20 avril 2019

XẺ THỊT SƠN TRÀ VÀ XÂM PHẠM SÔNG HÀN, ĐÀ NẴNG SẼ CHẾT !


Hoàng Hải Vân

Lấn sông Hàn

Dù UNESCO gì đó có công nhận hay là không thì vịnh Đà Nẵng vẫn là di sản thiên nhiên kỳ vĩ của đất nước. Tiền nhân (cả người Việt và người Pháp) đã dựa vào thiên nhiên để biến Đà Nẵng thành một đô thị giao thương sầm uất một thời. Hai thực thể quan trọng nhất tạo nên Đà Nẵng là bán đảo Sơn Trà và con sông Hàn. Đó là hai thực thể tự nhiên thiêng liêng, nếu bị xâm phạm thì Đà Nẵng sẽ chết.

Sơn Trà không chỉ là vị trí phòng thủ trọng yếu của đất nước, là nơi hội tụ điển hình của nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm trên hành tinh mà còn là nơi điều hòa khí hậu duy trì sự sống trong lành cho Đà Nẵng và vùng lân cận. Bởi vậy mà sau năm 1975, giữa lúc đất nước đứng trước vô vàn gian truân, Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng đầu và Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng đầu đã nhanh chóng quyết định đưa Sơn Trà thành rừng cấm quốc gia với một vòng cung bất khả xâm phạm cách chân bán đảo 500 mét trên đất liền. Có nghĩa rằng không những không được động tới Sơn Trà mà vùng đất cách chân Sơn Trà 500 mét cũng không được động tới.

Sông Hàn

Sông Hàn là nơi hội tụ của nhiều dòng sông chảy ra biển. Nó không chỉ là con sông giao thương, mà là con sông điều hòa lũ lụt, điều hòa khí hậu, con sông bảo đảm sự sống cho người dân Đà Nẵng theo mọi nghĩa.
Trước khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của nước Việt Nam thống nhất, chưa có một kẻ kiêu ngạo nào dám xâm phạm bán đảo Sơn Trà và Sông Hàn.
Nay thì rừng cấm Sơn Trà đã bị xẻ thịt. Chính quyền TP. Đà Nẵng bất chấp luật pháp, đã xẻ hơn 1000 ha bán đảo Sơn Trà ra cấp cho một loạt các đại gia làm dự án, xâm phạm cả vào rừng nguyên sinh. Tôi đã để cập đến vấn đề bảo vệ Sơn Trà trong một ký sự viết từ 30 năm trước. Năm 2017, tôi cũng đã viết một loạt ký sự 8 bài về tình trạng Sơn Trả bị xé nát đăng trên báo điện tử Một Thế Giới.
Cuộc tổng thanh tra về sử dụng đất trên bán đảo Sơn Trà không hiểu vì sao vẫn chưa có kết luận thì xuất hiện tình trạng các dòng sông ở Đà Nẵng, trong đó có sông Hàn tiếp tục bị xâm phạm. Một loạt các dự án được chính quyền cấp phép đang lấn sông để “phân lô bán biệt thự”, một số sử dụng các bờ sông làm “khu đô thị”, “khu dân cư” làm thay đổi dòng chảy và bất chấp nguồn nước có bị ô nhiễm hay không.
Vừa qua một số tờ báo đã đưa tin về dự án Bất động sản (BĐS) và bến du thuyền Đà Nẵng do Marina Complex làm chủ đầu tư. Sở dĩ dự án lấn sông làm biệt thự này (hình của báo Tuổi Trẻ bên dưới) dễ dàng bị phanh phui là do Thanh tra Chính phủ kết luận nó bị sai phạm, cụ thể là “chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết là 1.047m2 đất ở” (theo Tuổi Trẻ), chứ Thanh tra Chính phủ không quan tâm đến việc nó lấn sông. Sai trong lấn sông là nhân đó báo chí “vạch mặt” luôn. Cũng từ đây, câu chuyện lấn sông nóng lên trên truyền thông.
Nhưng lấn sông không chỉ co dự án này. Người Đà Nẵng có thể dễ dàng nhận ra những dự án lấn sông nghiêm trọng nhất là các dự án của Sun Group, trong đó việc lấn sông có thể nhìn được bằng mắt thường là dự án Làng Châu Âu (hình kèm theo bên dưới). Ở Đà Nẵng, đại gia đầy thế lực này không chỉ có các dự án lấn sông mà còn được chính quyền Đà Nẵng xẻ thịt một diện tích rất lớn rừng cấm Sơn Trà giao cho làm dự án, đây chính là nơi diễn ra Hội nghị APEC vừa qua. Đó là chưa kể việc thâu tóm Bà Nà. Thế lực của đại gia này kinh đến mức rất ít tờ báo chính thống nào đủ cứng cựa để đối mặt. Và chiếm Sơn Trà và lấp sông không chỉ có mỗi một Sun Group và cái công ty vừa bị vạch mặt kia đâu.
Năm rồi Đà Nẵng ngập lụt bất thường chưa từng thấy trong lịch sử, nhưng chưa ai truy ra những nguyên nhân liên quan đến việc lấn sông. Không cần phải nghiên cứu gì cao siêu mới thấy khi sông bị lấn thì dòng chảy sẽ bị biến dạng mỗi khi mưa lũ và triều cường. Bờ bên này bị lấn thì bờ bên kia sẽ bị xói lở, xói lở chưa kịp thì nước dâng lên khiến cho hệ thống thoát nước của thành phố bị vô hiệu hóa cục bộ, không ngập lụt mới là chuyện lạ.
Thiên nhiên không có “lợi ích nhóm”. Thiên nhiên bao giờ cũng đáp trả sòng phẳng mọi sự tham lam kiêu ngạo của con người. Dự đoán rằng khi sông Hàn bị biến dạng, những đầu óc thiển cận sẽ đối phó bằng cách tạo ra sự biến dạng khác, biến dạng do đó sẽ thành dị dạng. Người ta chỉ nghĩ đến hiện tại, không nghĩ đến tương lai. Và nếu không kịp ngăn chặn sự biến dạng của dòng sông thì trong tương lai Đà Nẵng không còn là Đà Nẵng như lâu nay chúng ta thấy và chúng ta mong muốn nữa. Đà Nẵng như hiện tại sẽ chết, trong tương lai chỉ còn lại một Đà Nẵng thảm hại mà thôi. Chẳng lẽ các vị lãnh đạo nghĩ rằng trong tương lai mình cũng sẽ chết, nên cứ thụ hưởng hương hoa, còn một Đà Nẵng rách nát thì để lại cho con cháu ?
Xin lưu ý : Khi viết về Sơn Trà trước đây và về những dòng sông tới đây, đối tượng mà tôi muốn hướng tới là chính quyền chứ không phải doanh nghiệp. Ngay cả thế lực của một doanh nghiệp, dù lớn tới đâu cũng do câu kết với chinh quyền mới có được. Không có sự bảo kê của chính quyền, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp đều vô tội. Và chính quyền mà tôi nói ở đây là “bộ phận thoái hóa biến chất” sử dụng quyền lực lũng đoạn chính quyền.

HOÀNG HẢI VÂN