27 avril 2019

TĂNG MINH PHỤNG: NHÂN TÀI CHẾT BỞI NHÂN TAI





Một ngày đầu năm, tôi bước vào phòng bệnh viện chăm sóc người nhà. Vừa mới ngồi xuống giường thì một bà cụ tầm trạc hơn tám mươi ngồi ở giường đối diện phía trong nhìn tôi chằm chằm, đoạn bà buột miệng bằng một giọng quê Quảng Nam đã pha ít nhiều tiếng Sài gòn: "Tao nhìn mày có gương mặt hao hao thằng Minh Phụng hồi trẻ, hè!". Tôi cứ tưởng bà bảo tôi giống nghệ sĩ Minh Phụng, nào ngờ bà chẹp miệng: - Tội nghiệp thằng có tài mà vắn số, nó chết oan thay cho mấy ổng... - Ẹc ẹc (lúc này tôi đã mường tượng ra Minh Phụng nào rồi)...

Lúc nhỏ tôi có nghe đến vụ án Minh Phụng - Epco rúng động cả Việt Nam thời bấy giờ. Báo chí còn thêu dệt nên một tay chơi Minh Phụng có tiếng khi sáng ăn sáng ở Singapore, chiều uống cà phê ở Hongkong đọc báo về bất động sản. Sau này trên đường run rủi, tình cờ tôi gặp nhiều người ngày trước mang ơn ông, những công nhân của ông, tôi mới biết đó là những điều hoàn toàn bịa đặt.
- Tội nghiệp thằng nhỏ, từ một tay giao hàng dầu ăn đã thành một ông chủ lớn nhưng vẫn lễ phép với người lớn mỗi khi về nhà. Nhà nó ở ngay sau nhà tao, ở đường Hoàng Diệu 2 nè - giọng bà lão chùng xuống - hôm người ta bắn nó là đem đi chôn luôn, không ai được đến gần...

Vừa lúc đó, chị con gái út bà bước vào. Bà lại bảo
- Nè, Trinh..nhìn nó giống thằng Minh Phụng he!
Cô con gái nhìn một hồi, lắc đầu:
- Hông giống!
- Trời, cái thằng Minh Phụng ở gần nhà mình đó mậy!
- Ờ, vậy mà con tưởng Minh Phụng nghệ sĩ!

Hic, bị quê xệ lần 2 😭😭
......

Sở dĩ cho đến bây giờ tôi mới nhắc lại vụ này vì còn phải tìm đọc nhiều tài liệu liên quan, càng đọc tôi càng ngậm ngùi cho một người tài hoa nhưng bạc mệnh. Nhưng không, cho dù là Bill Gates đi chăng nữa thì ở cơ chế này cũng không thoát khỏi kết cục như Minh Phụng. Lỗi của Minh Phụng là dám lớn, lớn hơn cái áo cơ chế, lớn hơn sự hiểu biết về kinh tế của các quan chức ở đất nước này - nơi mà pháp luật chỉ mang tính hợp thức hóa cho mục đích của một số người mà thôi.
Đành rằng việc Minh Phụng mất khả năng chi trả bằng tiền mặt cho Ngân hàng do khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới năm 1997, nhưng việc cho vay và thế chấp tài sản tương ứng để được vay là hoàn toàn hợp pháp. Nếu có sai, thì trách nhiệm phải thuộc về phía thẩm định tài sản do Ngân hàng trước khi cho vay, tại sao lại quy trách nhiệm cho người vay? Hơn nữa với khối tài sản gồm có "169 biệt thự, nhà ở, văn phòng các loại. Hệ thống nhà xưởng, kho hàng tại các khu công nghiệp có 78 cái với tổng diện tích hơn 1,2 triệu m2. Đất chuyên dùng hơn 2,6 triệu m2. Nhà đất của Minh Phụng và Liên Khui Thìn có mặt khắp nơi, từ TPHCM đến các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu..." thì nếu như định đúng giá thị trường, Minh Phụng hoàn toàn thừa khả năng chi trả các khoản nợ đã vay sau khi phát mãi; bằng chứng là với tài sản gồm biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực TP Hồ Chí Minh, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá Tòa án định khi xét xử. Riêng đối với các lô đất mà Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức trước đây (nay thuộc quận 2), theo quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn. Do vậy, có ngân hàng được Tòa án giao cho một số lô đất tại khu vực quận 2, chưa cần phải triển khai xây dựng dự án, cũng không cần đầu tư hạ tầng, qua phiên đấu giá một lô thôi đã thu đủ toàn bộ số nợ trên 15 triệu USD, ngoài ra đơn vị này còn dư ra được số tiền và tài sản trị giá cả chục triệu USD. Thực tế khi xử lý tài sản thế chấp sau này cho thấy, các danh mục tài sản thế chấp là nhà xưởng, kho tàng tại các khu công nghiệp đều có giá khá cao, với thời gian thuê khoảng 40-50 năm, chỉ tính riêng tiền khai thác có ngân hàng đã thu được hàng trăm tỷ đồng. Nhưng trong phiên xét xử, vị luật sư bào chữa cho bị cáo đã phải ngậm ngùi thốt lên: "mỗi m2 đất được Tòa định giá bằng ba cây kem Tràng Tiền"!
...
Vậy thì mọi người có quyền đặt câu hỏi: phải chăng Minh Phụng phải chết để không còn ai kiện cáo số tài sản trên, để nó được "toàn dân sở hữu"?

Mấy hôm trước, đọc thông tin về tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, thú thật tôi không thích gì ông công tử này, cũng như bênh vực các cách thức làm ăn của họ, nhưng việc Nhà nước thu hồi phần BĐS đã bán cho họ thì một lần nữa cho thấy Nhà nước ta làm ăn theo kiểu ..con nít, thích bán là bán, thích lấy lại là lấy lại! Mặc dầu trước đây họ có gian dối hay hối lộ để quan chức bán cho họ với giá rẻ mạt đi chăng nữa thì với quy luật thị trường, khi anh đồng ý bán thì không có quyền gì tố người khác lừa gạt, có chăng là cái tội ngu và tham của cán bộ cần phải xử lý mà thôi! Muốn xử lý doanh nghiệp trên thì Nhà nước chỉ có thể xử lý tội hối lộ (nếu có). Chợt nhớ vụ bầu Kiên cũng vậy, trách nhiệm thuộc về Ngân hàng, họ có quyền thẩm định giá tài sản để cho vay hay không thì lại quy tội cho kẻ đi vay, ai ép anh? Nếu muốn bắt thì căn cứ vào việc có thu hồi được nợ để buộc tội người ta, kiểu thiếu nợ thì ở tù chứ sao lại can tội chiếm đoạt tài sản? Thế mới biết, kẻ cầm cương nảy mực còn không biết Pháp luật là gì, làm sao có thể hô hào người dân "sống và làm việc theo pháp luật"?
Suy cho cùng, Nhà nước ta chỉ thua lỗ khi làm ăn với nước ngoài thôi, còn làm ăn với dân thì đến bao giờ mới lỗ? Luật hả? Hãy điền vào chỗ trống .... những câu thích hợp! Dễ thôi mà...