Đại diện của RSF ở Paris nói vụ bắt cóc
ông Trương Duy Nhất là không có tiền lệ bởi vì nạn nhân là một nhà báo độc lập,
ông Bastard nhắc tới vụ Trinh Xuân Thanh bị bắt cóc ở bên Đức, nhưng theo ông
trường hợp của ông Thanh khác bởi vì trong tư cách cựu Chủ tịch Công ty cổ phần
Xây dựng PetroVietnam, ông Thanh là một quan chức nhà nước.
Ảnh Tư liệu: Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hàng năm ra phúc trình đánh giá tình hình tự do báo chí trên thế giới. AFP PHOTO / BERTRAND GUAY |
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF)
hôm nay, 18/04/2019, công bố phúc trình về tự do báo chí năm 2019, trong đó
đánh giá Việt Nam rớt một hạng, xuống vị trí 176/180 quốc gia, tức là ở cuối
bảng. VOA-Việt ngữ phỏng vấn ông Daniel Bastard, đại diện RSF ở Paris.
Trong phúc trình năm 2019, RSF nói tình
hình tự do báo chí trên thế giới đã trở nên u ám, và tại nhiều nơi, “lòng hận
thù đối với các nhà báo đã biến thành bạo lực”. Tại khu vực Á Châu-Thái Bình
Dương, RSF đặc biệt nêu bật hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nói rằng hai nước
này bấy lâu nay đã ở cuối bảng, nay lại rớt thêm một hạng. Xếp hạng 176, Việt
Nam đứng ngay trên Trung Quốc, hạng 177.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ từ Paris, đại
diện RSF đặc trách Châu Á Daniel Bastard nhận định về tầm quan trọng của đánh
giá tụt hạng đối với Việt Nam trong phúc trình mới nhất.
“Thứ hạng của Việt Nam trong rất nhiều
năm qua đã quá thấp rồi, tưởng như không thể nào tệ hơn được nữa, tụt một hạng
khi đã ở đáy bảng rồi thì rõ rệt là một dấu hiệu cho thấy tình hình đã xấu đi
rất nhiều.”
RSF nói rằng tại Việt Nam, nơi mà tất cả
truyền thông báo chí tất tất đều do nhà nước kiểm soát, các nhà báo đều phải
làm theo chỉ thị của Đảng Cộng sản, thì các blogger và nhà báo công dân là
những nguồn thông tin độc lập duy nhất. Và thành phần này đã trở thành mục tiêu
thường xuyên bị trấn áp.
Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cả
hai chức vụ cao nhất nước, Chủ tịch nước và Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản, thì mức
độ đàn áp đã trở nên "kinh hoàng"
Tổ chức Phòng viên Không Biên giới- RSF
RSF lưu ý về những hành vi bạo lực của
công an mặc thường phục xảy ra thường xuyên tại Việt Nam. Và chính quyền ngày
càng dựa vào các điều khoản mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự như điều 79, 88 và 258
để kết án, bỏ tù dài hạn các blogger và nhà báo công dân về các tội “âm mưu lật
đổ chính quyền”, “tuyên truyền chống Nhà nước”, hay “lợi dụng các quyền tự do
dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước vv…”
Một trong những trường hợp được RSF đặc
biệt lưu tâm là trường hợp nhà báo độc lập Trương Duy Nhất, bị bắt cóc ở
Bangkok, sau khi ông đã nộp hồ sơ xin tị nạn với Liên Hiệp Quốc. Ông Daniel
Bastard nói về trường hợp này:
“Việc ông Nhất bị bắt cóc ở Bangkok là
điều rất đáng lo ngại, bởi vì điều đó có nghĩa là Việt Nam không thiết gì đến
luật pháp quốc tế khi cả gan bắt cóc một nhà báo công dân bên ngoài nước Việt
Nam.”
Đáng lo ngại hơn nữa, theo ông Bastard,
là vai trò của nhà chức trách Thái Lan trong vụ bắt ông Trương Duy Nhất.
“Một khía cạnh khác của trường hợp này
là gần như rõ rệt nhà chức trách Thái Lan đã toa rập với gián điệp Việt Nam,
hoặc ít nhất, là nhắm mắt làm ngơ để phía Việt Nam tự do thực hiện ý định của
mình.”
Courtesy photo: Nhà báo độc lập Trương Duy Nhất ở Bangkok, sau khi nộp đơn xin tị nạn với LHQ, ngay trước khi bị bắt cóc đưa về VN. |
Đại diện của RSF ở Paris nói vụ bắt cóc
ông Trương Duy Nhất là không có tiền lệ bởi vì nạn nhân là một nhà báo độc lập,
ông Bastard nhắc tới vụ Trinh Xuân Thanh bị bắt cóc ở bên Đức, nhưng theo ông
trường hợp của ông Thanh khác bởi vì trong tư cách cựu Chủ tịch Công ty cổ phần
Xây dựng PetroVietnam, ông Thanh là một quan chức nhà nước.
RSF nói rằng từ khi ông Nguyễn Phú Trọng
đảm nhiệm cả hai chức vụ cao nhất nước, Chủ tịch nước và Tổng Bí Thư DCS, thì
mức độ đàn áp đã trở nên "kinh hoàng". Nhiều nhà báo công dân đã bị
trục xuất, nhiều người khác lãnh các bản án tù lâu năm, thậm chí, có người bị
tuyên án 20 năm tù, vì những bài viết của họ.
Theo RSF thì hiện có trên dưới 30 nhà
báo, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, và bloggers bị giam cầm tại Việt Nam,
nhiều người trong số này bị đối xử tệ hại.
RSF còn lưu ý về “Lực lượng 47” gồm
10.000 dư luận viên có nhiệm vụ bảo vệ đảng và lãnh đạo, tấn công những tiếng
nói bất đồng hay chỉ trích trên mạng. RSF cũng nhắc đến Luật An ninh mạng bắt
đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, nói rằng cả “lực lượng 47” lẫn luật an ninh
mạng đã giúp cho Việt Nam có thêm những công cụ để bóp nghẹt tự do báo chí.
Đại diện RSF Daniel Bastard kêu gọi Việt
Nam hãy ngưng đàn áp các nhà báo, blogger, và ngưng ngăn chặn tự do thông tin.
“Đàn áp tự do báo chí, đàn áp những
người chỉ muốn phổ biến thông tin có thể phương hại tới nền kinh tế Việt Nam.
Luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày đầu năm nay, nếu thi hành đầy đủ, sẽ rất
có hại cho kinh tế Việt Nam bởi vì ngày nay tất cả các hoạt động kinh doanh đều
dựa trên Facebook và thông tin tự do trên mạng. Thế cho nên trấn áp tự do ngôn
luận cũng dẫn tới trấn áp tự do thương mại.”
Trên bảng xếp hạng về chỉ số tự do báo
chí, Na Uy vẫn đứng đầu trong cương vị nước có nhiều tự do báo chí nhất, Phần
Lan về nhì. Cuối bảng, nước được coi là đàn áp tự do báo chí khốc liệt nhất, là
Turkmenistan, và áp chót là Bắc Triều Tiên, hạng 179/180.