15 avril 2019

CÓ THỂ CHẤN CHỈNH ĐƯỢC PHẬT GIÁO?


Đinh Minh Đạo


Sư Thích Ăn Mặn

Vụ bê bối của chùa Ba Vàng làm nhiều người sửng sốt, nhưng đối với những ai theo dõi tình hình xã hội Việt Nam, đặc biệt là các sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không ngạc nhiên.  

Đạo Phật đã giải thích mọi sự việc đều là sự biểu hiện của luật nhân quả. Cũng như các tôn giáo khác, phật giáo vốn là một hệ thống văn hóa của tâm linh, tồn tại phát triển từ cách đây hơn 2.600 năm. Báo chí và dư luận đã tập trung sự chú ý vào những nhân vật của chùa Ba Vàng và các thủ thuật lừa dối những người dân đang bị đau yếu, bệnh tật hay gặp khó khăn trong cuộc sống để trục lợi. 


Nhưng  phật giáo nói chung và phật giáo Việt Nam nói riêng vốn có truyền thống nhân đạo, lấy Từ Bi Hỷ Xả là cơ sở để tu đạo và đối nhân xử thế.  Từ khi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), phật giáo rời bỏ răn dậy của Đức Phật, đã từng bước, từng bước trượt dốc đến tha hóa như ngày nay.

  

Chúng ta đều biết, hầu như tất cả các đảng cộng sản theo chủ nghĩa Marx-Lenin đều coi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, như ông tổ Karl Marx của họ đã dậy. ĐCSVN cũng không là ngoại lệ. Ngay sau khi thiết lập chính quyền XHCN ở miền Bắc, nhiều chùa không còn sư sãi, các ngôi chùa bịến thành những kho hợp tác xã hay những nơi hội họp của chính quyền làng xã, phật giáo gần như không còn hiện hữu trong xã hội. Nhưng những người cộng sản luôn là những người có nhiều mánh khóe mị dân và che đậy bộ mặt thật của mình, họ vẫn lập các tổ chức phật giáo các cấp, tương ứng với các tổ chức Đảng và chính quyền.

Trong các cuộc họp của Quốc hội, Ban Tôn giáo hay Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam v...v,  những nhân vật khoác áo cà sa nổi bật trên hàng ghế chủ tịch đoàn, họ được xếp đặt ngồi cạnh những lãnh đạo Đảng và nhà nước, mặc dù trong thực chất, họ không được tham gia vào các công việc của các tổ chức đó. Họ là những đảng viên được “biệt phái” hay những nhà sư ngoan ngoãn đựơc Đảng lựa chọn để “trưng bầy”, để Đảng biện minh rằng, Đảng rất tôn trọng tín ngưỡng và tự do tôn giáo. Họ như những quân cờ mà chủ cờ là Đảng.

Sau năm 1986, để tồn tại, ĐCSVN phải mở cửa về kinh tế, người dân được tự do hơn trong làm ăn kinh tế. Trong vòng xoáy của kinh tế thị trường, chính quyền các cấp đã nhận ra “tiềm năng mới” của Phật giáo. Các chùa vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa là nơi để an dân.

Các tập đoàn kinh tế cũng không bỏ lỡ thời cơ, họ cấu kết với chính quyền từ cấp chính phủ đến các địa phương hình thành các nhóm lợi ích, tiến hành sửa chữa nâng cấp các chùa, đầu tư xây dựng chùa mới. Các khu du lịch tâm linh đua nhau mọc lên, mang lại món lợi to lớn cho các đại gia. Hầu hết các quần thể du lịch tâm linh đều được xây dựng nhập vào cùng tên với các chùa cổ nổi tiếng của Việt Nam. Có thể kể ví dụ dưới đây.

 Chùa cổ Bái Đính tọa lạc tại khu di tích cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình được xây dựng từ thời nhà Đinh, cách đây hơn 1.000 năm, thời đó đạo Phật được coi như quốc đạo. Ngôi chùa cổ tựa lưng vào núi, cùng hai hang động thờ với những tượng cổ, ra khỏi cửa hang phía sau là một thung lũng xanh biếc, xung quanh những dẫy núi được mây bao phủ càng làm tăng phần linh thiêng, cổ kính của  chùa. Bái Đính là một chùa cổ đẹp nhất Việt Nam. Năm 2003, đại gia Nguyễn Văn Trường đã đầu tư quần thể du lịch tâm linh cách chùa cổ 800 m, một chùa mới được xây dựng, được báo chí ca ngợi lớn nhất Đông Nam Á.

Một quần thể du lịch tâm linh khác là chùa Tam Chúc với tổng diện tích 5.000 ha thuộc thị trấn Ba Sao tỉnh Hà Nam, cũng do đại gia Trường đầu tư xây dựng. Chùa Tam Chúc hiện đang hoàn tất sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới, là địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak 2019.

Những ngôi chùa mới xây hoành tráng đứng gần các ngôi chùa cổ, nó giống như đồ giả cổ đứng cạnh đồ cổ thật, Nhưng xã hội Việt Nam do Đảng “dẫn dắt” đã mắc “hội chứng kỷ lục” như: “lớn nhất thế giới”, “cao nhất Đông Nam Á”, “nặng nhất châu Á” v...v, người ta kéo đến các khu du lịch tâm linh đông như chảy hội, để được chiêm ngưỡng các kỷ lục, sẵn sàng dùng tiền bạc cầu xin đức phật linh thiêng ban cho các vận may như làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức…. Các khu du lịch tâm linh đã và đang mang về lãi khủng cho các nhóm lợi ích.

Các chùa không nằm trong các khu du lịch tâm linh, số tiền thu được từ khách du lịch ít hơn, các sư chủ trì và những người cộng tác chắc phải nghĩ ra các mánh khóe để tăng thu nhập. Các thủ đoạn “buôn thần bán thánh” như cúng “giải oan gia trái chủ”, “gọi vong”, “trục vong” v...v của đại đức Thích Trúc Thái Minh chủ trì chùa Ba Vàng là một dẫn chứng sống động. Chùa Ba Vàng chắc chắn không phải trường hợp cá biệt, chùa Ba Vàng chỉ là trường hợp “bị lộ”. Chúng ta phải cám ơn 7 phóng viên báo Lao Động, đã kiên trì trong ba tháng tìm mọi cách xâm nhập vào nơi cúng “giải oan gia trái chủ”, ghi chép những gì được chứng kiến và công bố rộng rãi trong xã hội, phơi bầy những thủ đoạn làm tiền chẳng khác nào cách tống tiền của xã hội đen. Báo Lao Động và các phóng viên đã dóng lên tiếng chuông cấp báo về sự sa đọa của Phật giáo Việt Nam. Chùa là nơi tu luyện, khuyên răn, an ủi phật tử, dân chúng, làm từ thiện, ngược lại, nay chạy theo đồng tiền mà làm những điều ác.

Sự kiện chùa Ba Vàng cũng như hiện trạng  của các chùa của Hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là kết quả của sự lãnh đạo của ĐCSVN sau hơn nữa thế kỷ. Nó là “hoa trái” của phật giáo được Đảng nhuộm đỏ hay còn gọi là phật giáo quốc doanh.

Hoạt động của chùa Ba Vàng, nơi đã được nhiều vị lãnh đạo Đảng và nhà nước thăm viếng và khích lệ bị đưa ra ánh sáng đã bị dự luận toàn xã hội phê phán gay gắt. Những ý kiến lên án gọi đó là sự “mua bán lòng tin”, “buôn thần bán thánh”, “sự đốn mạt của Phật giáo Việt Nam” …

Các ý kiến tuy khác nhau, nhưng đều phản ảnh dư luận xã hội : Chấn chỉnh Phật giáo Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp thiết.

 Nhưng câu hỏi đặt ra : làm thế nào chấn chỉnh Phật giáo trong tình trạng xã hội Viêt Nam hiện nay?

Muốn chấn chỉnh Phật giáo Việt Nam việc đầu tiên là đưa nó trở về một tôn giáo độc lập như nó vốn như vậy. Phật giáo đã được du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 2 nghìn năm, đã tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử và văn hóa Việt Nam. Phật giáo hoạt động hướng thiện, quan tâm đến con người, là niềm an ủi, chỗ dựa tinh thần cho người dân. Vì vậy gìn giữ  truyền thống, sự trong sáng của Phật giáo Việt Nam cũng chính là bảo vệ di sản của dân tộc Việt Nam.

Phật giáo vốn tồn tại và phát triển không phụ thuộc vào các đảng phái chính trị, vì vậy ĐCSVN dùng uy lực cầm quyền để thâu tóm, chi phối, đặt  Hội Phật giáo Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là việc làm khiên cưỡng, làm biến dạng đưa Phật giáo đến “đốn mạt” như hiện nay.

Yếu tố thứ hai, chấn chỉnh Phật giáo phài đồng thời với chấn chỉnh xã hội. Xã hội Việt Nam hiện nay thật đáng bi quan. Đạo đức xuống cấp, tham nhũng trở thành quốc nạn, mua quan bán chức, đồng tiền chi phối mọi lĩnh vực của đời sống...

 ĐCSVN phải chịu trách nhiệm trước hiện trạng của Phật giáo và xã hội Việt Nam.

Cả hai yếu tố để chấn chỉnh Phật giáo Việt Nam hiện nay đều trong tay Đảng, vì vậy trước hết phải chấn chỉnh Đảng. Nhưng Đảng như chúng ta đã thấy, độc tài, tham nhũng, tha hóa đã mất hết lòng tin đối với nhân dân, chấn chỉnh Đảng chẳng khác nào muốn sửa một ngôi nhà đã cũ nát, mái dột từ nóc, tường dệu dã sắp đổ, móng sụt lở, một ngôi nhà như vậy chỉ có thể đập bỏ để xây mới.

Vậy ĐCSVN sẽ làm gì để chấn chỉnh xã hội, chấn chỉnh Phật giáo?



                        Warsaw tháng 04-2019