Hôm trước, tôi đọc tin tức về chương trình ‘Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời’, một chương
trình do Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức thường
niên để tri ân các thương phế binh Việt nam Cộng hòa (VNCH). Là người có thân
quyến thuộc cả hai phe trong cuộc chiến Nam-Bắc, tôi hiểu rõ thế nào là chiến
tranh “huynh đệ tương tàn”. Cũng là những người lính, từng cầm súng để phục vụ
tổ quốc, nhưng những cựu binh này phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Từ 1975 đến
nay, họ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ an sinh xã hội nào từ chính quyền. Những
cuộc gặp gỡ như thế này vốn rất hiếm hoi, vậy mà họ vẫn bị chính quyền sách nhiễu.
Đầu tháng giêng năm nay, 6 căn nhà của thương phế binh VNCH ở khu Lộc Hưng bị
chính quyền phá nát. Những người đến viếng nghĩa trang Biên Hòa cũng thường
xuyên gặp cản trở.
Ấy vậy mà các lãnh đạo Đảng luôn mồm nói về hòa hợp,
hòa giải dân tộc để dụ dỗ Việt kiều gửi đô la về nước để đầu tư, chuyển giao
công nghệ.
Nhìn khẩu hiệu của chương trình “trả lại cho các
anh em thương phế binh giá trị làm người”, tôi không khỏi buồn bã. Tại sao phải trả lại cho họ “giá trị làm người”,
trong khi lẽ ra người Việt phải tri ân họ. Bởi họ đã chiến đấu để bảo vệ khát vọng
của dân tộc trong suốt thể kỷ 20: một nền dân chủ, tự do đúng nghĩa.
Lịch sử Đảng Cộng sản, kể từ khi cướp công lao
“Tuyên cáo Việt nam Độc lập” của vua Bảo Đại (ngày 11/3/1945), là lịch sử của sự
lừa đảo và dối trá. Các lãnh đạo Đảng đã lạm dụng công lao, xương máu của các
anh hùng, liệt sỹ, và người dân trong các cuộc chiến tranh để chia chác
quyền lực với nhau trong nội bộ Đảng. Mặc dù Hồ Chí Minh từng lớn tiếng lên án thực
dân Pháp “tuyệt đối không cho nhân dân ta
một chút tự do dân chủ nào”, trên thực tế các quyền dân sự cơ bản (tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do tư tưởng…) dưới
chế độ của ông ta còn tồi tệ hơn thời Pháp thuộc. “Kể từ năm 1954 cho đến hiện tại, Việt Nam chưa bao giờ tổ chức bầu cử tự
do và công bằng. Đại biểu Quốc hội hầu hết là thành viên của Đảng Cộng sản Việt
Nam được chọn lựa vào. Tòa án và các bộ, ngành đều dưới quyền kiểm soát của Đảng
Cộng sản”. Các sinh viên, trí thức từng xuống đường đấu tranh chống lại sự
can thiệp của Mỹ ở miền nam Việt nam trước 1975 hẳn sẽ vô cùng hối hận nếu họ
biết rằng điều đó tiếp tay cho Đảng phá nát kinh tế thị trường và nền dân chủ
đa nguyên của chế độ VNCH, điều mà đến tận bây giờ vẫn chưa được khôi phục.
Trong khi đại diện của Đảng nhiều lần la lối VNCH không tuân thủ Hiệp định
Paris giai đoạn 1973-1975, suốt 44 năm qua, Đảng cộng sản liên tục vi phạm các
quyền tự do, dân chủ, và nhân quyền đã cam kết trong Hiệp định này.
Điều chắc chắn là hàng triệu người Việt yêu nước đã
đứng lên chống Pháp trước 1954 có khát vọng xây dựng một quốc gia độc lập và
dân chủ giống như nước Pháp thời đó. Nếu biết rằng sau 1954, dân chủ ở Việt nam
còn tồi tệ hơn thời Pháp thì họ không đời nào nghe theo Đảng.
Điều chắc chắn là tất cả những người dân miền nam có
lương tri đều mong muốn nền dân chủ và nền kinh tế thị trường của chế độ VNCH
được duy trì, chứ không muốn nhìn thấy Đảng phá hết, tước hết sau 1975.
Điều chắc chắn là tất cả những người dân miền bắc có
lương tri thời đó, nếu không bị bưng bít thông tin và có cơ hội so sánh với miền
nam, sẽ lựa chọn chế độ VNCH bởi có nhiều tự do và dân quyền hơn. Kinh tế thị
trường của VNCH cũng tốt hơn kinh tế kế hoạch của miền Bắc.
Vậy chẳng phải những người lính VNCH đã chiến đấu để
bảo vệ một nền dân chủ đích thực - khát vọng của toàn dân tộc đó sao?
Tôi đồng ý với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (trong bài hát
“Gia tài của mẹ”), rằng về cơ bản chiến tranh Việt nam là Nội chiến, là “cành đậu
đun hạt đậu”. Tuy nhiên, chính quyền có thể sai nhưng người lính luôn luôn
đúng. Ở các quốc gia phát triển, cựu chiến binh luôn luôn được tri ân bởi họ đã
phục vụ tổ quốc, bất kể cuộc chiến đó đúng hay sai, thắng hay thua, và bất kể
chính đảng nào cử họ tham chiến. Cho dù Mỹ can thiệp quân sự vào Libanon, Iraq,
Syria bị chỉ trích thế nào đi nữa, người Mỹ không đặt vấn đề có nên tri ân những
cựu chiến binh ở đó hay không. John McCain vẫn là anh hùng dân tộc, dù Mỹ thất
bại ở Việt nam. Nhưng không ở đâu có một chính đảng kể công giành thắng lợi
trong chiến tranh để duy trì quyền lực quá lâu như ở Việt nam.
Người Việt cần tôn vinh các cựu chiến binh VNCH bởi
họ đã chiến đấu để bảo vệ một nền dân chủ và các quyền dân sự - những giá trị
nhân văn phổ quát của nhân loại. Đặc biệt là hơn nửa thế kỷ qua, những giá trị
nhân văn ấy liên tục bị Đảng cộng sản xuyên tạc, bóp méo nhằm duy trì quyền
lãnh đạo ích kỷ của họ chứ không vì lợi ích của dân tộc.
Chúng ta, những người Việt yêu chuộng tự do và công
lý, cần giải thích với người dân về những điều Đảng đã gây ra trên đất nước
này.
Chúng ta cần nói với người dân rằng, Đảng đã áp dụng
Mô hình Chính trị Phò Tầu ở nước ta từ 1954 đến nay (bắt chước Trung Quốc, lấy
chủ nghĩa Marx-Lenin làm triết lý chủ đạo, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa,
và Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo). Mô
hình này không ngăn được sự thao túng quyền lực do loại bỏ tất cả những biện pháp cơ bản để kiểm soát quyền lực (tam
quyền phân lập, báo chí tư nhân, biểu tình, đa nguyên đa đảng), dẫn đến không
kiềm chế được tham nhũng, không trọng dụng được nhân tài, không áp dụng
được những chính sách tốt, và không ngăn chặn được quan chức thông đồng với
Trung Quốc để mưu hại quốc gia.
Chúng ta cần nói với người dân rằng, Mô hình Chính
trị Phò Tàu sử dụng chủ nghĩa Marx-Lenin
để ngu dân nhằm duy trì chế độ độc đảng, dẫn đến ngăn cản người Việt tự do
học tập, thảo luận các tri thức pháp lý và chính trị hiện đại. Những hậu quả
nghiêm trọng khác là phá nát nền luật pháp, nền chính trị, nền khoa học, nền
báo chí, nền văn hóa, tạo ra một xã hội dối trá, bệnh hoạn, và hủy hoại nhân
cách người Việt. Mô hình này cũng là căn nguyên của những yếu kém, tụt hậu toàn
diện về kinh tế, khoa học & công nghệ, tài nguyên, môi trường, an toàn thực
phẩm, giao thông vận tải, và an ninh quốc phòng.
Chúng ta cần nói với người dân rằng, Việt nam có thể
Đổi mới Chính trị theo nhiều bước như đã từng Đổi mới Kinh tế cách đây 30 năm.
Như vậy sẽ không dẫn đến bất ổn chính trị. Để
tăng cường kiểm soát quyền lực, cần từng bước khôi phục lại nền dân chủ và các quyền
dân sự thời VNCH. Đặc biệt là cần trả lại cho dân quyền tự do học
tập, thực hành pháp lý và chính trị như
thời VNCH. Thế nhưng suốt từ 1975 đến nay, các lãnh đạo Đảng từ chối Đổi mới
Chính trị bởi muốn độc quyền lãnh đạo để chia chát lợi ích với nhau.
Mười sáu năm sau thống nhất, một người Đông Đức từng
là uỷ viên quận đoàn thanh niên cộng sản, bà Angela Merkel, đã trở thành thủ tướng
CHLB Đức. Còn ở Việt nam, 44 năm sau thống nhất, chính quyền vẫn gầm ghè cấm
đoán mọi thứ về VHCH. Trong lịch sử nhân loại, cũng có đôi lần một thể chế mọi
rợ hơn chiến thắng một thể chế văn minh hơn. Nhưng khi ấy, việc hòa giải đúng
nghĩa sẽ vô cùng khó khăn, bởi bên thắng cuộc sẽ phải thừa nhận rằng họ đã kéo
giật lùi bánh xe phát triển quốc gia.
Người Mỹ đã đem đến Việt nam một món quà: lần đầu
tiên trong lịch sử, người Việt được trải nghiệm và thưởng thức những giá trị
đích thực của dân chủ. Và cho dù nền dân chủ ấy còn nhiều khiếm khuyết, nó hơn
hẳn chế độ ngày nay bởi được xây dựng trên nền móng của khoa học và nhân bản,
phù hợp với lương tri và phẩm giá của nhân loại.
Chúng ta cần khuyến khích người dân Việt tri ân các
cựu chiến binh VNCH, những người đã đem xương máu của mình bảo vệ món quà ấy.
Món quà mà khi mất đi rồi, chúng ta mới đau xót hiểu được giá trị của nó.
[1] Nguyễn Kiều Dung tốt
nghiệp Tiến sỹ Kinh tế từ Đại học Bang New York, Albany, Hoa Kỳ. Tác giả hiện
đang sống và làm việc ở Hà nội. Bài viết sẽ được đăng trên site:
http://www.danchuhoagiaikhoandung.blogspot.com