17 avril 2019

Thực hư về tình hình sức khỏe của TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng


Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Ban Nội chính Trung ương hôm 22/1. Việt Nam chưa lên tiếng trước các tin đồn về tình hình sức khỏe của ông Trọng.

Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào trước những thông tin cho rằng Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải nhập viện khi đang đi công tác ở tỉnh Kiên Giang, trong khi các trang mạng mang tên hai nhà lãnh đạo cao nhất nước lên tiếng phản bác những thông tin này là “xuyên tạc.” 

Hôm 14/4, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết trên trang cá nhân của cô rằng ông Trọng, mà cô gọi là “Anh Tổng Tịch”, nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang vào trưa cùng ngày.
Trước đó báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin và đăng ảnh về chuyến thăm và làm việc của ông Trọng tại tỉnh Kiên Giang trong hai ngày 13-14/4.
Trích dẫn nguồn tin riêng, trang tin tức Thoibao.de có trụ sở ở Berlin, Đức, viết: “Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn trong tình trạng hôn mê sau khi bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) ở Kiên Giang chiều ngày 14/4.”
Thông tin cập nhật vào lúc 7giờ 30 giờ địa phương hôm 14/4 của tờ báo này tường thuật rằng “ông Trọng đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy và bị liệt nửa người bên trái.” Một nguồn tin khác từ trong nước nói với Thoibao.de rằng “Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị xuất huyết não.”
Trong chuỗi thông tin cập nhật về diễn biến sự việc, trang tin này đăng tải nhiều hình ảnh của đoàn xe cứu thương cùng đoàn xe hộ tống đưa ông Trọng từ bệnh viện Chợ Rẫy, ở TP HCM, ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội.
VOA không thể kiểm chứng độc lập các thông tin của Thoibao.de và trên mạng xã hội.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về những thông tin về sức khỏe của ông Trọng.
Trước các thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc ông Trọng phải nhập viện, nhiều người bày tỏ lo lắng về tình hình sức khỏe của người đứng đầu nhà nước.
Nhà văn Nguyễn Viện viết trên trang Facebook cá nhân rằng “tôi cảm thấy lo hơn vui” khi cho rằng “ông Trọng khó có thể trở lại bình thường và tiếp tục làm việc,” bởi theo nhà văn, “khoảng thống quyền lực” sẽ đi kèm với hai hệ lụy gồm “nội bộ khủng hoảng vì tranh giành chỗ trống” và “khả năng can thiệp của yếu tố nước ngoài sẽ khốc liệt hơn.”
Ông Trọng là người lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng, trong đó hàng chục quan chức nhà nước và lãnh đạo các ngành dầu khí, ngân hàng đã bị đưa ra tòa và nhận các bản án nhiều năm tù.

Thông tin "xuyên tạc"?

Cho đến hôm nay, chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng trước những thông tin này. Truyền thông trong nước cũng không không đưa thông tin gì về việc TBT-CTN Trọng bị nhập viện tại Kiên Giang hay ở TP HCM.
Tuy nhiên hai trang web lấy tên lãnh đạo, nguyenphutrong.org và nguyenxuanphuc.org, trong hai ngày qua đưa ra những bản tin cảnh báo về “thông tin xuyên tạc vấn đề sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.”
Bản tin ra ngày 16/4 trên trang nguyenphutrong.org nói rằng “xuyên tạc sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để câu view, làm công cụ đánh bóng tên tuổi, là điều mà đối tượng Lê Nguyễn Phương Trà thực hiện trong những ngày qua, làm dậy sóng dư luận.”
Bản tin trên trang nguyenxuanphuc.org cũng ra ngày 16/4 nói rằng vấn đề sức khỏe của các vị lãnh đạo Việt Nam thường xuyên là “đề tài” để các phần tử xấu lợi dụng, thêu dệt nên những câu chuyện xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.”
“Trước đây nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, hay chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… cũng từng bị lan truyền tin tức bịa đặt về tình trạng sức khỏe,” bản tin này nhận định và cho rằng “mục đích chung của những hành động như thế không khác gì hướng đến việc bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo, xuyên tạc về nội bộ Đảng, Nhà nước.”
Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam thông qua một bộ luật nhằm bảo vệ bí mật nhà nước trong đó quy định các thông tin, bao gồm sức khỏe của các lãnh đạo nhà nước, phải được giữ kín.
Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ "có nguồn gốc và sự tham gia của cơ quan an ninh Việt Nam, được tài trợ bởi một nhóm lợi ích nào đó trong Đảng."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định trong một phần đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng những tin đồn trên mạng, về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh hay ông Trần Đại Quang cho đến rất nhiều sự kiện khác, sau này “tỏ ra đúng và những lời cải chính, biện bạch khi đó của báo chính thống trở thành hết sức lố bịch.”