của XKLĐ nhiều hơn 10% của tổng sản lượng quốc nội. Đây là một số tiền lớn, góp phần trả lương cho những người trong chính quyền và các dịch vụ mà người XKLĐ được hưởng. Mặc dù đóng góp nhiều, người đi XKLĐ vẫn bị chèn ép:



- Chính quyền qui định tiền phí môi giới và dịch vụ tối đa là lương 1 tháng / 1 năm, nhưng trên thực tế nhiều năm qua người XKLĐ phải đóng trên 50% tiền lương cho các loại phí.



- Người XKLĐ phải đóng tiền thế chấp không bỏ hợp đồng, có thể bằng tiền lương 3 tháng lên đến 1 năm hay nhiều hơn. Ở các nước văn minh, không có loại tiền thế chấp vô lý này.



- Người XKLĐ đóng nhiều tiền nhưng không được phục vụ đàng hoàng. Khi có thắc mắc, vấn đề thì không biết hỏi ai, liên lạc với công ty môi giới hay Sứ quán thì khó khăn, và họ cũng không giúp đở gì.



Hình như mỗi lần đất nước có chuyện tự hào thì người nghèo lại cảm thấy buồn hơn. Tại sao có người giàu đi máy bay sang nước khác xem bóng đá, còn đa số dân nghèo thì phải rời gia đình đi lao động hay lấy chồng xa quê hương? Tự hào đã thắng Pháp, Mỹ mà bây giờ mấy trăm ngàn người VN đi làm những việc lao động thấp nhất tại các nước đàn em của Mỹ, Pháp.



Chương trình XKLĐ đã có hơn 30 năm nhưng vẫn còn nhiều bất công, như vậy là các lãnh đạo làm việc dở. Chúng ta muốn thay đổi lãnh đạo tốt hơn có được không? Rất tiếc, với chế độ cộng sản độc tài độc đảng hiện nay thì chúng ta không có quyền thay đổi lãnh đạo dù họ làm việc dở hay sai trái. Có một giải pháp là Việt Nam có tự do đa đảng như những quốc gia khác, nếu đảng này làm việc không tốt thì nhân dân có quyền bỏ phiếu chọn đảng khác làm việc cho nhân dân. Đó là một điều bình thường tại nhiều nơi trên thế giới nhưng nhân dân VN vẫn chưa có.



Trần Mai Trung