Thiện
Ý
Một buổi tưởng niệm biến cố 30 tháng Tư tại Westminster, California. |
Thấm thoát mà đã 44 năm (1975-2019), cuộc chiến tranh Quốc-Cộng tại Việt Nam đã chấm dứt nhanh gọn, phi lý và bất ngờ cho cả hai bên nội thù tham chiến, sau 21 năm diễn ra khốc liệt (1954-1975). Thế nhưng theo phân định của chúng tôi, đó mới chỉ là sự kết thúc một giai đoạn của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam kéo dài nhiều thập niên qua. Cuộc nội chiến ấy vẫn tiếp diễn từ sau ngày 30-4-1975 đến nay và vẫn đang tiếp tục, là vì cuộc chiến ấy vẫn chưa phân thắng bại theo nghĩa chưa bên nào thành đạt mục tiêu tối hậu của mình: Việt cộng chưa thành đạt mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; Việt quốc chưa thành đạt mục tiêu dân chủ hóa đất nước. Và vì vậy hàng năm cứ đến ngày 30-4, bên “Việt cộng” (những người Việt Nam cộng sản) thì ăn mừng như một “ ngày đại thắng”; còn bên “Việt quốc” (những người Việt Nam quốc gia ) thì tưởng niệm như một “ngày quốc hận” và coi cả Tháng 4 là “Tháng Tư Đen”. Vì sao ?
I - Ý NGHĨA TỪ NGỮ “NGÀY QUỐC HẬN” VÀ
“THÁNG TƯ ĐEN”
Chúng tôi không biết cá nhân hay đoàn
thể Việt quốc nào ở hải ngoại lần đầu tiên đã dùng từ ngữ “Quốc hận” để
gọi ngày 30-4-1975 và “Tháng Tư Đen” để chỉ tháng 4-1975 . Nhưng điều đó
không quan trọng bằng ý nghĩa của từ ngữ này đã nói lên được điều gì?
Theo suy luận của chúng tôi thì cụm từ “Ngày
Quốc hận 30-4” diễn tả nỗi đau uất hận của những người Việt quốc gia từng
sống ở Miền Nam Việt Nam trước 30-4-1975, dưới chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam
Cộng Hòa. Vì ngày ấy đánh dấu chế độ tự do dân chủ non trẻ ở Miền Nam Việt Nam
bị cưỡng tử, khiến cho gần 20 triệu dân quân Miền Nam Việt Nam lúc đó mất hẳn
vùng đất tự do, rơi vào ách thống trị chế độ độc tài toàn trị Việt cộng.
Chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị cưỡng tử, có
nghĩa là đã bị bắt buộc phải “chết bất đắc kỳ tử”, khi mà chế độ ấy cơ
thể như còn khỏe mạnh, không thể chết được hay ít ra chưa thể chết ngay được,
còn có thể cứu vãn được tình hình để hồi phục và tồn tại. Bị cưỡng tử vì chính
quyền, quân, dân của chế độ có chính nghĩa ấy vẫn còn thừa khả năng chiến đấu
để tự tồn, trước một đối phương Việt cộng phi chính nghĩa, ngụy dân tộc lúc đó
đang ở thế cùng lực kiệt, thực sự không có khả năng để có được một chiến thắng
như “trên
trời rớt xuống” nhanh như vậy.
Thế nhưng, đối phương ấy đã được các thế
lực khuynh đảo quốc tế sắp xếp cho đóng vai “Bên thắng cuộc”, trong một
cuộc chiến tranh Quốc-Cộng kéo dài 21 năm (1954-1975), chỉ vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới
của các cường quốc cực. Thật là điều bất công, phi lý khi họ đã cho phe “Tà
cộng” thắng “Chính quốc”. Quốc tế và đồng minh Hoa Kỳ đã làm ngơ bỏ
mặc Việt Nam Cộng Hòa, trước hành động xâm lăng của Việt cộng, vi phạm trắng
trợn Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày
27-1-1973, dù có những cam kết đa phương và bảo đảm quốc tế.
Như thế bảo sao người Việt quốc gia ở
Miền Nam Việt Nam không uất hận. Chính vì vậy ngày 30-4-1975 đã là “Ngày
Quốc Hận” và Tháng Tư năm 1975 đã là “Tháng Tư Đen” đối với người
Việt quốc gia ở hải ngoại cũng như trong nước. Bởi vì ngày ấy, tháng ấy đã diễn
ra những sự kiện đen tối cho Việt quốc và là ngày tháng khởi điểm đưa toàn cõi
Việt Nam vào một giai đoạn “Đen tối nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời
cận đại”: Giai đoạn cộng sản hóa cả nước!
Vậy thì:
II - VIỆT QUỐC HẬN AI, HẬN CÁI GÌ VÀ HẬN
ĐỂ LÀM GÌ?
1 - Trước hết Việt quốc hận ai và hận
cái gì?
Về mặt khách quan, Việt quốc hận đối phương Việt cộng đã đành, mà còn
hận cả người bạn đồng minh Hoa Kỳ năm xưa, nay đã và đang trở thành là đối tác
làm ăn với cựu thù Việt cộng từ sau 1995, bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ
ngoại giao với nhà cầm quyền Việt cộng..
Về mặt chủ quan, người Việt quốc gia hận những người lãnh đạo hàng
đầu về chính trị cũng như quân sự có trách nhiệm trước sự sụp đổ nhanh chóng
chế độ Việt Nam Cộng Hòa và có thể hận với chính mình nữa.
Thật vậy, người Việt quốc gia ở hải
ngoại 44 năm qua và có thể cho đến lúc chết vẫn mang trong lòng mối hận người,
hận mình, với tính chất và cường độ hận khác nhau.
- Mối hận hàng đầu là đối với đối phương
Việt cộng. Với đối tượng này, tính chất và cường
độ mối hận phải được diễn đạt bằng ngôn từ “căm hận” hay “căm thù”.
Căm hận hay căm thù Việt cộng là điều tất nhiên, vì là đối phương, kẻ thù chính
trong một cuộc chiến phi nghĩa do họ phát động, tiến hành đã gây nhiều hận thù
trong chiến tranh. Và sau cuộc chiến tiếp tục gây nhiều thù hận vì đã xích hóa
nhân dân cả nước dưới chế độ độc tài cộng sản hà khắc, tàn bạo, phi nhân.
Trong chế độ này, Việt cộng đã sử dụng “Chuyên
chính vô sản” cướp đoạt mọi tài sản của nhân dân Miền Nam (bị miệt thị là “Dân ngụy”), đầy ải hàng trăm ngàn quân, dân, cán chính chế độ
Việt Nam Cộng Hòa trong các trại tù “Tập trung cải tạo”. Trong khi cha,
mẹ, vợ con họ ở nhà bị Việt cộng phân biệt đối xử như những công dân hạng hai,
bị bạc đãi, xua đuổi khỏi các thành thị hay các vùng đất mầu mỡ, đẩy đến các
vùng kinh tế mới nơi đèo heo hút gió, đồi núi khô cằn hay bùn lầy nước đọng;
phải bỏ lại tất cả nhà cửa, đất đai tài sản và các tiện nghi khác nơi các thành
thị hay nông thôn, nhường lại tất cả cho “Bên thắng cuộc” mà trên hết và trước
hết là cho giai cấp mới, giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức có quyền
thụ hưởng.
Không căm hận và thù hận sao được, khi
khởi đi từ Tháng Tư Đen 1975, Việt cộng đã đưa cả đất nước và dân tộc vào một
thời kỳ bi thảm và đen tối nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam. Bởi vì từ đó,
Việt cộng đã phá nát tài sản quốc gia, của nổi cũng như của chìm, nhượng đất,
nhượng biển cho ngoại bang, làm băng hoại toàn diện đất nước về vật chất cũng
như tinh thần. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nền đạo đức
luân lý xã hội cổ truyền đã bị đảo lộn, phá hủy, thay vào đó cái gọi là “Nền
đạo đức cộng sản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa” vô luân, vô thần. Mọi tôn
giáo, tín ngưỡng của người dân đều bị bài bác và tìm cách tiêu diệt qua các
hành động chống phá các giáo hội và đàn áp, khủng bố các chức sắc giáo hội và
tín đồ dưới nhiều hình thức tinh vi, thâm độc. Mọi tầng lớp nhân dân bị bác đoạt
các dân quyền và nhân quyền cơ bản. Đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân
bị đói khổ lầm than và sự cách biệt giầu nghèo giữa thiểu số giai cấp thống trị
cán bộ đảng viên cộng sản với tuyệt đại đa số nhân dân ngày một sâu sắc. Hệ quả
là sau nhiều năm cầm quyền, Việt cộng đã làm tan hoang đất nước, lòng người ly
tán, hận thù và đói nghèo, di hại toàn diện và lâu dài cho nhiều thế hệ Việt
Nam tương lai phải gánh chịu… Nếu như vào năm 1995, không được cựu thù “Đế quốc Mỹ” mở rộng vòng tay tạo cơ hội thoát hiểm để có bộ mặt
“phồn vinh” như hôm nay. (Xin “Bên thắng cuộc” Việt cộng đừng vì tự ái mà vội
phủ nhận và ngụy biện về thực tế này)
Hận kẻ nội thù Việt cộng là như thế, còn
đối với người bạn Hoa Kỳ đồng minh năm xưa thì sao, Việt quốc hận gì?
Tất nhiên là có hận, nhưng mối hận có
khác về tính chất và cường độ được diễn đạt bằng ngôn từ “Oán hận” hay “Uất
hận”. Nó tương tự như mối hận của một người tình bị phụ bạc sau những năm
chăn gối mặn nồng tưởng như chung thủy. Vì sao hận và hận cái gì?
Câu trả lời chi tiết thì đã được nhiều
người đưa ra, còn câu trả lời tổng quát thì đã được Tướng Nguyễn Văn Thiệu, vị
Tổng Thống dân cử cuối cùng nền Đệ nhị chế độ Việt Nam Cộng Hòa đưa ra trong
bài diễn văn từ nhiệm ngày 21-4-1975 trước khi kịp “lưu vong”, rằng “Họ đã bỏ rơi chúng tôi. Họ bán rẻ chúng
tôi. Họ đâm sau lưng chúng tôi. Thật vậy, họ đã phản bội chúng tôi. Một nước
đồng minh lớn đã không làm tròn lời hứa với một nước đồng minh nhỏ…” Đây là những lời tố cáo muộn màng của người lãnh đạo
cao nhất chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau 9 năm cầm quyền, chẳng thay đổi được
gì, chỉ bầy tỏ nỗi uất hận của cá nhân và cũng là mối uất hận chung của quân,
dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa trước sự “phản bội” của Hoa Kỳ.
Sự bầy tỏ uất hận trên đây của cố Tổng
Thống Thiệu có tính đổ lỗi cho Hoa Kỳ, song vẫn không tránh khỏi mối hận thứ ba
của người Việt quốc gia đối với cá nhân ông Thiệu và tập đoàn lãnh đạo chính
trị cũng như quân sự chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Vì chính họ đã là một trong những nguyên
nhân chủ yếu làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30-4-1975, đã tạo
tiền đề cho ngoại bang để cho Việt cộng đóng vai “Bên thắng cuộc” trong
cuộc chiến, dù chỉ là chiến thắng giả tạo (Chiến thắng biểu kiến như chúng tôi phân
tích trình bầy trong tài liệu nghiên cứu lý luận“Việt Nam Trong Thế Chiến Lược
Quốc Tế Mới”) song thực tế đã để lại nhiều hậu quả
nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho nhân dân, dân tộc và đất nước
Việt Nam, như mọi người đã biết.
Oán hận và uất hận, vì với trách nhiệm lãnh đạo, họ đã để mất
Miền Nam Việt Nam vào tay Việt cộng một cách dễ dàng, chóng vánh và
hầu hết trong số họ đã kịp cao bay xa chạy di tản ra hải ngoại trước khi chế độ
Việt Nam Cộng Hòa bị cưỡng tử, để lại sau lưng hàng trăm ngàn quân, dân, cán
chính cho đối phương Việt cộng hành hạ, sỉ nhục trong các trại tù “Cải tạo”
nhiều năm sau đó. Nhất là đã đẩy gần 20 triệu nhân dân Miền Nam Tự do rơi vào
ách thống trị cộng sản độc tài và độc ác, cùng chia khổ và bị xích hóa với nhân
dân Miền Bắc trong gông cùm của cái gọi là “Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam” kéo dài ít nhất là hơn 20 năm (1975-1995) và sau đó
cho đến hôm nay (2019) Việt Nam đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực
khởi đi từ 1995, khi Hoa kỳ bãi bỏ cấm vận, tạo thuận lợi cho chính sách “Mở
cửa” đưa Việt nam từng bước hội nhập với thế giới văn minh.
Trên đây là những mối “Hận người”, còn
với “chính mình” thì sao?
Có lẽ người Việt quốc gia cũng phải xét
mình để tự “hận mình”, song với tính chất và cường độ có khác, được diễn
tả bằng từ “ân hận”. Tùy vị trí trong xã hội Miền Nam, trong tương quan
với cuộc chiến để có “mối ân hận khác nhau”. Ân hận rằng nếu như ngày
ấy, ở vị trí ấy mình nên làm thế này, không nên làm thế kia thì có thể đã góp
phần xây dựng và củng cố chế độ, chính quyền, quân đội, xã hội ở Miền Nam ngày
một vững mạnh, để không thể xẩy ra “Ngày Quốc Hận 30-4-1975”,
ngày cuối cùng của một “Tháng Tư Đen”?
Chẳng hạn là người chỉ huy lãnh đạo các
cấp chính quyền, quân đội “ân
hận” vì đã không quan tâm đúng mức và dồn hết tâm lực cho cuộc chiến chống
cộng bảo vệ chế độ dân chủ Việt Nam Cộng Hòa và phần đất Miền Nam tự do. “Ân
hận” vì đã lợi dụng vị trí lãnh đạo, chức quyền mua quan bán chức, nuôi
dưỡng lính ma lính kiểng để thủ lợi, tham nhũng, đục khoét của công để làm giầu
bất chính; tập trung vào các hoạt động hưởng thụ, ăn chơi trong lối sống tương
phản với cuộc chiến đấu gian nguy của những người lính tham chiến trực tiếp với
Việt cộng và đời sống thiếu thốn của gia đình họ ?- Ân hận vì đã cấu kết bè
phái để tranh danh đoạt lợi, ám hại những người công chính, coi lợi ích cá nhân
và phe nhóm cao hơn lợi ích chống cộng; khoán trắng việc chống cộng cho Hoa Kỳ
và coi việc chống cộng thắng bại là trách nhiệm của Hoa Kỳ, do Hoa Kỳ hoạch
định, tài trợ mọi mặt?
Chẳng hạn là những thương gia ân hận vì
đã chậy theo lợi nhuận, móc ngoặc, mua chuộc hủ hóa các viên chức chính quyền
quân sự cũng như dân sự, môi giới buôn bán vũ khí và cung cấp lương thực cho
Việt cộng….?
Chẳng hạn, là bậc cha mẹ đã ân hận vì đã
tìm cách chậy chọt cho con làm lính ma, lính kiển, để được về phục vụ hậu
phương xa chiến trường lửa đạn. Là thanh niên ân hận vì đã hèn nhát, tham sống
sợ chết, tìm cách trốn lính khi đến tuổi thi hành nghĩa vụ trai thời loạn.
Chẳng hạn là những người gốc Việt cộng,
hay ngưỡng vọng Việt cộng, hay “Nằm vùng”, “ăn cơm quốc gia thờ ma
cộng sản” sớm muộn nay đã “phản tỉnh” thì ân hận vì những nhận thức,
hành động sai lầm trong quá khứ làm lợi cho Việt cộng, hại cho Quốc gia ngày
ấy….
2 - Đến đây, Việt quốc mang mối “Hận” để
làm gì?
Theo suy luận của chúng tôi, đối với
Việt cộng, Việt quốc “căm hận” không phải nuôi chí phục thù rửa hận theo
kiểu “Răng
đền răng, mắt đền mắt”
thời Trung Cổ ở Tây Phương; cũng không phải tìm cách diệt đến người Việt cộng
cuối cùng. Vì điều này không phù hợp với bản chất nhân đạo và lý tưởng chiến
đấu của Việt quốc (mà
dù ai đó vì “căm thù Việt cộng” có muốn thế cũng không thể làm được).
Nhưng điều Việt quốc có thể, đã và đang
làm và chắc chắn làm được để “phục thù” Việt cộng là kiên trì đấu tranh
vương đạo như đã kiên trì đấu tranh 44 năm qua nhằm làm tiêu vong toàn bộ chế
độ độc tài toàn trị Việt cộng để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên,
đa đảng tại Việt Nam. Thắng lợi sau cùng này của cuộc đấu tranh sẽ khẳng định
sự tất thắng của chính nghĩa quốc gia và như thế là Việt quốc đã rửa được mối “Quốc
hận 30-4-1975” ?
Đối với người bạn đồng minh Hoa Kỳ năm
xưa, từng là đối thủ trong chiến tranh, nay
lại là “Đối tác” làm ăn với Việt cộng, song cũng vẫn đang là
đồng minh với Việt quốc về mục tiêu hiện thực lý tưởng tự do, dân chủ và nhân
quyền cho Việt Nam. Mối “oán hận” chỉ nên coi là bài học kinh nghiệm để
có cách ứng xử thận trọng và khôn ngoan hơn trong tương lai sao cho có lợi cho
sự nghiệp chống cộng vì tự do dân chủ cho Quê Mẹ Việt Nam. Đó là bài học kinh
nghiệm về tinh thần độc lập tự chủ, sức mạnh đoàn kết và luôn chủ động trong tổ
chức, chiến lược, chiến thuật đấu tranh chính trị, ngoại giao, truyền thông, để
huy động được sức mạnh nội lực (trong nước)
cũng như ngoại lực (quốc
tế), nhưng luôn dựa trên sức mình là chính
để chống cộng và thắng cộng.
Đối với những người lãnh đạo có trách
nhiệm đã để chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp
đổ, mối hận của Việt quốc đến nay sau 44 năm dường như đã được cảm thông và
tha thứ phần nào đối với những người còn sống hay đã khuất. Có lẽ vì nghĩ lại,
trong bối cảnh Miền Nam vào những năm tháng cuối cùng trước khi rơi vào tay
Việt cộng, Hoa kỳ đã có ý định bỏ cuộc và cố tình tạo tiền đề thuận lợi cho
Việt cộng cưỡng tử Việt Nam Cộng Hòa càng nhanh càng tốt, để khỏi phải dính líu
thêm nữa, rút ngắn thời gian đi vào thế chiến lược quốc tế mới; thì cá nhân cố
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tập đoàn lãnh đạo chính trị cũng như quân sự
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó cũng chẳng làm được gì hơn là trốn chạy để
bảo toàn tính mạng; trừ khi họ dám chọn cái chết hào hùng để trở thành anh hùng
bất tử như các vị Tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Trần Văn
Hai, Lê Nguyên Vỹ... Tiếc rằng phần đông họ đã không chọn con đường như vậy.
Thôi thì công tội của họ xin hãy đề lịch sử mai này phán định công minh.
Riêng mối hận mình, mỗi người trong bên Việt quốc hãy tự xét mình xem
có điều gì “ân hận” về những gì nên làm đã không làm hay không nên
làm mà đã làm có lợi hay có hại cho Việt quốc, có lợi cho Việt cộng trong cuộc
chiến tranh Quốc- Cộng hôm qua?- “Ân hận” để tự rút ra bài học kinh
nghiệm vận dụng vào cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho Quê Mẹ Việt Nam hôm
nay, để chỉ nên làm những gì có lợi , tránh làm những gì có hại cho sự nghiệp
chống cộng vì tự do dân chủ cho đất nước.
Có như vậy Việt quốc mới rửa được “Quốc
hận 30-4-1975”, ngày cuối cùng của “Tháng Tư Đen”, để đưa cất những
ngày, tháng, năm này đi vào những trang lịch sử đen tối nhất của dân tộc, đất
nước, mở ra những trang sử mới tươi sáng cho Tổ Quốc Việt Nam.
(Houston, Tháng Tư năm 2019)