23 avril 2019

Thái Lan: Sau tổng tuyển cử, viễn tượng đi đến dân chủ còn xa.


Vương Thuyên
 
Lời đầu


Tân quốc vương 
Thái Lan Maha 
Vajiralongkorn 
(Rama X).
Sau 5 năm lật đổ chính quyền dân sự của bà Yingluck Shinawatra ngày 22-5-2014, tập đoàn quân đội Thái Lan của thủ tướng Prayuth Chan-ocha vừa tổ chức tổng tuyển cử Hạ Viện ngày 24-3 sau khi cho sửa đổi luật bầu cử có lợi cho quân đội. Kết quả tạm thời là không có đảng nào có đa số ghế ở Hạ viện (500 ghế). Đảng Phalang Pracharat (Quyền lực nhà nước nhân dân), thân quân đội đang cầm quyền về đầu với số lá phiếu nhưng lại ít ghế hơn đảng đối lập Pheu Thai (Vì nước Thái), một đảng của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. 


Dù vậy, cũng là một thắng lợi bất ngờ của đảng thân quân đội vì thăm dò ý kiến dự báo đảng này sẽ về hàng thứ ba. Ngay sau đó, đảng Pheu Thái cùng sáu đảng khác tuyên bố thành lập liên minh ''Mặt trận dân chủ'' với tổng số trên 255 ghế và đòi thành lập chính phủ dân sự nhưng đảng thân quân đội bác bỏ viện cớ là Ủy ban bầu cử còn cần thời gian để xử lý các vụ khiếu kiện lên đến 186 vụ và nói rằng điều quan trọng hiện nay là việc đăng quang chính thức của tân vương Maha Vajirasongkorn vào đầu tháng 5 tới. Kết quả chính thức chỉ sẽ được công bố vào ngày 9-5 tới.

     

Quân đội trong chính trường Thái Lan


Đời sống chính trị của Thái Lan đầy sóng gió khi quân đội không ngừng làm đảo chính. Có người khôi hài nói rằng đó là một trong những ''đặc sản'' của xứ này. Năm 1932, quân đội lật đổ nền quân chủ chuyên chế của vua Prajadhipok (Rama VII) để thành lập nền quân chủ lập hiến. Vua Rama VII thoái vị năm 1935 đề nhường ngôi cho con trưởng Amanda Madihol (Rama VIII). Do nhà vua mới còn nhỏ tuổi và đang du học ở Thuỵ Sĩ, ông Pridi Phanomyong được chỉ định làm nhiếp chính. Đầu năm 1946, vua Rama VIII về nước chấp chính nhưng chỉ được 6 tháng thì bất thần qua đời trong trường hợp còn nhiều nghi vấn ở tuổi 21. Người em Bhumibol Adulyadej (Rama IX), lên ngôi năm 1946 và qua đời ngày 13-10-2016 sau đúng 70 năm ngự trị. Nhà vua trở thành biểu tượng tuy không nhiều quyền lực nhưng trên thực tế quyền lực tinh thần của nhà vua rất lớn trong một nước có đến 94,5% dân theo Phật giáo. Ông được đa số quần chúng kể cả quân đội sùng bái. Năm 1992, người ta thấy cảnh tướng Suchinda Kraprayoon, người làm đảo chính trước đó và thủ lãnh chống đảo chính Chamlong Srimuang quỳ trước nhà vua để nghe huấn thị về việc gây nhiều thương vong trong quần chúng. Tiếng nói của nhà vua không thể cãi lại. Chẳng hạn như vừa qua, công chúa Ubolratama buộc phải tuân phục khi bị nhà vua cấm ra tranh cử. Luật khi quân (lèse majesté) rất nghiêm khắc, người phạm tội có thể bị đến 15 năm tù. Một nhà báo nọ có lần trích dẫn câu nói của người Pháp Erasme ở thế kỷ 16: ''Trong thiên đường người mù, người độc nhãn là vua''. Câu trích dẫn này xem qua chẳng liên quan gì đến tội khi quân. Thế nhưng, vì ông Bhumibol vừa là vua vừa là độc nhãn nên nhà báo nọ bị kết tội khi quân và bị kết án tù. Người thứ hai bị kết án tội khi quân gần đây là ông Jatupat Boonpattaraksa khi ông chia sẻ thông tin trên mạng, vào cuối năm 2016, về thái tử sắp lên ngôi. Ông nói rằng vị tân vương này có cuộc sống xa hoa hào nhoáng, có ba đời vợ đều từ hôn, đặc biệt là ông thê thảm cắt đứt quan hệ với người vợ thứ hai cùng bốn người con với bà này. Ông từ hôn với người vợ thứ ba năm 2014 và hiện sống ''độc thân''.

Từ 1932 đến nay đã có tới 20 vụ đảo chính trong đó có 12 vụ thành công. Trung bình cứ khoảng 4-5 năm là có đảo chính. Khởi đầu là trung tá Phibun Songkhram (1897-1964), người ''hùng'' tham gia đảo chính và thao túng chính trường Thái Lan trong gần hai thập niên. Phibun lên làm thủ tướng năm 1938 và đổi tên nước Xiêm (Siam) thành Thái Lan. Trong đệ nhị thế chiến, ông đứng về phía Nhật hoàng, cho phép quân Nhật đóng quân để xâm chiếm Miến Điện (Myanmar) và Mã Lai. Khi quân Nhật bắt đầu bị khốn đốn ở chiến trường, Phibun buộc phải từ chức vào tháng 8-1944. Sau khi Nhật đầu hàng 1945, Phibun bị quân đồng minh bắt và bị lên án tội phạm chiến tranh nhưng cuối cùng được tha bổng dưới áp lực của quần chúng. Phibun trở lại chính quyền lần thứ hai từ 1948 đến 1957 trước khi bị tướng Sarit Thanarat được hoàng gia ủng hộ lật đổ vì nhà vua nghi ngờ Phibun có tham vọng muốn trở thành vua. Phibun buộc phải lưu vong ở Nhật và qua đời ở đó ở tuổi 67. Tướng Sarit lên cầm quyền đến 1963 thì qua đời để nhường chổ cho tướng Thanom Kittachorn đến 1973. Sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1975 với sự thống trị của cộng sản ở ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào, quân đội tiếp tục cầm quyền, chủ trương chống cộng triệt để tuy không ngừng làm đảo chính khi ngân quỹ quốc phòng bị cắt giảm.

Nói chung, quân đội Thái Lan hiện nay có 1800 tướng với 9 tỷ USD ngân quỹ quốc phòng trong một nước có 69 triệu dân vượt xa mức trung bình trên thế giới. Quân đội xứ này bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi thì nương dựa vào giới quần chúng nghèo khi thì nương dựa vào nhà vua bằng những lời tuyên bố dân tuý và dân tộc.


Quân đội và anh em Shinawatra


Hai anh em Shinawatra thật không có may mắn với quân đội. Xuất thân ở Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai ở miền Bắc của Thái Lan trong một gia đình khá giả gốc người Hoa tỉnh Quảng Đông thế hệ bốn, hai anh em lần lượt làm thủ tướng nhưng cả hai người đều bị quân đội lật đổ. Ngày nay ở ngoại ô Chiang Mai vẫn còn có cửa hàng sang trọng bán vải và quần áo tơ lụa cho du khách trong ngoài nước.

Ông Thaksin Shinawatra, một cựu đại tá cảnh sát trở thành tỷ phú trong ngành viễn thông được đề cử làm thủ tướng sau cuộc bầu cử thắng lợi năm 2001. Chương trình tranh cử của đảng Pheu Thai của ông là hứa hẹn trợ giúp nông dân nghèo ở vùng Bắc và Đông Bắc của Thái Lan đặc biệt là có bảo hiểm xã hội phổ quát về sức khoé. Do đó, những người ủng hộ ông Thaksin trở thành những người mà báo chí còn gọi là ''nhóm áo đỏ'' trong những lần xuống đường biểu tình ở thủ đô. Do được quần chúng ủng hộ, ông trở thành cái ''gai nhọn'' không những cho quân đội mà còn cho cả hoàng gia. Vì vậy, ông bị quân đội lật đổ trong tháng 9 năm 2006 trong khi ông đang tham gia Đại hội Liên Hiệp quốc ở New-York. Từ đó trở đi, ông sống lưu vong ở Dubai và London. Những năm sau đó là những cuộc biểu tình khổng lồ của ''nhóm áo vàng'' thân hoàng gia và ''nhóm áo đỏ'' thân ông Thaksin. Tháng 5-2010, quân đội cho xả súng sát hại 90 người ''nhóm áo đỏ'' và làm 1900 người bị thương. Tháng 7-2011, đảng Pheu Thai cùa ông lại thắng cử với 263 ghế trên 500 ở Hạ Viện và người em gái Yingluck của ông được đề cử làm thủ tướng nhưng chỉ được gần ba năm thị bị quân đội lật đổ. Bà Yingluck bị quản thúc trong khi chờ đợi ngày ra toà vì bị cáo buộc có liên quan tới chương trình trợ giá gạo thời đương nhiệm nhưng cuối cùng thành công trốn ra nước ngoài trong tháng 8-2017. Hơn một tháng sau, bà bị toà xử 5 năm tù vắng mặt. Đầu năm 2019, truyền thông đưa tin bà làm giám đốc công ty ở cảng Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông (Shantou International Container Terminals Ltd).

Ngoại trừ cấm đảng Pheu Thai, giới quân đội không còn cách nào khác là sửa đổi luật bầu cử theo hướng thuận lợi cho họ bằng cách cắt xén khu vực bầu cử hay cho bổ nhiệm 250 nghị sĩ ở thượng viện mà không thông qua trực tiếp bầu cử.


Kết quả tạm thời bầu cử


Như trên có nói, kết quả bầu cử chỉ sẽ chính thức công bố ngày 9-5 tới sau khi đăng quang vua mới.

Cuộc bầu cử lần này có nhiều diễn biến bất ngờ. Trước vài tuần bầu cử, công chúa Ubolratama Rajakanya, 67 tuổi, chị của vua, được một đảng nhỏ Raksa Chart thân gần với đảng Pheu Thai đề cử đưa ra tranh cử chức vụ thủ tướng. Đây là lần đầu tiên một người của hoàng gia đứng ra tranh cử trong khi theo truyền thống củ̉a hoàng gia Thái, những người thuộc hoàng tộc phải đứng ngoài chính trị. Nhưng bà công chúa này biện bạch nói rằng bà không còn là công chúa vì đã bỏ tước hiệu hoàng gia khi đi lấy chồng năm 1972 với một người Mỹ bình dân tên Peter Ladd Jensen. Bà ly dị năm 1998 và trở về nước sinh sống từ năm 2001. Trên lý thuyết, bà công chúa này nói có lý. Nhưng đối với quần chúng bà vần là một công chúa. Dù vậy, điều này làm nhà vua cũng như phía quân đội bối rối. Cuối cùng, nhà vua ra lệnh cấm bà chị ra tranh cử trong khi chính quyền cho giải thể đảng Raksa Chart.

Diễn biến bất ngờ thứ hai là đảng Tương Lai Thái (Future Forward) do một đại gia trẻ Thanakorn Juangroonruangkik vừa mới thành lập cách đây một năm về hàng thứ ba trước đảng kỳ cựu Dân Chủ do cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva đứng đầu. Đảng này tự đặt mình vào thế đối lập với chính quyền có sức thu hút trong giới trẻ đặc biệt qua các mạng xã hội. Ông Thanakorn hóm hỉnh tuyên bố: '' Tôi thuộc thành phần 1% người giàu có nhưng tranh đấu cho 99% người khác''. Ông muốn nói rằng ông đấu tranh cho bình đẳng, chống bất công trong một nước mà 1% người giàu chiếm hai phần ba tổng sản lượng nội địa. Cách tiếp cận dân tuý này đưa đến thắng lợi bất ngờ như ông Thaksin đã làm trước đây. Tuy nhiên, ông sau đó bị chính quyền vu cáo tội ''xúi giục nổi loạn'' bằng cách trợ giúp một lãnh đạo chống đảo chính hồi năm...2015 và có khả năng bị 9 năm tù cũng như mất chức dân biểu ở Hạ Viện. Dĩ nhiên, đó là một động tháí chính trị của chính quyền nhằm ngăn chặn sự thành hình liên minh ''Mặt trận dân chủ'' của đối lập.
Đại biểu 7 đảng đối lập liên minh ''Mặt trận dân chủ'' họp báo ngày 27-3 ở Bangkok-Reuters.



Thái Lan có ngoài 50 triệu cử tri trong đó có khoảng 75% cử tri tham dự. Sau khi luật bầu cử thay đổi ngày 12-9-2018, đại biểu ở Hạ Viện được tuyển chọn theo hai thể thức: 350 đại biểu bầu theo khu vực (trực tiếp) và 150 đại biểu bầu theo danh sách đảng (tỷ lệ). Thượng Viện gồm có 250 nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm sau cuộc trưng cầu dân ý năm 201́6. Trước đó chỉ có phân nửa nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm.

Kết quả tạm thời bầu cử cho thấy năm đảng quan trọng về đầu chiếm hơn 84% phiếu. Đảng thân quân đội Phalang Bracharat về đầu với 8,4 triệu phiếu hơn nửa triệu phiếu so với đảng về nhì Pheu Thai, một đảng thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra do bà Sudarat Keyuraphan đứng đầu. Đảng Tân Tương Lai (Future Forward) của nhà tỷ phú trẻ Thanakorn Juangroonruangkik về hàng thứ ba với gần 6,3 triệu phiếu, bỏ xa đảng Dân Chủ kỳ cựu về hàng thứ tư chỉ chiếm được 3,95 triệu phiếu. Đảng Tự Hào Thái (Bhumjaithai) về hàng thứ năm với 3,73 triệu phiếu. Truyền thông Thái nói rằng đảng này có khả năng được chính quyền ''ưu ái'' mời tham gia thành lập chính phủ.

Do luật bầu cử vừa trực tiếp vừa tỷ lệ nên đảng thu được nhiều phiếu không nhất thiết là có được đa số ghế ở Hạ Viện (HV).

Theo nguồn tin Wikipedia, kết quả tạm thời  (trực tiếp lẫn tỷ lệ) là đảng thân quân đội dù có hơn nửa triệu phiếu chỉ chiếm được 116 ghế so với 137 ghế của đảng Vì nước Thái. Ba đảng kế tiếp tuần tự có ghế là: đảng Tương Lai (80 ghế), đảng Dân Chủ (52 ghế) và đảng Tự Hào (51 ghế). [1]

Theo luật bầu cử, thủ tướng do Hạ Viện với 500 ghế và Thượng Viện với 250 ghế bầu ra. Cách tổ chức bầu thủ tướng này rất thuận lợi cho quân đội. Quân đội chỉ cần có 126 đại biểu ở HV là dành được chức thủ tướng trong khi các đảng đối lập phải có tới 376 đại biểu ở HV.

Hai trường hợp có thể xảy ra: trường hợp quân đội không có 126 ghế ở HV như hiện nay sẽ bị HV bỏ phiếu bất tín nhiệm, trường hợp đối lập có đa số ghế ở HV nhưng chưa tới số 376 thì phải thương lượng với Thượng Viện do quân đội bổ nhiệm. Nếu thương lượng bất thành sẽ đưa đến trình trạng bế tắc phải bầu lại.

Trên thực tế, đảng thân quân đội hiện nay chỉ cần ''mua chuộc'' một đảng nhỏ có 10 ghế ở HV là xong chuyện nhưng không tránh khỏi tình trạng bất ổn định khi ''cơm không lành, canh không ngọt''.


Lời cuối


Sau nhiều lần trì hoãn và cho sửa đổi luật bầu cử theo chiều hướng thuận lợi, quân đội cuối cùng cũng không thắng cử mà buộc phải mua chuộc một đảng nhỏ để tiếp tục cầm quyền. Tình trạng này có thể đưa đến sự bất ổn định trong một xứ mà bất bình đẳng xã hội còn quá lớn. Đây cũng là một yếu tố gây công phẩn trong xã hội mà đảng đối lập Pheu Thai đã triệt để khôn ngoan khai thác.

Do đó, có thể khẳng định rằng con đường đi đến dân chú thực sự ở Thái Lan còn dài.


Paris, tháng 4-2019


Chú thích

[1] Do có khiếu kiện, một số địa phương sẽ phải bầu lại. Kết quả, ngoại trừ  có gian lận từ chính quyền, chắc không có nhiều thay đổi.