28 avril 2019

Lý do tại sao nên khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về chủ quyền Biển Đông?

Hồ Bạch Thảo

Người có lương tâm trên thế giới, đều công nhận việc Trung Quốc ngang nhiên vẽ đường 9 đoạn dành chủ quyền hầu hết lãnh hải tại Biển Đông, là hành động chà đạp lẽ phải. Nhưng nói đến việc kiện Trung Quốc thì một số người còn ngần ngại, vì sợ nước này gây khó khăn, họ thường nại cớ rằng cha ông mình thời xưa đánh thắng họ, vẫn sang triều cống, “tránh voi chẳng xấu mặt”. Xin thưa mỗi thời một khác: thời xưa nước mình đơn độc, không có đồng minh; đối với nước Trung Quốc lớn hơn hàng chục lần phải thực hiện sách lược ‘độc lập thật, thần phục giả’; cứ vài năm sai Sứ sang cho chúng một vài con voi có sẵn trên rừng, một ít tấm quyên, tấm lụa, xin cầu phong, để yên mà sống. 


Còn rẻ hơn so với  nước Tống đất rộng văn minh, hàng năm phải nạp cho bộ tộc Liêu mọi rợ phương Bắc 20 vạn xấp lụa, mười vạn lượng bạc, Vua Tống phải xưng làm anh em với Liêu, trong hòa ước gọi là “Thiền Uyên chi minh”! Thời nay nước Việt Nam liên lạc ngoại giao với 185 nước trên thế giới; một số đông nước đang hợp tác với Hoa Kỳ tạo thế “hợp tung, liên hoành(1), để mong bủa lưới ngăn chặn, hoặc đánh bắt con cọp Trung Quốc lăm le phá hoại sự bình yên trên thế giới. Xét thời cơ hiện tại, Trung Quốc chẳng dám làm gì mình; vả lại đây là cuộc tranh đấu ngoại giao hợp pháp, Trung Quốc không có cớ để gây hấn;  xin quí vị hãy bạo dạn lên.

Kiện Trung Quốc có chắc thắng không? Xét về phương diện lịch sử, khả năng thắng rất lớn; xin phép được vắn tắt trình bày, cùng những tài liệu kèm theo để chứng minh:

- Qua sự tìm tòi trong 24 bộ chính sử Trung Quốc, được gọi là Nhị Thập Tứ Sử, cùng các bộ Chí [địa lý] của Trung Quốc qua các đời, để soạn bài khảo cứu nhan đề Qua sử chí Trung Quốc, hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông(2), chúng tôi khẳng định rằng Trung Quốc không có chủ quyền biển từ đảo Hải Nam xuống phía Nam, và phía Tây từ đảo Hải Nam đến Việt Nam.

- Lý do bởi qua các triều đại, Trung Quốc bị người Nhật Bản thường xuyên xâm lăng vùng duyên hải, sử Trung Quốc gọi là “giặc Nụy”(3); quân đội hành quân biển luôn luôn bị thua, nên phải thực hiện chính sách bỏ biển rút vào đất liền. Các nhân vật Từ Hải, Thúy Kiều, Hồ Tôn Hiến, trong tuyệt tác của cụ Nguyễn Du là những nhân vật có thực ngoài đời; Từ Hải là tướng cướp từng hợp tác với “giặc Nụy” ngoài biển, riêng cô Kiều nhảy xuống hồ tại tỉnh Chiết Giang cùng chết với Hải, vụ việc xảy ra do sự thất hứa của Tổng đốc Hồ Tôn Hiến. Việc cấm biển(4) của Trung Quốc được thực hiện qua những văn kiện tiêu biểu như sau:

Cấm biển: Phàm những đất canh tác ngoài biển bị cấm; những cư dân gần biển không được vụng trộm đến các đảo tụ tập canh tác, rồi chứa chấp bọn gian.” (Khâm Định Đại Thanh Hội Điển quyển thứ 65)

(海禁凡海外耕種之禁海濱居民不得潛住島嶼招聚耕墾致藏姦匪欽定大清會典/卷六十五)

Thời nhà Thanh, việc cấm biển thực hiện một các khá quy mô, bằng cách hoạch định giới tuyến dọc ven biển, rồi cưỡng bách di cư tất cả dân chúng thuộc phía ngoài giới tuyến vào trong nội địa. Khang Hy Thực Lục ghi lại sự việc như sau:

Tháng 3 năm Khang Hy thứ 17[1678]…Dụ các Vương, Đại thần họp bàn việc chính trị: “Giặc biển bàn cứ tại các xứ như Hạ Môn [Xiamen, Phúc Kiến], cấu kết với giặc trong núi, phiến động mê hoặc địa phương, nguyên do dựa vào dân ven biển tại vùng tỉnh Phúc Kiến. Đáng theo lệ vào năm Thuận Trị thứ 18 [1661] lập ranh giới, đem dân chúng ngoài ranh giới đồng loạt di cư vào nội địa; thân sức cấm biển nghiêm, tuyệt đường giao thông. Nhưng dân nghèo khổ, một lần dời chỗ ở, phải bỏ ruộng vườn, khó mà mưu sinh, riêng đem lòng trắc ẩn. Nay cho miễn hết các ngạch thuế, dao dịch, tạp dịch; các viên Tổng đốc, Tuần phủ giao cho viên chức có khả năng liệu lý, để định cư vào đúng chỗ, khiến không bị khổ luỵ”.

 (康熙十七年。戊午三月. 諭議政王大臣等、海寇盤踞廈門諸處、勾連山賊、煽惑地方、皆由閩地瀕海居民為之藉也。應如順治十八年立界之例、將界外百姓、遷移內地。仍申嚴海禁、絕其交通。但窮苦之民、一旦遷徙、必棄其田舍、難以為生、殊可憫惻。可將本年地丁額賦、差徭雜項、盡行豁除。該督撫揀委能員料理、俾安輯得所、勿致苦累)

Với chính sách cấm biển như vậy từ đời Minh, Thanh; Trung Quốc đã  bỏ các đảo sát nách đất liền như Châu Sơn [zhowshan], trấn Kim Đường [Jintang Island], đảo Ngọc Hoàn [Yuhoan] thuộc tỉnh Chiết Giang; Hạ Môn[Xiamen] thuộc tỉnh Phúc Kiến; từ đầu đời Thanh trở về trước Đài Loan không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc; còn vùng biển xung quanh đảo Hải Nam thì thuộc Việt Nam. Từ sử, chí Trung Quốc; có thể chứng minh rằng qua sách lược nêu trên chứng tỏ nước này không đoái hoài đến biển cả. Nhưng rồi thời thế đổi thay, vào đầu thế kỷ thứ 20, sau khi ngửi thấy tiềm năng lớn của biển, nhà cầm quyền Trung Quốc bắt đầu gióng trống khua chiêng nêu chủ quyền tại đảo Hoàng Sa, Trường Sa của ta;để đến gần đây trong cuộc gặp mặt Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình lớn tiếng nói rằng Trung Quốc đã có chủ quyền từ thời xa xưa, không thể tranh cãi!

Xin lưu ý việc Trung Quốc không đoái hoài đến biển cả, không phải một mình chúng tôi nêu ra; ngay cả Học giả Trung Quốc  Thượng tướng Lưu Á Châu, con rể cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, cũng khẳng định nhiều lần rằng:

Cái chìa khoá khiến Trung Quốc mất quyền ở biển, do trải qua các triều đại thống trị không có quan niệm về chủ quyền biển[中国失去海洋的关键是历代统治者没有海权观念。Trung Quốc thất khứ hải dương đích quan kiện thị lịch đại thống trị giả một hữu hải quyền quan niệm.](5)

Các sử chí Trung Quốc chép về lãnh thổ của họ đã đành, lại còn chép về biển và đất liền Việt Nam(6). Sách Đại Minh Nhất Thống Chí [大明一統志], quyển 90, trong mục “Biển” chép rằng “biển: bao bọc phía đông nam các phủ Giao Châu.” [海〈環交州等府東南]; rồi chép tiếp  bài “Độ Hải Thi” của Thẩm Thuyên Kỳ.Nguyên do vào đời Đường nămThần Long thứ nhất (705) Thẩm Thuyên Kỳ bị đày sang châu Hoan[Nghệ An],thuộcAn NamĐô Hộ phủ. Lúc đến nơi, ông làm bài thơ Độ hải Thi theo thể Ngũ ngôn luật, trong đó diễn tả một cách rõ nét hình ảnh đền Sùng Sơn(7) tại thị trấn Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vị trí có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cửa biển Thần Phù, nơi giáp giới tỉnh Ninh Bình; đón nhận làn gió nam từ Trướng Hải thổi đến:

Bắc Đẩu Sùng Sơn quải,

Nam phong Trướng Hải khiên.

            (北斗崇山掛,

        南風漲海牽。)

Sao Bắc Đẩu treo lửng lơ trên đền Sùng Sơn,Thanh Hóa,

Gió nam từ Trướng Hải dẫn đến nơi này.

Thời Tiền Lê, trong cuộc tiếp xúc với Sứ thần Trung Quốc Lý Nhược Chuyết vào năm Bính Thân [996], vua Lê Đại Hành đã khẳng định chức phận của An Nam là giữ an ninh biển Trướng Hải. Tổng sử[宋史, History of Song]quyển 488, Liệt truyện Giao Chỉ, trích dẫn như sau :

Hoàn[tên Vua Lê Đại Hành]ngạc nhiên dời chiếu đứng dậy nói: Hải tặc phạm biên, là tội của thủ thần; Thánh quân khoan dung, ơn quá cha mẹ, không gia tru phạt. Từ nay cẩn thận giữ chức phận đã giao, giữ yên nơiTrướngHải”.

 [桓愕然避席,曰:「海賊犯邊,守臣之罪也。聖君容貸,恩過父母,未加誅責。自今謹守職,保永清於漲海]”.

Lời nói của Vua Lê Đại Hành khẳng định Trướng Hải thuộc Việt Nam và Vua ta đã hứa với vua Tống giữ gìn an ninh vùng biển này.

Riêng sử chí nước ta, có rất nhiều tư liệu đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Trong các bài viết  Tư liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa(8)đăng trên tạp chí Diễn Đàn [diendan.org] chúng tôi đã sao lục cùng trích dịch 9 tư liệu trong các tác phẩm sau đây: 1.Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ thư, 2. Hồng Ðức Bản Ðồ, 3.Phủ Biên Tạp Lục,4.Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, 5.Hoàng Việt Ðịa Dư Chí, 6.Ðại Nam Thực Lục,7.Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ,8. Ðại Nam Nhất Thống Chí, 9.Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ.

Bước kế tiếp xin đề cập đến việc thắng kiện Trung Quốc ta sẽ được lợi gì?

Trước mắt dương cao chính nghĩa của ta, chính nghĩa hàm chứa lẽ phải, tạo ra sức mạnh; người xưa nói rằng “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”; một khi ta có chính nghĩa thì đối phương trở thành phi nghĩa, sẽ lãnh hậu quả ngược lại. Điều thứ 2, ta thắng kiện, các nước trên thế giới biết đến lẽ phải về ta, ắt phải gia tăng sự ủng hộ; hãy dùng kết quả của vụ kiện làm vũ khí, liên tục tấn công về ngoại giao.

Điều thực dụng nhất, có được văn kiện quốc tế chứng nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; xin hãy ung dung chờ đợi thời cơ. Trong hoàn cảnh thời cuộc hiện nay biến đổi nhanh như “mang hia vạn dặm”; trên trời máy bay, dưới biển tàu chiến qua lại dồn dập, có thể va vào nhau đột ngột, “cái sảy nảy cái ung”, nổ ra Thế Giới Đại Chiến lần thứ ba trong chớp mắt. Rút kinh nghiệm 2 lần Đại Chiến trước, sau khi kết thúc; bên thắng cuộc sắp xếp lại bàn cờ thế giới, kẻ có công được chia nhiều quyền lợi đã đành, những nước khéo thu xếp, có bằng chứng hẳn hoi cũng dành được quyền lợi không nhỏ; giả sử lúc đó ta có văn bản chứng nhận chủ quyền Biển Đông đưa ra, tất nhiên sẽ được ưu đãi. Ngày họp quốc tế , cũng như ngày hội làng xã tại nước ta thời xưa; sẽ có xôi, thịt chia ra; kẻ thì được chia thủ, nọng; có người chỉ lãnh chân, xương mà thôi. Nếu bấy giờ chúng ta chỉ có tay không, thì sẽ “xôi hỏng, bỏng không”; thiết tưởng quí vị lãnh đạo đất nước, phải chịu trách nhiệm không nhỏ với lịch sử.                          

                                     

Chú thích:

1. Hợp tung liên hoành: thời xưa dùng kế sách liên kết các nước theo chiều dọc gọi là hợp tung, liên kết với các nước theo chiều ngang gọi là liên hoành; để tiêu diệt nước Tần.

2. diendan.org Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông.

3. Nụy: tức lùn, nói nôm na là Nhật lùn; người Nhật lúc bấy giờ lùn

4. diendan.org Cấm biển tại Trung Quốc

5. diendan.org Học giả Trung Quốc Lưu Á Châu xác nhận: quá trình lịch sử, Trung Quốc không có quan niệm về chủ quyền biển.

6. diendan.org Từ Trướng Hải đến biển Giao Chỉ, chứng minh chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

7. Sùng Sơn tức Sùng Sơn từ, hay đền Sùng Sơn tại Thanh Hóa. NXB Khoa Học Xã Hội năm 2011 cho xuất bản tập thơ  Cẩm Đình Thi của Tiến sĩ đời Nguyễn, Phan Thúc Trực; trong đó có bài thơ Sùng Sơn Từ, nguyên văn, phiên âm và dịch nghĩa như sau:

                       

                           

                    

                        

                     

                                        

                       

                     

                      

Sùng Sơn từ

Sùng sơn hiển hách hà niên thị,
                        Nhất thốc sùng từ duyệt cổ kim.
                         Kỷ độ tang thương tồn miếu mạo,
                         Thiên thu hương hoả tại nhân tâm.
                         Hoàn tường bích thảo tự xuân sắc,
                         Cách diệp hoàng anh không hảo âm.
                         Đối cảnh bất tiêu đàm vãng sự,
                        Thần Phù hải khẩu vọng trung thâm

Dịch nghĩa

Núi Sùng hiển hách tự năm nào
Một ngôi đền lớn trải từ xưa tới nay
Mấy độ tang thương đền miếu vẫn còn đó
Ngàn thu hương hoả ở lòng người
Cỏ xanh trên tường vây quanh tự toả sắc xuân
Chim hoàng anh trong lá hót lảnh lót
Trước cảnh quên bàn chuyện đã qua
Ngắm cửa biển Thần Phù trong sâu thẳm

8.diendan.org Tư liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa