30 avril 2019

Những mẫu chuyện về ngày 30/4/1975


Nhiều tác giả

Bài thơ sau đây được nhặt từ túi áo một chiến binh miền Bắc tử trận tại chiến trường miền Nam những năm 1969. Trong hồi ký của tử sĩ nầy, người ta còn biết anh là con của bà Trần Thị Phấn ở Hải Dương. Bài thơ nầy được đăng trên báo chí VNCH thời đó. Bài thơ không ghi tên tác giả, được một thường dân miền Nam mến thương cảnh ngộ và ghi lại.

"Từ buổi con lên đường xa mẹ
Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung
Non xanh núi biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ

Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở
Vì hòa bình đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời, ngày nghỉ đêm đi
Giày vẹt gót áo sờn vai thấm lạnh

Có những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi con nhợt nhớ quê mình
Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xanh
Con bướm nhỏ mái đình xưa, ôi nhớ quá!

Vào nơi đây tuy đất người xa lạ
Nhưng miền Nam vẫn cùng một quê hương
Vẫn hàng dừa xanh, vẫn những con đường
Vẫn hương lúa ngọt ngào

Tiếng tiêu gợi nhớ
Con trâu về chuồng
Ðã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ
Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu?

Buổi chợ đông vui, đồng lúa xanh màu
Mái chùa cong buông hồi chuông tín mộ
Lớp học tưng bừng những đàn trẻ nhỏ
Ðang nhịp nhàng vui hát bản đồng ca

Và sau vườn luống cải đã vàng hoa
Ðàn bướm nhỏ rủ nhau về hút mật
Xóm dưới làng trên niềm vui ngây ngất
Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá làng

Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau
Ðã nhiều lần tay con run rẩy
Khi gài mìn để phút sau bỗng thấy
Xác người tung và máu đổ chan hoà

Máu của ai
Máu của bà con ta
Máu của người như con như mẹ
Ðêm hôm ấy mắt con tràn lệ
Ác mộng về, con trằn trọc thâu canh."

(Bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn sưu tầm)


Chuyện những người lính 

Chuyện anh Bình.

Qua anh Vinh, một cựu binh thành cổ Quảng Trị, tôi được số điện thoại của anh Bình. Trong những ngày vội vã về Sài Gòn sửa nhà cho Má, tôi tranh thủ liên lạc với anh.
Bình từng là hạ sỹ quan thủy quân lục chiến Quân lực VNCH, bị cụt cả hai chân trong trận chiến nồi da xáo thịt ở Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa 1972. Hiện nay, anh hàng ngày ngồi xe lăn bán vé số ở khu vực quanh trường đua Phú Thọ. Nhận được điện thoại của tôi, anh mừng lắm, tuy không hề quen biết nhau. Tôi muốn biết hiện anh ở đâu để chạy xe Grab đến. Anh nói tôi: Khi nào đi cứ gọi, tôi sẽ chỉ cho anh là tôi đang lăn bánh nơi nào.
Chiều hôm qua, chúng tôi hẹn nhau trước cửa chung cư Phú Thọ, đường Lê Đại Hành. Thanh toán xong tiền Grab, tôi gọi điện xem anh ở đâu, thì nghe anh nói: „Cứ đứng đó, tôi thấy anh rồi!“. Từ bên kia đường, một người đàn ông ngồi xe lăn băng tới.
Khuôn mặt rạng rỡ của anh, đôi giày da lắp vào đôi chân cụt và cặp nạng trên chiếc xe lăn đã làm tôi xúc động. Tôi rủ anh vào một quán cà phê đầu phố để trò chuyện. Bình nhỏ hơn tôi 3 tuổi nên kêu anh xưng em. Tôi khâm phục sự uyển chuyển, thao tác nhanh nhẹn, kết hợp xe, nạng và đôi tay trong mọi địa hình của anh. Bình đã sống 47 năm bằng phần còn lại của thân thể, nhưng anh không hề là kẻ „phế“, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Tôi nói vậy vì Bình không nhận mình là „thương binh“. Anh nói „Em chỉ là phế binh“.
- Sao vậy?
- Đó là cách phân biệt người lính bị thương ở hai trận tuyến hồi giờ – Bình cười- Em quen với cái danh hiệu đó rồi. Vả lại ngày nay, những cán bộ tuy gọi em bằng từ đó, cũng không còn ác ý như xưa nữa. Họ không còn miệt thị chúng em là đồ „Ngụy“, là lũ „Bám càng“ như xưa. Những năm đầu sau 75, tuy em tàn phế như thế này mà cứ đến 30.4 hay 2.9 là em cũng bị tập trung cùng các anh em „ Ngụy“ đến một nơi. Họ nhốt tụi em 3-4 ngày, bắt gia đình ngày mang cơm đến nuôi, rồi hết ngày lễ trả về nhà. Giờ thì cảnh đó đã may mắn chấm dứt rồi.
- Các anh và những người miệt thị, hành hạ các anh chỉ khác nhau ở sự may rủi. Nếu họ sinh ra ở miền Nam còn anh sinh ra ở miền Bắc thì tình cảnh lại ngược lại thôi – Tôi trầm ngâm.
- Dạ cái số mình nó vậy mà anh. Bình cười hiền khô.
Trong cả câu chuyện của Bình tôi không hề nhận thấy sự hận thù đối với những người đã ngược đãi anh. Đối với cả những người đã bỏ rơi các anh, từ đó đến nay chưa hề có ai đứng ra xin lỗi về việc họ bỏ đất nước, bỏ chiến hữu ở lại, anh cũng không giận họ. Anh coi tất cả đều là số phận, của từng con người, của cả dân tộc.
Số phận đã đưa cậu thanh niên Bình gia nhập Quân lực VNCH, như là nghĩa vụ của mỗi công dân đối với nhà nước. Viên hạ sỹ thủy quân lục chiến đã bị pháo cối băm nát đôi chân trong trận đánh một mất một còn với những người đồng bào ở bên kia chiến tuyến. Bình hoàn toàn tỉnh táo khi được máy bay trực thăng chở đến quân y viện ở Huế. Sau này, đồng đội nói với anh rằng, những người bị thương vẫn tỉnh táo mà sống sót như anh xưa nay là hiếm. Để cứu anh, các bác sỹ phải cắt cả hai chân đến gần đầu gối.
Bình giải ngũ với chứng nhận thương tích 100%. Tuy cảm thấy tuyệt vọng với tương lai của mình, anh vẫn thoát được mối lo vật chất. Chính quyền VNCH cấp cho anh mức lương thương binh hơn 10 ngàn đồng thời đó, khoản tiền khá hậu hĩnh cho phép người thương binh không phải lo cho cuộc sống đến cuối đời.
Ngày 30.4.1975, Bình buồn vì sự sụp đổ của chế độ đang nuôi mình vì đã đổ máu cho nó. Nhưng cũng như hàng triệu người Việt khác, anh mừng vì chiến tranh kết thúc. Anh mừng vì sẽ không còn ai phải chịu những mất mát như anh.
Nhưng chỉ ít ngày sau, anh biết quyển sổ lương thương binh của anh đã mất giá trị. Khủng khiếp hơn thế nữa, nhân phẩm của người thanh niên 21 tuổi cũng bị mất. Những gì xảy ra sau đó, khỏi cần kể. Chỉ biết rằng biến cố đó đã xô đẩy anh đến chỗ lê lết đi ăn xin trên đường phố Sài Gòn, dưới ánh mắt thương xót của người này và trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của kẻ khác.
Trong cái thảm cảnh đó, niềm an ủi duy nhất của anh là: Mình vẫn may hơn nhiều đồng đội khác đã tan xác nơi chiến trường.
Niềm tin vào cuộc sống không bao giờ tắt đã khiến Bình gượng dậy, quyết rũ bỏ kiếp ăn xin để trở thành người bán vé số.
Rồi niềm tin đó được sưởi ấm thêm lên, khi có một người con gái đem lòng yêu thương anh bán vé số tàn phế. Hạnh, cô công nhân nghèo, quyết chung sống với anh, 10 năm sau ngày anh bị mất quyển sổ lương thương binh, bị tước quyền làm người bình thường. Hạnh cũng bỏ nghề công nhân, theo Bình rong ruổi bán vé số. Cuộc đời vé số của gia đình nhỏ bé đó đã kết hoa trái và Hạnh tặng Bình một cháu trai.
Cho đến hôm nay, khi Hạnh đã về già, bị bệnh tật hoành hành, không còn làm việc được nữa, Bình vẫn coi Hạnh là cứu tinh của đời mình và anh vẫn hàng ngày đi bán vé số để nuôi cô.
Tôi hỏi: Cháu trai có giúp được gì cho bố mẹ không?
-Chúng em khó khăn quá, không có điều kiện nuôi cháu ăn học đến nơi đến chốn, vả lại với cái lý lịch „con lính ngụy“ cũng khó cho cháu anh à. Nay cháu đã 30 tuổi và chỉ đi làm bảo vệ cho các cửa hàng, đủ cho cuộc sống của cháu thôi anh. Quan trọng nhất là cháu biết thương ba má nghèo.
Bình lạc quan với cuộc đời vì những tình thương đó. Chiếc xe lăn anh đi, cũng do các linh mục và tín đồ dòng thánh „Chúa cứu thế“ quyên tặng. Anh kể: nhiều người nhìn thấy em, họ mua vé số mà không cần trúng, họ chỉ mua cho em!
Trong các tình cảm đó. Bình nhớ nhất tình cảm của anh Phong.



Chuyện anh Phong
Vào một ngày nọ, Bình gặp một cặp vợ chồng người Bắc sang trọng. Anh Phong, một doanh nhân nhỏ ở mũi Né cùng vợ vào Sài Gòn chơi. Tình cờ Phong gặp Bình và cả hai người đều linh cảm thấy có gì đó gắn bó họ với nhau.
Phong là anh bộ đội miền Bắc, cũng bị thương trong trận giành giật thị xã Quảng Trị hè 1972. Máu của hai anh đã cùng đổ chỉ cách nhau vài mét chiến hào.
Nhưng họ gắn bó với nhau không chỉ vì cùng chứng kiến một thảm cảnh, mà còn vì cùng chia sẻ với nhau một giá trị: Tình người!
Phạm Hùng Phong sinh 1953, nhưng may mắn hơn Bình là tại Hà Nội. 17 tuổi Phong cũng đi nghĩa vụ quân sự như Bình, nhưng may mắn là đi giày vải và đội mũ cối. Chiến tranh đã đẩy cả hai anh đến Quảng Trị để bắn giết nhau.
Trich hồi ký của Vinh Nguyen ở Dortmund (Đức), đồng đội của Phong:
„.. Phong bị trúng 2 mảnh đạn, một mảnh vào đầu, một mảnh xuyên thái dương vào sau mắt phải, ngất đi. Do nằm cạnh cửa hầm, sau đó anh còn bị 2 phát đạn AR15 bắn thẳng vào cẳng chân.
Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trong một chiếc lều bạt của Thủy quân lục chiến (TQLC). Mấy người lính nói giọng miền Nam và giọng Huế đang lao xao quanh anh. Một người lính đeo túi cứu thương cắm phập mũi kim vào vai anh, tiêm 1 liều chống uốn ván, rồi tiến hành băng bó các vết thương. Họ nói trong khi lục soát trận địa, thấy anh còn thoi thóp thở, họ đã khiêng anh về đây. Chắc quân ta tưởng anh đã chết nên khi rút đã bỏ lại. Sau này gia đình anh còn nhận được Giấy báo tử là anh đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Sau khi bị thẩm vấn qua loa, anh khai là Binh nhì thuộc Trung đoàn 48, F320B, họ đưa anh lên xe tải cùng 1 số tù binh khác và chở về Huế. Trong số tù binh đó anh nhìn thấy khoảng 10 đồng đội cùng C1 E48, có cả Đại đội trưởng Mai người Hải phòng, Trung đội trưởng Đông, và cậu Sơn cùng đơn vị huấn luyện.... Nhưng tất cả đều khai là lính mới, mới được bổ sung vào Thành đêm qua, và không ai biết ai cả.
TQLC chở anh vào nằm ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 2 ngày, thấy vết thương khá nặng, họ lại đưa anh ra sân bay Phú Bài tải thương về Đà nẵng. Trên chiếc máy bay C130, ghế ngồi đã được tháo hết, khoang máy bay được cải tạo thành những giá để băng ca, có 5 tầng giá như vậy. Băng ca với thương binh được đẩy vào theo đường ray, rồi xếp lên các giá như xếp sách trong thư viện. Hạ cánh xuống sân bay Đà nẵng, trong khi chờ xe tải ra chở đi, anh tò mò ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Đúng là 1 thế giới khác hẳn, ồn ào ầm ĩ, đầy ngập vật chất và kỹ thuật hiện đại. Anh lạ lẫm nhìn mấy cô gái ăn mặc hở hang, không hiểu là điếm hay nhân viên sân bay, đang ưỡn ẹo cạnh mấy người lính Mỹ. Những người lính Mỹ này vừa hết hạn phục vụ và đang chờ máy bay để về nước.
Xe tải nhà binh chở anh về Tổng y viện Duy tân điều trị. Đó là 1 Quân y viện rất lớn, chủ yếu điều trị thương binh VNCH, nhưng cũng có một khu dành riêng để điều trị thương binh tù binh CS. Khu vực này có Quân cảnh canh gác, còn lại thì không có gì khác biệt trong cách đối xử. Các anh được hưởng quy chế Tù binh của Liên Hợp Quôc, 1 USD/ ngày, còn các chế độ bệnh viện, thuốc men, ăn uống...thì cũng như Thương binh VNCH vậy
Chân anh Phong bị gẫy nên phải bó bột, người ta còn khoét 1 lỗ để thay băng cho vết thương phần mềm ở cẳng chân. Một lần thay băng thấy có dòi, viên Bác sỹ Quân y đã thẳng tay tát người Y tá vì tội không sát trùng kỹ vết thương. Bác sỹ Quân y này tên Khánh, vốn là người Bắc di cư, quê ở phố hàng Đào Hà nội. Thấy anh Phong nói mình cũng là người Hà Nội ở Phố Phan Bội Châu, ông tỏ ra có cảm tình với anh. Ông đã làm tất cả để anh không bị cưa chân và khoét mắt. Sau này, vào năm 2010, có dịp sang Mỹ, anh đã tìm đến Quận Cam dò tìm Bác sỹ Khánh để tri ân. Nhưng tiếc thay, đáy biển mò kim, không thể nào tìm được.“ [1]
(Hết trích)
Anh Phong mong muốn nhờ bạn bè FB tìm hộ bác sỹ Khánh, nghe nói đang định cư bên Mỹ. Tất cả chúng ta ở đây, ai cũng mong cuộc hội ngộ này xảy ra.
Sau khi đọc bài về anh Bình thương binh TQLC, Phong gọi điện cho tôi, kể về những trải nghiệm của anh trong thời gian điều trị ở Tổng y viện Duy Tân (Đà Nẵng). Ở đó, các thương bệnh binh Bắc Việt được điều trị trong một khu riêng có hàng rào thép gai, do quân cảnh canh gác. Nhưng chiều chiều, các thương binh VNCH vẫn kéo đến bên hàng rào bắt chuyện với các tù binh Việt Cộng và họ hay mang thuốc lá cho các anh. Phong và nhiều anh em tù binh khá ngỡ ngàng trước sự thân thiện của những người đồng bào từ phía bên kia.
Trích hồi ký …“Phong bị thương, bị bắt ngày 15.9.1972 và may mắn chỉ nằm trong tay đổi phương có 6 tháng. Tháng 3 năm 1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, Phong cùng đồng đội được máy bay chở ra trao trả ở bờ sông Thạch hãn. Khỏi phải nói gia đình anh mừng rỡ đến mức nào, vì trước đó nhận được Giấy báo tử, họ đã lập bàn thờ làm lễ truy điệu cho anh. Mẹ anh đã khóc hết nước mắt, tinh thần lẫn thân thể suy sụp trầm trọng, thì nay lại thấy anh từ cõi chết trở về. Tất cả bạn bè và người thân ai cũng mừng rỡ cho anh.
Xuất ngũ về với đời thường, anh phải lăn lộn làm đủ nghề để sống. Bán nước ở hè phố, làm thuê, vay tiền đi buôn chuyến Hà nội-Sài gòn, rồi bị lừa trắng tay, ôn thi và đỗ Đại học, xin vào làm cơ quan nhà nước...cái gì anh cũng trải qua. Nhiều lần vết thương cũ tái phát, có lần phải vào Viện 108 mổ dùng nam châm điện để hút mảnh đạn từ sau mắt ra...[2]
(Hết trích)
Để tránh những cơn đau hành hạ các vết thương khi trái gió trở trời ở miền Bắc, Phong phải vào Nam làm ăn và cuối cùng đậu lại ở Mũi Né, nơi anh gây dựng được một cơ sở nghỉ mát nhỏ cho khách du lịch.
Một lần, hai vợ chồng Phong ngồi uống cà phê ở Sài Gòn, bỗng gặp một người bán vé số lết đi từng bàn để mời khách. Đó là Bình. Chiếc mũ lưỡi trai rằn ri của TQLC trên đầu người bán vé số bỗng gợi lại cho Phong những ký ức cũ. Trong suốt bao năm qua, anh không bao giơ quên ơn cứu mạng của những người lính quần áo rằn ri đó. Hai vợ chồng Phong liền mua mấy vé số của Bình để bắt chuyện và hai người linh bỗng kể lại cho nhau những kỷ niệm về trận đánh đó. Cả hai đều nhận ra là mình đang nói chuyện với người mà hồi đó có thế đã xả súng bắn sang phía mình, vì hai câu chuyện khớp với nhau kinh ngac về thời gian và địa hình.
Phong nói với Bình: “Không có lính TQLC cứu tôi, đưa về viện Nguyễn Tri Phương gần đồn Mang cá ở Huế , rồi nặng quá phải dùng máy bay đưa vào Tổng y viện Duy tân ở Đà Nẵng nằm 2 tháng ...thì tôi đã chết rồi”. Cùng bị thương vào chân, nhưng các bác sỹ VNCH chỉ cứu được đôi chân của anh tù binh Việt cộng. Nhìn đôi chân cụt của Bình, nghĩ đến vận may của mình, Phong ngậm ngùi xót xa.
Cùng đổ máu vì nghĩa vụ công dân, nhưng chỉ anh thương binh Bắc Việt được xã hội công nhận. Sự bất công đó phản lại đạo lý của những người Việt Nam bình thường như Phong và Bình.
Chống lại bất công, hai anh đã gắn kết với nhau từ cuộc gặp đó. Chính Phong đã gọi điện cho Bình nói là có anh Thọ ở Đức về đang muốn gặp anh ta.
Tôi xin cảm ơn các anh.
Köln 30.3.2019

[1] Phần 1 hồi ký của anh Vinh https://www.facebook.com/notes/vinh-nguyen/c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-ph%E1%BA%A1m-h%C3%B9ng-phong-nguy%C3%AAn-chi%E1%BA%BFn-s%E1%BB%B9-thu%E1%BB%99c-c1-d1-e48-f320b-qu%C3%AA-qu%C3%A1n-ph/826117854074126/
[2] Phần 2 hồi ký của anh Vinh https://www.facebook.com/notes/vinh-nguyen/c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-ph%E1%BA%A1m-h%C3%B9ng-phong-nguy%C3%AAn-chi%E1%BA%BFn-s%E1%BB%B9-thu%E1%BB%99c-c1-d1-e48-f320b-qu%C3%AA-qu%C3%A1n-ph/827298113956100/

Chuyện anh Ngọc
Nhân ngày 30.4, tôi sẽ sưu tầm và kể lại những chuyện có liên quan đến cuộc chiến tranh đã qua, mong tìm lại được những người con Việt Nam bị lãng quên. Tôi đã tìm được anh Bình, anh Phong. Nay tôi kể về anh Ngọc ở Hà Tĩnh, một nhân vật có thật trong „Đừng kể tên tôi“ của Phan Thúy Hà.
Anh Ngọc là sỹ quan của sư đoàn 320, bị thương vào ngày 29.4 tại Củ Chi, trước khi tiến vào Sài Gòn. Điều cho đến nay anh không giải thích nổi là sau khi trúng đạn, anh vẫn chiến đấu tiếp và 3 binh sỹ VNCH ra đầu hàng anh, hai người cao to mạnh khỏe, một người bị thương. Lúc đầu họ không biết anh Ngọc đã trúng đạn, nhưng khi anh bắt họ dìu anh đi về phía đơn vị ở chợ Tân Quy, Củ Chi thì họ thấy máu chảy đầm đìa ttrên lưng anh.
Tại sao 3 người lính còn vũ khí mà không thủ tiêu một thương binh Việt Cộng, ngược lại họ đã cõng anh đi 20 phút trong khói lửa. Điều này ám ảnh anh Ngọc cho đến hôm nay. Anh vẫn muốn tìm ra ba người lính đó để cảm ơn.
Trích „Đừng kể tên tôi“
Hai mươi phút sau, đám tù binh đưa tôi về đến tận nơi anh em đang nổ súng….
…. Tôi nghĩ mình sẽ không qua khỏi. Muốn nói nhiều hơn nữa. Nhưng rồi ngất xỉu khi nào không biết.
Lúc tỉnh lúc mê tôi nghe tiếng anh Hường đang quát tháo tù binh vì họ kêu đau chân đau vai. Hai tù binh đang khiêng tôi đi. Họ bị lột giày và chỉ mặc quần áo lót.
Tôi thiếp đi.
Trời xẩm tối. Tôi lại tỉnh. Thấy mình đang nằm trong một cái chợ. Xung quanh nhiều người dân.
Một người phụ nữ giọng hốt hoảng: Các chú bộ đội ơi cho tôi tiếp máu người này nhé, người này thiếu máu trầm trọng, yếu quá rồi.
Người phụ nữ mang chai máu khô đến. Cột chai máu vào cái cột đình của chợ. Người dân tản ra để chị thao tác truyền máu cho tôi.
Một bác đánh xe lam đến: Bộ đội cho tôi giúp một tay với. Cần chở thương binh đến bệnh viện nào tôi chở đi.
Anh y tá nghe hợp lý. Bảo bác xe lam chở tôi tới phẫu quân y trung đoàn.
Họ đặt nguyên cả đòn cáng ngang xe lam và mang theo chai máu đang truyền.
Đến nơi họ cáng tôi xuống, đặt ngang trên miệng hố pháo 120 ly của đơn vị hỏa lực vừa rời khỏi.
Anh y tá đi cùng tôi đến đây nói với hai anh vận tải: Các anh khẩn trương đưa anh này lên tuyến sư đoàn.
Hai anh vận tải khiêng tôi chạy. Tôi nằm trên cáng lúc tỉnh lúc mơ. Một tiếng dằn mạnh đau nhói. „Từ từ các anh ơi tôi không thở được nữa. Đau quá các anh ơi đau quá các anh ơi.“ Tôi rên ư ử không thành tiếng.
Một trong hai người nói to: Đừng rên nữa, bọn tao đang cố hết sức đây.
Bất ngờ tôi nằm xoài giữa đám ruộng. Trời mưa, đêm tối. Các anh chạy nhanh quá vấp ngã. Tôi đau điếng. Vừa đau vừa rét. Một trong hai người lại nói: Chú mày thông cảm, đường trơn quá không nhìn thấy gì. Chú mày sẽ được cứu sống, không chết đâu mà lo. Bọn tao đang đi tắt cho nhanh.
Rồi họ lại bước chậm. Họ đang dò đường. Chân người đi trước giẫm phải cái ba lô. Họ dừng lại, lục tìm được tấm ni lông trùm lên người tôi. Tấm ni lông trùm lên tôi ấm hẳn.
Người đi trước nói như reo: Dưa hấu mày ơi, ăn đã.
Đường tắt qua ruộng dưa hấu. Hai người lần nữa thả phạch cáng xuống giữa ruộng. Tôi nói hai anh đặt chiếc mũ lên đầu cho dễ thở hơn, nằm phẳng thế này tôi không thở được. Họ đặt mũ vào gáy tôi. Họ đi tìm dưa hấu. Họ đi tìm dưa hấu ăn trong bao lâu tôi không biết.
- Chết cha không biết thằng thương binh đâu rồi.
- Tao và mày đi tìm hai hướng. Nhớ xát chân vào mặt đất khỏi bước qua cáng mà không biết.
Tôi nghe hai anh nói với nhau mà không sao lên tiếng được. Tôi ở đây. Các anh không tìm được chắc tôi chết ở đây trong đêm nay.
- Ơi thằng thương binh. Mày đang chỗ nào rên thật to lên.
- Bây giờ phải bảo nó rên thật to rồi ghé tai xuống đất nghe cho rõ.
- Ơi thằng thương binh sao khi cần rên mày không rên. Mày rên thật to để tao ghé tai xuống đất xem mày nằm ở góc nào.
Tôi không rên được, không làm sao rên được. Tôi còn sức đâu nữa mà rên hở các anh.
- Ơi thằng thương binh nếu mày chưa chết thì mày cố rên lên để bọn tao còn biết.
Tôi bắt đầu rên được. Tôi rên. Rên to. Bao nhiêu sức dồn hết vào mà rên.
- Rên tiếp đi nữa thằng thương binh ơi.
Tôi lịm đi.
Tôi nghe hai cái tát bộp bên tai rồi mở mắt. Tôi đang nằm trên bàn mổ. Bàn mổ là tấm liếp tre trải ni lông dựng lên trên sáu cái cọc tre. Đây là bệnh viện dã chiến cơ động.
- Quần áo đâu?
- Không biết.
- Lấy cho anh ta cái quần đùi.
Anh y sĩ mặc chiếc quần cho tôi. Tôi nhìn thấy đèn măng sông sáng. Hai anh vận tải khiêng tôi đến đây lúc mười giờ đêm.
Và giờ hai anh y tá khác khiêng tôi đến hầm phẫu. Hầm phẫu nửa chìm nửa nổi có treo một chiếc đèn bão.

Trên thảm rơm thương binh nằm san sát. Tất cả đều im lặng.
Tất cả đều im lặng. Tôi cũng im lặng. Nhìn ra ngoài trời đã hửng sáng.

Y tá đặt tôi ngồi giữa hai thương binh. Một người vừa tắt thở. Họ khiêng người đó ra và tôi thay vào chỗ trống.
Đầu óc tôi đã tỉnh táo. Tôi đau không nằm được. Nằm thì không thở được. Cứ ngồi hai tay ôm đầu gối. Buồn ngủ cứ thế mà ngủ.
Lúc này là tám giờ sáng ngày 30 tháng 4. Trong người tôi lên từng cơn rét.

Tôi nhìn sang người anh đang nằm bên cạnh. Từ khi tôi vào đến giờ anh vẫn ngủ say.
Tôi rét run cầm cập. Nhìn thấy anh đang gối đầu lên cái bọc chiến đấu. Đó là cái bọc của người lính mỗi lần ra trận mang theo bên người. Cái bọc vẫn còn căng. Tôi đoán trong đó có quần áo dài hoặc cái gì đó để đắp. Trên người tôi lúc này vẫn chỉ một chiếc quần đùi. Tôi lay anh dậy để xin mượn. Lay mãi. Tay tôi sờ vào vai anh. Sao lạnh thế này. Tôi mò xuống tay anh xuống chân anh. Lạnh ngắt. Anh đã chết từ khi nào. Cơ thể đã cứng đi rồi.
Tôi nhìn anh nói nhỏ: Anh ơi ta đều lính cả. Anh đi rồi thì anh có cái áo cái quần dài nào cho tôi. Tôi rét quá. Anh cho tôi xin anh nhé. Nói xong tôi đỡ đầu anh lấy cái bọc.
Trong bọc vẫn đầy đủ các loại đồ phục vụ chiến đấu. Tôi chỉ xin anh bộ quần áo dài. Buộc lại gọn gàng, kê lên đầu cho anh như khi nãy.
Y sĩ đi qua. Tôi báo ở đây có người chết rồi.
Nhân viên đưa cáng khiêng anh đi. Chỗ tôi ngồi rộng hơn một tý.
Mười phút sau y tá lại cáng một người khác nằm xuống chỗ anh. Khiêng một anh thương binh vào, khiêng hai cái xác ra. Chốc chốc lại như vậy. Đơn vị quân y của sư đoàn biết mấy chục cái lán như thế này.
Anh đi rồi. Hai hàng nước mắt tôi đầm đìa. Xót xa đồng đội. Chết cô đơn lạnh lẽo. Anh tên gì quê anh đâu người thân của anh là ai. Đêm qua nếu tôi không may thì cũng giống như anh vậy thôi.
Ba tháng sau bình phục trở về đơn vị tôi được anh y tá cho biết người phụ nữ truyền máu cho tôi là bác sĩ có phòng mạch riêng ở Tân Qui, huyện Củ Chi. Chị cùng người dân tình nguyện đi cấp cứu thương binh.
Một chiều chủ nhật tôi nhờ anh y tá đưa đến nhà chị nói lời biết ơn người đã cứu mạng. Chúng tôi đến vừa khi chị đang dắt xe ra khỏi cổng. Anh y tá giới thiệu tôi và nói qua lý do sao chúng tôi lại đến nhà.
Khác hẳn với vẻ hốt hoảng hôm cấp cứu tôi, khuôn mặt chị lúc này nhìn thật xa cách và thờ ơ. Hai anh em tự nhiên lúng túng. Chị nói: các chú bộ đội cứ chờ đây, hoặc đi đâu đó một lúc rồi quay lại, chị lên Sài Gòn có chút việc rồi về.
Ngồi chờ chị ở quán nước sát bên nhà một tiếng đồng hồ chị vẫn chưa về. Chúng tôi phải về đơn vị.
Chủ nhật tuần sau tôi lại đến. Cửa đóng. Tôi sang quán nước hôm trước ngồi. Trò chuyện một lúc người bán nước cho biết chị đã theo đường vượt biên cách đây hai hôm rồi. Chồng chị là đại úy Việt Nam Cộng hòa bị giết năm 1968. Bao nhiêu năm nay chị một mình nuôi con…
(Hết trích)
Kính mong mọi người share bài này để càng nhiều người đọc càng tốt. Sự việc xảy ra ở thôn Tân Quy, Củ Chi trong ngày 29 và 30.4.1975. Hy vọng chị bác sỹ đã tiếp máu và ba anh linh VNCH đọc được sẽ nhận ra anh Ngọc.


 https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2845559822128739
 https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2863664170318304
 https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2845559822128739






















Vì đâu nên nỗi: 87 người bị hải tặc Thái giết chết.


Bà Nguyễn Thị Thương, 36 tuổi, tốt nghiệp Đại Học Hoa Kỳ, tu nghiệp tại Paris, Pháp. Trước 1975, Bà là Giáo Sư Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Bà Thương vượt biển cùng chồng là Giáo Sư Trần Quang Huy, Phân Khoa Trưởng Văn Khoa Đại Học Sài Gòn, cùng với Mẹ ruột, cậu, 2 em trai, 2 em dâu, 4 cháu gái và một con gái nhỏ 3 tuổi. Nhưng chỉ còn Bà, con gái nhỏ của bà, một người em trai của Bà và một em gái của chồng là sống sót.

Ghe mang số SS0646 IA dài 13,5m, chở 107 người khởi hành từ Rạch Giá ngày 01/12/1979. Ra khơi được 3 ngày, thuyền chạy về hướng Thái Lan, khi đã gần tới đất liền thì gặp bọn cướp biển vào ngày 03/12/1979. Hai tàu hải tặc Thái Lan cặp 2 bên hông thuyền, bọn cướp ùa sang với súng và dao. Vì ghe thuyền Việt Nam quá chật hẹp với 107 người, bọn hải tặc đã lùa 27 người sang tàu của chúng cho dễ lục soát vàng bạc của cải.

80 người còn lại bị khám xét cướp hết vàng bạc, vật quý. Sau đó bọn cướp buộc giây vào đuôi tàu của chúng và kéo chạy. Chúng xả hết tốc lực, chạy lượn vòng qua lại làm ghe tỵ nạn nghiêng chìm như một trò chơi. Mọi người la khóc, lạy van cho tới khi ghe chìm hẳn. Bọn cướp biển cắt giây nối và chạy đi, bỏ mặc 80 người vùng vẫy trong tuyệt vọng trên biển cả, trong khi 27 người tỵ nạn trên tàu của chúng vật vã khóc ngất trong đau đớn khi chứng kiến người thân đang dãy dụa và từ từ chìm vào biển cả.

Bọn hải tặc chạy thẳng về đảo sào huyệt Kokra của chúng mang theo 27 người mà chúng đã tách đem lên thuyền chúng trước đó. Nhưng gần tới đảo, chúng xô đẩy tất cả đàn ông xuống biển, buộc họ bơi vào đảo. 7 người dàn ông này đều bị chết đuối vì không đủ sức bơi hoặc không biết bơi để có thể vào đến bờ, trong số này có Giáo Sư Trần Quang Huy. Còn lại 20 người sống sót sau cùng thì bị bọn cướp đưa lên đảo và lập tức chúng lại lục soát, sờ nắn khắp thân thể để tìm kiếm vật quý gì còn cất giấu trong người. Bà BTD (xin viết tắt, giấu tên) 26 tuổi có con 4 tuổi, bị dẫn ngay vào bụi hãm hiếp mặc dù Bà đang mệt lả không đứng dậy nổi vì đói khát, kinh hoàng.

Sau đó, trong suốt 8 ngày liền bị giam giữ trên đảo, 20 thuyền nhân còn lại này đã bị quần thảo- hành hạ-hãm hiếp bởi nhiều nhóm hải tặc khác nhau hàng ngày đổ bộ lên đảo. Các phụ nữ, cô gái phải chạy vào rừng hoặc leo lên hốc đá để ẩn tránh. Nhưng vẫn không thoát khỏi tay bọn dâm tặc. Một lần Bà BTD quá mệt mỏi không còn sức chạy trốn nổi, đang nằm mệt ngất, đang được mọi người săn sóc thì bọn hải tặc lại ùa đến, đuổi tất cả mọi người đi chỗ khác và 4 tên Thái man rợ luân phiên hãm hiếp tàn nhẫn ngay tại chỗ, khiến bà bị kiệt lực nằm im lìm không nhúc nhích được nữa.

Đến ngày thứ 3 trên đảo, một tàu Thái, bên hông có ghi chữ POLICE số 513 tới đảo. Bọn cướp rút lui, chạy tàu ra xa. Chiếc tàu Cảnh Sát neo sát bờ biển, họ chỉ nhìn vô bờ nhưng không lên đảo. Mọi người mừng rỡ tưởng được cứu thoát, một thanh niên bơi ra mang theo một lá thư cầu cứu bằng tiếng Anh để gởi cho giới chức Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc. Nhưng chưa bơi tới nơi đã bị tàu Cảnh Sát Thái nổ súng bắn xuống biển cảnh cáo. Anh ta hoảng hốt bơi quay trở vào bờ. Sau đó mọi người lại đề cử một thiếu niên 15 tuổi liều mình bơi ra cầu cứu lần nữa. Cậu này đã được Cảnh Sát cho lên tàu, nhưng chỉ cho vài gói mì và đuổi xuống biển ngay. Cuối cùng tàu Cảnh Sát này bỏ đi. Sau này mới biết họ đã không hề báo tin vào đất liền.

Ngay sau khi tàu Cảnh Sát bỏ đi bọn hải tặc lại lên đảo và tình trạng tồi tệ-dã man lại tiếp tục diễn ra. Đến ngày thứ 5, một tàu Hải Quân Thái Lan đi ngang qua đảo, nhóm người tỵ nạn chạy ra sát bờ vẫy gọi, làm hiệu và lần này chiếc tàu Hải Quân đã cho người lên đảo và nhận bức thư nhờ chuyển về cho Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Ngày thứ tám, Ông SCHWEITZER, Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan ra đón họ vào đất liền.

Không lâu sau đó Bà Nguyễn Thị Thương sinh thêm đứa con gái út trong trại tỵ nạn Song Khla và Bà sống tại đó với đứa con gái 3 tuổi, người em trai của Bà và một em gái của Ông Trần Quang Huy. Lúc bắt đầu rời Việt Nam, Bà Thương đã có thai gần 9 tháng, chính nhờ vậy mà trong những ngày trên đảo Kokra, Bà đã không bị hải tặc hãm hiếp.

Bà Nguyễn Thị Thương kể lại câu chuyện trên rồi lặng lẽ khóc và nói : “Chồng tôi và tôi đã đoán trước những thảm cảnh có thể xảy ra trên biển. Nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận ra đi vì chúng tôi đã nghĩ rằng: dù thế nào cũng ít tệ hại hơn là sống dưới chế độ cộng sản. Nhưng những đau khổ tôi đang phải chịu đã vượt quá dự đoán của chúng tôi”.

st

-Phần lớn hải tặc Thái xuất phát từ Phuket và phần lớn người dân Phuket theo đạo Hồi.
-Theo ước tính từ Cao ủy tị nạn LHQ: 1975-1997, có khoảng 85 ngàn người đã đi nhưng không bao giờ đến. Họ đã nằm dưới biển cả mênh mông, họ đã nằm trên những rừng rậm, họ đã nằm xuống trên con đường tìm TỰ DO.

Dominic Pham





THÁNG TƯ NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN

Ngô Nhật Đăng

Vai trò của ông Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam :

Năm 1957, trong một cuộc họp gồm các Ủy viên BCT đảng cộng sản TQ thân tín, Mao Trạch Đông phát biểu : “Trung Quốc phải đi ra thế giới, duy nhất bằng con đường Đông Nam Á. Tôi sẽ nói với chủ tịch HCM cho chúng ta mượn đường”. Tại sao Mao Trạch Đông lại có thể có ý kiến như vậy ? Dù là 2 nước đồng minh nhưng việc “mượn đường” không thể đơn giản vì nó còn là thể diện quốc gia ngoại trừ việc 2 “lãnh tụ” này đã có những kế hoạch từ trước.

Trong lịch sử cận đại VN, không thiếu những nhà cách mạng từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để chống lại thực dân Pháp, có những người đã nhận ra dã tâm của họ như cụ Phan Bội Châu ngay sau khi gặp Tôn Dật Tiên, có những người đã thất vọng và bị mang tiếng như Nguyễn Hải Thần vv…

Nhưng rồi xuất hiện một nhân vật sẽ làm ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam cho đến tận ngày nay. Tháng 1 năm 1926, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Trung Hoa Quốc dân Đảng quyết định tiếp nhận di chúc của Tôn Trung Sơn và cương lĩnh chính trị của đại hội thứ nhất, tái khẳng định chủ trương chính trị "phản đế phản quân phiệt". Đại hội quyết định duy trì chấp hành chính sách tam đại là : “Liên Nga, dung Cộng, phù trợ nông-công”. Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã đến dự đại hội này và có bài phát biểu bằng tiếp Pháp, Uông Tinh Vệ lúc đó là lãnh đạo đảng đã chỉ định một người làm phiên dịch cho NAQ có tên là Lý Phú Xuân.

Chi tiết này làm những người nghiên cứu lịch sử nghi ngờ Nguyễn Ái Quốc không phải là Hồ Chí Minh sau này, trước đó khi nhận lệnh của Quốc tế cộng sản sang Trung Quốc hoạt động, NAQ đã viết một lá thư gửi một đảng viên đảng cs Pháp :

“ Ngày 19-9-1924
Đồng chí Treint thân mến,

Ban Phương Đông đã báo tin cho tôi rằng: Ban sẽ chi tiền đi đường cho tôi tới Quảng Châu, nhưng khi đến đó thì tôi phải tự xoay sở tìm lấy công việc.
Hẳn là làm việc để kiếm sống không phải là điều khó, thậm chí ngay cả ở một đất nước mà tôi chỉ biết viết chứ KHÔNG BIẾT NÓI THỨ TIẾNG Ở ĐÓ…”.

Sau khi quay lại châu Âu (Đức) NAQ sang Xiêm (Thailand) và đến cuối năm 1929 mới quay lại Hongkong, thật ngạc nhiên, ông ta đã trở thành một người nói tiếng Trung rất thành thạo, ông liên lạc với đảng cộng sản Trung Quốc :

“Tại cơ quan bí mật của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc tiếp Nhiêu Vệ Hoa. NAQ thông báo về mục đích chuyến công tác là để thống nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản. Tại nơi ở của mình, Nguyễn Ái Quốc tiếp Lý Phú Xuân và Thái Sướng đến thăm. Còn có một đồng chí nữ do ĐCSTQ phái đến đóng vai vợ NAQ để thuê nhà (ở Hongkong lúc đó người có gia đình dễ thuê nhà hơn)”
Trích hồi ký của Nhiêu Vệ Hoa: “Nhớ lại việc tôi tham gia cách mạng”. nxb Giải phóng Bắc Kinh.

(Nhiêu Vệ Hoa, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này công tác ở cơ quan Tỉnh uỷ Quảng Đông, là người được cử tới giúp đỡ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thái Sướng là ủy viên trung ương đảng cộng sản TQ).

Từ một người đến xin sự giúp đỡ của Quốc dân đảng, rồi lại tham gia Bát lộ quân của Mao với chức vụ thiếu tá (Hồ Quang), đến năm 45 rước “Hoa quân nhập Việt” và ngay sau đó lại mở cửa cho quân Pháp quay trở lại với câu nói để đời : “Thà ngửi phân Tây còn hơn ăn cứt Tàu”. Nhưng năm 49 khi Mao nhuộm đỏ Trung Hoa thì ngay lập tức bí mật đến Bắc Kinh nhờ xin Tàu giúp đỡ. Một Câu Tiễn thời hiện đại sẵn sàng nằm gai nếm mật, bất chấp thủ đoạn để mang lại độc lập cho đất nước hay một nhân vật thực hiện một âm mưu thâm độc của “mẫu quốc” ? Chỉ biết rằng từ đây, Trung cộng đã thò bàn tay lông lá của mình vào nước Việt. Hãy đọc một số trích đoạn tài liệu đã bạch hóa của đảng cộng sản TQ giai đoạn : Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve :

"Tích cực đánh là để giành lấy hòa. Càng gần đến ngày họp Hội nghị Genève, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc lại càng chủ trương phải đánh hăng hơn một chút. Phương châm “Lấy đánh thúc hòa” đã được đề ra trong tình thế như vậy.

Sau khi phương châm tham gia Hội nghị Genève đã được xác định, Chu Ân Lai gọi điện riêng cho Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam, yêu cầu Đoàn cố vấn và quân đội nhân dân trước khi thảo luận về vấn đề khôi phục hòa bình Đông Dương tại Hội nghị Genève : “Để giành được thế chủ động về ngoại giao, liệu có thể làm giống như trước đình chiến Triều Tiên là tổ chức đánh vài trận thật đẹp tại Việt Nam hay không ?”

Thế là vấn đề thực thi Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được đưa vào chương trình nghị sự…. .Sau khi nghe báo cáo của Võ Nguyên Giáp, vấn đề đầu tiên mà Chu Ân Lai nêu ra chính là: Nếu như Mỹ không can thiệp, tình trạng Pháp vẫn cứ tăng thêm binh lực đánh tiếp, thì tới bao lâu nữa chúng ta mới có thể giành được toàn bộ Đông Dương? Võ Nguyên Giáp nói, nếu đánh tốt thì chỉ vài ba năm là có thể nắm được. Hồ Chí Minh thì nói “thời gian ít nhất là dăm ba năm”. Ông ta (HCM) thừa nhận: “Ba nước có tình trạng khác nhau. Cơ sở của Việt Nam tốt hơn, cơ sở của Lào và Campuchia kém hơn, cán bộ ở Lào và Campuchia thực ra là người Việt Nam.

(Nhóm biên soạn Lịch sử Đoàn cố vấn, tr.88-89; Chu Ân Lai niên phổ, tr.358).

Chuẩn bị cho Hội nghị Geneve :

“…Chu Ân Lai nói từ chiều, tối mùng 3 một mạch đến sáng mùng 4. Chiều mùng 4, sau khi bài nói của Chu Ân Lai kết thúc, Hồ Chí Minh tỏ thái độ ngay tức thì. Ông nói:

- Hiện Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường, có thể hòa, mà cũng có thể chiến, phương diện chủ yếu là tranh thủ hòa, chuẩn bị chiến. Chúng ta phải giúp Pierre Mendès-France, không để ông ta bị rớt đài, điều này sẽ có lợi cho chúng ta. Vào trước tháng 11, phải làm tốt mối quan hệ với Pháp, tranh thủ được hòa bình, bởi vì trước tháng 11 Mỹ phải bầu cử, sẽ có sự cân nhắc về chuyện can thiệp.

Lời của Hồ Chí Minh chẳng khác gì lời kết luận, tỏ ý tán thành nhất trí với những người dự họp. Tối đó, những người có liên quan của hai bên Trung-Việt đã thức suốt đêm để chuẩn bị văn kiện, tới ngày hôm sau mọi người cùng thảo luận chỉnh sửa theo từng mục, nhanh chóng thông qua bản văn kiện hội nghị : “Về phương án của Hội nghị Genève và vấn đề đàm phán”- Chu Ân Lai niên phổ.




AI ĐÃ GIẢI PHÓNG AI ? DƯỚI MẮT CỦA MỘT NGƯỜI MIỀN BẮC!


Lê Mai Hoa (hiện đang tu nghiệp ở Texas, Hoa Kỳ.)

Đối với những thế hệ lớn lên ở miền Bắc sau năm 1975 cho đến nay thì lá cờ vàng hay chính nghĩa quốc gia là những khái niệm đầy xa lạ, thậm chí bị hiểu sai, bôi nhọ rất nhiều.


Tiếp xúc với VNCH là một may mắn

Tôi sinh ra ở miền Bắc sau khi chiến tranh đã kết thúc, người thân trực hệ cũng không có ai đi tù cải tạo nên suốt những năm tháng ấu thơ, Chiến tranh Việt Nam cũng như những người ở bên kia chiến tuyến là khái niệm rất mờ nhạt.
Thời bấy giờ, chỉ được nghe người lớn kể rằng gia đình vẫn còn mấy ông, bà nữa đang định cư ở Mỹ.
Thời tiểu học, khi thấy tôi háo hức vì sắp được nghỉ học dịp 30/4, mẹ nhẹ nhàng nói: "Con không nên ăn mừng ngày 30/4. Có biết bao con người khổ đau, họ phải treo cờ rủ, mặc áo tang trong ngày đó đấy".
Đối với đứa trẻ miền Bắc khi ấy mới 9-10 tuổi, câu nhắc nhở của mẹ để lại trong tôi nỗi nghi vấn trong nhiều năm sau này, vì trót được dạy rằng 30/4 là ngày "thắng Mỹ.
Một cách khách quan, vào thời đi học, tôi không thấy "Mỹ-Ngụy" là xấu, chỉ thấy nó là cái gì đó mơ hồ, xa xôi.
Cho đến khi hiểu được sơ lược về VNCH, tôi mới thấy hóa ra VNCH thực gần gũi, chính là những người máu mủ mà giờ đây bị chia cắt bởi hai bờ đại dương.
Từ sau 1995 tôi đã dần dần được gặp một số người thân từ Mỹ về. Thời gian đầu, giữa tôi và họ cũng không có gì đậm đà vì sự không hiểu nhau, mà chắc nhiều người tị nạn khi về thăm quê hương cũng gặp tình trạng tương tự.
Sau này câu chuyện có nhiều tiến triển đáng kể do kiến thức của tôi về phía 'quốc gia'.
Nhờ vào quan hệ người thân, tôi đã được tiếp xúc với Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, bà quả phụ của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, ca sĩ Minh Phúc (lúc đang viết bài này thì được tin ông vừa qua đời) và một người cháu nội của cụ Trần Văn Hương đang định cư ở châu Âu.
Tôi cũng từng được Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng và Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại tặng sách, đó vừa là vinh dự cho người trí thức trong nước, cũng là may mắn hiếm hoi của một người trẻ lớn lên ở miền Bắc.

Tôi xem đó là cơ duyên may mắn của mình. Vì với một đứa trẻ miền Bắc lớn lên cùng với hằng hà sa số huân, huy chương chống Mỹ của ông nội, ông ngoại, đó là cơ hội quá hiếm hoi để mở mang đầu óc, xua tan áng sương mù đã án ngữ trong não trạng của người miền Bắc (sau 1954).
Tôi vẫn còn nhớ hai đêm thức trắng đọc cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy của tác giả Nguyễn Tiến Hưng - cuốn sách mà trang của BBC có giới thiệu.
Đọc xong thì vừa trăn trở, vừa xót thương cho số mệnh của dân tộc.


Ngoại lệ hiếm hoi

Nhưng tôi có thể xem là một ngoại lệ hiếm hoi của thế hệ sống tại miền Bắc ngày nay.
Tôi đã tiếp xúc với nhiều người, ngay cả với nhiều tầng lớp người ta vẫn gọi là trí thức. Với những người tử tế, hầu hết trong số họ có mục tiêu lớn nhất là nuôi sống gia đình, còn lớn hơn nữa là nuôi hoài mộng trở thành đại gia, nhưng số người giàu có ý thức làm từ thiện, tác động tích cực ngược trở lại với xã hội không nhiều, chứ chưa nói đến việc xoay chuyển giang sơn.
Cũng không nên nhầm lẫn những người đấu tranh hiện nay là người quốc gia. Tôi còn nhớ có một vị tù nhân lương tâm khi mới sang Mỹ, ngồi họp báo với đồng bào ở Cali nhưng vẫn gọi VNCH là tội đồ của dân tộc vì chống lại sự thống nhất đất nước.
Chuyện đó không quá lạ lẫm với những người lớn lên ở miền Bắc, vì từ khi mở mắt chào đời họ (thậm chí bậc phụ huynh của họ) đã chỉ biết có lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ duy nhất.

Di sản lớn nhất của VNCH là tri thức, hãy gắng truyền đạt nó về nước.
Tùy vào góc độ nhìn nhận của mỗi người, VNCH có những ảnh hưởng riêng với đời sống trong nước như âm nhạc, văn hóa hay… dollar. Tôi biết nhiều người ở Việt Nam sáng đi họp chi bộ, chiều vẫn ký giấy nhận dollar người nhà bên Mỹ gửi về.


Người Mỹ vẫn có cái nhìn về cuộc chiến VN khác với người Việt từ hai miền Nam và Bắc
Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, có người chọn cách không bao giờ bắt tay với Hà Nội, thậm chí không về thăm quê hương, để bảo vệ lý tưởng, có người chủ động về Việt Nam hợp tác với nhà nước, mong muốn đem kiến thức của mình về xây dựng đất nước tuy chưa biết hiệu quả của nó đến đâu.
Nhưng dù chọn cách nào, tấm lòng ái quốc của những người Quốc Gia chân chính thực đáng trân trọng.
Sự thực, trong nước bây giờ không còn quá thiếu thốn về vật chất như thời thập niên 1980.
Cái thiếu của phần đông thế hệ trẻ trong nước hiện nay là lý tưởng phục vụ tổ quốc hoặc phục vụ nhân loại và tri thức.
Đó là thứ tôi lại cảm nhận thấy rất rõ ràng từ những người Quốc Gia đã lớn lên, đi học dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Từ những người trí thức đã thoát ra hải ngoại, nay trở về thăm quê hương cho đến những ông cụ thương phế binh Nhảy dù, Thủy quân lục chiến mà tôi từng tiếp xúc trên mảnh đất miền Nam.
Khi kênh SBTN bằng tiếng Việt ở Hoa Kỳ làm cuốn phim tài liệu về trận chiến Quảng Trị vào năm 2007, tôi còn nhớ một người lính VNCH năm xưa đã trả lời trước câu hỏi về mong ước cho tương lai:
"Tôi mong con tôi sẽ biết làm người."
Người cựu quân nhân nêu trên chỉ hành nghề bán vé số ở thời điểm đó, nhưng nói được câu mà bộ phận không nhỏ người lớn lên phía Bắc vĩ tuyến 17 không bao giờ nghĩ đến.
Vì thế người Việt tị nạn cũng nên hạn chế gửi xa xỉ phẩm về nước cho người nhà.
Thay vì dầu thơm hay chocolate đắt tiền, hãy gắng đem sách vở, tri thức, truyền đạt lý tưởng về chính nghĩa quốc gia cho thế hệ trẻ trong nước.
Họ mới là những người cần biết về ý nghĩa của lá cờ vàng. Họ nên được thấy lá cờ vàng trong những sự kiện tích cực nêu tỏ chính nghĩa quốc gia, chứ không phải làm nền cho những màn chửi bới cộng sản và đả kích lẫn nhau trong cộng đồng.
Họ cũng cần hiểu rằng nhờ có lá cờ vàng, nay mới có cả mấy thế hệ giỏi giang mang dòng máu Việt ở hải ngoại.


Lời kết, mong ước văn minh cho dân tộc

Mỗi người Việt Nam có những cảm xúc, có những số phận khác nhau xung quanh biến cố 30/4.
Nhưng sau bốn thập kỷ, tôi nghĩ chúng ta nên đánh giá sự kiện này theo hướng tích cực.
Nhờ có biến cố ấy mà người Việt Nam có mặt khắp năm châu, nước Việt Nam tồn tại hai thực thể (trong nước và hải ngoại), từ đó tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Xin được kết bài này nhỏ này bằng câu của thi sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn:
"Tôi cố đợi ngày Việt Nam tái sinh, trong sông biển yêu thương."